Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Chuyện hai người đi buôn


Thưở xưa trong nước Kàsi, tại thành Ba-la-nại có một vị vua tên là Bramadatta. Khi ấy Bồ-tát được sanh trong một gia đình thương gia làm chủ đoàn lữ hành, và tiếp tục lớn lên, đi chỗ này chỗ kia buôn bán với trăm cỗ xe, khi thì đi từ Đông qua Tây, khi thì Tây qua Đông. Tại thành Ba-la-nại có một chủ đoàn lữ khách khác còn trẻ và ngu si, không giỏi tùy cơ ứng biến.

Lúc bấy giờ, sau khi chất đầy năm trăm cổ xe với hàng hóa có giá trị lớn, Bồ-tát sẵn sàng lên đường. Người chủ đoàn lữ khách trẻ và ngu si kia cũng chất đầy hàng hóa tương tự trên năm trăm cỗ xe khác , sẵn sàng lên đường. Bồ-tát suy nghĩ : “Nếu người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ này đi cùng với ta, với một ngàn cỗ xe, cùng đi một lần trên con đường sẽ không thể chịu nổi; thật sẽ khó tìm được củi, nước cho đoàn người, và cỏ cho các con bò. Hoặc là nó, hoặc là ta sẽ đi trước”.


Ngài nhắn tin mời người ấy đến, trình bày sự việc và nói:
- Hai chúng ta không thể đi cùng một lần được.Vậy bạn sẽ đi trước hay đi sau?
Kẻ ấy suy nghĩ : “Nếu ta đi trước , sẽ có nhiều lợi ích, ta sẽ đi con đường chưa bị hư phá; các con bò sẽ ăn cỏ chưa bị đụng chạm; còn các người nhà ta sẽ hái được những ngọn lá nấu ca-ri chưa bị đụng chạm, nước được lặng; và sau cùng định giá bán theo sở thích, ta sẽ bán các hàng hóa”.
Nghĩ vậy kẻ ấy nói :
- Này bạn , tôi sẽ đi trước.

Còn Bồ-tát thấy đi sau có nhiều lợi ích vì ngài lý luận như vậy : “Những người đi trước sẽ san bằng những con đường chưa được san bằng. Ta sẽ đi con đường đã được họ đi qua. Các con bò của họ sẽ ăn cỏ đã chín, đã cứng, còn các con bò của ta sẽ ăn cỏ mới mọc và ngọt; người của ta sẽ tìm được những lá ngọt nấu cà ri mới mọc tại chỗ lá đã được hái đi. Tại chỗ không có nước họ phải đào để lấy nước. Chúng ta sẽ được uống nước trong các giếng đã được đào lên. Việc định giá giống như sát hại mạng sống con người, ta đi sau sẽ bán theo theo giá thông thường như đã quy định” .

Khi thấy những lợi ích như vậy, Bồ-tát nói :
- Này bạn , bạn hãy đi trước .
(Tiền thân Apanaka , Jàtaka số 1)

*

Theo các suy nghĩ phổ biến trong nhiều người, đạo Phật là đạo “tu hành, diệt dục, xuất thế gian” và làm các công việc như kinh doanh là phải thủ đoạn ,tính toán đi ngược với việc “tu hành”. Chỉ mới trong thời gian gần đây, các tư tưởng Phật giáo mới được áp dụng trong giới kinh doanh. Ít người biết rằng, các vấn đề về kinh doanh được bàn rất nhiều trong các kinh điển Phật giáo. Đoạn văn nói trên trong Jàtaka số 1 đã đề cập đến vài suy nghĩ trong kinh doanh và trong cuộc sống.

Khi Bồ-tát mời người chủ đoàn lữ hành trẻ tuổi đến, ngài đã cho vị trẻ tuổi này quyền chọn lựa đi trước hoặc đi sau: “ Hai chúng ta không thể đi cùng một lần được . Vậy bạn đi trước hay đi sau ?”. Điều này rất khác lạ so với nhiều quan điểm của một số doanh nhân hiện nay. Thương trường được ví như chiến trường, thì kinh nghiệm hay được nói tới là “tiên hạ thủ vi cường”, nghĩa là “thời cơ cần phải chóp lấy trước các đối thủ ạcnh tranh”. Sách dạy kinh doanh cũng nói tới quan điểm “win win”, nghĩa là cả hai cùng thắng. Tuy nhiên “cả hai” đây có nghĩa “ta và đối tác của ta” chứ ít khi (hoặc chưa thấy) nghe thấy ý nghĩa “ta và đối thủ cạnh tranh của ta”. Trường hợp như Bồ-tát và vị trẻ tuổi có thể diễn tiến như thế nào trong thời đại ngày nay? Nếu cạnh tranh là “lành mạnh, hai đoàn sẽ bắt thăm xem ai đi trước. Nếu không có thỏa thuận gì thì sắp xếp khởi hành càng sớm càng tốt, cố gắng trước đoàn kia. Nếu cạnh tranh không lành mạnh thì một đoàn sẽ tìm cách cản đoàn kia bằng cách hủy hoại tài sản, phương tiện vận chuyển của họ.

Hành động của Bồ-tát không chỉ đơn thuần là “lòng tốt”. Theo nguyên lý nhân quả, muốn có kết quả là người khác giúp mình thì mình phải gieo nhân bằng cách giúp nhiều người. Vì thế, khi cho vị trẻ tuổi chọn lựa. Bồ-tát đã gieo một cái nhân tốt mà quả của nó ở tương lai sẽ được nhiều người giúp đỡ. Có người sẽ lập luận rằng: “Việc nhường quyền chọn này sẽ làm cho Bồ-tát bất lợi”. Theo luật nhân quả, hành vi tốt sẽ đem kết quả tốt, hành vi xấu sẽ đem lại kết quả xấu. Vì thế nếu cho rằng việc “nhường quyền chọn” (hành vi tốt) đem lại bất lợi (kết quả xấu) thì lập luận này là một suy nghĩ phủ định luật nhân quả. Người suy nghĩ phủ định luật nhân quả như vậy, trong tương lai phải sinh sống trong một môi trường mà trong đó mọi người hay có các hành động vi phạm luật.

Nếu Bồ-tát gặp một điều bất lợi trong chuyến đi buôn này, giải thích theo luật nhân quả thì đó không phải là hậu quả của việc nhường quyền chọn này mà là do những hành vi xấu của Bồ Tát trong quá khứ. Cũng vậy, nếu một doanh nhân dùng một thủ đoạn để kiếm được lợi nhuận thì cần phải phân định rõ: 1/ Thủ đoạn: gieo một cái nhân sẽ gây hậu quả xấu trong tương lai. 2/ Kiếm được lợi nhuận: đó là quả , có được do những hành vi tốt trong quá khứ, không phải do các thủ đoạn như vậy nhưng lại bị thất bại, tù đày, nghĩa là không kiếm được lợi nhuận.

Sau khi người chủ đoàn lữ hành trẻ tuổi chọn đi trước, chúng ta có thể thấy một loạt các suy nghĩ của Bồ-tát.Thông thường, khi gặp phải tình huống mới, người ta thường suy nghĩ tới những điều bất lợi của tình huống và sau đó, buồn phiền, lo lắng. Đó là khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực. Cũng theo quan niệm thông thường, nhiều người cho rằng đạo Phật là “yếm thế”. Các suy nghĩ này đều là các suy nghĩ hời hợt. Trong Phật học, các suy nghĩ được nhấn mạnh là phải tích cực. Chúng ta thấy, khi gặp tình huống khởi hành sau, Bồ-tát suy nghĩ đến những tích cực của tình huống này. Đây lả một trong các đặc điểm quan trọng của lối suy nghĩ mà Phật học hướng dẫn chúng ta. Đức Phật giảng rõ về lối suy nghĩ này:

Nếu một người kết nối với một khía cạnh của sự vật hiện tượng làm phát sinh các suy nghĩ truy cập đến các điều sai xấu liên hệ với ham muốn , liên hệ với tức giận ,liên hệ với ngu muội; thì này các Tỳ-kheo, người ấy cần phải kết nối với các khía cạnh khác không phải khía cạnh ban đầu. Nhờ cách kết nối đó, các truy cập xấu ác đi đến chỗ diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng mà hoạt động của các thành phần của cái biết đi đến chỗ trú ngụ an ổn, trong sáng và tập trung. Ví như một người thợ mộc lành nghề hay học trò của người ấy dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khá .

( Kinh An trú tầm , Trung Bộ 1 , tr 270 )

Đoạn suy nghĩ của Bồ-tát cũng làm rõ quan điểm của Phật học về vấn đề kinh doanh. Làm sao vừa kinh doanh vừa giữ được tinh thần từ bi trí tuệ. Kinh doanh là để kiếm lợi nhuận. Vì để kiếm lợi nhuận, việc định giá trên thị trường “giống như sát hại mạng sống con người”.Vậy các Phật tử phải làm sao trong môi trường khắc nghiệt này ? Nếu định giá rẻ thì sẽ bị cộng đồng doanh nhân lên án là “bán phá giá . Nếu bán giá cao thì bị lỗi “sát hại mạng sống”. Vậy thì, câu chuyện đưa ra lời giải đáp: “ta đi sau bán theo giá thông thường đã quy định”. Nếu bán theo giá thông thường thì có gì là tử tế ? Cái tử tế nằm ở chỗ chất lượng hàng hóa phải tốt, dịch vụ hậu mãi phải tốt, cung cách phục vụ phải tốt. Nói khác đi các dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cho hàng hóa phải được thực hiện hoàn hảo.

TẤN NGHĨA ( TẠp Chí Văn Hoá Phật Giáo 105 )

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=673