HT. Thích Thanh Từ
Chân lý tương đối là những sự thật còn nằm trong đối đãi đối trị nhau. Những sự đối đãi ấy là: sáng đối tối, lạnh đối nóng, xấu đối tốt, thiện đối ác, khổ đối vui, động đối tịnh, sanh diệt đối vô sanh...Còn sanh hoạt trong tương đối thì, có xấu phải có tốt, có thiện phải có ác, có khổ phải có vui..., chúng ta không thể chối cãi sự thật ấy được.
Chỗ khôn ngoan của chúng ta là, khéo lợi dụng cái này đối trị cái khác, để tiến lên đúng nguyện vọng của mình. Như lương y biết bệnh biết thuốc, khéo dùng thuốc trị lành bệnh cho người. Phật pháp là những phương thuốc trị lành bệnh cho chúng sanh, nên gọi Phật là Ông vua thầy thuốc (Vô thượng y vương). Ở đây, chúng ta chỉ đơn cử vài lối đối trị để làm sáng tỏ lẽ này.
Sáng đối tối. Chúng ta biết tối không phải tự nó tối, mà do nhân duyên thiếu ánh sáng. Nếu ta khéo tạo điều kiện - đèn dầu, đuốc, đèn điện...- cho nó ánh sáng thì bóng tối tự mất. Ngược lại, muốn có bóng tối cũng như thế. Đây là cái tối, sáng của hiện tượng bên ngoài. Đến cái tối, sáng tinh thần bên trong của chúng ta cũng có nhân duyên. Nhân thiếu học, thiếu đọc sách khiến ta tối dốt. Dùng ánh sáng học tập đọc sách... thì cái tối dốt dần dần tiêu diệt.
Nóng đối lạnh. Chúng ta nhân chạm khí lạnh, gió lạnh, nước lạnh... nên phát lạnh run. Biết thế, chúng ta phải tạo điều kiện cho có hơi nóng để đối trị, như đốt lửa hơ, lò sưởi ấm, mền bông trùm... Ngược lại, gặp khí nóng chúng ta phải dùng các thứ lạnh trị, như nước, gió, máy điều hòa... Nếu lạnh trong thân thì dùng thuốc nóng trị.
Khổ đối vui. Khổ có nhiều loại: khổ do đói rét, khổ do bệnh tật, khổ do vô minh phiền não... Nếu khổ do đói rét, chúng ta phải nỗ lực tạo điều kiện cho có ăn có mặc, tức là lấy cái vui no ấm trị cái khổ đói rét. Nếu khổ vì bệnh tật, chúng ta phải dùng thuốc thang điều trị, lấy cái vui khỏe mạnh trị cái khổ bệnh tật. Nếu khổ do vô minh phiền não, chúng ta phải lấy chánh pháp của Phật trị nó. Vô minh phiền não tức là si tham sân. Si mê là vô minh, tham sân là phiền não.
Bệnh si mê, chúng ta dùng trí tuệ điều trị. Tức là dùng pháp “quán giới phân biệt” hay “quán nhân duyên”. Bởi chúng ta lười biếng không chịu phân tích quán sát nên tâm trí mờ tối. Phân tích nội tâm tự thân và ngoại cảnh có chia từng phần từng giới hạn, gọi là quán giới phân biệt. Chính sự chia chẻ quán sát ấy, khiến chúng ta thấy rõ thân tâm này không thật, trí tuệ do đó dần dần phát sanh. Hoặc dùng quán nhân duyên, khéo khảo sát như phần “duyên sanh” trong mục Chân lý phổ biến ở trước.
Bệnh tham lam, cần phải tra xét coi tham thuộc loại nào trong năm thứ tham: tham tiền của, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn uống, tham ngủ nghỉ.
Tham tiền của thì dùng bố thí trị. Bởi vì tham thì muốn gom góp gìn giữ, mà bố thí thì ban cho, cứu giúp chia sớt. Chính của mình còn mang ra cứu giúp chia sớt kẻ khác, huống là của họ mà mình muốn gom góp về, thật vô lý. Do thật tâm bố thí thì bệnh tham tiền của từ từ lành hẳn.
Tham sắc đẹp và ăn uống phải dùng pháp “quán bất tịnh” điều trị. Bất tịnh là bẩn thỉu nhơ nhớp. Xét nơi thân mình từ trong đến ngoài toàn trữ những đồ nhơ nhớp, như cái bô đậy kín, nếu nó hở rỉ ở đâu sẽ nghe mùi hôi thối tràn ra đấy. Những thứ nước hoa, mùi son phấn, đều là loại sơn vẽ khéo của cái bô. Nếu thật con người là sạch sẽ, cần gì phải tô điểm. Các loại tô điểm ấy chẳng qua là, lối đánh lừa mắt mũi kẻ khác mà thôi. Những thức ăn uống lúc còn bên ngoài dường như thơm ngon, song khi qua khỏi cổ, sẽ biến thành những đồ bất tịnh. Thường dùng lối quán sát thân nhơ nhớp như thế, sẽ trị lành bệnh tham sắc đẹp và ăn uống.
Tham danh vọng và ngủ nghỉ, nên dùng pháp “quán vô thường” điều trị. Vô thường là chỉ cho sự đời chợt còn chợt mất không bền bỉ lâu dài. Danh vọng được đó rồi mất đó, như sương đầu ngọn cỏ, như lằn điện chớp. Thường nghĩ xét như thế thì còn lòng nào đeo đuổi danh vọng. Đời người mỏng manh sớm còn tối mất, lúc còn khoẻ mạnh còn hoạt động, chúng ta phải quí tiếc thời gian, nỗ lực làm lợi ích cho mình cho người, đừng để một đời trôi qua vô ích. Thấy rõ như vậy thì, đâu cam giết chết thì giờ trong cái ngủ nghỉ.
Sân hận dùng pháp “quán từ bi” hạnh “nhẫn nhục” và “hỉ xả”, trị nó. Sân là nóng giận, hận là hờn phiền. Nóng giận muốn la rầy đánh đập cho đã cơn giận, khiến người phải đau khổ. Bởi vì khi giận thì không thương, lúc thương thì không giận. Từ bi là hằng đem lòng thương chan rải khắp mọi người, xem sự vui khổ của người như sự vui khổ của chính bản thân mình. Thương người như mình, còn lòng nào hại người đau khổ. Tay trái lỡ đập tay phải đau điếng, tay phải cam nhận chịu không đập lại, vì biết cùng một thân mình. Lòng thương xem người như mình, dù bị người làm đau khổ mấy cũng nhịn chịu, không nóng giận hại lại. Nhẫn nhục là nhịn chịu. Khi cơn nóng nổi lên cố gắng dằn ép xuống, để giữ bình tĩnh và nhịn chịu cho qua. Bởi đè ép nên chỉ là phương tiện tạm thời không thể hết gốc nóng giận. Chỉ có quán từ bi thành công thì gốc nóng giận mới tiêu. Hờn phiền là lòng còn ôm ấp những mối bất bình. Hỉ xả là vui vẻ buông bỏ hết, khiến lòng nhẹ nhàng thơ thới. Ôm lòng hờn phiền là gốc bệnh hoạn khổ đau, vui vẻ buông bỏ hết thì lòng vui tươi an ổn, bệnh hoạn khổ đau không có lý do gì tồn tại.
Khổ từ ngoại cảnh, khổ nơi bản thân, khổ của nội tâm, chúng ta khéo lấy sự an vui đối trị. Vui no ấm, vui khoẻ mạnh, vui sáng suốt, vui hết tham lam, vui không nóng giận... trị lành các bệnh khổ ở trên.
Khổ là thành quả xấu do nhân duyên xấu tạo nên. Khổ về vật chất và thể xác, do nhân duyên thiếu thốn hoặc phản nghịch của vật chất gây nên. Khổ về tinh thần, do nhân duyên si, tham, sân... chủ động. Si là không biết đúng lẽ thật nên sanh tham, tham không được như ý nên nổi sân. Ba thứ này là nhân chánh tạo nên quả khổ. Quả khổ là Khổ đế, nhân duyên tạo nên nó là Tập đế. Biết rõ nguyên nhân và các duyên rồi, dùng Phật pháp đối trị là Đạo đế. Khi mọi nhân duyên gây đau khổ dứt sạch, gọi là Diệt đế. Đây là Bốn lẽ thật (Tứ đế) nằm trong pháp đối đãi và đối trị.
Động đối tịnh. Động là xao xuyến rối loạn, tịnh là yên ổn lặng lẽ. Ở đây riêng giải thích về cách đối trị của tâm thức. Tâm thức chúng ta xao xuyến rối loạn khiến suy yếu mờ tối. Muốn dừng sự xao xuyến rối loạn này, chúng ta phải dùng sự yên ổn lặng lẽ đối trị. Song chúng ta phải biết rõ do nhân duyên gì khiến tâm thức xao xuyến rối loạn. Bởi tâm thức chạy theo sự được mất tiền của, được mất sắc đẹp, được mất danh vọng, được mất ăn uống, được mất ngủ nghỉ, mà thành xao xuyến rối loạn. Muốn dừng sự chạy theo ấy, Phật pháp dạy chúng ta trước tiên phải giữ giới. Giới là hàng rào ngăn chận tâm thức chạy theo ngũ dục. Kế dùng phương pháp thiền quán làm sợi dây cột nó lại. Ngoài có hàng rào giới luật, trong có sợi dây thiền quán, con khỉ tâm thức sẽ thúc thủ ngồi yên, dần dần ngủ lịm. Giới có năm giới, mười giới v.v... nhằm ngăn chận mọi sự đuổi theo ngoại cảnh của tâm thức. Thiền quán có sổ tức quán, từ bi quán, bất tịnh quán, nhân duyên quán..., cốt cột chặt tâm thức lại một chỗ, bắt buộc nó phải yên lặng. Đây là phương pháp lấy tịnh trị động.
Sanh diệt đối vô sanh. Cặp đối này cũng gọi là sanh tử đối Niết-bàn. Sanh diệt là nói chung cho muôn loài, sanh tử chỉ nói riêng cho loài động vật. Sanh tử đối Niết-bàn, lại khu biệt hoàn toàn vào người Phật tử. Muôn loài hằng chịu sanh diệt, mà không biết lẽ vô sanh, để dùng đối trị. Đức Phật sau khi giác ngộ đã thấy rõ lẽ ấy, nên dạy đệ tử lấy vô sanh đối trị sanh diệt hay sanh tử. Vô sanh là nghĩa chánh của Niết-bàn. Dòng tâm thức biến động là nguồn gốc sanh tử. Tâm thức biến động bởi do luyến ái bản thân và ngoại cảnh. Nếu biết rõ cảnh vật vô thường, thân người vô ngã thì dòng luyến ái sẽ khô kiệt, tâm thức sẽ dừng lặng. Tâm thức dừng lặng thì nhân duyên sanh tử dứt bặt, đó là nghĩa vô sanh. Ví như gió dừng thì sóng lặng, mặt biển sẽ bằng phẳng an lành. Luyến ái là động cơ thúc đẩy tâm thức sanh diệt, còn luyến ái thì sanh tử không bao giờ dứt. Chúng ta yêu mến một người, người ấy vắng đi thì tìm cách gặp lại, hoặc nơi này hay nơi khác. Lòng yêu mến thúc giục chúng ta tìm gặp nhau mãi mãi. Chỉ khi lòng yêu mến cạn thì, sự tìm kiếm mới dừng. Trong pháp Mười hai nhân duyên, Ái là động cơ thúc đẩy có Thủ, Hữu rồi Sanh Lão Tử ở đời sau. Ái dứt thì Thủ Hữu không còn, làm gì có Sanh Lão Tử tiếp nối. Ái là luồng gió mạnh thổi cuốn sóng tâm thức nổi dậy. Gió Ái dừng thì sóng tâm thức cũng theo đó mà lặng. Bức tường chặn gió Ái không gì hơn quán các pháp vô thường, quán thân tâm vô ngã.
Bờ sông bên này là sanh tử, bờ sông bên kia là Niết-bàn. Thấy rõ như thế, hành giả cấp bách kết bè vượt dòng sông qua bờ bên kia, qua rồi từ biệt vĩnh viễn bờ sông bên này. Đó là quan niệm chán sanh tử cầu Niết-bàn của hàng Nhị thừa, vì còn thấy sự đối đãi là chân thật. Cũng dùng phương pháp đối trị này, song Bồ-tát chỉ thấy là phương tiện tạm thời, nên không mắc kẹt ưa chán.
Chân lý tương đối bàng bạc khắp thế gian. Bất luận nhân loại vật loại ngôn ngữ tư tưởng... phát xuất đều nằm gọn trong phạm vi của nó. Chúng ta khôn khéo ứng dụng tài tình những phản đề, để tiêu diệt chúng theo đúng đường lối vươn lên của chúng ta. Không biết dùng, hoặc dùng sai phương pháp đối trị, mà muốn tiêu diệt chúng, không bao giờ thành công. Thầy thuốc hay, là người khéo biết bệnh biết thuốc và dùng thuốc trị liệu đúng phương pháp. Vì thế, Phật pháp gọi là “phương pháp trị liệu”.
http://www.thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2277:chanlytuongdoi&catid=58:ppcanban&Itemid=330