Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

PHẬT GIÁO VÀ VŨ TRỤ HỌC

76.1
Trong thời đại khoa học, khi mà những tiến bộ khoa học đã làm lui đi phần nào quan niệm thần thánh và những mớ huyền thoại, mê tín dị đoan của con người, thì càng ngày Phật Giáo càng chứng tỏ là một tôn giáo, từ cấu trúc, tư tưởng trong các Kinh điển cho tới phương pháp hành trì, rất là tương hợp với khoa học.

Ngày nay, Phật giáo đã đi vào thế giới Tây phương một cách nhẹ nhàng, cởi mở và hòa đồng. Cho nên thế giới Tây phương càng ngày càng hâm mộ Phật Giáo về những sắc thái tiến bộ của Phật giáo, và những khoa học gia thượng thặng ngày nay cũng đã nhận ra rằng tư tưởng Phật Giáo đã giúp họ rất nhiều trong việc giải thích những hiện tượng khoa học và đã dẫn họ đến những tư tưởng mới và khám phá mới trong khoa học. Muốn hiểu được hiện tượng kỳ lạ trên, chúng ta cần duyệt sơ lại lịch sử khoa học Tây phương cũng như tìm hiểu những sắc thái đặc biệt của Phật giáo đối với khoa học.

Theo quan niệm của một số khá đông, nhất là ở Tây phương, thì có vẻ như khoa-học và tôn giáo khó có thể tương hợp.
Thật vậy, tôn giáo Tây phương đặt căn bản trên niềm tin ở 1 đấng siêu nhiên vạn năng, tác giả của mọi vật trên thế gian và có toàn quyền quyết định số phận con người trong đời sau, dù rằng cho tới nay không có cách nào con người có thể kiểm chứng được sự hiện hữu của một đấng toàn năng, hoặc những ai đã được thưởng hay bị phạt, và thưởng phạt như thế nào. Trái lại, khoa học đặt căn bản trên thực nghiệm, trực tiếp liên hệ tới những vấn đề xã hội ngay trong đời này, và không chấp nhận những sự việc có tính cách mơ hồ, viển vông, không phù hợp với đầu óc ngày càng tiến bộ của con người.
… Phật Giáo, thường bị xuyên tạc là một tôn giáo yếm thế, chậm tiến, lại có rất nhiều điểm tương đồng với khoa học, luôn luôn hòa hợp, cổ võ, và hỗ trợ những tiến bộ của khoa học, và ngày càng giữ một vị thế thoải mái trong thời đại khoa học. Điều này không có gì là lạ, vì căn bản tu tập trong Phật giáo cũng dựa trên thực nghiệm giống như khoa học, và nếu ta để tâm tìm hiểu thì ta sẽ thấy trong nhiều bộ môn, Phật Giáo đã tiến trước khoa học khá xa về tư tưởng và phương pháp hành trì chứng nghiệm trực tiếp.

Hẳn nhiên trong một bài viết ngắn ngủi tôi không có cách nào trình bày toàn vẹn tinh thần khoa học trong Phật Giáo cũng như không thể đi vào tất cả các bộ môn mà tư tưởng Phật Giáo có thể coi như là tiền phong cho những khám phá khoa học sau này. Cho nên sau đây tôi chỉ đưa ra vài sự kiện so sánh giữa những khám phá của Phật Giáo hơn 2500 năm trước và những khám phá mới đây của khoa học chính xác, và tôi sẽ tự hạn trong đề tài "Vũ Trụ Luận" trong Phật Giáo. Tôi sẽ chứng tỏ để bạn đọc thấy nhiều khi Phật Giáo còn chính xác hơn và đầy đủ hơn khoa học, và rằng một số tư tưởng Phật Giáo và phương pháp trình bày các tư tưởng này đã đi trước khoa học nhiều thế kỷ.

Quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ như sau: thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là trung tâm vũ trụ. Ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có rất nhiều thế giới khác, và Phật giáo phân loại các thế giới thành 3 loại: Tiểu Thiên Thế Giới, Trung Thiên Thế Giới, và Đại Thiên Thế Giới.

Danh từ thế giới trong Phật - giáo chỉ một thiên thể (thí dụ như trái đất) hoặc một tập hợp các thiên thể được coi như thuộc một nhóm (thí dụ như thái-dương-hệ mà trái đất là một hành tinh trong đó). Vậy, một ngàn thế giới họp thành một Tiểu Thiên Thế Giới, một ngàn Tiểu Thiên Thế Giới họp thành một Trung Thiên Thế Giới, và một ngàn Trung Thiên Thế Giới họp thành một Đại Thiên Thế Giới. Vậy, lấy đơn vị là một hệ thống tương tự như hệ thống Thái Dương Hệ và gọi là thế giới thì Tiểu Thiên Thế Giới gồm có khoảng một ngàn thế giới, Trung Thiên Thế Giới gồm khoảng một triệu thế giới, Đại Thiên Thế Giới gồm khoảng một tỷ thế giới v.v...

Đó là quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo từ hơn 2500 năm về trước. Nhưng sau đó 22 thế kỷ, vào thế kỷ thế 17, Tây phương vẫn còn chưa thoát khỏi quan niệm tối tăm về trời tròn đất vuông, trái đất được coi là trung tâm vũ trụ, và rằng mặt trời quay xung quanh trái đất như đã viết trong Thánh Kinh. Những khám phá mới, xác thực về vũ trụ của các khoa học gia như Copernicus (các hành tinh quay xung quanh mặt trời) và Galileo (trái đất quay xung quanh mặt trời), vì không phù hợp với thánh kinh, nên đều bị quyền lực tôn giáo đương thời lên án.

Trở lại quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo, chúng ta thấy rằng quan niệm này hầu như tương hợp hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của những nhà thiên văn (astronomers) hay những nhà vật-lý-học về thiên thể (astrophysicists), và đã đi trước khoa-học nhiều thế kỷ. Một Tiểu Thiên Thế Giới có thể so sánh với quan niệm hiện đại về một thiên hà (galaxy) gồm có cả triệu ngôi sao và những hành tinh có thể có sinh vật trên đó.

Thí dụ như giải ngân hà (Milky Way) hay M31, hay chòm sao (constellation) Andromeda. Một Trung Thiên Thế Giới có thể so sánh với một chùm thiên hà (galactic cluster) thí dụ như chùm Coma Berenices, và một Đại Thiên Thế Giới có thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là siêu thiên hà (metagalaxy) ở trong Đại Vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có ít ra là cả triệu thiên hà.

Cho tới nay, vì những giới hạn tự tại của những dụng cụ quan sát cho nên các khoa học gia chưa thể đi xa hơn trong việc khảo sát vũ trụ. Nhưng không phải vì những giới hạn kỹ thuật này mà vũ trụ cũng bị giới hạn theo, và nay chúng ta đã hiểu tại sao Đức Phật lại "bỏ ngỏ" quan niệm về vũ trụ hữu hạn hay vô hạn. Điều này chứng tỏ Đức Phật đã thấy rõ khả năng vô tận của con người, và rằng Phật Pháp không phải là những giáo điều cứng nhắc không bao giờ thay đổi. Và đây cũng chính là tinh thần khoa học hiện đại, không có gì có thể coi như là vĩnh cửu, bất biến.

Nói đến quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo thì chúng ta không thể bỏ qua Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Thế Giới Thành Tựu. Trong phẩm này, Bồ Tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10 đặc tính của các thế giới: nhân duyên khởi, chỗ trụ nương, hình trạng, thể tánh, trang nghiêm tánh, thanh tịnh tánh, Phật xuất hiện, kiếp trụ, kiếp chuyển biến sai biệt, và môn vô sai biệt. Để cho vấn đề tương hợp với khoa học được rõ ràng, sau đây tôi xin luận về hai điểm: hình trạng và kiếp trụ các thế giới. Chúng ta hãy xét đoạn kinh văn sau đây:

Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn...hoặc hình như nước xoáy....hoặc hình như hoa ... có vi trần số hình sai khác như vậy."

Rồi trong phẩm tiếp theo, phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Phổ Hiền Bồ Tát lại tuyên thuyết: "Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe... hoặc hình hoa sen... có vi trần số hình trạng như vậy." ("Kinh Hoa- Nghiêm", Thích Trí Tịnh, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản).

So sánh với những hình trạng của các chòm sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay chúng ta thấy Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác. Thí dụ như các hình như bánh xe, nước xoáy chúng ta có thể quan sát được trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules, hình sông là giải ngân hà (Milky Way) và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà (intergalactic clouds of gas) có chứa hàng tỷ ngôi sao v.v...

Thật tôi không thể tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn, dù thô sơ nhất, mà Đức Phật và các Đại Bồ Tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ như trên. Nếu không phải vì đã giác ngộ hoàn toàn, nắm vững cơ cấu huyền bí của vũ trụ, thì làm sao có thể biết được những điều như trên. Và chúng ta cũng nên nhớ là những điều đức Phật và các Bồ Tát chọn để tuyên thuyết cho người đời chẳng qua cũng chỉ là một nắm lá trong tay so với số lá cây trong rừng.

Tiếp theo, về kiếp trụ của các thế giới, Kinh văn viết rằng:

"Lúc đó Phổ Hiền Bồ-Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Nên biết thế giới hải có thế giới hải vi trần số kiếp trụ, hoặc có a-tăng-kỳ kiếp trụ, hoặc có vô-lượng kiếp trụ, hoặc có vô biên kiếp trụ, hoặc có vô đẳng kiếp trụ, hoặc có bất-khả-sổ kiếp trụ, hoặc có bất khả xưng kiếp trụ, hoặc có bất khả tư kiếp trụ, hoặc có bất khả lượng kiếp trụ, hoặc có bất khả thuyết kiếp trụ,... có vi trần số kiếp trụ như vậy."

Rồi trong bài kệ để tuyên lại nghĩa này Bồ Tát Phổ Hiền có giải thích bằng một câu: "Hoặc chỉ một kiếp hoặc vô số, Bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng." Chỉ một câu "bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng" cũng đã giải quyết vấn đề "thiên sai vạn biệt" trong vũ trụ. Thật là đầy đủ, thật là rốt ráo, thật là chính xác. Nếu chúng ta đi sâu vào một chút trong đoạn kinh văn trên, chúng ta sẽ thấy Phật Giáo đã đi trước khoa học như thế nào.

Phật giáo phân biệt: Tiểu Kiếp có 16 triệu 8 trăm ngàn năm, Trung Kiếp có 336 triệu năm, và Đại Kiếp có 1 tỷ 344 triệu năm. Theo khoa học hiện nay thì một ngôi sao (coi như là một thế giới) mà chất lượng (mass) càng nặng thì đời sống của ngôi sao càng ngắn. Do đó có những ngôi sao chỉ "sống" được từ 1 tới vài tỷ năm và người ta đã tính được rằng một ngôi sao có chất lượng nhẹ hơn những ngôi sao trên khoảng 90 phần trăm thì ngôi sao này có thể sống tới hàng ngàn tỷ năm. Điều này rất phù hợp với câu kệ trên của Phổ Hiền Bồ Tát, có thế giới chỉ tồn tại một kiếp, có thế giới tồn tại vô số kiếp v.v....

Thứ đến, những danh từ như a-tăng-kỳ, vô lượng, vô biên,... bất khả thuyết có vẻ như mơ hồ và không rõ ràng như những con số trong thời đại khoa học. Thật ra không phải vậy, vì trong phẩm A-Tăng-Kỳ, Kinh Hoa Nghiêm ta đọc được như sau, tôi xin đánh số cho nó rõ ràng hơn:

Phật nói: Này thiện nam tử!

1. Một trăm Lạc Xoa làm một Câu Chi.

2. Câu Chi lần Câu Chi làm một A-Giu-Đa

3. A-giu-Đa lần A-Giu-Đa làm một Na-Do-Tha

4. Na-Do-Tha lần Na-Do-Tha làm một Tần-Bà-La và tiếp tục như vậy tất cả là 123 lần, trong đó số 104 là A- Tăng-Kỳ, số 106 là Vô Lượng, số 108 là Vô Biên, số 110 là Vô Đẳng, số 112 là Bất-Khả-Sổ, số 114 là Bất-Khả- Xưng, số 116 là Bất-Khả-Tư, số 118 là Bất-Khả- Lượng, và số 120 là Bất-Khả-Thuyết.

Chúng ta biết rằng khoa học ngày nay dùng ký hiệu lũy thừa để viết những con số lớn. Thí dụ như 1 triệu là con số 1 với 6 con số 0 đằng sau, 1 000 000, theo ký hiệu điện toán được viết như sau: (10^6) hay 106 và đọc là 10 lũy thừa 6; 1 tỷ gồm có 9 số 0 và được viết là 109 (billion), lớn hơn nữa là 1012 (1 ngàn tỷ hay trillion), 1015 (1 triệu tỷ hay zillion) và khoa học chưa có những danh từ riêng để chỉ những con số lớn hơn. Tiếng Việt thì chỉ tới số tỷ là cao nhất.

Theo Kinh Phật thì 1 Lạc Xoa là 100 ngàn, nghĩa là 105. Như vậy 1 Câu Chi là 10 triệu, nghĩa là 107; 1 A- Giu-Đa là 100 ngàn tỷ, nghĩa là 1014; 1 Na-Do-Tha là 10 tỷ tỷ tỷ, nghĩa là 1028. Tiếp tục tính ra ta sẽ thấy 1 A- Tăng-Kỳ là khoảng, nếu chỉ lấy 9 số lẻ, 10(8 x 10^31), nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi hơn 7000 tỷ tỷ tỷ con số 0 ở đằng sau, một con số vô cùng lớn nhưng vẫn có một tên riêng. Chúng ta có thể suy ra:

Vô Lượng ~= 10^(3 x 10^32), Vô Biên ~= 10^(1.13 x 10^33),...và Bất-Khả-Thuyết ~= 10^(4.6 x 10^36) nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi khoảng hơn 4 tỷ tỷ tỷ tỷ con số 0 đứng đằng sau.

Những con số khoa học hiện đại dùng tới có lẽ chỉ vào khoảng 10^40 nghĩa là chỉ có 40 con số 0 đứng sau. Chúng ta thấy ngay rằng, ngay cả về phương diện toán số, Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa về sự biểu thị chính xác những con số và đã có quan niệm về những con số vô cùng lớn, lớn ngoài mức tưởng tượng của các khoa học gia hiện đại.

Trên đây tôi đã trình bày sơ lược, sơ lược vì còn rất nhiều chi tiết tôi chưa nói tới, những sự tương đồng giữa Phật Giáo và khoa học hiện đại trong một số quan niệm về vũ trụ, và chứng tỏ rằng những tư tưởng Phật Giáo đã đi trước khoa học nhiều thế kỷ, và rằng Phật giáo cũng vô cùng chính xác trong một số nhận định.
Nhưng Phật Giáo không phải chỉ có những tương đồng với khoa học trong bộ môn thiên văn như vừa trình bày ở trên, hay với môn Vật lý các hạt nhỏ (particle physics) như đã trình bày trong cuốn The Tao of Physics của Fritjoff Capra, mà còn nhiều tương đồng khác trong các bộ môn như sinh học (bioscience), vật lý hạt nhân (nuclear physics), triết lý khoa học (philosophy of science), tâm lý học (psychology), phân tâm học hay tâm lý trị liệu (psychotherapy), di truyền học (genetics) v.v..., và nếu khảo sát kỹ thì trong bộ môn nào, tư tưởng Phật Giáo cũng đi trước khoa học khá xa.

Cũng vì vậy mà những bộ óc khai phóng, tiến bộ nhất của nhân loại hiện nay càng ngày càng phải tìm về những chất liệu trong Phật Giáo với hi vọng giải quyết những bí tắc trong việc mở mang kiến thức loài người. Ngoài ra, cái tinh thần từ bi hỉ xả và bản chất khoan dung của Phật giáo cũng lần lần đi vào đầu óc của những con người tiến bộ trong thời đại khoa học.

Để kết luận, tôi xin mượn lời của luận gia Gerald Du Pré như sau:

"Trong thế kỷ này, đã có nhiều công cuộc hòa hợp tôn giáo trên thế giới, với mục đích đáng tán thưởng là tìm ra những điểm chung giữa các tôn giáo, và cổ súy tinh thần khoan dung giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, điều này không làm cho tôn giáo sống lại, vì những thứ mà hầu hết những tôn giáo cùng có là lòng tin, giáo điều, thánh kinh và các thần tính, tất cả những thứ này làm cho các tôn giáo đó không tương hợp với khoa học. Phật giáo (cùng với Lão giáo) là một biệt lệ, vì Phật giáo không phải là một tín giáo, không có giáo điều cứng nhắc, không có thần quyền và không chấp nhận hiệu lực cứu rỗi của bất cứ ai khác.

Tôi không tin rằng chúng ta nên tìm cách hợp nhất Phật giáo với các tôn giáo khác. Điều này chỉ dẫn đến sự lẫn lộn. Chúng ta hãy cố gắng tranh đấu để hợp nhất Phật giáo và khoa học, để tạo nên một tôn giáo khoa học cho thế giới hiện đại. Khoa học Phật giáo sẽ làm tan biến sự hoang mang, bối rối bằng cách làm sáng tỏ và hợp nhất lý thuyết và phương pháp hành trì Phật Giáo để làm một căn bản giác ngộ vững chắc, hữu hiệu cho người Tây phương."

(During this century, a great deal of work has been done for uniting the religions of the world, with the praiseworthy object of discovering what they have in common, and for promoting tolerance among them. However, this has not lead to a revival of religion, because what most religions have in common is faith, dogma, divine scriptures and deities, all of which make them incompatible with science. Buddhism (along with Taoism) is the great exception to this, for it is not a faith, has no dogma or divine authority of its own and does not accept the validity of anyone else's.

I don't believe that we should be trying to unite Buddhism with other religions. This only leads to confusion. Instead, we should be striving to unite Buddhism and science, so as to produce a religion of science for our modern world. Scientific Buddhism will dispel confusion by clarifying and unifying Buddhist practice and theory and making it an effective stepping-stone to enlightenment for Westerners." ("Scientific Buddhism" by Gerald Du Pré, in "Buddhism and Science", Edited by Buddhadasa P. Kirthisinghe, New Delhi, India, 1984).

         http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/5642-Phan-2-Phat-Giao-va-Khoa-Hoc-05-Phat-giao-va-vu-tru-hoc.html