Xuân Hạ Thu Đông rồi lại xuân (phim Hàn Quốc) là một cuốn phim đạt cả hai bình diện: nghệ thuật và xiển dương Phật pháp.
★ Về nghệ thuật, đây là bài thơ tuyệt vời kèm trong kỹ thuật "cận ảnh" ('gross plan'), để diễn ý thay lời. Tài tử diễn xuất nhiều hơn đối thoại.
★ Về "pháp" - như nội dung trong năm phân đoạn đã ghi lại ở trên, không đơn giản là đạo diễn chỉ muốn nói về sự cám dỗ, sa lầy của con người về "ái dục". Dù trong một cuộc phỏng vấn của ai đó, Kim Ki-Duk đã trả lời khiêm tốn rằng, "Tôi chỉ muốn mô tả sự hỷ nộ ái ố trong cuộc sống của chúng ta qua bốn mùa, và qua cuộc đời của một nhà sư trong ngôi chùa ở Hồ Pusan vây bọc bởi thiên nhiên" , cuốn phim còn chất chứa sự mênh mông và huyền diệu theo với bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật (Prajanaparamita Sutra). Nhưng hiểu Pháp thế nào qua một cuốn phim là sự tùy thuộc vào trí huệ, duyên ngộ Pháp của mỗi chúng sanh.
Phim Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân do Kim Ki-duk viết kịch bản và đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên Su Oh-yeong, Kim Young-min, Seo Jae-kyung, Kim Jong-ho,...được hoàn thành năm 2003. Kim Ki-duk từng dành nhiều giải thưởng đáng kể nhất là giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Berlin (2004 - cho phim Samaritan Girl), và Liên hoan phim quốc tế Venice (2004- cho phim 3-Iron).
Phim Xuân hạ thu đông rồi lại xuân dành 1 giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Chunsa 2003, giải phim hay nhất của Giải thưởng phim Blue Jong (Hàn Quốc-2003), giải phim hay nhất Liên hoan Dae Jong lần 41 (Grand Bell Awards) năm 2004, giải thưởng của khán giả Liên hoan phim quốc tế ở San Sebastian (2003), bốn giải thưởng tại Liên hoan phim Locarno (trong đó có giải Young Critics Award), phim nổi bật nhất tại Liên hoan phim quốc tế Vladivostok của các nước châu Á - Thái Bình Dương, đoạt giải thưởng phim nước ngoài hay nhất tại giải thưởng điện ảnh Golden Fleece của Nga năm 2004, được đề cử nhiều giải thưởng khác, đoạt danh thu hơn 9,5 triệu USD. Tờ The New York Times đã viết về bộ phim "Chủ đề của Spring là tinh thần kỷ luật, mà vị sư phụ đã chắt lọc tập hợp thành các bài học, cũng như phim, tự bản thân đã rõ ràng và khó hiểu. Nó cũng phản ánh các khía cạnh của Phật giáo luôn luôn không được đánh giá đầy đủ ở phương Tây, thường dí dỏm và đôi khi khắc nghiệt".
Xuân: 0:1:00
Hạ: 0:20:52
Thu: 0:49:35
Đông: 1:17:12
& Xuân: 1:36:55
Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân
Sức mạnh dàn cảnh và hình ảnh của Ngôi chùa nhỏ
Chỉ một lần thưởng thức bộ phim Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân (Spring, summer, fall, winter... and spring - Xuân qua Đông tới) của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk thì người xem chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh đẹp đến mê hồn người của phim. Vị đạo diễn đam mê nghệ thuật này đã hoàn toàn chinh phục khán giả bằng những khuôn hình đẹp như tranh vẽ, cảnh thật mà như ảo, ảo mà lại như thật cùng sự sắp đặt, bố trí, bày xếp bối cảnh mang tính biểu trưng cao thể hiện được những điểm nhìn rất độc đáo.
Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân của Kim Ki-duk (phim Hàn Quốc, sản xuất năm 2003) là một câu chuyện trải dài qua bốn mùa (trong đó mùa Xuân được lặp lại hai lần vào đầu phim và cuối phim) về cuộc sống của một vị sư từ khi chỉ là một đứa trẻ cho tới lúc trưởng thành. Thông qua sự vận động mang tính tuyến tính của thời gian bộ phim muốn đề cập tới sự trưởng thành, phát triển cả về mặt thể chất, tinh thần và thể xác của vị sư này, kéo theo đó là những vấn đề về triết lý, nhân sinh quan mang đậm tính Phật giáo - một trong những tôn giáo đồ sộ và chứa đựng nhiều giáo lý nhất từ trước đến nay.
Điểm đặc biệt nhất không thể không nhắc đến đó là hình ảnh ngôi chùa. Ngay từ đầu bộ phim này đã mang đến một cái nhìn mới lạ về kiến trúc độc đáo của ngôi chùa nhỏ thả nổi trên mặt hồ. Nhiều người có thể chưa biết đó là ngôi chùa này được xây dành riêng để quay bộ phim tại hồ Jusan - địa danh có niên đại tới 200 năm ở Kyungsang - Hàn Quốc. Dù là nhân tạo và mới được xây dựng, vẻ cổ kính, phong trần của công trình này lại hoàn toàn ăn nhập và hòa quyện vào khung cảnh xung quanh. Ngôi chùa xuất hiện sau khi cánh cửa mở ra như một hình thức giới thiệu sự khởi đầu của các mùa - các khoảng thời gian trong phim. Năm lần đổi mùa là năm lần ngôi chùa hiện ra luôn luôn trong một vị trí và góc nhìn gần như không thay đổi.
Bối cảnh trong Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân không hề được mở rộng ra bên ngoài khuôn viên của vùng thung lũng: một cái hồ nằm giữa lòng núi, bao quanh là đồi núi, cây mọc thành rừng và trong lòng hồ là một ngôi chùa. Những góc máy cao, xa lấy toàn cảnh ngôi chùa này luôn tạo cho khán giả một cái gì đó rất mênh mông, xa xôi nhưng lại thật gần gũi. Những cú máy tĩnh như “giữ” lại được khuôn hình đẹp như tranh vẽ, mang đến một cảm xúc rất cô đơn, lẻ loi, trơ trọi khi thấy một ngôi chùa nằm gọn giữa khoảng không gian rộng lớn bao la. Điểm dễ nhận thấy đó là hình ảnh ngôi chùa xuất hiện trong Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân luôn nằm ở giữa khuôn hình. Trong năm khoảng thời gian của phim thì đều xuất hiện những cảnh mà ngôi chùa khi thì xuất hiện qua lớp cửa, khi thì nằm giữa cửa và cái cây cổ thụ - nơi “ra” và “vào” gắn kết hồ với không gian bên ngoài và khi thì lại xuất hiện từ những góc máy đặt gần như song song với mặt hồ, len lỏi qua những tán lá, cành cây, gốc cây… để người xem có thể cảm nhận sự bồng bềnh, trôi nổi nhưng lại kiên định của công trình này.
Đặc biệt hơn cấu trúc ba vật thể gồm cái cổng, ngôi chùa và cây cổ thụ luôn xuất hiện trải dài theo sự biến chuyển của thời gian. Những cảnh này liên tiếp lặp lại như một dụng ý khôn khéo để người xem có thể cảm nhận rõ ràng sự thay đổi về không gian, thời gian, cảnh vật và kéo theo đó là dòng cảm xúc của các nhân vật. Sự cân đối giữa ba vật thể lại được “xáo trộn” khi ngôi chùa có những cảnh không xuất hiện làm tâm nữa mà thay vào đó là bố cục “cây/chùa/cổng” (vào trường đoạn mùa Đông), sự thay đổi này còn diễn ra ở mặt “cảm quan” khi vào các mùa, độ sáng/tối, rõ/nét của ba vật thể lại khác nhau: như trong một cảnh phim diễn ra trong thời điểm mùa Thu, buổi tối thì cái cổng cùng cây bị làm đen đi trong đó ngôi chùa sáng rực lên, trong một cảnh khác thì ngôi chùa lại bị mờ đi sau màn sương còn hai gốc cây hai bên lại nổi bật lên bằng màu đen giữa làn nước xám. Hay trong mỗi mùa luôn xuất hiện những cảnh ngôi chùa về chiều, tối hoặc đêm nằm trơ trọi mà chỉ hắt ra ánh sáng khi thì yếu ớt, khi thì mãnh liệt trong không gian mờ ảo trên mặt hồ… Tất cả những sự thay đổi này đều rất tinh tế và khó nhận ra nếu như người xem không chịu khó để ý đến dụng ý của đạo diễn muốn nói tới ở đây chính là sự chuyển biến của thời tiết, cũng như tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ trong lòng con người không hề yên ả như thiên nhiên bên ngoài.
Đặc biệt hơn cấu trúc ba vật thể gồm cái cổng, ngôi chùa và cây cổ thụ luôn xuất hiện trải dài theo sự biến chuyển của thời gian. Những cảnh này liên tiếp lặp lại như một dụng ý khôn khéo để người xem có thể cảm nhận rõ ràng sự thay đổi về không gian, thời gian, cảnh vật và kéo theo đó là dòng cảm xúc của các nhân vật. Sự cân đối giữa ba vật thể lại được “xáo trộn” khi ngôi chùa có những cảnh không xuất hiện làm tâm nữa mà thay vào đó là bố cục “cây/chùa/cổng” (vào trường đoạn mùa Đông), sự thay đổi này còn diễn ra ở mặt “cảm quan” khi vào các mùa, độ sáng/tối, rõ/nét của ba vật thể lại khác nhau: như trong một cảnh phim diễn ra trong thời điểm mùa Thu, buổi tối thì cái cổng cùng cây bị làm đen đi trong đó ngôi chùa sáng rực lên, trong một cảnh khác thì ngôi chùa lại bị mờ đi sau màn sương còn hai gốc cây hai bên lại nổi bật lên bằng màu đen giữa làn nước xám. Hay trong mỗi mùa luôn xuất hiện những cảnh ngôi chùa về chiều, tối hoặc đêm nằm trơ trọi mà chỉ hắt ra ánh sáng khi thì yếu ớt, khi thì mãnh liệt trong không gian mờ ảo trên mặt hồ… Tất cả những sự thay đổi này đều rất tinh tế và khó nhận ra nếu như người xem không chịu khó để ý đến dụng ý của đạo diễn muốn nói tới ở đây chính là sự chuyển biến của thời tiết, cũng như tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ trong lòng con người không hề yên ả như thiên nhiên bên ngoài.
Cấu trúc cân bằng này không chỉ thể hiện ở hình ảnh ngôi chùa, mà ngay chính trong cách bố trí, sắp đặt vật dụng của ngôi chùa cũng nói lên điều này. Có vẻ đạo diễn muốn cho những khuôn hình của mình luôn luôn ở trạng thái cân bằng nhất có thể để đến khi một trong những vật thể, nhân vật của phim rơi khỏi trạng thái này là y rằng sẽ có sóng gió xảy ra. Mặt tiền ngôi chùa là hai câu đối, hai con lân, hai ngọn đèn đá, chính giữa là một “bể cá” cùng con rùa đá, ở bên trong thì chính giữa là gian thờ, hai bên đều có những “cặp” đồ vật như tượng hươu, chỗ ngủ, cửa ra vào… cách bố trí, sắp đặt này đều “cố tình” tạo nên một sự cân bằng khó có thể phá vỡ, cộng thêm các góc máy quay trong ngôi đền luôn hướng tới việc đưa nhân vật vào trung tâm hoặc đưa vật thể vào giữa khuôn hình càng làm tăng cảm nhận này ở người xem.
Quay lại với hình ảnh ngôi chùa, sự biến chuyển, thay đổi về thời gian, không gian không chỉ dừng ở việc lặp lại những góc máy qua các mùa mà ngay trong chính chuyển động của vật thể, mà ở đây là ngôi chùa nổi cùng sự tương phản giữa ánh sáng mặt trời và bóng đổ của vật cũng tạo ra cảm nhận này. “Rõ nét” và “mơ hồ”, đó luôn là hai cảm nhận thường trực mỗi khi câu chuyện diễn ra trên ngôi chùa. Ai cũng đinh ninh rằng khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên hồ, núi, cây trong phim đều tĩnh, thứ duy nhất chuyển động trong không gian tĩnh ấy là con thuyền và con người. Nhưng thực chất bản thân ngôi chùa nổi cũng dịch chuyển, nó tự xoay tròn, tiến hoặc lùi nhưng điều này chỉ được “làm rõ” vào nửa sau của phim. Người xem cảm nhận sự chuyển động này không bằng bất kì một cú máy quay nào rõ ràng, ban đầu vào thời điểm Xuân và Hạ người xem chỉ mơ hồ cảm nhận thấy điều đó qua cái nhìn thẫn thờ của cô gái trẻ hướng vào rừng cây trước mắt hay như bóng râm do ngôi chùa tạo ra khi vị cao tăng buộc cô gái phải trở về khiến chú tiểu trẻ phải quỳ xuống cầu xin… cộng thêm những khung hình tĩnh về bộ ba vật thể (chùa, cổng, cây cổ thụ) với góc nhìn ngôi chùa không thay đổi suốt bộ phim khiến cho cảm nhận về sự tĩnh của ngôi chùa thêm lấn át. Nhưng đến mùa thu, khi người đàn ông từng là chú tiểu bị cảnh sát đưa đi thì sự chuyển động này trở nên rõ nét và cuối cùng là những cú máy cho thấy vật thể xung quanh đều tĩnh còn ngôi chùa đã tự xoay tròn, tiến hoặc lùi trong lòng hồ… lúc này mặt hồ gợn lên những đợt sóng rất mạnh như thể phim đang tua nhanh và điều này phải chăng chính là nói lên tâm trạng xao động với nhịp độ tăng dần của nhân vật đang đối lập với nhịp phim chậm chạp. Một cách “đánh lừa” cảm giác nữa cũng khá rõ nét đó là vị trí của ngôi chùa. Những bố cục cân bằng, chính giữa xuất hiện liên tục mà ngay cả những viễn cảnh lấy bao quát toàn thung lũng đều mang lại cảm nhận ngôi chùa nằm gọn giữa lòng hồ hình tròn. Nhưng thực chất, một số cảnh mà máy quay đặt dọc lòng hồ (góc cao) lại cho thấy ngôi chùa nằm sát về góc cuối của hồ và luôn hướng mặt tiền ra phía cửa cho dù nó có chuyển động về hướng nào đi nữa. Những cảm nhận lúc ảo, lúc thực này mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm khác nhau khi xem phim hay khi đánh giá những tầng ý nghĩa mà Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân mang lại.
Bên cạnh hình ảnh ngôi chùa và cách đạo diễn Kim xử lí nó trong Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân thì bộ phim còn rất nhiều điểm đáng phải bàn tới như cách “phóng to, thu nhỏ” sự vật để tạo nên những tầng ý niệm (hình ảnh cánh cửa to bên cạnh cây cổ thụ mỗi khi đổi mùa và hình ảnh cánh cửa nhỏ trong ngôi chùa, hay hình ảnh đầu tượng phật rất to đầu phim cùng viễn cảnh không lấy bao quát về toàn cảnh và bức tượng phật đồng đen tuy nhỏ nhưng lại đi kèm với viễn cảnh rộng, bao quát rất lớn toàn bộ khung cảnh…) hay cách sử dụng màu sắc trong phim để tạo cảm quan rõ nét về sự thay đổi mùa (xuân thì sắc tươi, xanh của cây, màu hoa, hạ thì màu nắng, cơn mưa rả rích, thu thì một màu vàng của lá, đông thì xám đen của rừng trụi lá, trắng xóa của tuyết…). Một điều rõ ràng rằng trong Xuân, Hạ, Thu, Đông …rồi lại Xuân, đạo diễn Kim Ki-duk đã vận dụng triệt để những thủ thuật từ nghệ thuật sắp đặt, hình ảnh, hình khối, chuyển động hết sức tinh tế để tạo nên cảm giác vừa rõ nét, vừa mơ hồ, góp một phần rất lớn tạo nên “tiền đề” để khán giả dễ dàng đi sâu khám phá nội dung sâu sắc của phim./
Đạo Nguyễn
http://www.thegioidienanh.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=4648:xuan-h-thu-ong-ri-li-xuan-sc-mnh-dan-cnh-va-hinh-nh-ca-ngoi-chua-nh&catid=35:dien-anh&Itemid=34