Thích Nhật Từ
Giảng tại chùa Ấn Quang, ngày “Quốc tế Vì Người Già” 01-10-2006
Phiên tả: Huỳnh Ngọc Hạnh
Thất thập cổ lai hy
Tại hội thi giáo lý dành cho cư sĩ Phật tử cấp thành phố vừa qua có gần 1.400 người tham dự, thí sinh lớn tuổi nhất tám mươi bốn tuổi, số còn lại phần lớn tuổi đời từ bảy mươi đến tám mươi. Trong lúc chờ công bố kết quả, chúng tôi tiếp xúc một vài Phật tử lớn tuổi và đặt câu hỏi: “Năm nay cụ bao nhiêu tuổi? Trông cụ còn trẻ quá!”.
Các cụ vui vẻ trả lời: “Thầy ơi! Hỏi tuổi làm chi, tụi tui còn tuổi học trò”.
Câu trả lời rất dễ thương. Gần tám mươi tuổi mà các cụ vẫn không ngại nói tuổi của mình trong khi rất nhiều người lớn tuổi khác lại mặc cảm mình gần đất xa trời, họ cố tình tránh né khi được hỏi han tuổi tác.
Hỏi tuổi tác là điều cấm kỵ đối với nền văn hóa phương Tây nhưng lại là sự quan tâm thân mật trong nền văn hóa phương Đông. Sự quan tâm này biểu hiện lòng kính trọng, ngưỡng mộ, đặc biệt trong trường hợp này là sự ngưỡng mộ của một vị tu sĩ dành cho một Phật tử từng tuổi đó mà vẫn còn niềm say mê tham gia các hội thi giáo lý. Dù biết ở tuổi đó, các cụ khó có thể đạt được điểm cao, nhưng các cụ vẫn đến dự thi để hun đúc tinh thần, hỗ trợ những Phật tử trẻ hơn mình có điều kiện cùng tham dự.
Một phương diện khác của câu trả lời là muốn phủ định tính cách tuổi cao. Sự phủ định này không giải quyết được vấn đề. Nhà Phật thường dạy con người nên có thái độ trực diện với những điều không như ý, từ đó tìm nguyên nhân. Dĩ nhiên phải là một nguyên nhân lâu dài để hướng đến giải pháp lâu dài.
Kinh điển nhà Phật có đưa ra ẩn dụ. Một con lừa đối diện trước một con sư tử. Con lừa có ba phản ứng khác nhau.
Phản ứng thứ nhất là tháo chạy bán sống bán chết để tìm sự sống. Phản ứng thứ hai là run cầm cập, sợ đến nỗi chạy không được. Nó ngã quỵ tại chỗ và trở thành món mồi ngon cho sư tử. Phản ứng thứ ba, đức Phật đưa ra hình ảnh khôi hài trở thành một kịch tính nhưng cũng là bài học quán chiếu cho tất cả chúng ta như một công án, con lừa cúi đầu chùi mặt xuống đất. Dĩ nhiên khi làm việc đó nó sẽ không nhìn thấy gì trước mặt. Nó tự trấn an rằng trước mặt nó không có con sư tử, cái chết sẽ không diễn ra. Nhưng sự an ủi này chỉ kéo dài trong tích tắc và nó có thể chết một cách rất dễ dàng.
Không thừa nhận những gì diễn ra với chúng ta, dù tốt hay xấu, buồn hay vui, như là một thực tại cũng giống như cách thức con lừa chùi mặt xuống đất để không thấy kẻ thù đang đe dọa mạng sống. Do đó nhà Phật dạy rất nhiều phương pháp. Quán “sanh già bệnh chết” như một quy luật diễn ra với tất cả chúng sinh mà không hề phân biệt đối xử, dù vị trí xã hội như thế nào. Khi nhận thức rõ cái già sẽ đến với mình, người đó không còn nỗi sợ hãi về cái già nữa. Ai không sợ già, sợ chết sẽ trẻ lâu, còn người trẻ tuổi mà sợ già, sợ chết sẽ trở nên già nua cằn cỗi. Thái độ tâm lý quyết định phần lớn tính cách của con người.
Một vị Phật tử có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Việt Nam cận đại, nhà văn Võ Hồng. Nhiều tác phẩm của ông mang phong cách diễn đạt rõ ràng, nhẹ nhàng thư thái, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Đến lần sinh nhật thứ bảy mươi, ông được các nhà văn, nhà thơ, các nhà văn hóa nghệ thuật nói chung đến chúc tụng. Sau khi MC giới thiệu chương trình, đến phần phát biểu của nhà văn, mọi người rất ngạc nhiên vì thấy ông đứng lặng yên không nói lời nào. Điều này khác hẳn với phong cách hoạt bát trò chuyện thường ngày của ông. Đứng yên một lúc, người ta lại thấy ông dùng bàn tay đưa lên chỉ vào cái cổ. Tất cả cử tọa tham dự đều ngạc nhiên không hiểu thông điệp mà nhà văn muốn nói là gì. Lúc đó một nhà văn khác mới bật lên: “Thất thập cổ lai hi! Thất thập cổ lai hi”, bấy giờ cả hội trường cười rần lên.
Nhà văn lớn tuổi vui tính đã sử dụng nghệ thuật chơi chữ giữa chữ Hán và chữ Việt. Theo quan niệm của mấy trăm năm về trước, người sống qua tuổi bảy mươi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quan niệm này đã thay đổi, tuổi thọ con người được nâng cao. Khi chiến tranh không còn, đời sống kinh tế phát triển, các phương pháp y khoa truyền bá rộng rãi, thuốc men được điều chế cung cấp, bệnh viện được xây dựng khắp nơi và tôn giáo được thiết lập để mang lại niềm vui tinh thần cho nhân dân thì tuổi thọ của con người cũng được cải thiện đáng kể.
Tạo niềm vui là một trong những nghệ thuật kéo dài tuổi thọ, và cũng là cách thức để vượt qua sự căng thẳng tuổi già. Dĩ nhiên, với những người thành công trong mọi lãnh vực của cuộc sống, tuổi về hưu không làm cho họ căng thẳng về phương diện kinh tế và đời sống gia đình, nhưng họ vẫn vấp phải những căng thẳng khác khi phải từ giã cơ ngơi sự nghiệp, tất cả những gì đã mang lại cho họ danh vọng địa vị chức tước. Đối diện với nỗi cô đơn mà đôi lúc người đi sau chưa chắc nhớ và ghi nhận tấm lòng hay giá trị đóng góp của người đi trước. Sự buồn chán đó làm cho rất nhiều người cảm thấy tuổi về già là khoảng thời gian mỏi mệt và căng thẳng.
Căng thẳng về sinh lí
Kinh điển nhà Phật xác quyết rất rõ, tuổi từ bảy mươi trở lên được sánh ví như một cỗ xe cũ kỹ. Sử dụng những chiếc xe cũ kỹ, tính an toàn của chiếc xe và người lái xe sẽ không đảm bảo. Sở dĩ đức Phật sánh ví thân phận người lớn tuổi như một chiếc xe cũ kỹ là vì Ngài thấy rõ chức năng có mặt của thân trong cuộc đời này với rất nhiều giá trị thông qua chế độ sinh hoạt lao động và làm việc. Khi xác định nó như một chiếc xe, con người đến tuổi già không nên quá buồn chán, vì chiếc xe của mình chạy không bằng chiếc xe mới. Sức khỏe của thế hệ đi sau luôn tốt hơn thế hệ đi trước. Chức năng của những chiếc xe sản xuất đời sau chắc chắn phải nhiều hơn những chiếc xe sản xuất đời trước.
Thông qua chủ nghĩa kinh nghiệm và con đường giáo dục, kiến thức con người đã làm cho thế hệ trẻ ngày nay có kiến thức vượt xa thế hệ cha ông cách đây vài thế kỷ. Từ chỗ đó, trẻ em thời hiện đại lanh lợi và nhanh trí hơn. Bởi vì trong quá trình sinh tử, mỗi lần cái sống và cái chết có mặt, kiến thức suốt mấy mươi năm có mặt trên cuộc đời đã được đúc kết thành những dạng thức năng lượng của con người. Cả một tích tụ về kiến thức làm cho thế hệ càng sinh về sau càng thông minh hơn.
Nỗi mặc cảm khi nhìn thấy thân thể trở nên uể oải, bệnh tật bắt đầu xuất hiện, tất cả những lý tưởng, những nguyện vọng chính đáng trở thành lực bất tòng tâm, nhiều người cảm thấy khó chịu vô cùng. Thông qua lời tâm sự của bản thân, nhà văn Phạm Thiên Hương đã có lần kêu gọi, “Tất cả những người già hãy lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, tức là kêu gọi những người lớn tuổi hãy trở về vườn và nghỉ ngơi. Hãy hưu trí và tìm những cảnh đẹp nào đó thích hợp có công việc nhẹ nhàng hơn, chăm sóc đời sống tinh thần cho bản thân chu đáo hơn. Ai vẫn còn thái độ muốn bon chen, không chịu ngừng nghỉ ở cái tuổi mà sức lực không cho phép dấn thân nhiều hơn nữa thì người đó có thể gặp rất nhiều căng thẳng.
Lực bất tòng tâm là một nỗi đau. Thông qua chủ nghĩa kinh nghiệm, ý thức có thể làm cho những người già khôn ngoan hơn thế hệ đi sau, nhưng họ không thể có đủ điều kiện và sức khỏe để thực hiện trọn vẹn những kinh nghiệm kiến thức mà họ có so với thế hệ con cháu. Do đó, hãy về hưu, tìm đời sống mới, nơi đó tất cả mọi tranh đấu hơn thua, mọi nỗi khổ niềm đau phải được dẹp xuống để đầu tư vào đời sống tinh thần. Ai ở tuổi về già biết chăm lo đời sống tinh thần là một phước báu, còn mải mê chưa chịu dừng cương thì người đó có thể sẽ gặp nhiều trở ngại về phương diện thần kinh.
Tuổi về hưu còn gọi là tuổi chiều tà, khiến con người chán ngán và suy sụp. Lúc đó niềm vui trong sự giải thoát tất cả mọi áp lực có thể trở thành một tiêu chí quan trọng cho nhiều người lớn tuổi hướng về. Cứ nghĩ rằng chiếc xe cũ kỹ này đến lúc phải ngưng công việc của nó. Sự ngưng nghỉ an toàn là cách thức giải phóng trách nhiệm, giải phóng tất cả những công việc trước đây.
Chúng ta thừa nhận một số người có sức khỏe đặc biệt. Ở tuổi chín mươi, thậm chí một trăm, mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, vẫn làm việc, tiếp xúc giao lưu, họ trở thành những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ con cháu noi theo. Nhưng nếu chúng ta không có được sức khỏe đặc biệt này thì hãy tìm khuynh hướng về hưu, ngưng nghỉ những gì không cần thiết để đầu tư vào đời sống tinh thần, trở thành âm đức cho con cháu và gia đình.
Sự hiện hữu của người lớn tuổi trong gia tộc giúp gia tộc đó hãnh diện tự hào. Âm đức trong một gia đình rất quan trọng. Cũng như ngôi chùa nào có một vị cao tăng thì ảnh hưởng về đời sống đạo đức, giá trị tâm linh từ vị cao tăng này có thể đóng góp làm mẫu mực về hành trang hành trì cho tất cả thế hệ tu sĩ trẻ noi theo. Do đó phải chuẩn bị một thái độ sẵn sàng từ bỏ khi tuổi tác không cho phép con người làm những công việc mà thời tuổi trẻ người đó làm rất thành công.
Thế giới phương Tây được quan niệm như thế giới của tuổi trẻ vì ở đây ai có năng lực, có sáng tạo, có đóng góp nhiều thì người đó có vai trò địa vị xã hội cao. Người già tuy được hưởng chế độ an sinh xã hội nhưng họ vẫn khó có thể giải phóng nỗi niềm cô đơn buồn chán. Vì thế rất đông người vẫn muốn đóng góp nhưng không được xã hội thừa nhận.
Năm 2003 và 2004, có dịp thăm viếng các trại dưỡng lão tại Hoa Kỳ, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cụ già không chấp nhận tuổi tác cao của mình. Các cụ muốn tìm một việc gì đó có ý nghĩa nhưng trên thực tế những việc làm đó đều không cần thiết. Các cụ xin đi ra ngoài trung tâm rồi đứng bên vệ đường vẫy tay gọi các chiếc xe dừng lại. Sau đó các cụ hỏi có công việc gì cần giúp không. Nỗi khao khát muốn lao động, muốn đóng góp, giúp đời vẫn còn rực cháy trong dòng cảm xúc và nhận thức khiến các cụ chưa muốn dừng. Nhiều cụ lang thang từ chỗ này qua chỗ nọ mà vẫn không tìm được một công việc thích hợp, cuối cùng phải trở về trung tâm đang nuôi dưỡng mình. Chúng tôi lắng nghe các cụ trải lòng mà cảm thấy rất thương tâm, vì họ không nhìn thấy quy luật vật lý của tuổi tác làm cho thân thể họ hao mòn, và vấn đề quan trọng là dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tiến trình tái sinh mới, một mầm sống mới trong tương lai. Lúc đó giá trị của nó sẽ lợi lạc rất nhiều lần so với việc hăng say vào các công việc mà tuổi tác không cho phép.
Căng thẳng về tâm lý
Nó là kết quả tất yếu của vật lý khi sức khỏe tuổi tác đã đến độ quá thấp, tâm lý căng thẳng bởi vì người ta bị hụt hẫng. Mặc dù họ được khuyến khích phải “rửa tay gác kiếm” nhưng nhiều người vẫn không chịu, vẫn muốn tiếp tục công việc của mình.
Trong nền giáo dục Phật giáo Việt Nam thời cận đại, hầu như ai cũng biết vị giáo sư Minh Chi, em ruột Hòa thượng Thích Minh Châu, người có quá trình đóng góp đáng kể cho nền giáo dục Phật giáo. Giáo sư Minh Chi vừa qua đời cách đây vài tháng. Trước đó, nếu một tuần không gặp ông ở Học Viện Phật Giáo Việt Nam, chúng ta sẽ gặp ông ở trường Cao Cấp Giảng Sư. Cuộc đời ông luôn lấy niềm say mê giảng dạy truyền đạt kiến thức cho thế hệ đi sau làm niềm hạnh phúc nhất. Ông tâm sự, nếu một ngày không có cơ hội giảng dạy cho ai thì ông cảm thấy cô đơn buồn chán vô cùng.
Ở tuổi đời tám mươi bảy, một tuần tối thiểu từ ba đến bốn ngày, không dạy ở trường đại học này thì ông dạy ở trường đại học khác. Ban giám hiệu đã nhìn thấy sức khỏe của ông ngày càng xuống, sau một lần phát hiện ông dạy khoảng hai mươi phút thì bị ngã quỵ trên bàn học. Mấy ngày sau trở lại Học viện, ông vẫn yêu cầu tiếp tục giảng dạy. Ban giám hiệu rất lo lắng và khuyên ông nên nghỉ ngơi, công việc giảng dạy đã có rất nhiều thầy cô trẻ tốt nghiệp tiến sĩ ở nhiều nước trở về, trước đây họ cũng từng là học trò của ông. Ban giám hiệu mong ông an tâm vì đã có lớp kế thừa xứng đáng. Nhưng ông trả lời một cách tự nhiên rằng đến trường dạy là niềm hạnh phúc, ông sẽ chết sớm nếu bị buộc phải ở nhà.
Căng thẳng tâm lý không nhất thiết là sự bức xúc về sinh hoạt gia đình mà có thể là tình trạng phải gác kiếm lâu dài để chuyển qua một khuynh hướng sống mới, đó là khuynh hướng làm thế nào chăm lo cho đời sống tinh thần được an vui. Sau câu tuyên bố của giáo sư Minh Chi, chưa đầy ba tháng, ông đã qua đời. Khó ai có thể khẳng định tình trạng qua đời của giáo sư gắn liền với nỗi buồn khi phải từ giã mái trường Phật học. Dĩ nhiên, quy luật sống và chết liên hệ rất nhiều đến nhân quả của đạo Phật. Không phải chúng ta muốn thọ là có thể thọ được, không thể muốn chết yểu là có thể chết yểu được. Ngoài nhân quả về phước thọ, con người sống thọ hay chết yểu còn hoàn toàn thuộc về hành vi đời sống của từng cá nhân. Ở đây giáo sư Minh Chi đã sống rất bài bản, mỗi ngày ông ngồi thiền tối thiểu hai tiếng, sống giản dị, bình dân, tận hưởng niềm vui trong chánh pháp của đức Phật. Tuy là cư sĩ tại gia nhưng kiến thức Phật học của ông không thua kém bất kỳ một vị xuất gia hay giáo sư Phật học nào.
Nỗi buồn chán ở tuổi già khiến nhiều người chưa sẵn sàng để tuyệt tích giang hồ. Nhà thơ Đào Tiềm của Trung Quốc đã có những lời khuyên rất thích đáng cho người đến tuổi già mà vẫn chưa muốn nghỉ ngơi:
“Đi về sao chẳng về đi?
Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về”.
“Đi về”, “về đi”, chút đảo ngữ làm cho câu nói trở thành năng lực của sự chiến thắng. “Đi về” là một mệnh lệnh cách khéo léo có sự tôn trọng. Hai từ kế tiếp “sao chẳng” một lời hỏi rất nhẹ nhàng mà bản thân người được hỏi không cảm thấy mình vô dụng. Hai chữ “về đi” sau cùng cũng là một mệnh lệnh cách mang tính chất khuyến tấn và khuyên nhủ. “Ruộng hoang, vườn rậm” là những hình ảnh nói về tuổi già. Các giác quan trở nên không còn nhạy bén, thân thể không còn khỏe mạnh, da nhăn, tóc bạc, sức lực cạn kiệt được sánh ví như ruộng hoang, vườn rậm, còn chi tiếc nuối mà chưa chịu về, chưa chịu nghỉ ngơi.
Đó là lời cảnh tỉnh với rất nhiều người say mê công việc. Người có tinh thần trách nhiệm cao không bao giờ muốn công việc đó được người khác kế thừa, vì nghĩ rằng chỉ có mình mới có thể giải quyết được. Tinh thần trách nhiệm luôn hình thành chứng bệnh của sự vướng mắc và chấp trước. Dĩ nhiên những gia đình có người lớn tuổi với thái độ tâm lý vừa nêu thì con cháu sẽ khó có thể thành công, vì không có điều kiện thực hành những công việc khó khăn mà cha ông họ đã làm. Đến lúc cha ông của họ nằm xuống, họ mới có cơ hội dấn thân vào. Kết quả do có một khoảng cách kinh nghiệm khá lớn giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau, nên khi tiếp xúc với công việc, họ ngỡ ngàng không bắt kịp bạn bè nếu không nói là thua hụt.
Để thoát khỏi ức chế tâm lý, nhiều người tìm kiếm những phương cách giải trí khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp tối ưu là giải trí tinh thần. Trong cộng đồng người Việt ở thế giới phương Tây, người lớn tuổi bắt đầu có khuynh hướng đi chùa, một số khác có khuynh hướng thành lập hội đoàn, gặp nhau mỗi tuần một lần để trao đổi tâm sự. Các ông lão có khuynh hướng thích thiền trà, có người đến câu lạc bộ trồng hoa kiểng hay chơi cờ tướng,… Nói chung họ luôn tìm kiếm một cái gì đó để đặt tâm vào, giảm bớt căng thẳng, dòng cảm xúc được phóng thích và trở nên nhẹ nhàng. Nhưng việc tham gia các hội đoàn tôn giáo có giá trị hơn cả, vì tại đây người lớn tuổi có dịp tiếp xúc với Phật, Pháp, Tăng, nhìn thấy các thế hệ ngang mình hoặc nhỏ hơn mình được sống trong chánh pháp, có một đời sống tinh thần thoải mái, không vui chơi theo thế gian thường tình như nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc,… Do đó giá trị của việc đi chùa ở người lớn tuổi làm cho đời sống của con người có ý nghĩa hơn.
Căng thẳng về hôn nhân
Ở tuổi thanh niên và trung niên, người ta ít có những căng thẳng trong sinh hoạt vợ chồng. Một ngày hai mươi bốn giờ, họ chỉ có tám giờ sinh hoạt gia đình, tám giờ ngủ và tám giờ làm công việc xã hội. Gia đình, xã hội và sinh hoạt cá nhân được chia thành ba cột mốc và mỗi công việc như vậy chiếm tám giờ trong một ngày. Vợ chồng tiếp xúc với nhau chỉ tám tiếng sinh hoạt gia đình. Do đó, những điểm bất đồng có thể chỉ xuất hiện trong tám tiếng. Còn tám tiếng trong sinh hoạt xã hội, người ta phải tiếp xúc bạn bè, đồng nghiệp, cho nên các mâu thuẫn nếu có cũng không làm cho gia đình rơi vào tình trạng quá căng thẳng.
Nhưng khi đến tuổi về hưu, người ta phải ở nhà 24/24, sự tiếp xúc với nhau trong nhà nếu không khéo hòa hợp thì mỗi cử chỉ, lời nói diễn ra làm nảy sinh va chạm. Nỗi khổ niềm đau khi phải sống chung với những người mà mình không thích sẽ làm cho sự căng thẳng trong mối quan hệ trở nên nghiêm trọng hơn. Sự thách đố ở giai đoạn này hết sức cao độ. Nhiều người lớn tuổi bắt đầu sinh tật. Bởi vì quán tính của thói quen được tích tụ mấy mươi năm trở thành cố tật. Con người trở nên khó tính hơn, dễ bắt bẻ, dễ hờn trách, dễ có thái độ ứng xử phán quyết như quan tòa buộc người khác phải nghe theo, nhất là những người đã từng có vai trò trong xã hội. Đến khi về hưu, ảo giác về quyền lực vẫn còn đeo đuổi cho nên trong nỗi mơ ước thầm kính, những người quyền lực đó buộc người thân phải tuân thủ mọi mệnh lệnh của mình như khi mình còn giữ chức nghiệp. Nếu người thân trong gia đình không tuân thủ thì căng thẳng ngày càng trở nên bi đát.
Đứng trước sự căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng, người nam thường có khuynh hướng phóng thích bằng cách uống rượu, cờ bạc, giao du bạn bè, tìm bồ nhí để sẻ chia tâm sự. Còn những người phụ nữ lớn tuổi lại có khuynh hướng lân la ngồi lê đôi mách, đánh bài mua vui để đốt thời gian quá trống trải khi không biết sử dụng thời gian đó như thế nào cho ý nghĩa.
Phóng thích nỗi cô đơn trong mối quan hệ bạn đời thông qua việc hưởng thụ hay chạy trốn, dĩ nhiên, đó không phải là giải pháp. Nhà Phật thường dạy chúng ta nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, mấu chốt của vấn đề từ đâu để giải quyết nó. Khi tuổi về già, con người thường suy nghĩ về quá khứ với những gì được và mất, thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau. Đối với người có thói quen buông xả thì tuổi già là khoảng đời hạnh phúc lớn. Còn ai có thái độ chấp trước và lối ứng xử giang hồ thì tuổi già là nỗi khổ niềm đau, vì nó là bộ phim tái diễn nhiều lần một cách có ý thức. Nỗi uất hận mỗi khi nhớ về những thất bại, về những kẻ hại mình khiến họ khó có thể nguôi ngoai.
Ở tuổi già, cả người nam và người nữ, còn có khuynh hướng hồi xuân. Người nam thích dùng những chất kích thích mạnh, bia ôm, bồ nhí… Người nữ thích trang sức diêm dúa, áo quần lòe loẹt, nói năng đi đứng điệu bộ không hợp tuổi tác. “Tình khúc Ơ Bai” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bốn câu: “Tôi đi bằng nhịp điệu 1, 2, 3, 4, 5. Em đi bằng nhịp điệu 6, 7, 8, 9, 10”. Cùng một nhịp điệu, cả vợ lẫn chồng cùng đi. Nếu người chồng đi “1, 2, 3, 4, 5” thì người vợ đi “6, 7, 8, 9, 10”, nghĩa là hai nhịp điệu đó khó bắt nhập lại với nhau. Chính vì thế mà sự so le, đối lập, làm cho họ tuy cùng đi trên những nhịp điệu nhưng cung đàn tâm, cung đàn cảm xúc và cung đàn nhận thức hoàn toàn khác biệt. Dù nỗ lực đi trên một nhịp điệu nhưng cuối cùng nỗ lực đó cũng chỉ mang lại khổ đau.
Bốn câu thơ phổ nhạc hình ảnh nhịp điệu 1, 2, 3, 4, 5 và 6, 7, 8, 9, 10 cũng có thể được lý giải như một sự tiếp nối. Người đi trước một quãng, làm tròn một phần phận sự và người đi sau tiếp tục hoàn thành những công việc còn lại. Nhưng trên thực tế ở đây là “tôi và em” hoặc “tôi và anh”. Khi tình cảm giữa hai người bắt đầu nhạt nhẽo, người ta sẽ không xưng “anh và em” nữa. Họ bày tỏ thái độ không còn thoải mái trong mối quan hệ gần gũi, tiếp xúc, và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Càng xử lý những nhịp điệu khác biệt với nỗ lực thiếu phương pháp càng làm cho các gia đình trở nên căng thẳng. Do đó nếu phải đi cùng trên một nhịp điệu thì nhịp điệu đó phải là nhịp điệu của sự đồng bộ về phương diện nhận thức, hiểu biết, rộng lượng, và thái độ ứng xử. Hai bên cùng nhảy một nhịp điệu, chắc chắn niềm hạnh phúc sẽ được chia sẻ và nỗi khổ đau sẽ được gánh vác. Còn nhảy không cùng nhịp điệu thì khổ đau của người nào, người đó tự gánh vác. Thái độ xa lạ trong mối quan hệ ngày càng gia tăng.
Để thiết lập một nhịp điệu về nhận thức và cảm xúc, nhà Phật dạy chúng ta phải sống buông xả. Đừng để ý đến tất cả những lỗi lầm của nhau. Tục ngữ phương Tây khuyến tấn người nam đôi lúc phải giả điếc, người nữ đôi lúc phải giả mù. Câu nói đó muốn nói lên một điều rằng, khả năng sai lầm của người nam về phương diện thiếu chung thuỷ có thể có, người vợ có chiều sâu tâm lý và có cách thức ứng xử rộng lượng có thể thấy nhưng không đào sâu, hãy tìm cách dẫn người chồng của mình về với sinh hoạt gia đình, bằng không chúng ta sẽ đẩy chồng về với người thứ ba. Trong sự rượt đuổi và tìm kiếm giá trị hạnh phúc, nhiều người vợ nóng tính và thiếu khôn ngoan đã biếu tặng người chồng của mình cho kẻ khác.
Bên cạnh đó, câu tục ngữ cũng nói lên sai sót của người nữ thường ở tật nói nhiều, nói cằn nhằn, đay nghiến, chì chiết, do đó người nam cần giả vờ điếc để khỏi phải bận tâm. Nếu lấy tinh thần nhà Phật phối hợp với câu tục ngữ vừa nêu thì trong cái giả điếc đó chúng ta phải có niềm vui, vì đã lấy động cơ ứng xử làm tiêu chuẩn để nhận định đánh giá. Ghen tuông của người vợ luôn xuất phát từ tình cảm yêu thương, nên hãy xem đó là niềm hạnh phúc. Làm lơ trong hạnh phúc chứ đừng làm lơ theo cách đè nén, vì mọi sự đè nén sẽ có lúc phải bung. Và khi đã bung rồi thì hậu quả khó lường.
Những người nữ giả mù không nhìn thấy sai lầm nho nhỏ của người chồng là để có dịp suy nghĩ lại cách ứng xử của mình. Có thể khi người chồng chán nản điều gì đó, anh ta mới bắt đầu tìm kiếm cái khác lấp vào. Nếu trước đây anh ta thương vợ vì nét đẹp ngoại hình, lời nói ngọt ngào êm dịu, thì bây giờ nhìn kiểu cách lè phè, bừa bộn, anh ta cảm thấy chán nên đi tìm kiếm vẻ đẹp ngày xưa ở những người khác. Lúc đó, người vợ cần phải sống ngăn nắp, kỹ lưỡng, tươm tất trở lại. Đừng nghĩ rằng đã là vợ chồng thì không cần để ý đến sắc diện bề ngoài, không để ý đến lời ăn tiếng nói và cách ứng xử với chồng nữa. Đôi khi sống quá chân thật nên đã đánh mất người chồng.
Trong những căng thẳng gia đình thuộc về dạng này, bản thân người vợ phải tự kiểm điểm sửa sai, bằng không tình huống căng thẳng có thể đi đến kết cục là sự ly thân, tệ hơn là ly dị. Một số tình huống ly dị dẫn đến hai người bạn đời trở thành kẻ thù của nhau, tạo ra những gút mắc oan trái. Tất cả những nỗi niềm không được giải quyết, tháo gỡ ở đời này thì ở đời sau lại gặp nhau, lại thương nhau, cuối cùng cũng chia tay bằng những nỗi niềm tương tự.
Cho nên có phải chia tay hay ly dị với người nào đó, chúng ta nên làm bạn của nhau trước khi chia tay. Hãy tha thứ, thông cảm và hỷ xả cho nhau. Cứ nghĩ một cách đơn giản như Lục Tổ Huệ Năng nói, nếu gặp nhau không hoan hỷ thì chấp tay xin tạ từ, đường ai nấy đi.
Hiểu rõ mỗi người đều có giới hạn của nhận thức, của vận động, của cá tính và giới hạn của cách thức chuyển hóa khác nhau. Cho nên dù là Phật tử, là người tốt, người có vị trí xã hội nhưng cách thức ứng xử tình cảm vẫn có thể rơi vào những sai lầm. Giỏi về phương diện A chưa hẳn kéo theo giỏi về phương diện B, nhất là trong tình cảm. Hiểu như vậy, chúng ta cứ quan niệm theo Phật giáo, vẫy tay chào với ba mươi sáu thể trược. Một người nào đó làm mình không vui, chúng ta góp ý nhiều lần, nỗ lực nhiều lần, phấn đấu nhiều lần, nhưng vẫn không có một sự thay đổi nào thì sự chung sống với nhau chỉ mang lại nỗi đau. Lúc đó cứ nghĩ rằng chia tay chỉ là sự vẫy tay chào nhau với ba mươi sáu thể trược, vì đó là một cấu tạo thân thể vật lý của con người. Không nên dùng những ngôn từ đanh đá với nhau sẽ làm cho cảm xúc giận dữ dâng trào, sự chia tay đó sẽ kéo theo thù hận đến đời tương lai.
Căng thẳng do xung đột văn hóa
Người lớn tuổi khi về hưu, nếu chung sống với các thế hệ con cháu thường gặp một thách đố rất lớn. Quan niệm về sự khác biệt giữa hai thế hệ trước và sau có thể tạo ra vô vàn cách thức ứng xử khác nhau. Trong nền văn hóa phương Tây, con cái được giáo dục khuyến khích sống độc lập với cha mẹ khi chúng đủ mười tám tuổi. Nền văn hóa này là “nền văn hóa nợ”. Người ta khuyến tấn thanh niên nam nữ vay nợ ngân hàng để tạo dựng cơ ngơi sự nghiệp riêng, như mua nhà trả góp, tiếp tục vừa học vừa làm ăn buôn bán khác nhau. Khi gánh một món nợ nặng trĩu trên vai, người thanh niên đó sẽ có tinh thần tự lập, phấn đấu trả nợ trong thời gian ngắn nhất để số tiền lãi ngân hàng không phát sinh. Vì mang vác một gánh nợ trên vai đi trong cuộc đời nên những bước đi trở nên mệt mỏi và áp lực. Người ta phải cố gắng rút ngắn khoảng cách trả nợ đó lại và kết quả sau gần ba mươi năm làm ăn lương thiện, phần lớn đã có gia tài sự nghiệp thật sự.
Khuynh hướng khuyến tấn sự tự lực của nền văn hóa phương Tây làm cho con cháu không còn lệ thuộc trong sinh hoạt gia đình như ở nền văn hóa phương Đông. Các gia đình Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Lào và Campuchia sống ở phương Tây đều phải đối diện với căng thẳng văn hóa trong sinh hoạt. Đó là con cháu đã không còn thừa nhận quyền uy tối thượng của ông bà cha mẹ nữa. Con cháu được quyền ứng xử theo cách thức nó muốn. Do đó, nếu các bậc ông bà cha mẹ đi trước không có quan niệm thích ứng văn hóa để tháo gỡ, dung hòa thì nỗi khổ niềm đau sẽ xuất hiện trong gia đình.
Thách đố về quyền lực trong gia đình giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau khiến mối quan hệ cha con, mẹ con không còn lành lặn. Chuyện kể rằng có một người thanh niên Trung Quốc lập nghiệp thành công tại Hoa Kỳ. Khi trở về Trung Quốc thăm lại bà mẹ già năm xưa của mình, người mẹ vô cùng hạnh phúc ôm chầm đứa con yêu. Đến khi dùng cơm, bà vẫn với thói quen xưa dùng miệng lừa xương, chăm chút thức ăn ngon cho con. Lúc đó người con cảm thấy gớm ghiếc, vì trong nền văn hóa phương Tây mỗi người đều có dụng cụ riêng khi dùng cơm. Sau khi tiếp xúc nền văn hóa mới, cắt đứt gốc rễ của mình, nhiều người cảm thấy ghê tởm, nghĩ rằng người thân của mình sống vào thời kỳ kém văn hóa, thiếu hiểu biết, và quê mùa dốt nát. Mâu thuẫn này có thể không xuất hiện bên ngoài nhưng mâu thuẫn bên trong cảm xúc bắt đầu có mặt. Vì cảm nhận của người mẹ với con thường nhạy bén và ngược lại, cảm nhận người con với mẹ cũng rất chính xác, cho nên hai bên nếu không đồng tình với nhau thì sự căng thẳng cũng có thể dâng lên một cách tột độ.
Thách đố về quyền lực trong một gia đình giữa thế hệ cha mẹ và con cái cũng như các quan niệm khác nhau về văn hóa, sinh hoạt làm cho rất nhiều gia đình không còn niềm vui hạnh phúc như ngày nào. Trong những hoàn cảnh như vậy buộc chúng ta phải có khả năng thích ứng triết lý văn hóa. Triết lý văn hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với nền văn hóa mới, nơi đó có sự cảm thông, hiểu biết, rộng lượng và người có năng lực văn hóa phải ứng xử bằng một thái độ vô ngã, không bao giờ lấy nền văn hóa của bản thân làm trục xoay giá trị hạnh phúc. Không nên buộc con cháu đang sống ở thế giới phương Tây phải theo nền văn hóa của mình đã sinh ra và lớn lên, rồi cấm cản chúng quyền tiếp xúc với nền văn hóa mới. Dĩ nhiên tinh thần vô ngã trong triết lý văn hóa sẽ giúp thế hệ đi trước không cảm thấy cô đơn và buồn chán.
Thế hệ trẻ phương Tây đi làm xa nhà, mỗi khi trở về nhà sinh hoạt với gia đình, gặp cha mẹ chỉ vài tiếng, thời gian còn lại dành cho sinh hoạt tiếp xúc với bạn bè và nền văn hóa mới, nên bản chất của nền văn hóa mới được hấp thu trong cảm xúc, hành động, và lối ứng xử của thế hệ trẻ rất nhanh. Người lớn nếu không có thái độ ứng xử hiểu biết, vô ngã thì hai bên có thể trở thành những chướng ngại cho nhau. Thế hệ đi trước tạo trở ngại vì buộc thế hệ đi sau phải chấp nhận nền văn hóa gốc của mình, không được tiếp biến nền văn hóa mới. Còn thế hệ đi sau nếu lấy gốc rễ của nền văn hóa mới, không bận tâm đến nền văn hóa ông bà tổ tiên và có thái độ ứng xử chặt đứt gốc rễ văn hóa bản thân chắc chắn sẽ gây khổ đau cho ông bà cha mẹ. Do đó, trong bất cứ tình huống nào, phải dung hòa văn hóa bản địa và văn hóa gốc để người ứng xử vẫn có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Hiện nay, người Trung Hoa và Việt Nam ở Hoa Kỳ đang gặp một tình trạng giống nhau là con cái không còn biết tiếng mẹ đẻ nhiều như tiếng Anh nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn. Các gia đình khi vượt biên với ước muốn thiết lập sự nghiệp trên một mảnh đất hứa mới, với những nỗi niềm hạnh phúc mới nhưng khi sống tại nền văn hóa phương Tây, họ lại than vắn thở dài vì không còn đủ năng lực tiếp xúc với nền văn hóa hoàn toàn khác truyền thống của họ. Chúng tôi thường nói ví von với những người có cuộc sống không hòa nhập này là hội chứng mù, điếc, hoặc bị tàn phế hai chân.
Gọi là mù vì người đó vẫn nhìn thấy tất cả những diễn biến của nền văn hóa mới nhưng cố tình không chấp nhận nó như một thực tại. Cách thức ứng xử hoàn toàn có khuynh hướng đối lập. Những cái mới, những cái hay trong nền văn hóa đó không được tiếp thu, cho nên có mắt cũng trở thành không.
Gọi là điếc vì vẫn nghe ngôn ngữ tiếng Anh mà chẳng hiểu gì cả, quan hệ giao tế với nhau bằng ngôn ngữ của tay chân. Đôi khi biểu tượng ngôn ngữ tay chân trong mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa lại khác nhau. Chẳng hạn biểu tỏ sự đồng tình, nếu chúng ta dùng cách thức gật đầu của người Việt Nam đối với người Ấn Độ sẽ làm họ trở nên rất khó xử vì trong nền văn hóa Ấn Độ, gật đầu là phản đối, còn đồng ý là lắc đầu. Những năm tháng đầu khi chúng tôi tu học ở Ấn Độ, mỗi khi thầy giáo dạy điều gì mình tâm đắc thì chúng tôi gật đầu lia lịa, thậm chí còn thích được ngồi bàn đầu để học hỏi. Cử chỉ gật đầu khiến thầy giáo khó hiểu, không biết chúng tôi phản đối điều gì. Chúng tôi còn mang máy thâu băng ghi lại lời nói của thầy để về nghe lại. Điều đó khiến thầy giáo hiểu lầm và cảm thấy khó chịu. Một tuần lễ sau, khi được học về văn hóa Ấn Độ, chúng tôi mới biết rằng biểu lộ thái độ đồng tình của Ấn Độ khác hoàn toàn với Việt Nam. Ngôn ngữ thân thể rất nguy hiểm, bởi đôi lúc chúng ta biểu đạt một thông tin nhưng sự tiếp nhận và lý giải thông tin đó có thể có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược như tình huống vừa nêu.
Kéo theo điếc là tình trạng bị câm, có miệng mà không nói được, nói một đường người ta hiểu một ngả. Một câu chuyện về sự không hiểu nhau ở Hoa Kỳ, gia đình nọ trong thời gian chờ được định cư, họ thuê ở khách sạn, phòng 222.
Họ gọi xuống lễ tân bên dưới yêu cầu đem trà lên. Vì không biết tiếng Anh, họ được một người Việt ở đó hướng dẫn nói câu ngắn gọn, đơn giản: “Tu ti, tu tu tu” (two teas, two two two). Người giúp việc bên dưới lại là người Mễ Tây Cơ, cũng không rành tiếng Anh nên tưởng mình bị chọc phá. Lời qua tiếng lại, vì không hiểu ý, dẫn đến tình trạng gây gỗ với nhau. Do đó có miệng mà cũng như câm.
Gọi là tàn phế vì trong thế giới phương Tây, ngay cả người lớn tuổi cũng phải tập lái xe. Con cháu dù hiếu thảo cũng không có thời gian đưa họ đến những nơi mà họ muốn. Phương tiện duy nhất tạo niềm vui và giá trị trong cuộc đời là phải biết lái xe. Đa số người Việt Nam lớn tuổi khi định cư ở phương Tây không thể nào thích ứng được. Họ choáng váng chóng mặt khi nhìn tốc độ xe chạy ngoài xa lộ từ 60 đến 130km/giờ nên nhiều người từ lúc có mặt ở Hoa Kỳ đã không dám tập lái xe.
Thống kê xã hội học về tai nạn tại Hoa Kỳ cho biết mỗi năm, tai nạn đã cướp đi số mạng sống của con người bằng cả một năm chiến tranh giữa hai quốc gia. Sự phát triển về các phương tiện y khoa và khoa học giúp đời sống con người được nâng cao, tuổi thọ được kéo dài, tuy nhiên con người không chết bằng cách này cũng chết bằng cách khác bởi vì nghiệp gieo trồng xấu nếu không được chuyển hóa, không được sám hối thì cũng sẽ trổ bằng cách thức này hay cách thức nọ.
Trong thời hiện đại có rất nhiều loại cộng nghiệp nên cũng có nhiều loại cộng hoạt khác nhau: Chết tập thể do tai nạn máy bay, do tai nạn xe lao xuống vực, do tàu chìm, sóng thần, động đất, lũ lụt, v.v… Trước đây tình trạng tập thể về quả và nhân ít hơn. Phương tiện khoa học càng tiên tiến chừng nào thì nghiệp tập thể càng được gieo trồng nhiều chừng đó.
Ví như một chương trình phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình cho hàng triệu triệu người cùng xem. Như vậy là hàng triệu triệu người đó đang gieo cùng nghiệp tập thể với nhau. Đồng tình hay phản đối, thích hay không thích, phê bình hay khen tặng, đều là những nghiệp tập thể mà người ta gieo cùng lúc. Chính vì thế mà bóng đá được quan niệm là tôn giáo quốc tế. Bởi vì phần lớn chức sắc của các tôn giáo, ngoại trừ đạo Phật, cũng say mê xem bóng đá như bao người dân khác. Đến mùa bóng đá, ở đâu chúng ta cũng thấy những vui buồn, thắng thua, ăn mừng chiến thắng hay sát phạt lẫn nhau. Tất cả đều được gọi là cộng nghiệp.
Phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet càng rộng rãi thì cộng nghiệp càng dễ gieo trồng hơn. Do đó biết cách sử dụng phương tiện thì sẽ có vô lượng phước báu, còn bằng không thì gieo trồng vô số những nghiệp xấu khác nhau, ảnh hưởng đến bản chất văn hóa của các cộng đồng, các dân tộc.
Trước đây thế giới bị khép kín, còn hiện nay chỉ cần bật đài truyền hình lên là chúng ta có thể biết được văn hóa phong tục tập quán đó đây nên giảm được tình trạng ngỡ ngàng hoặc truyền thông điệp hoàn toàn khác với điều mà người ở xứ khác mong đợi. Sự phát triển công nghệ thông tin hiện đại giúp cho thế giới này như một ngôi nhà. Con người có thể học hỏi các nền văn hóa của nhau, nhờ đó giải quyết được những bế tắc. Do đó ai có nhu cầu định cư nước ngoài, trước hết nên tìm hiểu văn hóa nơi mình muốn đến để dễ dàng nuôi dạy con cháu, giúp chúng duy trì nền văn hóa gốc mà vẫn có thể hấp thu được nền văn hóa mới. Cắt đứt gốc rễ văn hóa là cắt đứt nỗi niềm hạnh phúc của bản thân. Trong lúc chúng ta muốn nỗ lực hàn gắn mình với nền văn hóa mới thì chưa chắc gì được người bản địa thừa nhận.
Michael Jackson, sau một chứng bệnh bạch lãng, đã giải phẫu thành người da trắng. Dĩ nhiên, người da trắng vẫn còn có thành kiến với ông, vì ông có gốc rễ của người da đen cho nên nhiều vụ thưa kiện đã xảy ra tố cáo ông lợi dụng tình dục trẻ em. Cho đến năm 2005, tất cả những vụ thưa kiện đó đã được sáng tỏ, ông được trắng án khi người ta chứng minh rằng tất cả những vụ thưa kiện kia được sắp xếp nhằm mục đích hạ bệ uy tín, vì ông có gốc rễ da đen, trong nền văn hóa của Hoa Kỳ.
Chạy theo văn hóa mới, nếu không vì lý do bất đắc dĩ, như trường hợp của Michael Jackson thì đừng bao giờ chặt đứt gốc rễ văn hóa của mình. Bởi vì sự chặt đứt gốc rễ đó sẽ làm cho nỗi niềm hạnh phúc mất đi phân nửa. Tìm kiếm nửa hạnh phúc còn lại chưa chắc đã thành công. Do đó, sống một cách có tiếp biến và hài hòa, dù trong nền văn hóa nào, chúng ta cũng an vui và hạnh phúc, ở đâu cũng có thể có những đóng góp và dung thông được tất cả sự đa dạng phong phú.
An trú trong hiện tại
Ở đây chúng tôi muốn dùng khái niệm của từ tiếng Anh, đó cũng là nghệ thuật chơi chữ, “Present”. Nếu đọc nó như một danh từ thì nó có nghĩa là sự hiện hữu, tức là đang có mặt trong hiện tại này. Còn nếu đọc nó như một động từ thì nó có nghĩa là tặng biếu. Chỉ đổi dạng danh từ sang động từ, ý nghĩa của hiện tại như một phần quà. Áp dụng ngôn ngữ đó trên tinh thần Phật dạy thì sống với hiện tại là một phần quà của hạnh phúc, “hiện tại lạc trú”. Hiện hữu trong hiện tại một cách trọn vẹn, người đó sẽ hạnh phúc lâu dài.
Làm thế nào để có mặt trong hiện tại mà được hạnh phúc lâu dài? Trước tiên chúng ta phải chặt đứt gốc rễ liên tưởng đến quá khứ với nỗi niềm hạnh phúc hay khổ đau. Sự hồi tưởng về quá khứ thường hâm nóng nỗi đau. Chẳng hạn mỗi khi nhớ lại nỗi đau trong tình huống ly dị, bị người khác ngược đãi, bị người ta lợi dụng, nỗi đau thất bại trong công việc,… thì nỗi đau đó sống lại hằng ngày, hằng giờ. Nói chung khả năng ký ức kéo dài bao lâu thì nỗi đau kéo dài bấy lâu. Phật dạy không nên quên lịch sử, vì giá trị của lịch sử như một bài học kinh nghiệm; nhưng cũng đừng bao giờ tìm về quá khứ, vì quá khứ chỉ làm gia tăng nỗi đau. Ngay cả trong tình huống viết hồi ký, những hồi ức đó cũng liên hệ đến thành công và hạnh phúc có thể gây nỗi đau luyến tiếc, nhất là đến nay thành công hạnh phúc đó không còn nữa. Hồi ức về thời vàng son, về sự thành công, về thời thanh niên khỏe mạnh, xinh đẹp, mà bây giờ không còn nữa sẽ đẩy người đó vào trạng thái tiếc nuối và hy vọng.
Tiếc nuối là một năng lực tâm lý. Chức năng chính của nó liên hệ đến việc thiêu đốt tất cả mọi tâm lý tích cực đang có mặt trong hiện tại. Khi nào tiếc nuối vẫn còn đeo đuổi dòng cảm xúc của con người, khi đó con người không bao giờ đủ sáng suốt để nắm lấy cơ hội hạnh phúc diễn ra như một phần thưởng xứng đáng cho đời sống đạo đức. Cho nên sống có đạo đức vẫn chưa đủ để mang lại hạnh phúc, đức Phật dạy chúng ta phải đặt giá trị của cuộc sống trong mấu chốt hiện tại. Chặt đứt nỗi đau của quá khứ, những mơ tưởng hão huyền ở tương lai thì con người mới hạnh phúc thật sự.
Nhiều người có tham vọng lớn, mơ tưởng nhiều đàn gà khác nhau nhưng trong khi đó những trứng gà có trống thì chưa được quả nào, hoặc có rồi nhưng không biết cách ấp. Cho nên Phật dạy hãy nỗ lực tinh tấn ở đời, làm có phương pháp, có tấm lòng, có lương tâm đạo đức thì chắc chắn kết quả sẽ diễn ra tự nhiên. Mơ tưởng mà không đầu tư chỉ làm cho con người rơi vào trạng thái hy vọng nhiều rồi thất vọng, trèo cao té đau. Hãy sống một cách thiết thực, sống tự tin trên nền tảng của nhân quả, lúc đó chúng ta chắc chắn sẽ nắm được vận mệnh tương lai của mình, vận mệnh đó là vận mệnh của hạnh phúc.
Nhân ngày Quốc tế vì người già, chúng tôi xin đề nghị hãy biến mấu chốt hiện tại như một phần quà của hạnh phúc để từ đó chúng ta bỏ đi tất cả những nỗi buồn và niềm đau. Muốn như vậy con người phải có bản lĩnh của sự hỷ xả, buông bỏ nỗi đau mà người khác tạo cho mình, buông bỏ những hận thù, những gì tiêu cực từng diễn ra trong cuộc sống. Sự buông xả cũng giống như một cơn gió lốc thổi qua, tất cả mây tụ tán trên bầu trời không còn nữa, lúc đó bầu trời trở nên quang đãng mang lại nhiều giá trị an vui trong cuộc đời. Dù ở tuổi cao nhưng chúng ta vẫn trẻ trung, khỏe mạnh. Đừng bao giờ để tuổi già khống chế bản thân, hãy tìm và làm những việc cho đời sống tinh thần có giá trị an vui hạnh phúc. Trong tương lai, dù nhắm mắt xuôi tay bất cứ lúc nào, ý nghĩa cuộc đời đã được chúng ta thể hiện một cách trọn vẹn.
***
http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/11711-Chuong-2-Vuot-qua-tuoi-gia-cang-thang.html