Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

LỄ BÁI


          
Trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam thuộc phái Ðại thừa (Bắc Tông) có nhiều khía cạnh tổ chức:
·       lễ nhạc (âm thanh êm ái),
·       lễ tụng (giọng Thiền, giọng ai),
·       lễ khí (nhạc cụ, pháp khí),
·       lễ phục (y, mão),
·       lễ đường (nơi hành lễ),
·       lễ nghi (bày biện, tác phong),
·       lễ bái (lạy);


Trong phạm vi lễ bái xin được trình bày như sau:

I . Ý NGHĨA VÀ LỢI ÍCH CỦA LỄ BÁI
          A/ Tổng quát: Lạy Phật tức là bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ của mình đối với bậc Giác Ngộ. Ngoài ra còn có khả năng tiêu diệt lòng tự cao, tự đại ngã mạn của mình, và rạp mình trước một tin tưởng tuyệt đối để biểu lộ sự chí thành, chí kính với đức Phật, tức là với chính mình vậy. Lạy Phật có 4 cách:

            1/ Lạy nép thân mình sát đất (ngũ thề đầu địa): cách lạy nầy là làm tiêu diệt tâm kiêu mạn của mình và biểu lộ lòng tôn kính đối với đức Phật. Ngũ thể là 5 bộ phận trong con người: 2 tay, 2 chân và đầu. Khi lạy thì 5 bộ phận nầy phải từ từ gieo xuống chạm sát mặt đất. Khi lạy theo cách nầy phải phát nguyện lớn như trong kinh Hoa Nghiêm Tùy Sớ Diễn Nghĩa đã dạy như sau:

-Khi gối phải con quỳ xuống đất, nguyện cho chúng sanh theo đường chánh giác.
-Khi gối trái con quỳ xuống đất, nguyện cho ngoại đạo bỏ hết tà kiến theo về chánh đạo.
-Khi tay phải con chống xuống đất, nguyện được vững chắc như Phật ngồi tòa Kim Cương, hiện điềm lành chứng đạo Bồ Ðề.
-Khi tay trái con chống xuống đất, nguyện các chúng sanh khó điều phục xa lìa ngoại đạo, dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, nói năng êm dịu, làm việc lợi ích, đồng tâm, đồng sức cùng sống thân mật với nhau) mà đưa nhau gần vào chánh đạo.
-Khi đầu con sát đất, nguyện cùng chúng sanh bỏ tâm kiêu mạn, thành tựu đạo Vô Thượng Bồ Ðề.

            2/ Lạy úp mặt vào tay (đầu diện tiếp túc quy mạng lễ): tức là lạy ôm chân Phật, tỏ lòng thành kính vô cùng, xem như đang ôm lấy chân Phật.
            a/ Chính trí tương ứng: (Lạy phải đúng nghi thức, với tấm lòng hết sức chơn thành).
Khi lạy thân mình nghiêm chỉnh, ăn mặc đàng hoàng, tâm tưởng , ý suy với mục đích duy nhất: lạy Phật, nhất trí tiến tu, không cầu, không chứng. Lạy như vậy là chánh pháp cùng chí hướng tương quan với nhau nên gọi là chính trí tương ứng. Trái lại, thường vấp phải các lỗi như sau.
            b/ Khinh mạn tương ứng: Khi lạy Phật thân không nghiêm chỉnh, ý không thanh tịnh, tâm tán loạn, chỉ lạy như cái máy, miệng khấn vái lung tung, cầu xin loạn xạ. Thân, tâm, ý đều khởi lên những động tác bất kính, khinh mạn nên gọi là khinh mạn tương ứng.
            c/ Tạp giác tương ứng: Khởi đầu ăn mặc chỉnh tề, tâm ý thanh tịnh, nhưng vì giác quan thâu nhiễm cảnh trần phức tạp (mắt nhìn người nọ, liếc kẻ kia), dấy lên những tâm tưởng e thẹn, ngần ngại nên phát xuất ra động tác lạy Phật ngượng nghịu, sượng sùng, miễn cưỡng nên gọi là tạp giác tương ứng.

              3/ Lạy dập trán xuống đất 3 lần (tam khấu đầu): Ðó là cách lạy thông thường, xem như "nhất tâm đảnh lễ", 3 lần dập trán xuống đất là biểu hiện lòng thành khẩn và sự cung kính đối với Tam Bảo.

              4/ Lạy đứng: Trong kinh Ðại Phương Quãng Bảo Kháp có chép rằng: "Bậc Thanh Văn tên là Trí Ðăng hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi rằêng: Lạy Phật phải lạy như thế nào?- Ðáp: Nếu thấy kinh, sách phải coi như thấy Phật, thân phải nghiêm chỉnh, không nghiêng, không vẹo, không lay, không động. Tâm phải vắng lặng không khởi lên một mảy may phiền não. Dù đứng mà lạy nhưng với sự thành kính, tịch tĩnh như thế chính là lạy Phật." Như vậy chúng ta đứng nghiêm chỉnh, khởi lên ý niệm tôn kính tự tâm, khiến tâm tĩnh lặng hướng về đức Phật cũng không kém phần lợi lạc.


Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có phân tích đến lợi ích của sự lạy Phật như sau: "Lạy Phật một lạy thì từ đầu gối trở lên đến đầu đều có ngôi Chuyển Luân Thánh Vương hiển hiện phò trì và cũng có được 10 thứ công đức như sau:
1-Tự mình có được sắc thân tươi đẹp nhiệm mầu
2-Lời mình nói ra ai nấy đều tin.
3-Ðối với mọi người dù ác độc, mình không sợ hãi.
4-Chư Phật thời thường gia hộ phò trì.
5-Tự mình có đầy đủ oai nghi, được mọi người kính mến.
6-Mọi người thảy đều muốn làm quen giúp đở.
7-Chư Thiên đều yêu kính.
8-Ðầy đủ các điều phúc đức, hưởng mọi thanh nhàn.
9-Khi chết nhận định được vãng sanh.
10-Tự mình chứng quả vắng lặng Niết Bàn.


B/ Phân tích việc lạy Phật về SỰ và LÝ.
Theo kinh điển có 7 loại lạy Phật, 3 loại thuộc về SỰ và 4 loại thuộc về LÝ
a/ Ba (3) loại thuộc về SỰ là:

1- Lạy Phật mà còn tính cách ngã mạn: Người theo đạo Phật vào lạy Phật nhưng chưa chịu nén lòng, đè khí (đê tâm, hạ khí), mà còn giữ tính tự cao, tự đại cố hữu, hoặc vì bất đắc dĩ, phép lịch sự mà phải lạy, e ngại, bỡ ngỡ, tuy có ý cung kính nhưng cũng chỉ nhất thời, lạy không đúng cách, chp tay hoặc chân đứng không đúng phép, ý nghĩ lung tung, van xin khấn vái loạn xạ, tưởng như vậy là Phật thương Phật độ. Nhưng kinh Hoa Nghiêm, thiên Khổng Mục, Phật dạy: "kẻ lạy như vậy là chưa dẹp được lòng ngạo mạn, tội nhiều phúc ít". Do đó người cư sĩ Phật tử khi lạy Phật phải đem hết tâm trí, phải không còn một chút mảy may lòng ngã mạn, dồn hết tâm trí vào việc lạy Phật mới mong có lợi lạc.

2- Lạy theo người xướng họa: Ðó là lạy Phật vì bị thúc đẩy bởi người khác hay một động năng bên ngoài, lạy không theo nghi thức, không có oai nghi, tâm không tịnh, ý không tập trung, lạy với tính cách khoe khoang, hoặc thấy người lạy thì mình lạy theo, nghe người xướng thì mình lạy còn tâm tư thì nghĩ tận đâu đâu, không có một chút gì là để ý tới việc đang lạy Phật cả. Lạy như vậy là để cho có việc, cho xong việc và hành động không hợp nghi thức nên công đức tự sút giảm rất nhiều.

3- Lạy với thân tâm cung kính: Tức là tự mình lạy Phật hay nghe người chủ lễ xướng, thì tự tâm mình khởi ngay ý niệm tưởng tới đức Phật, tất cả thân tâm đều biểu hiện hình tướng trang nghiêm hết sức cung kính. Lúc nầy 6 căn thanh tịnh, 6 thức quy về một niệâm là tinh tấn, lạy với tất cả tấm lòng thành kính vô biên. Như vậy là toàn thân kính lạy, nhứt tâm quy mạng, công đức nhờ đó mà phát sinh.

b/ Bốn (4) loại thuộc về LÝ: (căn cứ vào sự suy luận nguyên nhân)
1-Phát hiện trí thanh tịnh mà lạy: Là tâm trí mình thông suốt mọi cảnh giới, tâm cảnh tương ứng, lạy đức Phật mà chính là lạy điểm "trí năng thanh tịnh" của mình. Như vậy là Phật pháp và thân tâm của mình dung thông, xem tâm với Phật là một. Tâm trí thanh tịnh tất nhiên có Phật trong chính mình vậy.

2-Lạy ngôi Tam Bảo là lạy khắp Pháp giới: Khi đã hiểu được thân tâm mình cùng với vạn pháp là một không xa lìa nhau, thì chúng sanh với Phật cũng bình đẳng như nhau. Trong kinh dạy: "Nhất thân phục hiện sát trần thân. Nhất nhất biến lễ sát trần Phật".Nghĩa là thân của ta cũng sẽ hiện ra vô số thân trong cõi trần hoàn. Riêng một thân ta lạy Phật, thì tất cả các thân khác cũng lạy Phật. Như vậy là ta lạy Phật tức là lạy khắp Pháp giới nên gọi là "Biến Lễ" là lạy khắp thảy 10 phương Pháp giới, 10 phương chư Phật.

3-Lạy với sự quán tưởng chân chánh: Lạy Phật tức là lạy mình, lạy khắp Pháp giới. Như vậy lạy có nghĩa là biểu lộ ra hành động mà quán tưởng đến chư Phật tức là liên hợp được thân tâm, mình với Phật và chúng sanh như nhau, cùng ảnh hiện do sức quán tưởng. Do đó lạy mà quán tưởng sẽ gặt hái được vô lượng công đức.

4-Lạy Phật mà xem như lạy khắp chúng sanh không phân biệt. Lạy như vậy gọi là lạy với thực tướng bình đẳng, 3 cách lạy Phật (thuộc Lý) nêu trên có hành động có suy nghĩ nhưng còn có phân biệt: Mình, Phật và Chúng sanh. Ðến cách thứ tư nầy: lạy với thực tướng bình đẳng tức là trong việc lạy không còn sự phân biệt là Mình, Phật, Chúng sanh nữa. Phàm Thánh tất cả chỉ là một bản thể Chơn Như, cho nên dù Thể hay Dụng cũng không phân biệt. Do đó ngài Văn Thù mới dạy: "Năng lễ, sở lễ tánh không tịch" nghĩa là người lạy, người được lạy, cả hai đều không, mà chỉ có một sự vắng lặng là đáng quý mà thôi.

Tóm lại Lạy Phật phân ra bảy loại, theo Sự và Lý để chỉ rỏ trên bước đường tu tập phải trải qua từng giai đoạn để tự huân tập lấy bản thân, hầu đạt đến khi thuần thục: lạy với thực tướng bình đẳng là lạy Phật. Cho nên người cư sĩ Phật tử trên bước đường tu học, cần phải tìm hiểu rỏ ràng mới mong đạt được kết quả trong pháp môn Lạy Phật.

C/ Ðộng tác lạy Phật
1/ Ðứng: Hai gót chân chạm khít lại với nhau,hai đầu bàn chân xòe ra khoảng 60 dộ.
2/ Chấp tay: Hai bàn tay chụm lại, các ngón tay khít lại với nhau, tầm mắt nhìn xuống thấy đầu lỗ mũi và đầu ngón tay vô danh là vừa đúng.
3/ Ðầu ngay thẳng, mắt ngước nhìn lên, hai cánh tay khép sát vào nách, hai bàn tay chụm lại.

4/ Bắt đầu lạy: Hai tay chấp nguyên, từ từ đưa lên theo với tầm mắt nhìn theo Tôn Tượng, rồi từ từ hạ hai tay xuống, cúi đầu chuẩn bị hạ năm phần cơ thể xuống, khi gần đến sát đất, hai bàn tay xòe ra, lòng bàn tay úp xuống mặt đất làm thành hai cây chống đỡ toàn thân, hai gối hơi dãn ra và quỳ sát đất, như vậy là đã ở trong một tư thế cúi sấp người và tùy theo cách lạy mà thay đổi tay:
            a-Nếu là đầu diện tiếp túc: Thì hai tay lật ngữa chồng lên nhau, bàn tay phải đặt lên trên bàn tay trái rồi cúi đầu úp mặt vào lòng bàn tay.
            b-Nếu là ngũ thể đầu địa: Thì hai tay vẫn chống tức là lòng bàn tay úp xuống đất, và cúi đầu, trán sát xuống đất là được.
            c-Nếu là tam khấu đầu: Thì hai tay cũng ở tư thế chống và đầu cúi xuống đất 3 lần.

5/ Khi lạy xong: Ðầu ngẫng lên từ từ, nếu là ở tư thế đầu diện tiếp túc thì hai tay phải lật úp lại trở về thế chống, dùng sức đẩy nhẹ thân mình lên và đứng thẳng dậy thật nghiêm chỉnh rồi lại tiếp tục.

6/Tư thế lạy đứng: Lạy đứng là cách giản dị nhất, nhưng rất dễ bị mất tính cách trang nghiêm, do đó chúng ta cần phải chú ý. Trước khi lạy, đứng thật ngay thẳng, chấp tay đúng theo các yếu tố ghi trên, yên lặng trong một phút để tập trung tưởng và phát nguyện lạy Phật. Xong tay từ từ đưa lên, trong khi đó đầu hơi cúi xuống và gập thân mình lại.

Số lạy trong đạo Phật thường là:
-Biểu lộ quy kính Tam Bảo: 3 lạy.                                                   
-Biểu lộ báo đáp Tứ Ân      : 4 lạy.                                                      
-Biểu lộ quy kính Tam Bảo và cha mẹ: 5 lạy.
Sau khi lạy xong, vái 3 vái và cúi đầu thấp xuống để tỏ sự nép mình cung kính.

Khi lạy tuyệt đối không được nhìn ngang, nhìn dọc hoặc dấy lên những động tác thiếu trang nghiêm hoặc hỏi han nói chuyện với người khác làm cho mình vàngười đều phân tâm mất phần công đức.
Tóm lại, việc lạy Phật là một điều rất quan trọng đối với người cư sĩ Phật tử trong tiến trình tu học, chúng ta phải luôn luôn huân tập để tiến đến chỗ Sự, Lý viên dung. Hằng ngày lạy Phật với một dạ chí thành, chí kính, nhất tâm, nhất trí. Lạy một lạy mà:- lạy cả mười phương -lạy với thực tướng bình đẳng. Ðược như vậy mới phát huy mạch đạo và tăng thêm phần công đức tu tập.
(Trích trong Thực Hành Phật Giáo của cư sĩ Khánh Vân)   


II . CÁCH LẠY PHẬT
Hồi Phật còn tại thế, khi người ta lễ bái thì quỳ mọp, đầu chí chân Phật.  Ấy là đảnh lễ.  Hoặc người ta đi quanh Phật ba vòng, theo tay mặt. Ấy là hửu nhiễu tam táp.  Còn như lễ Phật tại chùa tháp, tức lạy tượng cốt Phật, thì thân đỉnh lễ, miệng xưng danh hiệu Phật, tâm tưởng có Phật trước mặt mình.

            BÁI :  (Tạp ngữ).  Khi lễ Phật thì nên theo qui tắc mà Phật giáo đã chế định, vì cách thức lễ Phật khác với cách thức lễ bái của thế gian.
            Nay tường thuật cách thức lễ Phật như sau:
            1-  Chắp hai bàn tay, đặt trước ngực, đứng trước tọa cụ (chiếu ngồi).
            2-  Ðưa bàn tay phải xuống đặt giữa tọa cụ.
3-  Bàn tay trái đặt ở mép trái của toạ cụ phiá trước (đây là một động tác)
4-  Bàn tay phải từ trong giữa đi ra mép bên phải của tọa cụ (đây là một nửa động tác ) mà theo cách thức lễ bái của thế gian gọi làhai động tác rưỡi ), hai bàn để cách nhau khoảng 6 tấc).
5-   Ðầu đặt lên  tọa cụ ở giữa khoảng hai bàn tay.
6-   Hai bàn tay thu vào và ngữa lòng bàn tay lên, lúc nầy dùng hai bàn tay đặt lên chân Phật, cho nên gọi là Ðầu diện lễ túc (đầu và mặt lễ chân).
7-   Nắm hai bàn tay lại, lật lên, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí trên tọa cụ.
8-   Ðầu cất lên khỏi tọa cụ.
9-   Kéo bàn tay phải vào giữa tọa cụ.
10- Ðưa bàn tay trái khỏi tọa cụ và đặt trên ngực như dáng chắp tay.
11- Dùng bàn tay phải tỳ xuống để lấy sức đứng dậy (đồng thời, hai đầu gối cũng rời khỏi tọa cụ) và chắp lại với bàn tay trái, đặt trước ngực.
Ðến đây là một lạy, và ít nhất là phải lạy ba lạy.  Nếu lạy nhiều thì cứ tính số 3 gấp lên, như 6 lạy, 9 lạy, 12 lạy v.v..

Lạy xong, còn thêm một lạy nữa mà người đời gọi là vái chào, và nhà Phật gọi là Vấn tấn (thăm hỏi).  Khi lạy xong, hai tay vẫn chắp trước ngực rồi từ từ đưa hai tay xuống (lúc này cả người đều cúi xuống) quá đầu gối khoảng một tấc, dùng bàn tay phải đặt bên trong bàn tay trái làm thành nắm tay, rối đưa lên ngang lông mày (lúc nầy người đã đứng thẳng), lại duỗi bàn tay thẳng ra, đặt trước ngực, lòng bàn tay ngữa lên, hai ngón tay cái giao nhau, đây tức là thủ ấn của đức Di Ðà. Lạy Phật như thế đến đây là xong.
(Trích Từ Ðiển Phật Học Hán Việt)


III . Cách thức lạy Phật và Quán tưởng của Trung Quốc
(Trích trong cuốn Lễ Phật dự y học = Lạy Phật và Y học)
Cách chấp tay:
            1- Hai cánh tay cần phải buông lõng, ngay thẳng, mềm dẽo, nhẹ nhàng, không lấy sức chuyển gân.
            2- Hai bàn tay ép sát với nhau, nếu như tay trái khít thì tay phải lõng, hoặc ngược lại.
            3- Hai tay chấp lại để trước ngực, cánh tay trên không được kẹp sát nách (để máu huyết dễõ lưu thông)
* Hai ngón tay cái để ngang trước huyệt Ðản trung (Chiên trung), huyệt này nằm ngay chính giữa trung tâm trên đường thẳng ngang hai vú.
            4-Hai mắt nhìn thẳng vào hai đầu bàn tay, tự mình kiểm soát lại xem thử chấp tay đàng hoàng chưa hay còn loạn tâm, chấp tay cũng không phải là dễ, năm ngón tay khi tâm mình đang tán loạn thì hai ngón tay út thường bị hở ra, không dễ khép chặt được. Nên dùng tâm quán chiếu, nâng cao giác tánh, thì năm ngón tay mới khít nhau được.

Cách lạy:
            Phật nghĩa là Giác Ngộ. Lạy Phật là mở mang giác tánh của chính mình chứ không phải tôn sùng một cách mù quáng và cũng chẳng phải là một động tác để quán tánh. Nếu không hiểu rõ thì sẽ bị thói quen của các động tác có sẳn trong con người lôi kéo đi đường khác.
            Lạy Phật cần yếu làbồi đắp khả năng " hồi quang phản chiếu ", làm khơi dậy giác tánh có sẳn trong thói quen trước đây trở nên hữu dụng, chứ không phải là một loại vận động. Vì vậy nên luôn luôn quán chiếu vào mỗi động tác. Trong lúc lạy Phật phải chú ý không được nhắm mắt lại, mà từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc phải thu nhiếp nhãn thần, quán chiếu tự thân,, quán tự tại. Thị lực tập trung ngay đường chính giữa mắt. Nên hiểu rằng tại sao mình phải làm đúng đắn trong mỗi động tác. Bởi vì trên cao có đức Phật đang nhìn chúng ta. Không thể nào mà không biết điều nầy được. Lạy mà mê, không lạy mà giác là vậy đó. Nên thu nhiếp lục căn, không thể để tản mạn lung tung được.

1/ Ðứng thẳng như cây thông, mà thư giãn : buông lõng.
            Hai bàn chân mở ra thành chữ V, hai ngón cái cách nhau khoảng 26cm và hai gót cách nhau khoảng 7cm (trước 8 tấc Tàu và sau 2 tấc Tàu), hai bàn chân đứng thẳng như cây thông, sức nặng chia đều trên hai gót chân, hít sâu vào toàn thân thư giãn hoàn toàn, các ngón chân cũng buông lõng, đầu như cái chuông treo, ngay thẳng linh hoạt, tai ngay giữa vai. Ót sát với cổ áo, xương cổ và xương ngực thẳng đối nhau. Lấy trung điểm của gót chân, cột xương sống và đỉnh đầu là một đường thẳng đứng. Khớp xương quai hàm dưới để tự nhiên, không nghiếân răng hay cắn chặt răng. Lưỡi, quai hàm, yết hầu đều buông lõng mềm mại. Ðầu lưỡi cuốn để lên trên vòm hàm trên, lưỡi uống cong lên như đang ngậm một cục tròn không khí. Như vậy, tuyến nước bọt mới thông thương tốt, trong lỗ mũi và yết hầu đường khí lưu thông cũng thoải mái. Thư giãn thì khí mạch lưu thông, đỉnh đầu được mát dễõ giữ gìn chánh niệm, không mê, không loạn.

2/ Chấp tay : (để nhiếp tâm)
            Hai bàn tay chấp lại với nhau để trước ngực, vai và cánh tay thư giãn, góc ngón cái ngay trước huyệt Ðản trung ( Chiên trung ) không quá sát ngực, cách khoảng I tấc tây. Tự mình kiểm soát lấy, năm ngón tay khít lại với nhau ngay thẳng hướng lên phía trên. Riêng ngón út rất khó khít lại với ngón đeo nhẫn, nên hãy chú tâm để ý. Nếu tâm chưa tập trung được thì ngón tay út sẽ hở ra. Tay tuy phải giữ ngay ngắn, nhưng  đừng gồng cứng, nếu tay trái ép thì tay phải buông lõng, hay ngược lại. Hít sâu vào vai buông lõng, dưới nách để hở, không khép cùi chỏ sát vào. Giữ ngay thẳng buông xả, hít vào thật đầy đủ không khí, thâu nhiếp nhãn thần, nhìn ngay chính giữa đường ranh của hai lòng bàn tay chấp lại, hướng thẳng vào đường khí ngưng sau mũi.

             3/ Cúi đầu ( nhìn lại mình )
          Mềm mại cúi đầu cung kính đảnh lễ, đầu từ từ cúi xuống đến gần ngực, cổ để yên hoàn toàn không dùng sức. Lúc ban đầu chưa cúi xuống được, đó là vì bấp thịt cổ, lâu ngày co súc ngắn lại, chỉ cần buông lõng, tập luyện nhiều lần ( như khi bị ngủ gật, đầu tự nhiên cúi xuống dễ dàng, hoàn toàn không cần dùng sức trong động tác nầy.) Chỉ cần thư giãn để kéo dài bắp thịt cổ mà thôi. Nhưng phải thâu nhiếp nhãn thần, tự nhìn lại mình, lạy Phật là để tu tập ( động trong định ). Trong động tác, cảnh trước mắt tuy có thay đổi, nhưng đều nằm trong sự thâu nhiếp cuả nhãn thần, tức là thâu nhiếp lục căn.

4/ Gập thân mình lại (cột sống cong về hướng sau). Khiêm tốn
            Trọng tâm tại gót chân, đứng vững trên gót chân, ngón chân buông lõng không chịu lực. Ðầu cúi xuống nhìn thẳng đường chính giữa như là nhìn chính mình vậy. Nếu cần thì nhìn thẳng vào đường giữa hai gót chân của mình, cũng giống như người đang nằm ngữa mà dùng lực ngồi dậy, khiến cho ức, bụng, mông, đầu gối đều đồng loạt giật lui khiến cho cột sống hướng lui sau và ngồi dậy. Bụng và rốn có thể lui một thước tàu ( khoảng 33cm ), còn cánh tay thì bất động.

5/ Vai thư giãn ( chuẫn bị ngồi xuống ) -buông xả    
          Vẫn giữ tư thế đầu cúi xuống và thân gập lại như cũ, hai bàn tay vẫn chấp lại hướng thẳng xuống giữa hai gót chân, hai vai theo sức kéo tự nhiên chúi xuống. Ðộng tác nầy sẽ làm tiêu trừ những chướng ngại của bắp thịt vai thường ngày. Tiếp theo đây hai động tác nhanh  và liên tục nhau để chống xuống đất trong nháy mắt trước khi quỳ xuống là động tác chuyển tiếp. Tuy động tác nầy rất nhanh khoảng 3 giây đồng hồ, nhưng vẫn giữ được trọng tâm, đồng thời lấy sức ở đan điền để mở rộng gót chân ra rất quan trọng. Vì thế không nên bất cẩn mà phải xem xét rõ ràng.

6/ Cong đầu gối ( gập thân lại mà quỳ xuống )- Cung kính
            Vẫn tiếp tục cúi đầu, gập thân, thòng tay và giữ vững hai ống chân đứng thẳng mà gập đầu gối lại cho đến khi hai tay đụng đất ( tưởng tượng như phía sau hai bấp chân có ghế để dựa vào chân ghế mà ngồi xuống ). Mắt vẫn chăm chú nhìn thẳng ngay đường giữa 2 mắt và rốn, dựa vào đường thẳng nầy mà ngồi thẳng xuống trên hai gót và tay sẳn sàng chống xuống mặt đất, nhẹ nhàng hai tay phân ra hai bên đầu gối hai lòng bàn tay lật hướng về phía sau để chống xuống đất. Người mới tập thì đầu gối có khuynh hướng đâm về phía trước, nên phải cố gắng tập luyện. Chú ý: Vì trước khi động tác gập người xuống thì bấp vếâ và đầu gối đã hướng về sau rồi, vì vậy trong khi xếp đầu gối lại,bắp chân vẫn còn đứng thẳng mà giữ cho đừng chúi đầu gối về trước.

7/ Quỳ xuống đất (hết sức cung kính và khiêm nhường)
            Khi đầu các ngón tay đụng đất, có thể khi hai tay chạm đất, gót chân mới nhón lên để đầu gối quỳ xuống, động tác nầy rất nhanh. Các khớp xương bàn và ngón chân đều được kéo giãn ra, các khớp xương của mỗi bàn chân đều được kéo ra, đều cùng vận động. Chỗ mà các đầu ngón tay đụng đất là phải ngang với đầu gối khi quỳ xuống. Hai đầu gối hơi mở ra một chút khoảng 5cm, (không nên quá rộng, để khỏi nằm sát xuống đất và làm cho cột sống giãn ra). Khi đầu gối đã quỳ trên đất, thì tay thư giãn . Hãy chú ý đến trọng tâm.

8/ Quỳ ngồi trên bắp chân nhẹ nhàng (loạn tâm chấm dứt)
            Lòng bàn chân hướng lên trên thành hình chữ V, hai ngón chân cái đụng nhau một cách nhẹ nhàng mà không đè lên nhau, mông đặt nhẹ nhàng lên hai mặt trong của gót chân, quỳ vững ngồi yên, lấy sức nặng của thân thể đè lên hai gót chân. (Tư thế nầy có khả năng làm giãn khớp xương mắt cá, kích thích điểm phản xạbạch huyết cầu ). Lưu ý: Trọng tâm vẫn ở giữa hai gót chân.

9/ Hai tay duổi thẳng tới trước để đón Phật. (Ðể trở về giác tánh )
            Ngồi vững vàng, trọng tâm ở giữa hai gót chân , toàn thân thư giãn, không ngẫng đầu lên, hai tay mềm mại, hướng về phía trước ngay chính giữa duỗi thẳng tới như hình sau ( /\ ) đầu các ngón chấm xuống đất, tay vẫn thư giãn, không chuyển gân, nhưng hai bắp thịt vai vẫn triễn khai sức kéo về phía trước. Lúc nầy bụng dưới úp xuống mặt đất, thân thể thư giãn, (sức tại đan điền).

10/ Năm vóc gieo sát đất. (Thức tỉnh)
            Luôn giữ trọng tâm, lấy hai đầu ngón tay giữa làm điểm tựa đè lên mặt đất, hai cùi chỏ bật ra hai bên, hai đầu cùi chỏ ngang thẳng với hai lỗ tai, hai vai mở rộng, hai bả vai bằng phẳng, đừng rút vai lại, nách mở rộng, mở rộng ngực, phổi căng, ngón tay, lòng bàn tay bằng phẳng úp xuống mặt đất (thể hiện tâm bình đẳng). Trong lúc mở rộng hai cùi chỏ thì thân trên hạ sát đất, huyệt ấn đường chạm đất. Không nên chuồi tới phía trước thái quá, nhưng có thể hạ thấp càng tốt làm cho xương sống cong lên phía sau, thế nầy làm cho thở sâu, đỉnh đầu, rốn và giữa hai gót chân nằm trên một đường thẳng.

11/ Lật hai bàn tay ngữa lên đặt trên chân Phật. (Chuyển phàm thành Thánh)
            Trước hết hai bàn tay nhẹ nhàng nắm lại một nửa, trong lúc lật bàn tay lên ngón tay từ từ bật ra như một bông sen đang nỡ, như đem hết lòng để cúng dường lên Ðức Phật. Ðộng tác nầy biểu thị sự quyết tâm, quyết chí chuyển biến chính bản thân  mình hướng về đức Phật để tu học. Hai bàn  tay hoàn toàn bằng phẳng, không xiên xẹo, gồng cứng, mà phải thư giãn mềm mại như cánh hoa sen. Dùng bàn tay hoa sen nầy đặt lên chân Phật. Hai tay quá đầu về phía trước khoảng một nắm tay. Hai ngón tay giữa cách nhau khoảng 1 tấc 2 tây, ngón tay tuy thư giãn nhưng phải ngay thẳng.

12/ Tâm mình cùng với tâm Phật. ( thông suốt giao hòa )
            Trong khi lật tay đón Phật, quán tưởng Phật đang đứng trên bàn tay bông sen của mình và nhận cái lạy của mình. Lúc nầy gặp được tâm Phật nở một nụ cười. Ðức Phật phóng quang rọi xuống chính mình, ánh sáng của đức Phật chiếu xuống và đi vào đỉnh đầu của mình, đầy khắp cả thân tâm, toàn thân đều buông lõng, với nụ cười tự nhiên và hít thở thật sâu.

13/ Trở lại tư thế quỳ. ( Hoan hỷ tín thọ )
            Sau khi đón Phật, cũng nắm nửa bàn tay, nhận lãnh Phật lực, kế đó úp bàn tay lại để sát trên mặt đất, tượng trưng bình đẳng bố thí, hít vào tự nhiên, cất đầu thẳng lên trở lại thế quỳ ngồi, hai tay rút vào hai bên đầu gối và đầu ngón tay ngang với đầu gối. Vì đầu ngẩng  lên nên như một bức tượng gỗ có dây kéo lên ví như đức Phật đang kéo mình dậy, toàn thân thư giãn hoàn toàn, không dùng lực, không dựa lưng nên làm cho có sức để ngồi lên.

14/ Bật hai lòng bàn chân ra phía ngoài. ( Hoan hỷ khởi hành )
            Dùng đầu gối làm điểm tựa, dùng sức chống của hai bàn tay ở hai bên đầu gối phụ thêm. Nhờ sức kéo khi ngẫng đầu lên, tự nhiên hai mông rời thế ngồi làm cho hai bàn chân tự đông đang ở hình chữ V đổi thành hình chữ bát ( /\ ). Hai ngón chân cái bật ra ngoài chạm đất cách nhau khoảng 26cm , hai gót chân hướng vào trong cách nhau khoảng 6cm. Mục đích động tác nầy để giữ đúng vị trí và kích thước lúc ban đầu sau khi đứng lên

15/ Ðứng dậy . ( Vững chắc không lùi )
Giống tượng gỗ được kéo lên bằng giây, như được đức Phật kéo lên từ đỉnh đầu bằng một sợi dây, rất linh hoạt, nhanh nhẹ đã trở về thế đứng. Khi đứng dậy hoàn toàn không dùng sức, chuyển gân, cũng chẳng dùng tay chống dậy mà chỉ dùng sức ở đỉnh đầu kéo lên. Không nên cất mông lên trước, ngẫng đầu lên sau.

Nếu làm như vậy lưng sẽ tiêu hết lực, và sẽ bị bệnh đau lưng.
            Tại sao phải chống tay xuống đất trước rồi mới quỳ sau? Nếu chúng ta không chống tay xuống đất trước mà đột nhiên quỳ xuống, thì khớp xương đầu gối có thể bị tổn thương. Như đã nói ở trước; lạy Phật là những động tác mềm dẽo theo quy luật, chứ không phải là một sự khổ nhục, không cần phải làm cho thân thể thọ thương. Vì thế phải mềm mại chống tay xuống đất trước để lấy điểm tựa, sau đó bàn chân mới nhón lên để quỳ xuống, trong sự mềm mại của động tác là để điều phục nhân tâm. Hai tay chống đất mà quỳ xuống là biểu hiện sự cung kính, khiêm nhường, từ bi hết mức.

                        IV . CÁCH THỨC LẠY HƯƠNG LINH
            Lạy Hương Linh là một nghi thức trong mỹ tục thờ cúng Ông Bà của dân tộc Việt Nam mà những thế hệ trước đây được học. Ðặc biệt là những người phụ trách nghi lễ gia tộc, làng xã. Những người nầy thường được gọi là "Học trò lễ". Bộ sách căn bản thường dùng cho học trò lễ là bộ Ấu Học Quỳnh Lâm, trong đó có nhiều cuốn và giải thích nhiều phần khác nhau về nghi lễ cổ truyền của dân tộc. Trong mục "lạy" có hướng dẫn cách lạy hương linh như sau:

            1/ Chấp tay: Trước khi lạy, đứng nghiêm chỉnh trong vòng tròn chính giữa chiếu. Hai bàn chân trước rộng sau hẹp hình chữ V, hai bàn tay chấp lại với nhau. Có hai cách chấp tay:
            a-Bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái ôm bọc ngoài bàn tay phải. Ngón cái của bàn tay trái đè chéo lên ngón cái của bàn tay phải.
            b-Các ngón của hai bàn tay đan lại và ép hai lòng bàn tay lại với nhau, ngón cái của tay trái cũng đè lên ngón cái của tay phải như trên. Ðể tay ngay chính giữa ngực; cao ngang trái tim, khoảng cách giữa ngực và bàn tay khoảng một tấc tây.

            2/ Cách lạy:
            a-Chân trái bước lên một bước, chân phải bước theo, đứng ngay ngắn như trước, vái một vái.
            b-Cong lưng, gập đầu gối lại, dùng hai tay chống xuống đất làm điểm tựa.
            c-Chân trái làm trụ, chân phải bỏ lui về sau, quỳ gối ngang với bàn chân trái;
   Chân phải làm trụ, chân trái đẩy lui về sau, quỳ gối ngang bằng như chân phải. (hai gối ngang nhau). Hạ hai cùi chỏ sát đất làm điểm tựa, hai bàn tay để sắp hay lật ngữa tùy ý, trán cúi xuống sát đất.

3/ Ðứng dậy: Dùng sức của hai bàn tay (nếu để ngữa thì lật sấp lại) đẩy toàn thân quỳ thẳng lên, chấp hai tay để trước ngực như trên. Ðưa chân trái lên phía trước, ở thế quỳ một chân trái, hai tay vẫn chấp lại tựa  trên đầu gối trái, dùng lực của chân trái và mũi chân phải bật đứng dậy, rút chân trái nhập vào với chân phải, trở lại tư thế và vị trí lúc ban đầu.
Lưu ý: Tay áo lễ rất rộng và dài (chiều dài của hai tay áo bằng chiều cao của chiếc áo). Trước khi lạy xuống, hai tay đang ở tư thế chấp tay, khoác ra hai bên nửa vòng tròn về phía dưới, khi tay đưa lên đồng thời hạ người xuống để tránh đè tay áo. Chân bước lên trước là tránh đạp vạt áo, để khi đứng dậy người khỏi mất trọng tâm.

            Qua phần tham khảo ở trên, chúng ta có một nhận thức rỏ ràng: xuất xứ, cách thao tác, ý nghĩa và lợi ích của lễ bái. Ngưỡng mong quý cư sĩ Phật tử thực hành, thực chứng trong việc tu tập, ngõ hầu thăng hoa và trang nghiêm đạo tràng trên bước đường tu học.
            Mỗi môn phái, mỗi quốc gia có cách lễ bái riêng mang bản sắc dân tộc như Nhật Bản, Tây Tạng . . . rất đáng tôn quý. Trong phạm vi bài này chúng tôi cũng mong gìn giữ được bản sắc dân tộc "Phật Giáo Việt Nam"

Trúc Viên và Tâm Pháp
http://www.oocities.org/nghilephatgiao/B02_LeBai.htm