Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

THIỀN VÀ GIẢ THIỀN



Có nhiều cách để một người lấy lại cân bằng khi gặp căng thẳng, áp lực. Có người chọn giải pháp “động” là hòa vào những cuộc vui của đám đông, có người muốn tĩnh tâm hoàn toàn bằng cách tìm đến thiền. Và ở khía cạnh nào đó, thiền đang trở thành trào lưu sống rất được người trẻ quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về thiền.



Theo y học thì thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra. Hay nói cách khác, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Còn trong các tài liệu sách vở khác viết về thiền thì tập thiền vốn mang lại rất nhiều lợi ích. Nếu là người bận rộn, thiền định có thể giúp bạn buông bỏ căng thẳng và tìm đến sự thư thả. Nếu là người lo âu, thiền định có thể làm cho bạn bình tĩnh và tìm đến tâm an bình. Nếu bạn là người có nhiều vấn đề, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và nghị lực để đối đầu và vượt qua. Nếu bạn thiếu tự tin, thiền định có thể giúp bạn có được tự tin…

Không dễ gì để ai đó, lần đầu tiên tìm đến thiền đều có thể nhập tâm trọn vẹn, nhất là khi có quá nhiều tác động bên ngoài làm họ xáo động. Thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Giống như khi lần tay se chuỗi tràng hạt thì trong đầu bạn, ngoài tràng hạt ra, chẳng có ý nghĩ nào có thể xâm chiếm hoặc đơn giản hơn là duy trì đếm từ một đến mười đến khi mọi thứ chìm vào hư vô. Do đó, việc bạn có thể nhập thiền được hay không hoàn toàn là do tâm trí bạn có thật sự hướng vào nó hay không. Bởi có nhiều người, vẫn tự thiền được trong chính không gian mà họ đang sống và làm việc với nhiều ồn ào và xáo trộn, không cần đến một một nơi yên tĩnh, thoáng mát (vốn có lợi cho người tập thiền).

Thiền là tạm quên, là đạt đến sự tĩnh tâm trong tâm trí, là thư giãn hoàn toàn, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào, là dẹp bỏ mọi bực dọc, mọi trạng thái chông chênh, mất cân bằng. Do đó, cái lợi trước hết của người tập thiền là lợi cho bản thân, để sau khi trải qua giờ phút thiền định, họ nhận thức được rằng, mọi ồn ào trong cuộc sống trước đó cũng chẳng đáng gì, từ đó tĩnh tâm, giải quyết mọi vấn đề thấu đáo, và hòa nhã hơn. Cái được thứ hai là cho những mối quan hệ xung quanh, hạn chế những xung đột không đáng có.

Thiền định không phải khi không mà đạt được, người đã quyết tâm tập thiền thì cần duy trì tập đều đặn hàng ngày như cách mà người ta duy trì tập thể dục mỗi sáng. Chỉ có như thế thì mới có thể đạt đến trạng thái nhập thiền như ý muốn.

Thiền ở đây là thiền cho bản thân, người tập thiền cần thích nghi với mọi không gian. Thế cho nên, người tập thiền đúng nghĩa chẳng có lý do gì để “kéo bè kéo bạn” đến những nơi thâm u cùng cốc cho có hội, có phường, thiền được dăm ba ngày lại bỏ dở, đến khi thấy đầu óc loạn lên thì lại tiếp tục. Như thế thì chẳng khác nào giả thiền, chẳng có nhiều tác dụng.

Chẳng ai trách bạn khi bạn bảo rằng, muốn tìm một nơi nào đó yên tĩnh để thư giãn, để hít thở không khí trong lành, đế tránh thành phố náo nhiệt nhưng bạn bảo đến những nơi ấy để tập thiền thì hóa ra, bạn đang khoe mẽ. Bên cạnh đó, cũng chẳng có lý do gì để bạn rêu rao khắp nơi là mình sống thiền như một kiểu quảng bá bản thân hết sức thô kệch. Thiền cho bạn sự tĩnh tâm để bạn thấy mình thanh thản chứ không phải để bạn nhận thức rằng, ai không thiền thì xa rời cuộc sống. Do đó, cái kiểu ngồi giả thiền rồi nhờ người chụp lại post lên mạng xã hội hay các kiểu “tự sướng” tương tự, trong mắt những người tập thiền đúng nghĩa cũng quá kệch cỡm.

Ngày càng có nhiều người, họ có thể là những doanh nhân thành đạt, những nghệ sĩ nổi tiếng tìm đến thiền. Điều này cũng dễ hiểu, bởi môi trường mà họ sống, công việc mà họ làm có quá nhiều áp lực. Nhưng, như đã nói, thiền cho bạn sự tĩnh tâm để từ đó nhìn và giải quyết mọi việc sáng suốt hơn, điều này có lợi cho công việc và những mối quan hệ chứ không phải, nói cho người khác biết mình học thiền để nhận được sự… kính nể từ họ.

Không ít người, học thiền chưa bao lâu và không biết có đạt đến thiền định bao giờ chưa nhưng đi đâu, lúc nào cũng thích nói về thiền và quan trọng, họ lại là người nổi tiếng. Đôi lúc họ khiến nhiều người phát hoảng khi trong suốt cuộc phỏng vấn, họ toàn nói về thiền dù nội dung phỏng vấn được thỏa thuận trước đó không liên quan gì. Hoặc sợ hơn là, hẹn phóng viên đến, nói về thiền đã đành, sau đó lại ngẫu hứng hủy luôn kế hoạch phỏng vấn dù người trong cuộc đã rất kiên nhẫn ngồi nghe họ thuyết giáo đến một giờ đồng hồ... Việc tập thiền lợi cho bản thân là đã rõ rồi và nếu anh thật sự “đắc đạo”, hẳn anh cũng đã từng nghe điều này: người sắp đắc đạo cảm thấy mình đã rõ đạo rồi, nên không muốn bàn cãi với ai về đạo lý, ở nơi tụ họp nhiều người. Còn hỏi còn bàn, tức là còn xa đạo.

Cũng có trường hợp nực cười mà người viết từng gặp là có chị, cũng là nhân viên cỡ bự ở một công ty nước ngoài, người lúc nào cũng oang oang là mình tập thiền nhưng lắm lúc “sơ ý”, lại kè kè điện thoại theo bên người, để khi điện thoại đổ chuông thì lại giật mình, rồi lại trách người gọi kiểu này kiểu nọ. Chẳng rõ thiền kiểu gì. Hoặc giả nhiều người, cứ cho rằng, thiền là tất cả trong cuộc sống của họ, để họ trốn tránh và làm ra chiều mình bận lắm. Thật màu mè và chẳng có ích gì.

Nhiều người nổi tiếng tìm đến thiền như một nơi lưu trú trong tâm hồn sau những tháng ngày chật vật bon chen, nhiều niềm vui lẫn điều tiếng. Có thể, thời trẻ họ là những người nổi loạn, bốc đồng nhưng dần dà, thời gian cho họ sự điềm tĩnh cần thiết và thiền cũng là cách để họ tìm thấy ở đó triết lý sống cùng niềm an ủi để xoa dịu những sân si phiền toái mà cuộc sống mang lại. Đó là những Cát Tuyền, Bảo Yến hay trẻ hơn là Phương Thanh, Lê Khánh… Cũng chẳng lấy gì làm khó chịu khi họ chia sẻ một chút về việc tập thiền, về sự an lạc trong tâm hồn mà họ tìm được nhưng quan trọng là họ ý thức trong chừng mực và trong một cuộc nói chuyện ít nhiều có liên quan.

Cuộc sống ngày nay, khi người ta bị làm cho mệt mỏi bởi nhiều thứ thì thiền cũng giống như một bài thuốc quý, giúp người ta vượt qua sợ hãi, nỗi đau cà có thể kìm nén tức giận. Thiền gần với tu hành nhưng không phải tu hành, cho phép người ta “lặng” đi trong một thời khắc nào đó để minh mẫn hơn trong việc giải quyết những phiền toái trong cuộc sống. Cho nên, điều bạn được mãi mãi là của bạn và những hành vi cư xử sẽ đánh giá đúng mức độ “đắc đạo” của bạn chứ không phải là những gì bạn nói về thiền. Do đó, thiền chỉ thật sự hiệu quả khi bạn theo đuổi và tập đến nơi đến chốn, không có chỗ cho sự ba mứa, nửa vời. Và tốt nhất nên cảm và học thiền từ chính cái tâm chứ không phải từ cái… miệng.

Người viết : LÊ ANH
http://www.thegioinguoinoitieng.vn/news/detail/thien-va-gia-thien-180.html