Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Chữ NHẪN của người nay

HOÀNG TÁ THÍCH 


Báo Tuổi trẻ cách đây ít ngày có đăng câu chuyện về một người Mỹ có một cô con nuôi gốc Việt ở với ông từ hồi còn bé, nhưng cô ấy vẫn nói tiếng Việt nhu một người Việt Nam thuần túy.

Điều tôi muốn nói đây không phải về người con nuôi gốc Việt, mà về ông cha nuôi người Mỹ. ông ta là thi sĩ và là giáo sư đại học, tên Bruce Weigl.


Từ lúc đem cô con nuôi bé tí về, ông đã khuyến khích cô bé học tiếng Việt với một quan niệm rất rõ ràng: con người phải có nguồn cội. Nếu con nuôi ông sau này trở thành một người Mỹ và không biết đến nguồn gốc văn hóa của quê hương mình thì tình cảm của cô chẳng thể nào là chân thật được .

Bây giờ cô đã xong đại học. Cô kể lại: Ở với bố nuôi từ bé đến lúc trưởng thành, nhưng cô chỉ mới hiểu được ông khoảng vài năm nay. Ấy là một hôm, bố nuôi cô đến đón cô về nhà. Trời mùa đông tuyết giá có một người ... xin quá giang , và ông đã lái xe hơn một tiếng đồng hồ để đưa người da đen đến nơi anh ta nhờ. Lúc xuống xe thay vì một lời cám ơn thì người này lại lên tiếng chửi đổng. Cô tỏ ý bực mình với bố, nhưng ông lại an ủi cô: “ Làm bất cứ điều gì cho người khác, không nên chờ đợi một lời cám ơn, thì việc mình giúp đở mới có ý nghĩa. Con không nên quan tâm tới thái độ của người đó thì trong lòng sẽ được thoải mái hơn ”.

Thái độ của bố nuôi có thể nói đã khai thị cô gái, và kể từ đó, cô có quan niệm sâu xa hơn về tình yêu đối với mọi người chung quanh.

Ông bồ nuôi thi sĩ của cô đúng là một vị Bồ Tát. Tấm lòng vị tha của ông thật hiếm có và suy nghĩ lại cô thấy bản thân mình chưa bao giờ đạt đến được như thế.

Trong kinh Phật có kể chuyện về Ngài Xá-Lợi-Phất, là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật. Trong một kiếp tu, Ngài hành đạo bố thí. Ngày nọ gặp một người muốn xin ngài một con mắt. Ngài bảo rằng con mắt chẳng có ích lợi gì, nếu ông muốn xin bất cứ gì khác tôi sẽ cho ông. Người ăn xin khẳng định chỉ muốn con mắt. Cuối cùng Ngài Xá-Lợi-Phất móc con mắt cho người nọ. Không những không cám ơn, người đó còn chê con mắt hôi hám và lấy chân chà đạp lên rồi bỏ đi. Ngài Xá-lợi–Phất suy nghĩ và cho rằng có những người tâm tính quá xấu, không thể thí pháp, khai ngộ cho họ được và ngài đã thay đổi lối tu. Đã có suy nghĩ về người được bố thí, nghĩa là có cân nhắc đến việc bố thí của mình. Đến như ngài Xá-lợi-phất, trong một tiền kiếp cũng thế, huống chi người đời thường.

Phần đông lúc giúp đở một người khác, ai ai cũng chờ đợi một thái độ biết ơn của người đó, ít nhất là một lời cám ơn đơn giản nhất, dù chính mình biết, đôi khi, chỉ là một lời nói lịch sự đầu môi. Có những sự giúp đở to lớn, quan trong hơn, đem đến lợi ích cho người được giúp đở, thì nếu không biết thể hiện sự cám ơn , kẻ nhận được sự giúp đở đó sẽ được xem như là môt người vô ơn. Thực ra,có những sự giúp đở, xem ra thì chẳng đáng gì gọi là to lớn, thực ra đã giúp co người khác rất nhiều mà họ không hay.

Trong câu chuyện kể trên, người này không môt lời cám ơn thì chớ, lại còn buông tiếng chửi đổng mà ông bố nuôi này chẳng quan tâm thì quả thật là hy hữu .

Thực ra, cũng có người nhận được sự giúp đỡ của người khác, Nhưng vẫn ngại một lời cảm ơn mà họ cho là khách sáo. Ngại hơn nữa là một hiện vật để tỏ lòng tri ơn, vì họ tự trọng và tôn trọng người làm ơn. Tuy nhiên, việc thể hiện vẫn là một thực tế không có .

Trong cái thế giới mà con người bon chen nhau từng chút lợi danh, tranh nhau từng chút vật chất, kèn cựa nhau từng lời nói, có người không quan tâm về một thái độ biết ơn như ông bố nuôi trong câu chuyện kể trên thì quả thật là một điều nên học hỏi. Nghe thì thật đơn giản, nghĩ mình có thể làm được, nhưng thực tế không phải như thế. Có một lần tôi đang lái xe trên đường phố cùng con gái. Bỗng một chiếc xe từ trong lề đường đâm ra một cách bất ngờ làm tôi hốt hoảng phải lách ra để tránh. May là đường vắng ở phía bên ngoài không có xe, nên không gặp phải chuyện gì. Sau cơn hốt hoảng là một sự tức giận, và tôi cố vượt lên để có thể biểu lộ một sự tức giận nào đó với người lái xe kia. Đến khi song song với cái xe nọ, thì mới hay người lái xe kia là một người đàn bà chở một đứa bé. Có lẽ biết tôi giận dữ, nên bà ta nở nụ cười tỏ ý xin lỗi. Tôi cũng bất giác mĩm cười trả và bao nhiêu cơn giận tiêu tan. Tôi nghĩ ngay đến một trường hợp, giả sử người lái xe không phải là người đàn bà chở con, mà là một người ... hung bạo, thử hỏi tôi phải làm gì. Tôi nhìn qua con gái ngồi bên cạnh và phát ngượng vì sự nóng giận thiếu ý thức của mình. Nếu có thể kềm giữ được cảm xúc nóng giận của mình thì hay biết bao. Cũng thế, nếu có thể không quan tâm trước một cử chỉ vô ơn của một người khác thì mình cũng sẽ thoải mái biết bao.

Tôi nhớ đến một câu chuyện về một người lái xe bên Mỹ trên xa lộ. Một chiếc xe đàng sau bóp còi qua mặt và ép anh ta vào lề. Sự tức giận làm anh ta không kềm chế được, anh tăng tốc vượt lên trước và thắng lại, đứng giữa đường chờ chiếc xe kia. Nhưng anh ta chỉ vừa ra khỏi xe thì chiếc xe kia đã húc vào anh ta trước sự chứng kiến của vợ con anh đang ngồi trong xe.

Một chữ Nhẫn đơn giản nhưng không thể nào làm được.

Tôi quả thực hâm mộ ông bố nuôi người Mỹ kia vô cùng. Người ta vô cớ chửi mình, cũng có thể nhẫn nhịn xem có nguyên nhân nào không. Đàng này làm ơn, giúp đở người ta, mà lại còn bị chửi, nhịn được thì quả lá Bồ Tát, là thần thánh.

Trịnh Công Sơn cũng từng nói về chữ nhẫn:  “Ban đêm tôi nhìn trời đất đề học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến, để biết về sự nhẫn nhục ...”, và lòng nhẫn nhịn đã giúp anh thoát ra được rất nhiều nổi ưu phiền.


Riêng tôi, tôi đã học cái đức tính này bằng một cách đơn giản. Có một người xúc phạm mình, điều hay nhất phải làm là “ hoãn“ lại phản ứng của mình càng lâu càng tốt. Trong thời gian này có thể chiêm nghiệm vì sao người ta xúc phạm mình. Càng lâu thì cơn giận dữ của mình nguội dần và có thể tan biến đi lúc nào không hay.

Có một câu đọc được ở đâu đó thật thú vị:

“Nhẫn nhất thời, phong bình lãng tĩnh; Thoái nhất bộ, hải khoát thiên không”

Được tạm dịch: Nhịn một lần, gió yên sóng lặng. Lùi một bước, biển rộng trời cao.

HOÀNG TÁ THÍCH | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 129

http://vanhoaphatgiaoblog.com/giao-duc/chu-nhan-cua-nguoi-nay.html