Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Hay và dở



(VHPGO) Tôi nhớ những ngày đầu tìm đến cửa thiền. Tôi và người bạn thường đi nghe Pháp thoại và tọa thiền. Thứ 2-4-6 tọa thiền, 3-5-7 nghe Pháp tại Thiền Viện Chân Không.

Chúng tôi tiếp nhận Phật Pháp không khác gì đói ăn khát uống. Ngày nào cũng hăng hái, mặc đồ mẻ, vai mang túi xách. Mỗi một bài Pháp thoại của Thầy như một vườn hoa lạ, như những liều thuốc bổ dưỡng cho tâm linh, trí não.


Một hôm, trên đường về người bạn tôi nói, thầy A giảng hay hơn thầy B. Tôi nói, anh thấy vậy à?

Ông bạn liền bắt đầu cuộc phân tích, mổ xẻ theo cái thấy của mình. Rồi quay sang hỏi tôi, ông có thấy vậy không? Tôi không thấy gì cả, không thấy dở cũng không thấy hay. Người bạn bắt đầu ra sức thuyết phục, cố tóm cổ tôi để lôi theo con đường của anh ta, theo ý anh ta. Khuôn mặt anh bắt đầu biểu hiện sự không hài lòng. Rồi anh quay sang nặng lời: “Ông không phân biệt được à? Chẳng lẽ người ta đưa gì ông ăn nấy, đưa phân cũng ăn sao?” Tôi cười, quay sang nhìn người bạn trìu mến mà không nói gì cả.

Rồi thời gian sau, chúng tôi ít đi nghe pháp, ít lên Thiền Viện. Chúng tôi vẫn duy trì trao cho nhau những cuốn sách Kinh, sách Thiền… Những buổi café hay buổi trà, chúng tôi đều gọi đó là những buổi Thiền, café Thiền, Trà Thiền… Có lúc, chúng tôi chia sẻ những công án, những lời Kinh. Nhưng cũng có lúc chúng tôi ngồi lặng im, chẳng nói câu nào. Chúng tôi có thể ngồi với nhau cả buổi, cả ngày. Ngồi có mặt với nhau, ngồi im chẳng nói năng gì, còn hơn là khua môi cho mệt mỏi.

Câu chuyện hay và dở ngày xưa, theo thời gian bạn tôi đã hiểu. Tại thời điểm đó, với căn cơ anh ta cho là có hay, có dở. Nhưng tại thời điểm này, với căn cơ anh không còn thấy hay dở nữa. Đối tượng vẫn giữ nguyên, sự vật không thay đổi, chỉ có con người thay đổi mà thôi.

Khi quán sát kỹ thì chẳng có gì hay, cũng chẳng có gì dở. Hay dở là do tâm sinh phân biệt. Con người thích khen hơn chê, thích hay hơn dở. Đó là cái nhìn nhị nguyên, phân biệt trên dưới, cao thấp, cũng do chấp ngã mà ra.

Biết hay, biết dở mà không theo, không nghiêng ngã, thì chẳng có gì đụng đến ta được. Khi ngồi thiền, chúng ta có thể nghe rõ ràng từng tiếng động, tiếng chó sủa, tiếng quạt máy, thậm chí tiếng nhạc hay nghe êm tai. Rồi ta theo tiếng nhạc mà phóng tâm, ôi bài nhạc hay quá, tựa đề là Đóa hoa vô thường, bài này là của Trịnh Công Sơn v.v… Đó là ta đã phân biệt, đã bám chấp, đã nghiêng ngã rồi…

Ta phải có khả năng liễu biệt tất cả thì mới ngồi yên, mới định được. Ta có thể tự do mà ung dung bước thảnh thơi. Vô phân biệt trí thì sanh tử không trỗi dậy, đẹp xấu không còn tranh giành.

Vì lầm cầu Phật… thế thôi!

Cầu Thiền bởi trót mê lời u mê.

Cầu thiền, cầu Phật mà chi,

Ngồi im chẳng nói câu gì là hơn.

(Ni sư Diệu Nhân)

Huệ Phong

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=1070