Thích Nhất Hạnh
Trước khi có thể đi cho tổ
tiên, đi cho những người làm hại mình, chúng ta cần học cách đi cho chính mình. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu
được tâm mình, hiểu được sự liên hệ giữa đôi chân và khối óc. Thiền sư Thường
Chiếu nói rằng: “Khi chúng ta hiểu được sự vận hành của tâm thì sự thực tập của
chúng ta trở nên dễ dàng.” Nói cách khác, nếu chúng ta có chánh niệm thì đôi
chân của chúng ta sẽ đi một cách rất tự nhiên.
Bụt đã dạy rằng thức luôn luôn
trôi chảy như một dòng nước. Thức có bốn loại: tiền ngũ thức (năm thức đầu), ý
thức, mạt na thức và tàng thức. Đôi khi bốn thức này được chia thành tám loại,
trong đó tiền ngũ thức được chia thành năm (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt
thức, thân thức). Khi chúng ta đi trong chánh niệm thì tất cả bốn tầng thức này
đều hoạt động.
Ý thức (mind consciousness) là thức đầu tiên, sử dụng hầu hết năng lượng của chúng ta. Ý thức là thức hoạt động,
là một phần của thức, nó phán xét, lo lắng, phân tích và lên kế hoạch. Khi nói
về ý thức, chúng ta cũng nói đến thân thức, bởi vì ý thức không thể có mặt nếu
không có não. Thân và tâm đơn giản là hai mặt của cùng một thực tại. Thân mà
không có thức thì không phải là một thân thể thực sự, một thân thể sống. Ngược
lại nếu không có thân thì thức cũng không thể tự biểu hiện được.
Chúng ta có thể tự luyện tập để
lấy đi cái phân biệt sai lầm giữa não và thức. Chúng ta không nên nói thức được
sinh ra từ não, bởi vì nếu nói ngược lại là: “não được sinh ra từ thức” thì điều
đó cũng đúng. Não chỉ chiếm hai phần trăm trọng lượng cơ thể, nhưng lại tiêu thụ
tới hai mươi phần trăm năng lượng của cơ thể. Vì vậy, sử dụng ý thức làm hao tốn
nhiều năng lượng. Suy nghĩ, lo lắng, lên kế hoạch lấy đi rất nhiều năng lượng của
chúng ta.
Chúng ta có thể tiết kiệm năng
lượng bằng cách luyện cho ý thức của mình có thói quen chánh niệm. Chánh niệm
giúp chúng ta có mặt trong giây phút hiện tại, cho phép ý thức của chúng ta thư
giãn và buông bỏ được những lo lắng về quá khứ hoặc những dự đoán cho tương
lai.
Thức thứ hai là tiền ngũ thức (sense
consciousness), là thức phát sinh từ năm giác quan: cái thấy, cái nghe, cái ngửi,
cái nếm, cái xúc chạm. Khi đi, khi nhìn, khi nếm, khi ngửi, khi nghe, khi tiếp
xúc chúng ta cũng dùng thức này. Đôi khi, chúng ta gọi các giác quan này là “cửa’’
hay “cổng”, bởi vì tất cả các đối tượng của tri giác đi vào thức đều qua các
giác quan này. Tiền ngũ thức luôn luôn bao gồm ba yếu tố: thứ nhất là căn (mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân), thứ hai là cảnh (đối tượng của năm giác quan: sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp) và yếu tố cuối cùng là kinh nghiệm của chúng ta
qua những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm.
Thức thứ ba là tàng thức, là vùng sâu
kín nhất. Thức thứ ba này có rất nhiều tên gọi. Truyền thống Bắc tông gọi là
tàng thức, tiếng sanskrit là A-lại-gia thức. Trong truyền thống Nam tông, người
ta dùng tiếng pali là bhavanga, để mô tả loại thức này, gọi là hữu phần thức.
Bhavanga nghĩa là luôn trôi chảy như một dòng sông. Tàng thức có khi được gọi
là căn bản thức (root consciousness, mulavijnama), hoặc nhất thiết chủng thức
(the totality of the seeds, sarvabijaka. Tàng nghĩa là giữ lại và duy trì (keep
and preserve).
Những tên gọi khác nhau này có
hàm ý nói lên ba đặc tính của tàng thức:
- Đặc tính thứ nhất là một nơi,
một cái kho để cất chứa tất cả các loại hạt giống. Hạt mù tạt (mustard) tuy rất
nhỏ nhưng nếu có cơ hội nảy mầm, cái vỏ bên ngoài sẽ nứt ra và cái rất nhỏ bên
trong trở thành cái rất lớn, đó là một cây mù tạt to cao. Trong Phúc Âm, người
ta nói đến hình ảnh hạt mù tạt có khả năng trở thành một cây rất lớn, có nhiều
chim chóc đến ca hót và làm tổ sinh sống. Hạt mù tạt tượng trưng cho tất cả những
gì được cất chứa trong tàng thức. Mọi thứ chúng ta thấy hoặc tiếp xúc đều có hạt
giống nằm sâu trong tàng thức.
- Đặc tính thứ hai là tàng trữ,
bởi vì tàng thức không chỉ đưa vào các thông tin mà nó còn có công năng nắm giữ
và duy trì.
- Đặc tính thứ ba, là hữu phần
thức (bhavanga), là khả năng xử lý (processing) và chuyển hóa.
Tàng thức giống như viện bảo
tàng vậy. Viện bảo tàng chỉ được gọi là viện bảo tàng khi có những cổ vật được
cất giữ trong đó. Khi không có gì trong đó cả thì ta gọi là một tòa nhà mà
không phải là viện bảo tàng. Viện bảo tàng phải bao gồm những cổ vật được cất
chứa và gìn giữ trong đó. Chuyên viên bảo quản phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo
trì các cổ vật ấy. Tàng thức bao gồm năng tàng (khả năng cất giữ) và sở tàng (đối
tượng được cất giữ). Đó là tất cả các thông tin từ quá khứ, từ tổ tiên của
chúng ta và tất cả các thông tin nhận được từ những thức khác. Trong truyền thống
đạo Bụt, các thông tin này được cất giữ dưới hình thức hạt giống (bija).
Giả sử sáng nay lần đầu tiên
chúng ta được nghe tụng kinh. Tai và âm thanh đến với nhau làm biểu hiện một
tâm hành, gọi là xúc. Sự tiếp xúc này gây nên một sự rung động đến tàng thức.
Như vậy có thể nói tâm hành này là một hạt giống mới rơi xuống tàng thức. Tàng
thức có khả năng tiếp nhận và duy trì. Tàng thức cất giữ tất cả các thông tin
mà nó nhận được. Tuy nhiên, chức năng của tàng thức không chỉ có tiếp nhận và
duy trì mà còn làm hiện hành (biểu hiện) các hạt giống, các thông tin.
Công việc này không làm hao tổn
gì. Tàng thức không tiêu tốn nhiều năng lượng như ý thức. Tàng thức có khả năng
làm việc mà không cần phải dụng công nhiều. Vì vậy muốn tiết kiệm năng lượng
chúng ta đừng suy nghĩ nhiều, đừng hoạch định nhiều và cũng đừng lo lắng nhiều
quá. Hãy để cho tàng thức làm hết mọi chuyện.
Tàng thức hoạt động không cần sự
có mặt của ý thức. Nó có khả năng làm được nhiều thứ, lập ra nhiều kế hoạch,
quyết định được nhiều điều mà không cần biết quyết định đó là gì. Ví dụ như khi
đi vào một gian hàng để tìm mua một cái mũ hay một chiếc áo sơ mi, ta có cảm tưởng
trong khi nhìn vào những thứ được trưng bày ta có tự do, rằng nếu tài chính cho
phép ta sẽ tự do lựa chọn những gì ta muốn. Nếu người bán hàng hỏi ta thích gì,
ta có thể chỉ hoặc nói cái mình muốn và ta có cảm giác lúc này ta là người tự
do, ta có thể dùng ý thức của mình để lựa chọn những gì mình muốn. Nhưng thực
chất, đó là một ảo tưởng. Mọi thứ mà chúng ta lựa chọn đã có sẵn trong tàng thức
và chúng ta không còn là người tự do nữa, chúng ta bị nô lệ. Cảm giác đẹp, cảm
giác thích hay không thích đã được quyết định rất chắc chắn, rất thận trọng ở
tàng thức rồi.
Chúng ta tưởng rằng chúng ta có
nhiều tự do, đó là một ảo tưởng. Thực ra mức độ tự do của ý thức chúng ta rất
nhỏ. Tàng thức ra lệnh cho chúng ta làm nhiều thứ, bởi vì tàng thức tiếp tục nhận
vào, ôm ấp, duy trì, làm hiện hành và quyết định mà không cần sự tham dự của ý
thức. Tuy nhiên nếu biết thực tập, chúng ta có thể tác động đến tàng thức,
chúng ta có thể giúp tàng thức biết cách cất giữ và làm hiện hành những hạt giống
tốt, đồng thời có những quyết định hay hơn.
Cũng như ý thức và tiền ngũ thức,
tàng thức cũng tiêu thụ. Khi xung quanh ta có một nhóm người thì cho dù ta muốn
ta là ta, ta cũng tiêu thụ cách thức của nhóm người đó, chúng ta tiêu thụ tàng
thức của họ. Thức của chúng ta được nuôi bằng thức của những người khác. Cách
chúng ta quyết định, những gì chúng ta thích hay không thích đều phụ thuộc vào
cách nhìn của cộng đồng. Có thể ban đầu chúng ta thấy không đẹp lắm, nhưng nếu
nhiều người cho là đẹp thì từ từ chúng ta cũng thấy đẹp. Đó là vì tâm thức cá
nhân được làm bằng tâm thức cộng đồng.
Giá trị của đồng đô la được làm
bằng suy nghĩ của cộng đồng chứ không phải chỉ là những yếu tố kinh tế khách
quan. Sự sợ hãi, tham vọng, mong muốn của con người làm cho đồng đô la lên xuống.
Chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi cách nhìn, cách suy tư của cộng đồng. Vì vậy, chọn
môi trường sống xung quanh rất quan trọng. Chúng ta phải chọn môi trường như thế
nào để quanh ta là những người có tình thương, có hiểu biết, có từ bi, bởi vì
đêm ngày chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm thức của cộng đồng đó.
Tàng thức đem lại cho ta sự chứng
ngộ và chuyển hóa. Khả năng này được chứa đựng trong nghĩa thứ ba là hằng chuyển
(always flowing). Tàng thức giống như một khu vườn mà chúng ta có thể gieo hạt
lên đó. Chúng ta có thể gieo các loại hoa, các loại cây ăn trái và rau củ, để rồi
sau đó hoa trái và rau củ sẽ lớn lên. Ý thức của chúng ta chỉ là người làm vườn.
Người làm vườn có khả năng làm đất, chăm sóc đất và tất nhiên phải tin tưởng
vào khả năng của đất – tin rằng đất này sẽ cho ra hoa trái. Là một hành giả,
chúng ta không thể chỉ dựa vào ý thức mà còn phải dựa vào tàng thức nữa bởi vì
tất cả những quyết định đều được thực hiện ở tàng thức.
Giả sử ta gõ nhập một thông tin
nào đó vào máy vi tính thì những thông tin này sẽ được lưu vào ổ cứng. Ổ đĩa
này giống như tàng thức vậy. Mặc dù nội dung không xuất hiện trên màn hình
nhưng thông tin vẫn còn đó, chỉ cần nhấn đúng nút thì nội dung sẽ biểu hiện. Hạt
giống (bija) trong tàng thức cũng giống như những dữ liệu chúng ta cất giữ
trong máy. Nếu muốn, chúng ta chỉ cần nhấn một cái là những dữ liệu sẽ xuất hiện
trên màn hình ý thức. Ý thức chúng ta giống như màn hình và tàng thức giống như
ổ đĩa cứng, bởi vì tàng thức có thể cất chứa rất nhiều thứ trong đó. Chính nhờ
khả năng cất chứa, duy trì và bảo quản của tàng thức mà các thông tin, dữ liệu
không bị xóa đi.
Tuy nhiên, khác với những thông
tin trên ổ đĩa cứng, tất cả các hạt giống trong tàng thức đều mang tính hữu cơ
có thể thay đổi, chuyển hóa được. Chẳng hạn hạt giống giận dữ có thể yếu đi và
năng lượng giận dữ có thể được chuyển hóa thành năng lượng thương yêu; hạt giống
thương yêu có thể được tưới tẩm và lớn mạnh hơn. Tính chất của các pháp, của
các thông tin được lưu giữ và vận hành trong tàng thức là luôn luôn trôi chảy
và chuyển biến. Tình thương có thể biến thành hận thù và hận thù cũng có thể được
chuyển hóa trở lại thành tình thương.
Bên cạnh đó, tàng thức cũng là
một nạn nhân. Khi chưa đạt được đại viên cảnh trí, tàng thức là đối tượng của sự
vướng mắc. Tàng thức không được tự do. Trong tàng thức cũng có những yếu tố của
vô minh như giận dữ, mê mờ, sợ hãi và những yếu tố này tạo thành một sức mạnh,
một năng lượng níu lấy tàng thức và muốn chiếm hữu tàng thức làm của riêng. Đó
là thức thứ tư, gọi là Mạt na thức. Mạt na thức cũng có thể gọi là chuyển thức
(cogitation). Thức mạt na tin vào một cái ngã riêng biệt, tin vào một con người.
Nằm sâu trong tàng thức là một ý niệm cho rằng có một cái ngã tách rời với những
yếu tố vô ngã khác. Thức này, cảm thọ này và cái bản năng được gọi “tôi là”
này, nằm rất sâu trong tàng thức. Nó không phải là một cái thấy của ý thức. Chức
năng của mạt na là níu lấy tàng làm ngã, ôm lấy tàng thức như một cái ngã riêng
biệt và chiếm hữu tàng thức làm của riêng.
Mạt na thức có một tên gọi khác
là Chấp trì (adana). Chấp trì có nghĩa là nắm giữ, nắm bắt, chiếm hữu làm của
riêng (appropriation). Chúng ta hãy tưởng tượng đến một cây dây leo đâm chồi và
cái chồi này trở lại ôm lấy bao quanh thân cây. Cái ảo tưởng tin rằng có một
cái ngã này nằm sâu trong tàng thức một cách kiên cố. Đó là kết quả của vô minh
và sợ hãi. Ảo tưởng này cũng tạo ra một nguồn năng lượng quay trở lại ôm lấy
tàng thức và biến tàng thức trở thành đối tượng thương yêu duy nhất của nó.
Chức năng của mạt na là chiếm hữu
tàng thức làm của riêng như của chính nó. Mạt na luôn luôn hoạt động và không
bao giờ rời khỏi tàng thức. Nó luôn luôn ôm lấy, nắm giữ hoặc bám chặt vào tàng
thức. Nó tin rằng tàng thức là đối tượng thương yêu của nó. Vì vậy mà tàng thức
không được tự do. Mạt na có ảo tưởng rằng tàng thức là “tôi”, là “người tình” của
tôi, nên tôi không thể buông bỏ được. Đêm ngày mạt na có một nhận thức sâu kín
và bí mật rằng: “Cái này là tôi, cái này là của tôi. Tôi phải làm mọi cách để nắm
lấy, bảo vệ và biến nó thành cái của tôi.” Mạt na được sinh ra và ăn sâu vào
tàng thức. Nó đi lên từ tàng thức và quay trở lại ôm lấy tàng thức như là đối
tượng của nó: “Anh là người tình của tôi, anh là tôi.”
Bốn thức tương tác như thế nào?
Bây giờ khi đã có tên gọi của bốn
thức, chúng ta có thể thấy được sự ảnh hưởng và tác động qua lại của chúng. Có
khi đạo Bụt ví tàng thức như là một biển thức và các thức khác là những con
sóng đi lên từ lòng biển thức đó. Khi có gió thì ngọn gió sẽ kích động cho các
thức khác biểu hiện.
Tàng thức là cái căn bản, là nền
tảng, là gốc rễ. Từ nền tảng căn bản này mà ý thức biểu hiện và hoạt động. Đôi
khi ý thức cũng nghỉ ngơi và trở về lại tàng thức. Trong trường hợp này, tàng
thức là khu vườn và ý thức là người làm vườn. Mạt na cũng nảy sinh từ tàng thức
nhưng rồi quay trở lại ôm lấy tàng thức và xem tàng thức như tài sản, như đối
tượng thương yêu của nó cứ như thế suốt đêm ngày, vì vậy mà mạt na còn được gọi
là “tình thức”.
Khi yêu ai, mình không thật sự
yêu người đó. Mình tạo ra một hình ảnh hoàn toàn khác với thực tại. Sau khi sống
với người đó một hai năm, mình mới khám phá ra hình ảnh mà mình có về người kia
quá khác xa với thực tại. Mặc dù mạt na được sinh ra từ tàng thức, nhưng cách
nhìn của nó về tàng thức cũng đầy vô minh và tri giác sai lầm. Mạt na tạo ra
hình ảnh về tàng thức như đối tượng thương yêu của nó và đối tượng này không
đúng với thực tại. Khi chúng ta chụp hình một người nào đó thì tấm hình đó chỉ
là một tấm hình mà không phải là người đó. Mạt na nghĩ rằng nó yêu tàng thức,
nhưng thực tế nó chỉ yêu cái hình ảnh do chính nó tạo ra mà thôi. Đối tượng của
thức có thể là thực tại mà cũng có thể là một đới chất (representation) do
chúng ta đã chủ quan bịa đặt ra.
Vì vậy, chúng ta có người làm
vườn là ý thức, chúng ta có tình thức là mạt na. Tuy nhiên ý thức có thể bị
gián đoạn. Chẳng hạn như khi ngủ mà không mộng mị hay khi bị hôn mê thì ý thức
hoàn toàn ngưng hoạt động. Khi chúng ta đi vào một trạng thái định nào đó thật
sâu, ý thức cũng ngưng hoạt động hoàn toàn - không suy nghĩ, không hoạch định,
không gì cả. Tuy nhiên, tàng thức vẫn tiếp tục hoạt động. Thiền hành sâu cũng
có thể như thế. Khi chúng ta đi, tàng thức vẫn tiếp tục làm việc nhưng chúng ta
không ý thức về điều đó.
Ý thức có thể hoạt động độc lập
mà cũng có thể cộng tác với tiền ngũ thức. Giả sử chúng ta đi xem triển lãm, đứng
trước một bức tranh thì nhãn thức chúng ta hoạt động. Có thể giây phút đầu tiên
nhãn thức nhìn vào tác phẩm nghệ thuật mà không có một chút suy nghĩ hay đánh
giá nào. Nhưng thấy được đối tượng ngay trong lòng sự vật chỉ kéo dài được một
sát na (kshana), một giây phút rất ngắn ngủi. Ngay sau đó, những kinh nghiệm
trong quá khứ đi lên cùng với những đánh giá, phán xét, cái này như thế này như
thế kia. Đó là sự cộng tác giữa hai thức: ý thức và nhãn thức. Khi ý thức làm
việc với tiền ngũ thức, gọi là ý thức ngũ câu (associative consciousness). Nếu
đi sâu vào định chúng ta sẽ không thấy, không nghe, không tiếp xúc gì nữa cả.
Lúc này, ý thức làm việc một mình, gọi là ý thức độc đầu (independent mind
consciousness). Trong thiền định, chúng ta thường sử dụng ý thức độc đầu này.
Chúng ta đóng hết hai mắt, hai tai lại, chúng ta không muốn bị phân tán bởi những
gì chúng ta thấy hoặc nghe. Vì thế định được phát sinh từ ý thức.
Cũng có khi tiền ngũ thức hoạt
động hợp tác với tàng thức mà không đi qua ý thức. Điều này nghe có vẻ hơi ngộ
nghĩnh, nhưng lại xảy ra rất thường xuyên. Ví dụ khi lái xe, dù ý thức ta đang
nghĩ về những chuyện khác, ta cũng có khả năng tránh được nhiều tai nạn. Hay thậm
chí có khi ta không hề nghĩ gì đến chuyện lái xe cả, mà tai nạn vẫn không xảy ra. Khi đi, hiếm khi ta bị
vấp té. Đó là vì những ấn tượng, những hình ảnh mà nhãn thức cung cấp đã được
tàng thức nhận vào và làm quyết định dưới đó không qua ý thức. Khi có ai đó bất
thình lình đưa một vật gì gần vào mắt ta, hay có ai đó sắp đánh ta, hoặc có một
vật nào đó sắp rơi trúng ta thì ta phản xạ rất nhanh. Cái quyết định đó, hành động
nhanh nhẹn đó không phải do ý thức làm nên. Chúng ta không cần nghĩ là: “Ồ, có
một tảng đá, vì vậy mình phải bước qua.” Chúng ta chỉ hành động thôi. Bản năng
tự vệ đó đi lên từ tàng thức.
Có một hôm tôi nằm mơ. Vào thời
xưa, ở châu Á, người ta phải tự xay gạo. Trước khi nấu cơm, phải lấy lúa đi
xay. Cái cối xay gạo trong chùa có một âm thanh, nhịp điệu rất đặc biệt. Một
ngày nọ, tôi đang nghỉ trưa, lúc đó vào khoảng một giờ rưỡi. Trời rất nóng. Người
ta thường thích ngủ trưa nửa giờ trước khi tiếp tục các sinh hoạt khác. Trong
lúc đang ngủ trưa, tôi nghe có tiếng xay lúa, nhưng thực ra đó là tiếng mài mực
tàu của một em học trò. Để có mực viết bằng cọ, người ta phải cho một ít nước
vào đĩa và mài mực vào. Tiếng mài mực, bằng cách nào đó, qua nhĩ thức của tôi,
đi vào tàng thức và được truyền đến ý thức. Cho nên trong giấc mơ, tôi nghe thấy
ai đó đang giã gạo. Vì vậy, ấn tượng đi vào bằng hai con đường: con đường ý thức
hoặc con đường tàng thức. Tất cả mọi thứ đi qua tiền ngũ thức đều có thể được cất
giữ, phân tích và vận hành bởi tàng thức. Không phải lúc nào chúng cũng đi qua
ý thức, chúng có thể đi trực tiếp từ tiền ngũ thức đến tàng thức.
Vào đêm tối khi trời lạnh, cho
dù chúng ta không mơ, ý thức ta không hoạt động, nhưng cảm giác lạnh vẫn đi vào
cơ thể ta qua thân thức (một trong năm thức đầu), tạo nên một sự rung động ở
tàng thức và buộc chúng ta đưa tay kéo mền lên đắp.
Cho dù đang lái xe, sửa máy hoặc
làm một công việc nào đó, chúng ta cũng có thể để cho năm thức đầu hợp tác với
tàng thức. Điều này giúp chúng ta có khả năng làm được nhiều thứ mà không cần sự
can thiệp của ý thức. Khi đưa ý thức vào công việc thì chúng ta có khả năng ý
thức được các tâm hành đang phát khởi.
“Hành” (tiếng Sankrit gọi là
samskara) nghĩa là những hiện tượng được biểu hiện khi có đủ các điều kiện hợp
thành. Nhìn vào một đóa hoa, chúng ta có thể nhận ra nhiều yếu tố kết hợp lại với
nhau trong đó để cho một đóa hoa biểu hiện. Chúng ta biết rằng nếu không có mưa
thì sẽ không có nước và như thế hoa không thể biểu hiện được. Chúng ta thấy mặt
trời cũng có mặt trong đó. Đất đai, phân bón, người làm vườn, thời gian, không
gian và nhiều yếu tố khác nữa kết hợp lại để cho đóa hoa biểu hiện. Đóa hoa
không thể tồn tại biệt lập. Đóa hoa là tập hợp của nhiều yếu tố, đó là hành. Mặt
trời, mặt trăng, sông, núi… tất cả đều như thế cả, tất cả đều là hành. Từ “hành”
nhắc nhở chúng ta rằng không có một cái gì tồn tại biệt lập, chỉ có nhiều yếu tố
kết hợp lại để cho một cái gì đó biểu hiện mà thôi.
Là một hành giả thực tập theo
giáo lý đạo Bụt, chúng ta có thể tự tập luyện để khi nhìn vào sự vật chúng ta
thấy được tất cả đều do nhiều yếu tố, nhiều nhân duyên kết hợp lại mà thành.
Chúng ta biết rằng, tất cả các pháp luôn luôn biến đổi - chư hành vô thường.
‘Vô thường’ là một trong những then chốt của thực tại, bởi vì mọi thứ đều đổi
thay.
Tâm hành
Các hành, các hiện tượng tồn tại
trong tâm ý thì gọi là tâm hành. Khi có sự tiếp xúc giữa các căn (mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân) và cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) thì thức phát sinh. Ngay
giây phút đầu tiên khi con mắt chúng ta nhìn vào một đối tượng, hoặc chúng ta cảm
nhận một luồng gió thổi qua làn da của mình thì tâm hành đầu tiên biểu hiện là
xúc. Sự xúc chạm này gây nên một làn rung động đến tàng thức.
Nhưng nếu sự xúc chạm này không
đủ mạnh thì sự rung động sẽ ngưng lại, tàng thức trở lại trạng thái yên tĩnh của
nó; và chúng ta vẫn tiếp tục ngủ hoặc tiếp tục làm việc, vì các ấn tượng do xúc
tạo ra không đủ mạnh để gây sự chú ý của ý thức. Giống như những con thiêu thân
khi đậu trên mặt nước, chúng làm cho mặt nước có những gợn sóng lăn tăn. Nhưng
sau khi chúng bay đi thì mặt nước hoàn toàn yên tĩnh trở lại. Vì vậy cho dù tâm
hành có biểu hiện và hữu phần thức (life continuum) rung lên nhưng nếu các ấn
tượng do xúc tạo ra quá yếu thì ý thức cũng không nhận biết được.
Trong tâm lý học Phật giáo, có
khi nói bốn mươi chín tâm hành, có khi nói năm mươi mốt tâm hành. Trong truyền
thống Làng Mai, chúng ta thường nói đến năm mươi mốt tâm hành. Năm mươi mốt tâm
hành cũng được gọi là tâm sở (mental concomitants), chúng chính là nội dung của
thức. Nếu không có tâm hành thì thức cũng không có. Cũng như những giọt nước,
giọt nước chính là dòng sông. Nếu không có những giọt nước thì dòng sông cũng
không có. Chẳng hạn như tâm hành giận, ý thức có thể hoạt động như thế nào đó
mà cơn giận biểu hiện trong ý thức. Lúc đó ý thức đầy sự giận dữ và chúng ta có
cảm tưởng là ý thức của chúng ta chỉ có cơn giận, ngoài ra không có gì nữa cả.
Nhưng thực tế, ý thức chúng ta không phải chỉ là cơn giận, bởi vì sau đó lòng từ
bi phát khởi và ý thức trở thành tâm từ bi. Vào những thời điểm khác nhau thì ý
thức bao gồm năm mươi mốt tâm hành; chúng có thể là tâm hành thiện, tâm hành
ác, hoặc tâm hành bất định (không thiện mà cũng không ác).
Khi nhìn một đàn chim bay lượn
rất ngoạn mục trên bầu trời, chúng ta thấy không có một người nào điều khiển
hay buộc chúng phải bay theo một đội hình nào cả. Chúng ta không cần một cái
ngã để làm cho chúng bay. Các con chim chỉ việc bay thôi. Cũng giống như một
đàn ong không cần phải có ai đó ra lệnh cho con ong này bay bên trái hay con
ong kia bay bên phải. Chúng tự truyền thông với nhau và tạo thành một đàn ong.
Trong tất cả các con ong này, mỗi con đều có một nhiệm vụ khác nhau, không có
con ong nào đòi làm “sếp” hay đòi làm ong chúa cả. Con ong chúa không phải là
chủ, chức năng của nó chỉ để đẻ trứng. Nếu chúng ta có một đoàn thể thực tập vững
chãi, một tăng thân đẹp thì chúng ta cũng hành xử giống như đàn ong vậy, trong
đó từng cá nhân làm nên cái tập thể mà không cần có một ông chủ hay một ai khác
chỉ đạo.
Khi chúng ta nói “trời mưa” tức
là chúng ta muốn nói đến cơn mưa đang xảy ra. Không cần có một ai đó trên kia
làm ra mưa, không phải có mưa rồi có ai đó làm cho mưa rơi. Thực ra, nói ‘mưa
rơi’ nghe rất buồn cười bởi vì nếu không rơi thì sẽ không có mưa – mưa là rơi.
Cách nói của chúng ta thường có một chủ thể đi kèm với một động từ. Vì vậy,
chúng ta dùng từ “trời” khi chúng ta nói “trời mưa”. ‘Trời’ là chủ thể, là người
làm ra mưa, nhưng nếu nhìn sâu chúng ta sẽ thấy không cần có người làm ra mưa
mà chỉ cần mưa thôi. Mưa và rơi là một. Hành động của chim và chim là một.
Không có một cái ngã, một ông chủ nào tham dự vào đó cả.
Có một tâm hành gọi là vitarka
- tầm, nghĩa là truy tìm, suy nghĩ (initial thought). Khi dùng động từ “suy
nghĩ”, chúng ta cần một chủ thể đi với động từ đó, như: tôi nghĩ, quý vị nghĩ,
anh ta nghĩ. Nhưng thực sự chúng ta không cần có một chủ thể để cho suy nghĩ
phát khởi. Suy nghĩ mà không cần có người suy nghĩ - điều này hoàn toàn có thể
xảy ra được. Suy nghĩ là suy nghĩ về cái gì. Nhận thức là nhận thức điều gì. Nhận
thức và đối tượng nhận thức là một.
Khi ông Descartes nói: “Tôi suy
nghĩ, tức là có tôi đây” (I think, therefore I am). Quan điểm của ông ta là nếu
tôi suy nghĩ thì phải có một cái “tôi” để cho suy nghĩ được hình thành. Khi
tuyên bố “tôi suy nghĩ”, ông ta tin rằng ông ta có thể chứng minh được có một
cái “tôi” tồn tại. Chúng ta có một tập khí rất mạnh là tin vào một cái ngã. Tuy
nhiên khi quán chiếu sâu sắc chúng ta có thể thấy được chỉ có suy nghĩ mà không
cần người suy nghĩ. Không có người đứng đằng sau suy nghĩ đó - chỉ có suy nghĩ
thôi. Chừng đó là đủ rồi.
Bây giờ nếu có ông Descartes ở
đây, chúng ta có thể hỏi ông: “Này ông Descartes, ông nói là: ‘Anh suy nghĩ, tức
là có anh đây. Nhưng anh là gì?” - Anh là suy nghĩ của anh. Suy nghĩ là đủ rồi.
Có một suy nghĩ biểu hiện mà không cần có một cái ngã đứng đằng sau suy nghĩ ấy.
Suy nghĩ không cần có người suy
nghĩ. Cảm giác không cần có người cảm giác. Khi không có ngã thì cái giận của
mình là gì? Đó là đối tượng để ta thiền quán. Tất cả năm mươi mốt tâm hành phát
khởi và biểu hiện không có một cái ngã nào đứng đằng sau để sắp xếp cho cái này
hay cái kia biểu hiện. Ý thức của chúng ta có tập khí dựa trên ý niệm về ngã, về
mạt na, nhưng chúng ta có thể thiền quán để ý thức thêm về tàng thức của chúng
ta. Tàng thức cất giữ những hạt giống của tất cả các tâm hành mà hiện thời
không biểu hiện trong tâm mình.
Khi thiền quán, chúng ta tập
nhìn sâu để đem ánh sáng và sự hiểu biết vào cách nhìn nhận sự vật của mình.
Khi chúng ta đạt được cái nhìn vô ngã thì vô minh không còn. Đó là sự chuyển
hóa. Trong truyền thống đạo Bụt, hiểu sâu mang đến sự chuyển hóa. Khi đạt được
tuệ giác vô ngã thì mạt na thức – ý niệm “tôi là” – sẽ tan rã và chúng ta sẽ đạt
được tự do, hạnh phúc ngay trong giây phút ấy.
Van Ngo cung cap-