Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Giải tỏa sự lo âu

Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều điều khiến cho chúng ta phải lo âu. Và khi sự lo âu ấy kéo dài, có cường độ mạnh thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chúng ta. Lo âu là những rối loạn gây căng thẳng, sợ hãi, e ngại và lo lắng quá mức. Những rối loạn ấy ảnh hưởng đến cách thức chúng ta cảm nhận và hành xử, và chúng có thể biểu hiện qua những triệu chứng vật lý rõ ràng. Sự lo âu ở mức độ nhẹ như là trạng thái mơ hồ và không an tâm, còn sự lo âu nặng có thể là cực kỳ suy nhược, có sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày.



Hầu hết mọi người đều cảm thấy lo âu khi phải đối diện với một hoàn cảnh mới, hoặc là khi cố gắng làm tốt một việc gì đó, chẳng hạn như là khi phải diễn thuyết trước công chúng. Sự lo âu sơ sơ, hay là ở mức bình thường trước những tình huống ấy là chuyện thường xảy ra và thậm chí chúng còn có lợi nữa. Vì những sự lo âu ấy có thể thúc đẩy người ta chuẩn bị tốt hơn, tập trung vào công việc của mình hơn.

Tuy nhiên, nếu ai đó không hề lo lắng gì cả, hoặc là lo âu quá mức thì rất dễ dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống. Những ai không cảm thấy lo lắng khi phải đối mặt với những tình huống quan trọng thì thường thiếu sự tập trung và thiếu cảnh giác. Mặt khác, những người lo âu thái quá thì thường cảm thấy đuối sức, không năng động, và không thể nào hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những người lo âu thái quá thường chịu khổ đau bởi một trong số những chứng rối loạn lo âu, như là:

- Sự rối loạn lo âu không cụ thể, là một loại rối loạn kinh niên được thể hiện qua sự lo âu quá mức, kéo dài và lo âu về những sự kiện bình thường trong cuộc sống, về những đối tượng hay những hoàn cảnh quá ư là bình thường.

- Rối loạn hoảng sợ, là một loại lo âu được đặc trưng bởi những sự tấn công thình lình và chớp nhoáng của sự kinh hãi và e sợ với cường độ cao, chúng dẫn đến sự run rẩy, hoang mang, chóng mặt, buồn nôn và khó thở.

- Sự ám ảnh, là những lo sợ vô lý và sự né tránh những hoàn cảnh, những con vật, hoặc là những đồ vật tiếp xúc hàng ngày, sự lo sợ ấy có thể được xem như là vô lý hoặc là không cần thiết, nhưng người bị ám ảnh vẫn không thể làm chủ được lo âu do nó tạo ra.

- Rối loạn lo âu mang tính xã hội, là một loại ám ảnh xã hội được đặc trưng bởi sự lo sợ bị đánh giá một cách tiêu cực bởi người khác hay là lo sợ về sự lúng túng trước đám đông vì những hành động không lường trước, chẳng hạn như là sợ sân khấu, lo sợ sự thân cận, và sợ bị sỉ nhục.

- Rối loạn xung lực ám ảnh, là một loại lo âu được đặc trưng bởi những tư tưởng hay hành động lặp đi lặp lại, đau khổ và gượng ép, người bị chứng này có thể lau chùi những đồ dùng cá nhân, rửa tay thường xuyên, hoặc là thường xuyên kiểm tra các ổ khóa, lò sấy, hay các công tắc đèn một cách ám ảnh.

- Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, là một loại lo âu được tạo nên bởi những sang chấn tâm lý trước đó, chẳng hạn như chiến tranh vũ trang, bị hãm hiếp, những hoàn cảnh bị bắt làm con tin, hoặc là bị tai nạn nghiêm trọng.

- Rối loạn lo âu về sự chia ly, là một loại rối loạn được đặc trưng bởi những mức độ cao của sự lo âu khi bị chia cách với một người, hay một địa điểm nào đem đến những cảm giác an toàn hay an ổn cho bản thân.

Những rối loạn lo âu thường không có một nguyên nhân rõ ràng. Chúng có thể được sinh ra từ những yếu tố sinh học, sức khỏe của bản thân, tâm lý và xã hội, hoặc là từ sự kết hợp của những yếu tố này. Nói một cách cụ thể, những yếu tố góp phần tạo nên sự lo âu gồm có những yếu tố di truyền và sinh lý thần kinh, những yếu tố tâm lý, rồi đến những yếu tố môi trường và xã hội.


Xét từ một góc độ khác, có một yếu tố tâm lý, hay nói chính xác là một thái độ, góp phần không nhỏ trong việc gây nên sự lo âu, đó là thái độ xem mình là trung tâm, mình là quan trọng nhất trong thế giới này. Không biết rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều nương nhau mà tồn tại, kể cả con người, đều phải phụ thuộc vào những thứ khác, những người khác, và mọi thứ đều luôn luôn thay đổi, không có ngừng nghỉ. Chính thái độ và nhận thức sai lầm này làm cho chúng ta cảm thấy lo âu, bất an trước mọi thứ. Chúng ta đặc biệt lưu tâm đến những gì liên quan đến bản thân. Những cái gì thuộc về ‘tôi’ và ‘của tôi’ đều trở nên vô cùng quan trọng. Chúng ta càng cho mình là quan trọng và những gì liên quan đến mình là quan trọng bao nhiêu thì chúng ta càng bị lo âu bấy nhiêu.

Để giúp giải tỏa những rối loạn lo âu, các chuyên gia về sức khỏe tinh thần thường sử dụng những phương pháp khác nhau để giúp người ta giải tỏa những rối loạn lo âu. Những phương pháp này bao gồm việc sử dụng các loại thuốc tác động đến tâm lý và những liệu pháp tâm lý, cụ thể là liệu pháp hành vi nhận thức. Trong việc điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức, các nhà trị liệu thường giúp cho thân chủ của họ hiểu rõ về bản chất của sự rối loạn lo âu mà họ đang mắc phải, về những nguyên nhân đã dẫn đến sự rối loạn lo âu đó. Nhà trị liệu còn hướng dẫn cho thân chủ soi rọi vào, nhìn thẳng vào những suy nghĩ vô lý, vô căn cứ đã dẫn đến sự lo âu của họ. Ngoài ra còn có những biện pháp khác cũng có thể góp phần trong việc giải tỏa sự rối loạn lo âu, chẳng hạn như tập thể dục, tọa thiền, dùng phép thôi miên, và các thủ thuật thư giãn như tập yoga, tập thể dục dưỡng sinh, tắm bằng nước ấm, học cách sắp xếp công việc hàng ngày, chia sẻ với bạn bè, người thân.

Tuy nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn lo âu, nhưng mấu chốt của vấn đề là nằm ở nội tâm của chúng ta, ở nơi những gì diễn ra bên trong, cụ thể là ở nơi những suy nghĩ của chúng ta. Cách chúng ta nhìn nhận và hiểu vấn đề trong mối liên hệ với bản thân đóng vai trò quyết định đến tâm tình của chúng ta đối với hoàn cảnh hay đối tượng đó. Đức Phật đã dạy rằng, tất cả những hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta không phải đến từ người khác hay từ những thứ khác mà là từ chính trong nội tâm của chúng ta. Vì thế điều quan trọng để giải tỏa sự lo âu là chúng ta làm sao để chuyển đổi cách tư duy và thay đổi những ý nghĩ thường dẫn đến sự lo âu của chúng ta.

Đứng trên lập trường đó, chúng ta có thể vận dụng những giải pháp sau đây để giúp bản thân giải tỏa được những rối loạn lo âu trong tâm mình.

Trước hết là tính hài hước đối với chính mình. Tâm chúng ta được ví như vượn chuyền cành, không lúc nào yên nghỉ, chúng ta lo nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia. Nếu chúng ta bình tâm lại và nhìn vào những vấn đề rắc rối trong tâm thì chúng ta sẽ thấy có không ít vấn đề khá khôi hài, khá buồn cười. Vì thế, mỗi khi nhận thấy tâm mình chạy nhảy lung tung như thế, thay vì lo âu, buồn phiền vì những suy tưởng ấy thì chúng ta hãy mỉm cười với chúng, mỉm cười với cái tâm vọng động của mình. Hãy thử tưởng tượng, chúng ta có thể nín cười được không khi xem một vở kịch mà nhân vật trong vở kịch ấy có sự thay đổi liên tục trong ý nghĩ của anh ta và anh ta chạy theo sự sai sử của những ý nghĩ ấy. Có tính hài hước và có thể mỉm cười với chính mình là một giải pháp tốt để giải tỏa những mối âu lo trong lòng.

Đối với những người nào không thể mỉm cười với chính mình thì mỗi khi bị lo âu, hãy nghĩ rằng, sự lo âu thái quá cũng không có ý nghĩa gì cả, không có ích lợi gì cho chúng ta cả. Nếu chúng ta gặp vấn đề khó khăn và có thể làm gì đó để giải quyết vấn đề ấy, thì không cần phải lo âu về nó vì chúng ta có thể chủ động thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề. Vả lại, nếu không có cách gì để giải quyết vấn đề, thì dù chúng ta có lo âu về nó cũng vô ích mà thôi, sự lo âu không giải quyết được vấn đề gì cả. Như thế là dù vấn đề có thể được giải quyết hay không cũng không có ý nghĩa gì cả khi chúng ta lo âu hay buồn phiền về nó. Hãy ngồi xuống và tìm giải pháp để giải quyết vấn đề, nếu có giải pháp nào đó có thể dùng được thì hãy tiến hành ngay, không cần phải lo âu và đứng ngồi không yên vì nó. Nếu như không tìm ra giải pháp nào để chuyển đổi tình hình thì dù có lo âu cũng vô ích. Hãy quên nó đi. Chúng ta hãy cố gắng suy nghĩ theo cách này đối với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống nếu chúng ta thấy cách này giúp ích được phần nào.

Tiếp đến là đừng quá lo lắng về việc mình làm trò cười cho thiên hạ. Đôi khi chúng ta quá lo lắng và căng thẳng trước một tình cảnh mới. Chúng ta lo sợ rằng mình sẽ làm những trò lố bịch, chúng ta nghĩ rằng, “mình có thể làm những điều sai trái, mình sẽ trông như một kẻ ngớ ngẩn, và mọi người sẽ cười nhạo mình, sẽ nghĩ xấu về mình”. Trong những trường hợp như thế, thay vì có lối suy nghĩ như trên thì chúng ta hãy nghĩ rằng, “được rồi, nếu mình có thể tránh để không bị mọi người xem như một kẻ ngớ ngẩn thì tránh. Còn nếu có điều gì đó xảy ra và mình trông như một kẻ ngở ngẩn thì cũng chẳng sao, hãy là một kẻ ngớ ngẩn”. Suy nghĩ theo cách này sẽ giúp chúng ta bớt lo âu. Chúng ta không thể nào dự đoán hết được những gì có thể diễn ra trong tương lai, cũng như không thể dự đoán được người khác sẽ nghĩ gì về mình, những gì họ sẽ nói sau lưng mình, chúng có thể tốt, cũng có thể không tốt. Đối với một vài thứ chúng ta phải buông bỏ và tự nói với chính mình rằng, “được thôi, điều đó không thành vấn đề”. Và nghĩ “nếu mình đã làm gì đó ngốc nghếch và mọi người nghĩ xấu về mình, không hề gì. Mình gây ra lỗi lầm, mình làm sai cho nên không có gì lạ khi mọi người chú ý đến những điều đó. Tuy nhiên, nếu mình có thể thừa nhận những lỗi lầm ấy và sửa đổi chúng càng nhiều càng tốt, thì mình sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm của mình và chắc chắn rằng người khác cũng sẽ không dựa vào những lỗi lầm ấy để chống lại mình”. Lối suy nghĩ này sẽ giúp chúng ta rất nhiều khi phải đối diện với những tình huống, những hoàn cảnh mới.

Một giải pháp khác để giải tỏa sự rối loạn lo âu đó là quan tâm đến người khác nhiều hơn nữa. Chúng ta hãy rèn luyện tâm mình làm sao để chúng ta có thể quan tâm đến người khác nhiều hơn đến bản thân. Điều này không có nghĩa là chúng ta không chú ý gì đến bản thân cả. Chúng ta cần quan tâm đến bản thân, nhưng quan tâm một cách lành mạnh, chứ không phải theo cách lo âu và căng thẳng. Lẽ đương nhiên là chúng ta cần giữ gìn sức khỏe và giữ cho tâm mình được an vui. Chúng ta có thể làm điều này một cách lành mạnh và dễ chịu bằng cách chúng ta luôn tỉnh giác đối với những gì chúng ta đang suy nghĩ, đang nói, và đang làm. Chú tâm đến bản thân mình theo cách này là cần thiết và nên thực tập.

Đồng thời với sự quan tâm đến người khác, chúng ta hãy nghĩ đến lòng tốt của người khác, nghĩ đến lòng tốt của cha mẹ, bạn bè, người thân, của thầy cô giáo, và ngay cả lòng tốt của những người xa lạ, những người gián tiếp giúp đỡ chúng ta trong các vấn đề của cuộc sống. Khi nghĩ đến lòng tốt của người khác thì tâm trạng của chúng ta và cách chúng ta nhìn người khác sẽ được chuyển đổi rất nhiều. Thường thì chúng ta nghĩ đến lòng tốt của mình đối với người khác chứ ít khi nghĩ đến lòng tốt của người khác dành cho mình. Chúng ta thường có ý nghĩ rằng “mình quan tâm chăm sóc họ, giúp đỡ họ rất nhiều, thế mà họ lại không biết ơn mình, thậm chí có người còn ghét mình, đối xử không tốt với mình”. Thậm chí nếu có ai đó đến hỏi thăm để giúp đỡ mình thì mình lại nghĩ xấu cho người ta, lại nghĩ người ta đang có âm mưu gì đấy, hoặc là đang muốn lợi dụng gì đấy. Chính những ý nghĩ này khiến cho chúng ta lo âu và sợ hãi, muốn xa lánh mọi người. Và chính mối bận tâm về bản thân đã khiến cho chúng ta thường hay nghi ngờ và không thể nào nhìn thấy hoặc chấp nhận lòng tốt cũng như tình thương yêu mà người khác dành cho mình với tất cả chân tình. Bên cạnh những người thân quen trực tiếp giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống, công ơn cha mẹ, tình cảm bạn bè, ân tình thầy cô,… còn có rất nhiều người trong xã hội đã góp phần không nhỏ vào cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn như công nhân xây dựng, bộ đội biên phòng, những người nông dân, công nhân lao động,… Rất nhiều người trong số họ chúng ta không hề biết đến, thậm chí chúng ta không biết họ là ai để nói lời cảm ơn họ. Nhờ vào lòng tốt và sự nỗ lực của họ mà chúng ta có thể sống thanh bình và đầy đủ tiện nghi hơn. Một khi chúng ta biết nghĩ đến lòng tốt của người khác, nghĩ đến công ơn và sự giúp đỡ của người khác thì chúng ta sẽ không thường oán trách và đa nghi nữa, nhờ vậy mà chúng ta ít bị lo âu, phiền muộn hơn.

Chúng ta cũng có thể giải tỏa sự lo âu bằng cách suy xét đến những điều bất lợi của thái độ lấy tự ngã làm trung tâm. Thái độ lấy tự ngã làm trung tâm sẽ khiến cho chúng ta tự làm khổ mình bởi những chuyện không đáng, chỉ nghĩ đến điều lợi cho mình, không quan tâm đến người khác, do vậy mà thường hay mâu thuẫn và dễ gây bất hòa với người khác. Khi biết suy xét đến những tổn hại do thái độ lấy tự ngã làm trung tâm thì chúng ta dễ dàng từ bỏ nó, và chúng ta có thể mở rộng tấm lòng mình để quan tâm đến người khác, nghĩ đến lợi ích của người khác và sống hài hòa với mọi người.

Rút ra những lợi ích từ trong sự tổn hại cũng là một cách để giải tỏa bớt lo âu, phiền muộn. Mặc dù chúng ta dường như bị người khác làm hại, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, tức là nhờ người làm hại đó mà chúng ta có được một số điều lợi ích nào đó. Chẳng hạn như chúng ta đã từng bị người khác chèn ép, gây khó khăn cho công việc của mình, đối xử khắt khe với mình. Chính từ trong hoàn cảnh đó mà chúng ta đã phấn đấu vươn lên để thể hiện tất cả những khả năng của mình, để chứng tỏ năng lực của mình nhằm thuyết phục những người gây khó khăn đó, nhằm chuyển đổi cách nhìn của họ đối với mình. Và chúng ta đã làm được điều đó. Như vậy là chính những người gây khó khăn đó đã làm tác nhân thúc đẩy sự nỗ lực, tính sáng tạo và phát huy khả năng của mình. Nếu chúng ta đã nghĩ được như thế thì liệu chúng ta còn bực tức, oán hận họ nữa không? Hoàn cảnh mà chúng ta cho là mình bị hại ấy chính là nghịch tăng thượng duyên. Cho nên chúng ta không nên buồn phiền, ngược lại còn cảm ơn nó nữa. Nếu chúng ta biết cách chuyển đổi tâm niệm và lối suy nghĩ của mình thì dù trong hoàn cảnh bi đát thế nào, chúng ta vẫn có thể nhận thấy được những lợi ích từ nó, nhờ vậy mà bớt đi ưu sầu, lo lắng.

Thực tập tâm thương yêu và lòng bi mẫn đối với mọi người cũng là một biện pháp tích cực để xoa dịu nỗi lo âu, phiền muộn của mình. Khi mà chúng ta có thể suy nghĩ đến lòng tốt của người khác, nghĩ đến những ân tình của họ đã dành cho mình, những ích lợi mà họ đã đem đến cho mình thì chúng ta dễ dàng phát sinh lòng thương yêu, quý mến họ và muốn đem an vui, hạnh phúc đến cho họ, muốn giúp họ thoát khỏi những sầu khổ. Và, như là một hệ quả, khi chúng ta đã có thể trải lòng thương yêu, quan tâm đến người khác, ghi nhớ ân tình của người khác thì chúng ta không còn nặng lòng dò xét, đa nghi đối với họ nữa. Do vậy mà chúng ta có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình với họ, cộng tác với họ trong công việc, cùng họ giải quyết những khó khăn. Nhờ thế mà chúng ta không còn bị lo âu dày vò nữa.

Đấy là những biện pháp tích cực có thể giúp chúng ta giải tỏa cũng như ngăn ngừa những rối loạn lo âu có thể phát sinh. Bên cạnh đó còn có một số biện pháp khác giúp chúng ta hạn chế những nguy cơ dẫn đến rối loạn lo âu, và những phương pháp giúp làm chủ hoặc là giảm bớt những triệu chứng của nó. Những biện pháp ấy là: hạn chế sử dụng cà phê, trà, sô-cô-la, và tránh dùng rượu, bia, cần sa; tham vấn ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc hay các loại dược thảo xem chúng có chứa những hóa chất gây lo âu, hồi hộp hay không; tập thể dục thường xuyên; ăn uống điều độ và lành mạnh; ngủ điều độ; và nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý cũng như sự giúp đỡ của người khác trong lúc bị sang chấn tâm lý và sau khi bị sang chấn. Với những giải pháp này, hy vọng là mọi người có thể áp dụng chúng vào trong đời sống hàng ngày để ngăn ngừa và giải tỏa những mối lo âu của bản thân trước những bước thăng trầm của cuộc sống.

QUẢNG TRÍ

https://giacngo.vn/phathoc/2009/11/10/7AD401/