Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Bác sĩ và bệnh nhân

Ảnh minh họa từ educations
Câu chuyện của bác sĩ Michael J.Collins (Trích Đèn nóng thép lạnh)


TTO - Một bác sĩ trẻ học được rằng phần quan trọng nhất trong công việc xảy ra bên ngoài phòng mổ. Là bác sĩ phẫu thuật nối chi, không phải lúc nào tôi cũng tinh tế và giỏi ăn nói. Tôi có thể dùng đôi tay để giúp bệnh nhân nhưng chuyện ăn nói thì chịu.

Có lẽ do trong quá trình được đào tạo, chúng tôi không học về cảm xúc. Chúng tôi tập trung vào thao tác và hành động. Suốt 4 năm nội trú ở trung tâm Mayo tại Rochester, Minnesota, dao mổ được coi như là biểu tượng của phòng phẫu thuật mà chúng tôi gọi là "đèn nóng và thép lạnh". Chúng tôi thay khớp gối, xếp xương, nối chi.


...Jason Withers là một thợ mộc 36 tuổi, bị lưỡi cưa cắt mất 4 ngón tay phải. Anh là bệnh nhân đầu tiên của tôi trong năm nội trú thứ hai. "Xin bác sĩ giúp tôi - anh nài nỉ tôi trong phòng cấp cứu - Tôi phải làm việc". Giống tôi, anh có vợ và con nhỏ. Giống tôi, anh làm việc với đôi bàn tay. "Bác sĩ có làm được gì không? - anh hỏi tôi nước mắt ràn rụa - Bác sĩ có gắn ngón tay lại được cho tôi không?".

Đồng nghiệp của anh đã nhặt những ngón tay và để trong bao nước đá. Vết thương khá phẳng. Tất cả các ngón tay có vẻ tốt ngoại trừ ngón trỏ, hầu hết da và mô đều bị rách. Tuy nhiên, như là một mệnh lệnh: phải cố nối lại cả bốn ngón tay.

Tôi chích thuốc giảm đau cho Jason, làm vệ sinh vết thương và bắt đầu cho kháng sinh. Sau đó tôi đưa anh đi chụp X - quang. "Anh không hút thuốc chứ?" - tôi hỏi.

"Có", anh bảo anh hút khoảng 1 gói rưỡi một ngày.

Vậy là căng rồi đây. Bác sĩ Matt Wilk, cây đại thụ của khoa nối chi của Trung tâm Mayo, cực ghét làm phẫu thuật nối chi cho bệnh nhân hút thuốc. Tỉ lệ thất bại của các bệnh nhân này cao hơn của bệnh nhân không hút thuốc. "Thật là buồn khi chúng ta thức cả đêm để nối chi cho anh chàng nào đó để rồi anh ta làm hỏng hết khi hút thuốc" - Matt thường lặp đi lặp lại không chỉ 1 lần.

Tôi thương cảm cho Jason biết bao. Tôi quyết định phải có lòng tin vào bệnh nhân. Tôi bảo anh: "Anh phải bỏ hút thuốc. Trước hết, hút thuốc là điều tệ nhất mà người ta có thể làm với bản thân mình. Thứ hai, nó làm nghẽn các mạch máu. Giả sử chúng tôi phẫu thuật nối các ngón tay cho anh thành công và làm máu lưu thông tốt qua các chỗ nối thì công sức của chúng tôi sẽ đổ sông đổ biển ngay lập tức nếu anh hút chỉ một điếu thuốc. Các mạch máu sẽ co thắt và các ngón tay sẽ chết".

Ngồi trong phòng cấp cứu, nhìn tôi, Jason móc túi lấy ra 1 gói thuốc, anh ném lên sàn. "Bác sĩ, nếu các anh nối ngón tay lại giúp tôi, tôi sẽ không bao giờ hút thuốc nữa". Tôi đã tin anh.

Như tất cả các ca nối ngón đứt lìa, buổi phẫu thuật kéo dài... vô tận. Hai thầy trò chúng tôi, với những dụng cụ vi phẫu, miệt mài qua kính hiển vi hàng 6 giờ. Ngón trỏ của Jason tổn thương quá nhiều không thể nối, còn các ngón khác đều cứu được, các mạch máu các dây thần kinh được nối liền, các gân và dây chằng được phục hồi. Hai ngày sau các ngón tay vẫn còn không cảm giác, bầm và tối màu. Hai lần/ngày tôi đến thay băng và kiểm tra vết mổ.

Vào ngày thứ tư, các ngón tay trông hồng hào ra. Ngày thứ năm thì có vẻ các ngón tay đã phục hồi tốt. Mười ngày sau khi phẫu thuật, Jason về nhà.

Ngày hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi hốt hoảng của vợ anh. "Có gì xảy ra. Các ngón tay trông thật thảm hại. Xin bác sĩ kiểm tra". Tôi nói cô đưa Jason đến phòng cấp cứu ngay. Vợ Jason nói đúng. Các ngón tay lạnh băng và đen. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng: "Jason, tôi thật đáng tiếc"!


Anh ta không trả lời chỉ cúi gằm. Môi anh mím chặt. Tôi thoáng nghĩ: "Không thể thế được. Anh ta không thể ngốc nghếch như vậy"! - "Jason - tôi gần như thầm thì - anh không hút thuốc lại chứ?".

Anh ta không trả lời.

Tôi lắc đầu. Chúng tôi đều hiểu chuyện gì đã xảy ra. Càng nghĩ, nỗi thất vọng càng biến thành cơn giận. Sao anh ta ngốc nghếch vậy. Có phải tôi đã hơn 50 lần khuyến cáo anh về tác hại. Hàng giờ miệt mài của chúng tôi và hàng chục ngàn đôla chi phí đã bỏ ra cho ca mổ.

Chúng tôi đưa Jason trở lại phòng mổ và những gì làm được là cắt hết tế bào chết, chỉ chừa lại phần tay cụt. Bác sĩ Wilk không nói gì nhiều. Tôi chờ đợi cơn giận của ông giáng xuống. Tôi vẫn điều trị cho Jason, nhưng lòng tôi phẫn nộ và tôi thay băng cho anh với tất cả sự lạnh lùng. Thái độ của tôi muốn nói rằng tôi đã vì anh và anh phản bội lòng tin của tôi.

Cuối cùng, bác sĩ Wilk gọi tôi ra riêng.

"Mike - ông hỏi - Anh có bao nhiêu ngón tay trên bàn tay phải?"

Bối rối, tôi trả lời "năm"

"Bao nhiêu ngón tay trên bàn tay phải của Jason?"

"Chỉ ngón cái"

"Vậy sao anh không thôi hành động như thể anh là nạn nhân? Hãy dẹp lòng cao ngạo của mình và hãy bắt đầu hành động như một bác sĩ, không phải như một quan tòa. Ừ, anh ta đã làm việc ngu xuẩn. Nhưng có phải chúng ta chỉ có trách nhiệm đối với những bệnh nhân sáng suốt thôi không? Đừng làm khó anh ta nữa. Anh ta phải sống với niềm đau này suốt đời rồi. Anh ta chịu đủ đau đớn rồi".

Tôi sững sờ, hoang mang. Phải mất một lúc lâu để tôi hiểu được rằng bác sĩ Wilk muốn nói rằng con người cần sự giúp đỡ của nhau chứ không phải sự phán xét.

Hôm sau, khi gặp Jason, tôi xin lỗi anh vì đã không biết cảm thông. Lúc đầu anh không trả lời. Sau một lúc, anh nói: "Tôi biết sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa lúc này. Tôi biết tôi sẽ tàn tật cả đời". Anh bặm môi, tia mắt cương nghị: "Tôi bỏ hút thuốc vĩnh viễn".

Chúng tôi bắt đầu vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Quá trễ để lấy lại bàn tay cho anh, nhưng chúng tôi vẫn có thể giúp anh làm lại cuộc đời.

"Jason - tôi nói - Đó là một bước khởi đầu tốt". Tôi tự hỏi trong tất cả những sự thật tôi đã học trong nghề của mình, có phải đây là một bài học dễ bị lãng quên.

LẠI TÚ QUỲNH (dịch từ ReadersDigest)

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Cua-so-tam-hon/367429/Bac-si-va-benh-nhan.html