Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Thiện Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Thiện Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

THANH TỊNH

HT. Thích Thiện Hoa 

I.- ĐỊNH NGHĨA

Thanh là trong, Tịnh là sạch. Thanh tịnh là tánh trong sạch, không vướng cáu bẩn, nhơ nhớp, là tánh trầm lặng, không náo động ồn ào. Thanh tịnh là tánh đã được gạn lọc khỏi những gì xấu xa ô uế tạp nhạp, lăn xăn trong cõi đời ô trọc nầy.

Không phải ở được nơi yên tĩnh, mát mẻ, mà đã cho đó là thanh tịnh. Không phải chỉ ăn mặc sạch sẽ, tắm gội luôn luôn mà đã vội tưởng đó là thanh tịnh. Thanh tịnh của đạo Phật là trong sạch từ bên ngoài đến bên trong, từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói tới việc làm.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TINH TẤN

HT. Thích Thiện Hoa 


I.- ĐỊNH NGHĨA

Tinh là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp, Tấn là đi tới không thối lui.

Tinh tấn là luôn luôn chuyên tâm nhất trí, cố gắng không ngừng để tiến tới một mục đích toàn thiện, tốt đẹp, sáng sủa, an vui. Theo nghĩa thông thường, tinh tấn nghĩa là siêng năng, chuyên cần. Nhưng trong chữ tinh tấn có hàm nghĩa chuyên cần, siêng năng để đạt một mục đích chân chính tốt đẹp, mục đích giải thoát chứ không phải siêng năng, chuyên cần trong mục đích không tốt đẹp, hẹp hòi, ích kỷ.

Người học sinh chuyên cần học hành thi đổ, để có chức cao, quyền quý, vợ đẹp, hưởng lộc nhiều, như thế không được gọi là tinh tấn. Người trọc phú chăm lo làm giàu, để thu lợi về mình cho nhiều, như thế không gọi được là tinh tấn. Chàng si tình, chuyên tâm trì chí làm những việc kinh thiên động địa để được lòng người yêu, như thế không phải là tinh tấn. Người ham mê cờ bạc, mặc dù đã ngồi luôn hai đêm hai ngày, đầu đã nặng lưng mỏi, vẫn cố gắng chăm chú ngồi đánh thêm mấy ván nữa, như thế không gọi được là tinh tấn.

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

NHẪN NHỤC

H.T Thích Thiện Hoa 


I.- ĐỊNH NGHĨA

Nhẫn nhục do chữ "Ksânti" (sằn đề) trong Phạn ngữ mà ra. Nhẫn là nhịn, là nín, là chịu đựng; nhục là sỉ nhục, là nhơ nhuốc, xấu hổ. Nhẫn nhục là nhịn nhục, chịu đựng những điều nhục nhã xấu hổ, lao khổ, cho đến độ cùng tột rốt ráo. Nhẫn nhục là đức tánh trái lại với tánh nóng giận, oán thù.

Ở đây, chúng ta không nên ngộ nhận chữ nhẫn nhục như người ta thường hiểu ở đời. Nhẫn nhục ở đời là thứ nhẫn nhục không rốt ráo, chỉ có hình thức bên ngoài, chứ không đi sâu vào bên trong, nghĩa là trước một sự bất công, một điều sỉ nhục, người nhẫn nhục không tỏ ra phản đối trong lời nói, trong cử chỉ, nhưng trong lòng họ vẫn không dằn được cơn tức giận phẫn uất; thứ nhẫn nhục ấy không phải là nhẫn nhục của đạo Phật. 

Vậy tánh chất của nhẫn nhục trong đạo Phật như thế nào, chúng ta xin trình bày ở đoạn dưới đây.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

KIÊN CHÍ

H.T Thích Thiện Hoa

I.- ĐỊNH NGHĨA

Kiên chí là tánh bền bĩ, dẻo dai, quyết tâm đeo đuổi cho đến cùng chí nguyện, mục đích mà mình đã vạch sẵn. Kiên chí khác với tinh tấn. Tinh tấn là sự nổ lực tiến tới, là sự cố gắng, ra sức làm việc. Nó có nghĩa như chữ "cần" của bên Nho. Kiên chí có hàm nghĩa tiếp tục luôn luôn, đều đều, dù gặp bao nhiêu trở ngại, khó khăn đến đâu cũng không thối chuyển, bền chí làm cho thành tựu công việc. Nó có nghĩa như chữ "chuyên" bên Nho. Kiên chí cũng rất cần thiết cho sự tu hành, như tinh tấn, có nhiều khi lại quan trọng hơn cả tinh tấn nữa. Nho có câu: "Cần bất như chuyên".

II.- TÁNH CHẤT CỦA KIÊN CHÍ

Như trên đã nói, tánh chất của kiên chí là sự dẽo dai, bền bỉ. Nó khiến người ta bám sát vào công việc không biết mệt, không biết chán, không sợ gian khổ, không lao lung trước một trở ngại nào cả. Nó chỉ thấy mục đích cần tiến tới, không thấy gì ở chung quanh, không theo cái sau bỏ cái trước, không bỏ dở công việc nửa chừng. Nó đi dần, đi dần, không vội vã, nhưng cũng không bao giờ trì hoãn. Như con tằm ăn lá dâu, mỗi khi một ít mà bao nhiêu thúng lá dâu đều tiêu hết; như nước, mỗi khi một giọt, mà đá phải thủng. Sức mạnh của nó chính là ở sự liên tục, sự bền bĩ.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

NGHIỆP

H.T  Thích Thiện Hoa

nghiepNgày xưa có một gã thanh niên, uất ức trước trạng huống bất công giữa loài người, muốn tìm cho ra chân lý, nên đã đến hỏi Phật: 

- Bạch đức Thế Tôn! Đâu là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bất công giữa chúng sinh? Tại sao có kẻ chết yểu, có người sống lâu, có kẻ khỏe mạnh, có người tàn tật, có người đẹp đẽ, có kẻ cô độc, có người đông con, có kẻ nghèo khó, có người giàu sang, có kẻ sanh trong gia đình đê tiện, có người sanh trong dòng dõi quí phái, có kẻ ngu muội, có người khôn ngoan ?

Đức Phật đã trả lời vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa như sau:
- Mỗi chúng sinh đều có những hành vi riêng; những hành vi ấy làm món quà gia bảo, làm vật di truyền, làm người bạn chí thân, làm chỗ nương tựa của họ. Chính những hành vi ấy là cái nghiệp đã làm cho chúng sinh khác nhau trong cảnh trạng dị đồng vậy. 
Kinh Atthasâlissi lại dạy rõ hơn:
"Do nơi sự khác nhau trong nghiệp mà có những sự khác nhau trong chúng sinh, kẻ sanh ra trong gia đình quyền quý, người sanh ra trong gia đình đê tiện, kẻ sanh ra trong sự nguyền rủa, người sanh ra trong sự tôn trọng, kẻ sanh ra được hưởng hp, người sanh ra phải chịu khổ sở". 
Như vậy thì mọi việc xảy ra cho mọi người là do nghiệp cả. Nhưng nghiệp là cái gì mà quan trọng đến thế? 

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

GIẢI ĐÁP NHỮNG THẮC MẮC NGHI VẤN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ LUÂN HỒI

H.T Thích Thiện Hoa

Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ trình bày những điểm chính của giáo lý Nhân quả Luân hồi, mà không đi sâu vào chi tiết, và để sự trình bày được rõ ràng, có mạch lạc, chúng tôi đã tạm gác lại tất cả những thắc mắc, nghi vấn có thể hiện ra nhiều lần trong đầu óc quý vị, khi đọc các đoạn trước. Đến đây, sau khi trình bày xong xuôi những nét chính của giáo lý Nhân quả Luân hồi, chúng tôi xin lần lượt giái đáp những thắc mắc, hay nghi vấn trong vấn đề này:


1.- Có người hỏi rằng: Nhân quả là một luật tự nhiên rất công bằng đứng đắn, sao có người cả đời hiền từ, mà lại gặp lắm tai nạn, khổ sở, trái lại những người hung ác sao lại vẫn an lành?

Đáp: - Chắc quý vị chưa quên trong chương nói về nghiệp, chúng tôi đã trình bày rằng xét về thời gian, nghiệp có chia ra làm ba thứ:
a. Hiện báo: Quả báo hiện tiền, như mình đánh người, bị người đánh ngay; hay ăn cơm thì no, uống nước liền đỡ khát.
b. Sanh báo: Đời nay tạo nhân, qua đời sau mới thọ quả báo, như làm một tội ác gì, ngay khi ấy không ai biết mà bắt, đến lâu sau việc ấy mới tiết lộ và người làm ác mới đền tội.
c. Hậu báo: Đời nay tạo nhân, mà các mấy đời sau mới chịu quả báo, Như ngài Ngộ Đạt quốc sư, đời trước làm quan tên là Viên Án, vì giết Triệu Thố, mà đến mười đời sau mới chịu quả báo.
Vậy nếu có người trong đời hiện tại, làm việc hung ác, mà được an lành là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ, còn cái nhân hung ác mới tạo trong đời hiện tại, thì trong tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo. Cũng như người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ, là nhờ năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Cái nhân ăn chơi, không làm năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách.

Còn người dữ đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui. Cũng như có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay, sang năm họ sẽ hưởng quả sung túc. Do đó, cổ nhân có nói:
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.
(Nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

LUÂN HỒI

HT Thích Thiện Hoa

I.- ĐỊNH NGHĨA 

Luân hồi dịch ở tiếng Phạn là Samsara (lưu chuyển). Theo chữ Hán thì luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển lên xuống của chúng sinh trong sáu cõi (lục đạo) và sự tiếp nối sinh tử, tử sinh không cùng tận trong sáu cõi ấy. Luân hồi hay Samsara là một danh từ, một hình ảnh do Phật đặt ra, nhưng cái nội dung của nó là một sự thật, một trạng thái có thật trong cõi đời, có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là một lý thuyết xây dựng trong không tưởng. Khi chúng ta đã chứng nghiệm được luật nhân quả trong vũ trụ, thì chúng ta cũng phải công nhận sự luân hồi, luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục, nhưng vì khi nó biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT VỀ TỨ DIỆU ĐẾ (Ariya Saccani)

H.T Thích Thiện Hoa


I.- NGUYÊN NHÂN VÀ HOÀN CẢNH ĐỨC PHẬT THÍCH CA GIẢNG VỀ PHÁP TỨ DIỆU ĐẾ LẦN ĐẦU TIÊN

Ðức Phật Thích Ca, sau khi thành đạo dưới cội cây bồ đề, liền nghĩ đến việc đem giáo lý của ngài vừa chứng được, ra truyền bá cho chúng sanh. Nhưng giáo lý của ngài là giáo lý cao siêu, thâm diệu, còn chúng sanh phần đông căn cơ còn thấp kém, khó có thể giác ngộ nhanh chóng như ngài được. Nhưng không lẽ vì giáo pháp của Ngài thậm thâm vi diệu mà không giáo hóa chúng sanh? Ðể làm tròn nhiệm vụ hóa độ của ngài, Phật phương tiện nói pháp Tứ Diệu Ðế là Tiệm giáo để cho chúng sanh dễ bề tu hành. 

Quan sát căn cơ năm người bạn đồng tu với ngài trước kia là nhóm ông Kiều Trần Như, có thể khai ngộ được với pháp Tứ Diệu Ðế, đức Phật đi đến Lộc Uyển là nơi họ đang tu hành để nói pháp Tứ Diệu Ðế.

Sau khi nghe Phật thuyết pháp Tứ Diệu Ðế, thành kiến mê lầm tan vỡ, trí huệ siêu thoát xuất hiện, năm vị này được ngộ đạo, chứng nhập quả vị A La Hán. Ðó là năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật Thích Ca. Từ đây về sau, Tứ Diệu Ðế là giáo lý căn bản về Tiệm giáo (phương pháp tu chứng từ từ) và đã giác ngộ cho không biết bao nhiêu đẹ tử của Phật. 


Ngày nay, chúng tôi đem giáo pháp Tứ Diệu Ðế ra trình bày với quí vị độc giả trong tập sách này, cũng không ngoài mục đích ấy. 

TẬP ĐẾ (Sameda Dukkha)

HT Thích Thiện Hoa 


VÌ SAO PHẬT NÓI KHỔ ĐẾ TRƯỚC VÀ TẬP ĐẾ SAU? 

Trong Khổ đế, chúng ta đã thấy rõ những nỗi thống khổ của trần gian. Trước những nỗi khổ ấy, không ai là không nhàm chán, ghê sợ cho cuộc đời ở cảnh giới Ta Bà nầy, và không ai có thể an tâm, điềm nhiên sống trong cảnh ấy. Nhiều câu hỏi liền nẩy ra trong đầu óc chúng ta: Vì đâu sanh ra những nỗi khổ ấy? Ta có thể thoát ra khỏi móng vuốt của chúng để sống ở một cảnh giới đẹp đẽ hơn chăng? Và thoát ra bằng cách nào? 


Ðó là những câu hỏi mà đức Phật sẽ lần lượt giải đáp một cách tường tận ở ba phần: Tập, Diệt và Ðạo đế. 

Ngay trong phần Tập đế nầy, đức Phật giải đáp câu hỏi thứ nhứt của chúng ta là nói rõ nguyên nhân của đau khổ. 

DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha)

HT Thích Thiện Hoa 


SAU KHI NÓI VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐAU KHỔ XONG, ĐỨC PHẬT NÓI VỀ PHƯƠNG DIỆN AN LẠC 

Sau khi giải bày đầy đủ hiện tượng nhân quả về phần nhiễm, về phương diện đau khổ xong, đức Phật liền thuyết minh các hiện tượng nhân quả về phần tịnh, về phương diện an lạc. Nói một cách khác dau khi dạy xong Khổ đế và tập đế, đức Phật liền dạy Diệt đế và đạo đế. Có người chỉ thấy hai phần đầu của Tứ đế là Khổ và Tập, nên đã tưởng Phật là đạo yếm thế, bi quan.

Họ cho rằng Phật giáo gieo vào lòng người sự chán đời và tuyệt vọng. Họ đã lầm lớn! Kẻ bi quan, chán đời là kẻ thấy cuộc đời xấu xa, đau khổ, mà không tìm ra phương pháp để giải thoát ra khói cảnh ấy, mà chỉ buông xuôi tay ngồi nhìn và khóc than, sầu khổ. Ðạo Phật không làm như thế. Ðạo Phật trình bày cho mọingười nhìn thấy cái hiện tại đen tối của mình, cái hoàn cảnh xấu xa, có nhiều sự sự khuyết điểm, để cải đổi nó, kiến tạo lại một cuộc sống đẹp đẽ, an vui hơn. Một giáo lý như thế, không thể gọi là yếm thế, bi quan được mà chính là yêu đời, lạc quan, vì còn tin tưởng ở khả năng kiến tạo của mình và chúng sinh. Cảnh giới mà Ðức Phật trình bày cho chúng ta thấy ở đầy là một cảnh giới hoàn toàn trái ngược với cảnh giới tối tăm, sầu khổ, đớn đau mà chúng ta đang sống. Cảnh giới ấy là cảnh giới huy hoàng, an lạc, mà chỉ những người diệt tục, hết mê mới đạt được.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

ĐẠO ĐẾ (Nirodha Gamadukkha)

HT Thích Thiện Hoa

NÓI TỔNG QUÁT VỀ ĐẠO ĐẾ 

Như trong bài trước đã nói, muốn thực chứng, thể nhập Niết Bàn thì phải tu theo phương pháp mà Phật đã dạy. Phương pháp chân chính, có hiệu quả chắc thật để thành Phật đó là Ðạo đế. Phần nầy là phần quan trọng nhất trong bài Tứ diệu đế, vì nếu có rõ biết đời là đau khổ, nguyên nhân của nó là gì, và nếu có thiết tha cầu giải thoát khỏi cảnh khổ để đến một cõi an vui tốt đẹp nhất là Niết Bàn, nhưng nếu không có phương pháp hiệu nghiệm để thực hiện ý muốn ấy, thì biết cho nhiều cũng vô ích và càng thêm đau khổ. Do đó, Ðạo đế là phần quan trọng và được Phật dạy một cách rõ ràng chu đáo. 

Ðạo đế có ba mươi bảy phẩm, chia ra làm bảy loại:

1. Bốn món Niệm xứ (Tứ Niệm Xứ).
2. Bốn món Chánh cần (Tứ Chánh cần).
3. Bốn món Như ý túc (Tứ Như ý túc).
4. Năm Căn (ngũ Căn).
5. Năm Lực (Ngũ Lực).
6. Bảy phần Bồ đề (Thất Bồ đề phần).
7. Tám phần Chánh đạo (Bát Chánh đạo phần).

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

NGŨ ĐÌNH TÂM QUÁN - QUÁN SỔ TỨC

HT Thích Thiện Hoa

LỜI NÓI ĐẦU

Tập Ngũ Đình Tâm Quán này gồm có năm bài giảng trong tập Phật học Phổ Thông khóa thứ VI do Ban Hoằng Pháp của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt biên soạn và đã được sửa chữa lại rất hoàn bị trong kỳ tái bản năm 1962. Nhận thấy những bài giảng này đã được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng công phu, trình bày một cách sáng sủa, rành mạch, rất bổ ích cho những độc giả muốn tìm hiểu giáo lý Phật đà và nhất là cho những tín đồ chân chính muốn thực hiện các pháp tu quán, nên chúng tôi đã trích riêng ra năm bài giảng về "Ngũ Đình Tâm Quán" này để cống hiến quý vị độc giả thân kính. 



Ngũ đình tâm quán là năm pháp quán tưởng để dừng vọng tâm

Vọng tâm là căn bệnh chính làm cho con người sinh ra phiền não, khổ đau. Nó thúc đẩy người ta chạy theo ngũ dục, nó che mờ lương tri, làm cho cái tâm vốn sáng suốt, trở nên tối tăm, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở. 

Muốn sự nhận định được sáng suốt, muốn cho tâm ta đừng đuổi theo ngũ dục mà bị phiền não khổ đau, ta phải tìm phương pháp chận đứng vọng tâm. Một trong những phương pháp chận dứng vọng tâm là quán tưởng. Quán là dùng trí huệ quán sát, phân tích hay suy nghiệm để tìm ra sự thật. Có năm pháp quán để chận đứng vọng tâm, để đối trị năm chứng bệnh chính của tâm hồn chúng ta là:


Quán sổ tức, để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí
Quán bất tịnh, để đối trị lòng tham sắc dục
Quán từ bi, để đối trị lòng sân hận
Quán nhân duyên, để đối trị lòng si mê.
Quán giới phân biệt, để đối trị chấp ngã.

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

QUÁN NHÂN DUYÊN

H.T Thích Thiện Hoa

Người đời, vì không hiểu sự vật trong vũ trụ này từ đâu mà có, cho nên sanh ra nhiều quan niệm sai lầm. Có người nghĩ rằng vũ trụ do tự nhiên sanh. Có người lại nghĩ vũ trụ do một vị thần toàn trí, tòan năng tạo ra v.v... 

Theo Ðạo Phật thì vũ trụ là vô thỉ, nghĩa là không có điểm khởi đầu, và mọi sự mọi vật trong vũ trụ không thể đứng riêng một mình mà có được; trái lại, phải nương nhờ nhau mà thành. Nói một cách khác, từ vật lớn cho đến vật nhỏ, từ vật hữu hình cho đến vô hình, đều không ngoài nhân duyên mà có. Vì thế, trong kinh Phật thường nói: "Chư pháp tùng duyên sinh". 

Sự hiện hữu của loài hữu hình, hay nói riêng của loài người, cũng không ngoài công lệ ấy được. Muốn hiểu rõ một cách tường tận cái guồng máy của sự sanh tử luân hồi của kiếp trong bể khổ trần gian, chúng ta cần phải học lý "Thập nhị nhân duyên". Sau khi hiểu rõ lý thập nhị nhân duyên, chúng ta lại còn phải tìm hiêu phương pháp để dứt trừ cái vòng lẩn quẩn sanh tử luân hồi nữa. 

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

QUÁN GIỚI PHÂN BIỆT

H.T Thích Thiện Hoa 

Hầu hết người đời đều tin rằng, mỗi người từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến chết và cả sau khi chết nữa, đều có một linh hồn duy nhứt, bất biến làm chủ tất cả ý nghĩa, hành động của mình. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thì tin như thế gọi là "ngã chấp", nghĩa là tin có một ngã riêng biệt, tồn tại bất biến... Từ cái ngã chấp ấy, mà sinh ra "ngã ái", nghĩa là thương yêu, chăm sóc, gìn giữ cái ngã, bất chấp phải trái, hay dỡ; ngã mạn, nghĩa là ngạo mạn, cho "cái ta" của mình là cao quý, tốt đẹp hơn bao nhiêu "cái" khác, đối lập với tất cả những gì không phải là ta hay trái ý với ta. 

Do sự chấp ngã ấy mà cuộc sống đáng lẽ phải rộng rãi vô biên, trường tồn bất diệt, lại bị ngăn cách chia xẻ, giam hãm trong những cái vỏ cứng là "cái ta" riêng biệt; và người đời, hay nói rộng hơn, tất cả chúng sinh đều phải sống, chết, quay cuồng, điêu cứng, khổ đau vì cái ta riêng biệt mà họ tưởng là thuần nhất, bất biến ấy. 

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

TỪ BI TRONG ĐẠO PHẬT

H.T Thích Thiện Hoa

Mặc dù thường được mọi người nói đến hai chữ từ bi, nhưng không ít người đã hiểu một cách sai lệch, chỉ theo quán tính của mình. Có người hiểu từ bi là một tình thương nhỏ nhặt tầm thường nông cạn; có người hiểu từ bi là một tình thương nhạt nhẽo, lãnh đạm, tiêu cực, thua xa "tình yêu" hay "bác ái"; có người cho từ bi là một hình thức biến thể của "ích kỷ"; lại có người đi xa hơn cho từ bi là một danh từ trống rỗng là "vô nghĩa". Vậy từ bi là thế nào ? 

Định nghĩa theo danh từ nhà Phật, từ nghĩa là thương yêu, là làm vui cho người và vật; bi là thương xót người hay vật, khi thấy họ đau khổ, gặp hoạn nạn, và cố cứu họ ra khỏi hoàn cảnh ấy. Từ thuộc phạm vi tích cực (làm thêm vui); bi thuộc phạm vi tiêu cực (trừ cái khổ). Người mẹ thương con, muốn làm cho con được vui vẻ sung sướng khi bình thường, là Từ. Khi đứa con đau đớn về tinh thàn hay vật chất, thì người mẹ thiết tha thương xót, chăm sóc, cứu chữa cho nó thoát khỏi cơn đau khổ, là Bi. 

Để vấn đề này được sáng tỏ, đầy đủ mọi khía cạnh, chúng tôi xin trình bày ý nghĩa của từ bi theo thứ tự sau đây:

- Từ bi trong đời đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật. 
- Từ bi trong giáo lý đạo Phật. 
- Từ bi áp dụng trong đời sống xã hội và qua lịch sử truyền bá Phật giáo.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

CHỮ "HÒA" CỦA ĐẠO PHẬT

HT. Thích Thiện Hoa

Một gia đình luôn luôn hòa thuận vui vầy, một thôn xóm quanh năm an cư lạc nghiệp, một quốc gia đồng tâm nhất trí, một thế giới hòa bình thạnh trị, đó là hoài bảo tha thiết của con người từ khi biết đau khổ và ước mơ. Nhưng khổ thay! Hoài bảo ấy đã mấy lần được thực hiện? Chưa nói đến một phạm vi rộng lớn như quốc gia, thế giới, chỉ nói trong phạm vi nho nhỏ như gia đình chẳng hạn, sự hòa thuận, tin yêu, vui vẻ, sự kính trên nhường dưới, sự đồng tâm đồng chí, cũng là một điều khó khăn, ít khi được thực hiện. 

Và gia đình càng bất hòa, thôn xóm càng rối loạn, quốc gia càng chia năm xẻ bảy, thế giới càng bất an, giặc giã càng tung hoành, thì lòng người lại càng khao khát được an hòa. 

Chữ "Hòa" là một trong những chữ có sức hấp dẫn mạnh nhất. Trong mọi thời đại, và nhất là trong thời đại bây giờ, cái hòa thật là quý báu. Người xưa thường nói: "Dĩ hòa vi quý". Trong mọi điều kiện thuận lợi cho sự thành công, cái "Hòa" được đặt lên trên tất cả. Chẳng thế mà đức Khổng Tử đã dạy: "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa". (thời thế thuận không bằng địa thế lợi, địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa). 

Ngày nay, từ cường quốc cho đến nhược tiểu, mọi nước đều lo chuẩn bị chiến tranh, nhưng mọi lòng người, trừ người chế tạo và buôn vũ khí, tất cả đều khao khát hòa bình. Hai chữ "Hòa bình" được nêu lên làm một khẩu hiệu đẹp đẽ nhất, mầu nhiệm nhất, để lôi kéo, kết hợp lòng người. 

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

QUÁN BẤT TỊNH

HT Thích Thiện Hoa

Trong thế gian nỳ, không có ai là không tham sống. Sự tham sống này vô cùng mãnh liệt, vì nó được di truyền, tiếp nối từ muôn vạn thế kỷ cho đến nay. Vì tham sống nên chúng sinh tìm hết mọi cách để được sống, để trau dồi thân mạng, và để di truyền sự sống. Vì tham sống nên người bất chấp cả sự bất công, phi lý và tàn nhẫn, xấu xa mà mình có thể phạm đến đối với những người và vật khác ở chung quanh. Vì tham sống, người ta đã không từ chối hiếp đáp, giành giựt, cướp bóc, chém giết đồng loại, và có khi cả đến đồng bào thân thích nữa. Tóm lại, sự tham sống là một nguyên nhân chính của khổ đau, tàn phá và chết chóc.

Vả lại, càng tham sống bao nhiêu lại càng sợ chết bấy nhiêu. Mà đã sợ thì không bao giờ có thể vui được. 
Hơn nữa, có ai sợ chết mà thoát được chết đâu? Ðã có sống thì tất phải có cái trái lại là chết. Chúng ta thấy đó, lòng tham sống đem lại cho ta biết bao hậu quả tai hại, buồn thảm, xấu xa. 
Nhưng cuộc đời, thân mạng, thật có quý báu, thật có xứng đáng cho chúng ta tham lam, mến chuộng đến thế không. 
Ðể xét đoán đúng đắn giá trị của thân mạng, đức Phật dạy chúng ta thực hành một pháp quán. Pháp quán đó mệnh danh là "Quán Bất tịnh". 
Bất tịnh nghĩa là không sạch sẽ, trong lành. Quán Bất tịnh tức là quán sát một cách tỉ mỉ, cùng tột thân con người để nhận thấy rõ rằng nó là không trong sạch, như hầu hết con người đời đều lầm tưởng. 

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Tứ Niệm Xứ

(Theo bài giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong "Phật học phổ thông")

Ðịnh Nghĩa Về Tứ Niệm Xứ

TỨ là bốn; NIỆM là hằng nhớ nghĩ; XỨ là nơi chốn. Tứ Niệm Xứ là bốn chữ, bốn điều mà kẻ tu hành thường để tâm nhớ nghĩ đến. Ðó là: 

Quán Thân bất tịnh 
Quán Tâm vô thường 
Quán Pháp vô ngã 
Quán thọ thị khổ

1. Quán thân bất tịnh: Quán nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát cho thấu đáo. Bất tịnh nghĩa là không sạch. Quán thân bất tịnh nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát một cách tường tận về sự dơ bẩn của cái thân ta. 

Nói cái thân là bất tịnh, chắc có nhiều người ngạc nhiên, phản đối cho là Phật đã nói quá đáng. 

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Đứng về phương diện tuyệt đối, hay chơn như môn, thì tâm của chúng sinh hay tâm của Phật cũng vẫn là một, không có rộng hẹp, thấp cao, sai khác, ngăn cách.

Nhưng đứng về phương diện tương đối hay sinh diệt môn, thì tâm có muôn hình vạn trạn, tùy theo chủng tánh của chúng sinh mà có cao thấp, rộng hẹp không đồng. Hể nghĩ đến tham, sân, si, mạn v.v…thì tâm trở thành nhỏ hẹp, lớn bé, ngàn sai, muôn khác,cũng như cùng một thứ bột mà do người thợ làm bánh, khéo hay vụng mà có bánh ngon, bánh dở, bánh tốt, bánh xấu, bánh lạt, bánh mặn v.v…Cho nên Tôn cảnh Lục có chép: ” Tâm tạo chư Phật, tâm tạo chúng sinh, tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục. Tâm vọng động thì ngàn sự sai biệt tranh khởi, tâm bình thì thế giới thản nhiên, tâm phàm thì ba món độc trói buộc, tâm thánh thì sáu món thần thông tự tại, tâm không thì nhứt đạo thanh tịnh, tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành. Tự mình đạp mây mà uống nước cam lồ, chẳng có ai cho mình. Nằm trong lửa hừng mà uống máu mủ cũng tự mình gây nên, không phải trời sanh ra, cũng không phải do đất mà có “.

Xem thế thì cũng đủ biết tâm là động lực chính để làm cho ta sướng hay khổ, vui hay buồn, trầm luân hay giải thoát.
Vậy muốn thoát khỏi khổ sanh tử luân hồi, muốn được quả vị thánh nhân, Bồ Tát, chúng ta cần trau giồi cho được một tâm vô cùng rộng lớn, một “vô lượng tâm”.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Thập Thiện Nghiệp

HT. Thích Thiện Hoa
(Trích từ Phật Học Phổ Thông)


A. MỞ ĐỀ

Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả pháp lành thế gian và xuấ thế gian

Trong hai bài "Nhân quả" và "Luân hồi" mà chúng ta đã học, chúng ta đã thấy một cách tường tận rõ ràng: hễ chúng ta gieo nhân gì thì chúng ta gặt quả ấy hoặc ngay trong đời hiện tại, hoặc trong những đời sau. Nhân nhỏ thì qủa nhỏ, nhân lớn thì quả lớn.

Nếu muốn được quả làm người thì phải gieo nhân làm người. Nhân làm người là sự chuyên giữ năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu). Với nhân nầy, ta được cái quả trong hiện tại là mọi người từ trong gia đình quyến thuộc cho đến ngoài xã hội, đều thương yêu quí trọng. Nhưng nếu chúng ta muốn tiến xa hưon một bực nữa, chúng ta gắng tu Thập Thiện Nghiệp, chúng ta sẽ hưởng được cuộc sống an lạc trong hiện tại và đời sau, chúng ta sẽ sanh lên sáu từng Trời cõi Dục, hưởng cảnh vui thú, an nhàn.

Nếu chúng ta muốn vượt khỏi ba cõi thế gian, để chứng quả tam thăng (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), ta phải tu nhân Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và Lục Độ. Tuy thế, muốn thực hiện được các môn tu nầy, không thể bỏ qua được môn tu Thập Thiện Nghiệp. Thập Thiện Nghiệp như là nấc thang quan trọng cần phải vượt qua, nếu muốn trèo lên cao nữa. Nó như là cơ sở căn bản, hạ tầng vững chắc nhất, để xây dựng lau đài cao lớn lên trên. Vì lẽ đó, người ta nói Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả các pháp lành thế gian và xuất thế gian.