Thích Nhật Từ
Trung tâm Bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc ngày 23-01-2005
Phiên tả: Diệu Tịnh Đinh Phi Khanh
Sợ đối diện tuổi già
Cách đây vài tháng, chúng tôi thuyết giảng tại Hoa Kỳ. Trong buổi tiếp xúc quần chúng, có một cụ ngoài 70 tuổi đến gặp chúng tôi. Chúng tôi cung kính hỏi thăm: “Thưa cụ, cụ khỏe không? Gia đình cụ như thế nào, sinh hoạt ra sao?”. Sau khi hỏi, chúng tôi nhận thấy nét đượm buồn trên ánh mắt cụ, không biết những lời thưa hỏi vừa rồi có gợi đến nỗi đau nào trong quá khứ khiến cụ cảm động sa nước mắt. Tối ngày hôm đó, cụ gọi điện thoại nói với chúng tôi: “Thưa thầy, nhờ câu nói của thầy mà tôi ý thức được rằng tôi đã đến cái tuổi gần đất xa trời. Tôi có già lắm không? Tôi có mất đi nét đẹp ngày xưa hay không? Tôi không muốn mình già và cũng không muốn đối diện với cái già đó”. Nghe xong, chúng tôi giật mình, thì ra cụ đang đối diện với tuổi già, cái tuổi mà đa số chúng ta không muốn. Mỗi khi nhớ đến thời thanh xuân, làm được rất nhiều việc, đóng góp rất nhiều cho xã hội, bây giờ phải ngưng tất cả và nhường lại cho con cháu, nhường lại cho người thân, cho thế hệ trẻ trung hơn, chúng ta cảm thấy lực bất tòng tâm. Nỗi niềm đó làm cho nhiều người già cảm thấy cô đơn, vô vị trong cuộc sống.
Nay tôi chia sẻ vấn đề liên hệ đến tình huống vừa kể: “Làm thế nào để đối diện với tuổi già trong hạnh phúc”. Cách đây khoảng mười năm, chúng tôi có xem một câu chuyện tiếu lâm về hội thi “Người khỏe nhất trong tuổi già”. Hội thi quy tụ tất cả những người già khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Việt Nam, Trung Quốc,… mỗi người một vẻ. Người to lớn, người nhỏ bé, nhiều cụ tóc bạc phơ và không còn một chiếc răng nào, nhưng tướng trạng sức khỏe của các cụ chẳng thua kém lứa thanh niên. Trong đó, các nhà báo đặc biệt quan tâm đến một cụ tóc bạc phơ, râu dài hệt như tiên ông lão cốt thời xưa, hoặc như các nhân vật cát tiên của nền văn học Trung Quốc. Họ tới phỏng vấn và hy vọng cụ chia sẻ bí quyết làm thế nào để sống khỏe như vậy. Lúc đầu, cụ hơi lúng túng không biết nói thế nào, một lúc sau cụ mới thành thật: “Tôi năm nay chỉ mới 29 tuổi”. Các phóng viên giật mình hỏi: “Trông cụ có vẻ 92 tuổi, râu tóc bạc phơ mà gương mặt vẫn còn trẻ trung, sắc diện hồng hào làm cho chúng tôi kính mến. Mong cụ hãy chia sẻ để chúng tôi đăng tin tức này nhằm giúp người khác vượt qua tuổi già một cách thành công”. Cụ đáp lại lần nữa: “Tôi mới 29 tuổi thôi”. Phóng viên hỏi tiếp: “Chúng tôi không tin. Bí quyết nào giúp cụ trẻ như thế?”. Cụ trả lời: “Nói thật với các anh chị, trước đây tôi từng trải qua một giai đoạn phí sức và lầm lỡ trên con đường hưởng thụ, sống quá dễ dãi với bản thân, cho nên người ta thấy tôi thành ra thế này. Họ tưởng tôi già nên khuyến khích tôi đến đây dự thi”. Câu chuyện dừng tại đó. Ở đây chúng ta không phân tích và thảo luận về chủ đề làm thế nào từ 29 tuổi trở thành 92. Điều mà chúng ta cần tư duy là người 92 tuổi trở thành 29.
Khái niệm tuổi già
Trong kinh Phật, khái niệm tuổi già được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: Thứ nhất, già trong sinh học là cái già vật lý trải qua năm tháng thời gian chúng ta có mặt trên cuộc đời. Từng mấu chốt thời gian cùng sự khai sinh ra chúng ta của người mẹ với rất nhiều nhọc nhằn và quá trình dưỡng nuôi chăm sóc của cha, chúng ta lớn lên trở thành một người gọi là người đứng tuổi, người có tuổi, hoặc người đến tuổi xế chiều.
v.v. Cái già đó là cái già sinh học vật lý, cái già hiển nhiên
và tất yếu mà ai cũng phải trải qua. Dù các vị bát tiên được gọi là những vị trường thọ vài trăm năm, nhưng rồi các vị đó cũng phải đối diện với tuổi già.
Đối diện với tuổi già sinh học là nỗi niềm mà không phải ai cũng thành công, đôi lúc chúng ta muốn phủ định mình đang già giống như trường hợp của cụ già vừa nêu. Bên cạnh đó cũng có nhiều người cảm thấy hạnh phúc ở tuổi về già vì đó là tuổi về hưu, nghỉ dưỡng, đầu tư cho tinh thần mà không phải làm lụng vất vả. Ở tuổi già, người ta có cơ hội chiêm nghiệm lại cuộc đời với tất cả những gì đã kinh qua, tất cả những gì đã vấp ngã hoặc thành công. Việc hồi ức về quá khứ như xem lại nhiều tập phim của một cuộc đời, mỗi tập phim có những ấn tượng, kịch tính, hay tình tiết khác nhau đôi khi khiến người ta không cầm lòng rơi nước mắt; những dòng cảm xúc đó làm nặng trĩu nỗi khổ niềm đau. Có nhiều cụ già khi nhớ lại thời vàng son của mình lòng cảm thấy hân hoan, nhưng sau sự hân hoan đó là gì? Trạng thái tiếc nuối vì không còn vàng son nữa. Nói chung, việc hồi ức tuổi thanh xuân trong quá khứ, và đối diện với tuổi già sinh học, tất cả chúng ta đều khởi lên những nỗi niềm buồn bã, dẫu quá khứ đó đẹp hay không đẹp, đáng ghi nhớ hay không ghi nhớ.
Thứ hai, già về tâm, do dòng cảm xúc, nhận thức, tư tưởng, tư duy, thái độ sống, và khuynh hướng của rất nhiều người trong chúng ta trở nên già cỗi khi chúng ta không tìm thấy được một mảnh trời xanh, một không gian yên ả, một đời sống an lành, một cảnh trạng thăng quan hạnh phúc đối lại với những gì mà chúng ta đang chịu đựng. Bởi vì đôi lúc chúng ta đối diện với quá nhiều nỗi khổ niềm đau do chính người thân của chúng ta gây ra hoặc do một cảnh ngộ khách quan nào đó như tai nạn, thiên tai hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần khiến chúng ta không muốn đối diện và thừa nhận chúng. Cậu thanh niên 29 tuổi kia đến nông nỗi mà chúng ta tưởng một cụ già 92 tuổi là bởi vì cậu ta đã rơi vào trạng thái già về tâm. Già ở đây không phải là già dặn kinh nghiệm, già dặn kiến thức, già dặn đạo đức, hay già dặn về tâm linh, mà cái già này gọi là già giả hay cụ non. Vì cậu ta không nhìn thấy được những loại hình sinh hoạt tích cực, không nhìn thấy được những loại hình lao động có thể mang lại vẻ tươi trẻ hạnh phúc cho mình và cho người. Nói cách khác, cuộc sống tươi trẻ đã mất hết trong tâm trí khiến cậu trở thành một người già về tâm. Dĩ nhiên cậu ta rất muốn mọi người thấy mình là một người 29 tuổi, nhưng các nhà báo, các phóng viên vẫn nhìn nhận cậu ta 92 tuổi.
Sự già cỗi về tâm đã làm cho rất nhiều người trong chúng ta bỏ cuộc, thất bại, đóng cửa cuộc đời của mình với thế giới xung quanh. Khi chúng ta đóng cửa nhận thức, đóng cửa cảm xúc, đóng cửa tư duy và thái độ đối với sinh hoạt mà chúng ta đang có, chúng ta tự giam mình trong một không gian bế tắc, chẳng hạn trong một căn phòng, những nơi đại ẩn hoặc tiểu ẩn của nho gia, đồng nghĩa chúng ta cắt đứt mối quan hệ giữa mình với người thân, khóa lại tất cả mối quan hệ với cộng đồng và xã hội. Chúng ta thui thủi, lạnh lùng, lãnh cảm khi phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đó là trạng thái già cỗi của tâm. Già cỗi này không giới hạn trong tuổi sinh học vật lý của con người. Có những người còn trẻ tuổi nhưng tâm đã già, nhiều người khác vốn đã già cộng thêm sự già nua về tâm nữa khiến đời sống của người đó buồn thiểu não. Buồn được biểu lộ thông qua ánh mắt, những nếp nhăn, tướng đi thất thểu, thông qua những cách biểu đạt ngữ điệu với những mối giao lưu, tất cả những dấu hiệu đó khó có thể che giấu được.
Trong nghệ thuật giao tế, chúng ta có thể chứng minh cho người khác thấy rằng mình an vui hạnh phúc. Cảm xúc an vui hạnh phúc thông qua nụ cười, cách giao tế, ánh mắt hớn hở chỉ tồn tại trong khoảnh khắc rất ngắn rồi nó cũng bị chinh phục bởi yếu tố đối chọi mà mình không vượt qua được. Trong trạng thái chán chường, thất vọng, nhiều người đã tìm đến lối sống buông thả như những chiếc lục bình trôi, “Chẳng biết ngày sau ra sao nữa. Cho dù ra sao cũng chẳng sao”. Nhiều người liều lĩnh đánh đổi vận mệnh theo trò chơi đen đỏ, hên xui và cho rằng cuộc đời này đã an phận mình như thế, mạng lưới của định mệnh hay nghịêp lực đã trói buộc mình, thôi thì cứ chấp nhận đừng vùng vẫy, đừng nỗ lực vô nghĩa. Thái độ suy nghĩ định mệnh làm cho những người đó bế tắc, mất phương hướng, và mất thái độ tích cực. Dù đối diện với trời xanh, thông reo, gió thổi, chim hót líu lo, chúng ta vẫn thấy già mệt, buồn, bực dọc là bởi vì chúng ta đã đóng cánh cửa nhận thức của chính mình với một cảnh giới, một đời sống rất đa nguyên.
Biết sống lạc quan
Sống lạc quan là một trong những yếu tố hỗ trợ chăm sóc tuổi già. Một số người có thể không đồng tình khi cho rằng các mảnh đời bất hạnh, những tình huống trái ngang làm mất đi tất cả hạnh phúc của họ. Một người Phật tử từng chia sẻ với tôi về điều mà chính cô trải nghiệm: “Chưa hẳn những người giàu có về gia tài sự nghiệp, rừng tiền, biển bạc lại có thể được hạnh phúc”. Đó là nhận xét rất chuẩn xác, vì bản chất của hạnh phúc không nằm ở vật chất. Vật chất chỉ là công cụ, một phương tiện. Nếu sử dụng đúng cách thì hạnh phúc có mặt. Nhưng nếu sử dụng sai phương pháp, hạnh phúc sẽ bị giết chết, bị dập vùi, và do đó hạnh phúc là một dòng chảy cảm xúc. Biểu đồ của dòng chảy cảm xúc này có thể được sánh ví như bảng nhiệt độ. Cao nhất của nó là 100 độ, thấp nhất là âm độ. Chúng ta hoàn toàn có thể biểu đạt được nhiệt dộ cảm xúc của mình, đôi lúc là 300C, 500C, thậm chí 1000C. Sự biến thiên của dòng cảm xúc thay đổi theo năm tháng, theo hoàn cảnh, theo môi trường, theo mối quan hệ giao tế và theo dòng cảm xúc của chúng ta.
Chúng ta khó có cơ hội giữ được dòng cảm xúc đó một cách lâu dài. Chính vì thế mà nỗi niềm hạnh phúc lần lượt được thay thế bởi những dòng cảm xúc buồn bã bực dọc khi đối diện với tuổi già trong cô đơn quạnh quẽ, trong sự buồn tiếc khi con cái không còn quấn quít bên cạnh. Rất nhiều cụ già không có con cái để được chăm sóc, hoặc dù có nhiều con nhưng chúng không hiếu thảo, đã bỏ rơi cha mẹ mình. Đối chọi với vô vàn nỗi niềm như thế khiến tâm chúng ta càng ngày càng héo hắt.
Già về sinh học không quan trọng, vì nó là quy luật tự nhiên, ai cũng phải trải qua một lần. Đức Phật dạy đó là quy luật tất yếu. Những gì được sinh ra phải trưởng thành, tồn tại, phát triển, biến dị và kết thúc để tiến tới một quy trình mới tạo ra cái khác. Điều mà đức Phật muốn nhắn nhủ chúng ta rằng đừng bao giờ thấy ngõ cụt và sự bế tắc của tiến trình này. Chúng ta phải quan sát nếu không có chiếc lá vàng rơi rụng vào mùa thu thì chắc chắn không bao giờ có những chiếc lá xanh nở vào mùa xuân cho chúng ta thưởng thức. Ở cuối tiến trình của già, tức cuối tiến trình của sự rơi rụng đó, là một sự nảy mầm của sức sống mới, đó là hình ảnh tích cực. Nếu chúng ta trẻ hóa tâm mình trong tuổi già thì chắc chắn quý vị sẽ thấy rằng tuổi này là tuổi hạnh phúc nhất, bởi vì chúng ta không cần phải nhọc nhằn theo năm tháng, chân lấm tay bùn, làm việc nặng nhọc, cực khổ như thời kỳ còn thanh xuân.
Trung tâm người già
Trong một trung tâm người già có rất nhiều thứ để tìm vui. Chúng tôi thường gọi trung tâm những người lớn tuổi là trung tâm của tình thân và tình thương. Gọi là tình thân vì đây là cơ hội quý để nối kết những người khác dòng tộc huyết thống trở thành một đại gia đình. Chưa chắc chúng ta ở nhà với con cháu mà có được tình thân kết nối, tình huynh đệ ở mọi miền đất nước nối những phương ngữ, ngữ điệu khác nhau, phong tục tập quán, cách thức sinh hoạt ứng xử hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có cơ hội quý để tiếp xúc học hỏi những nền văn hóa của những người bạn xa xôi trên mọi miền khác nhau của đất nước. Tình thân đó được thiết lập, chúng ta có thêm những người bạn mới, những người tri kỉ, có thêm cơ hội chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ở trung tâm còn có những trường hợp bất hạnh do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay một tai nạn nào đó từ khi còn trẻ đã khiến họ lẽ ra là một thanh niên lực lưỡng, nhưng giờ đây lực bất tòng tâm, thì lúc bấy giờ người già và người trẻ trở thành những người bạn vượt qua biên giới tuổi tác để đến với nhau, sống với nhau trong tình cha con, mẹ con, hay tình cảm của người lớn với thế hệ trẻ. Một trung tâm như thế này là nơi rất đáng để chúng ta gửi gắm tình thân.
Gọi là tình thương vì chúng ta thương yêu chăm sóc lẫn nhau, biết ý thức về đời sống cộng đồng, đời sống xã hội, ý thức về đời sống cần phải thiết lập các mối quan hệ trên nền tảng của trái tim chứ không trên nền tảng của ngoại giao, như thế nỗi niềm hạnh phúc sẽ có mặt với chúng ta mọi lúc. Chưa chắc con cháu ruột thịt của mình đối xử với mình như những người bạn ở trung tâm này. Dĩ nhiên chúng tôi không hề phủ định sống trong một môi trường tập thể, với nhiều người từ nhiều miền khác nhau thì sự cọ xát về cảm giác, sự khác nhau về cá tính, nhận thức, cách ứng xử, đôi lúc làm cho chúng ta buồn, giận hay tránh gặp mặt nhau. Đó là phản ứng rất bình thường. Tuy nhiên những gì chúng ta cần suy nghĩ, chúng tôi xin chia sẻ trên lời dạy của đức Phật, đó là hãy xem nhau như những con người thân thương nhất. Muốn như vậy, chúng ta đến với nhau, sống và giao lưu đối xử tốt với nhau bằng trái tim chứ không bằng khối óc. Nếu sống bằng khối óc thì đôi lúc lý trí đặt sai phương pháp luận, sai phương hướng, đặt trên lòng vị kỉ về bản ngã v.v... thì chúng ta sẽ tranh hơn thua, rồi mình và người là khác biệt; đối xử phân biệt bắt đầu có mặt, và lúc đó nỗi niềm hạnh phúc hân hoan về những người thân đã xa rời khỏi tình thương cần thiết. Cũng như hai rãnh đường rày xe lửa, nó có thể song hành với nhau nhưng mãi mãi và vĩnh viễn không bao giờ gặp nhau ở một điểm chung nhất, nếu chúng ta không có tình thương.
Khi đã thiết lập tình thân trong một trung tâm như thế thì nhu cầu thứ hai là chúng ta phải thiết lập tình thương, thương nhau như những người ruột thịt. Lớn tuổi hơn mình từ hai mươi trở lên, chúng ta xem như cha mẹ ruột; mười bảy mười tám tuổi hơn mình, ta xem như dì chú; nhỏ tuổi hơn mình thì gọi là em, là con cháu, v.v... Trong kinh Bốn Mươi Hai Chương, đức Phật dạy một nghệ thuật thiết lập tình thương rất có ý nghĩa. Với quan niệm tình thương đó, rõ ràng những điều bất như ý không hài lòng với nhau chỉ là những hạt bụi trong bầu không gian. Nếu chúng ta nhìn vào không gian đó trong căn nhà bằng cặp mắt soi mói của vừng mặt trời hay vệt nắng mặt trời rọi vào thì chúng ta thấy nó lợn cợn. Nhưng khi chúng ta nhìn bằng tình thương thì không còn những soi mói đó nữa. Chúng ta thông cảm và hiểu tại sao người đó lại có những lời lẽ, ứng xử không vui thế này đối với mình, chúng ta sẽ hỷ xả, rộng lượng, cảm thông, tha thứ, mở đôi bàn tay ôm người đó vào lòng với trái tim của sự ưu ái và hiểu biết. Những nhu cầu của cảm xúc đó rất cần thiết.
Bận chi nhân tình thế thái
Nhận thức tính tương đối của nhân tình thế thái để vượt qua nỗi mặc cảm tự ti. Nếu chúng ta tỏ ra bất cần, nhìn mảnh đời bất hạnh của chính mình mà cho rằng mình không cần gì nữa, rằng “Cuộc đời đã bạc bẽo với tôi, ông trời đã không thương chúng tôi khi chúng tôi là những người lương thiện, sống đàng hoàng, tôn trọng pháp luật, tôn trọng đạo đức, nuôi dưỡng tâm linh, dạy người khác cũng như vậy, ấy thế mà cuộc đời đến với tôi quả thật họa vô đơn chí”. Đừng buồn, đừng trách, đừng than, thái độ đó không đem lại nỗi niềm của hạnh phúc, chúng ta hãy cứ cười với những gì đang diễn ra không như ý muốn. Đó là một trong những nghệ thuật đối diện với tuổi già có ý nghĩa nhất. Thử tưởng tượng nếu không có những nỗi niềm không như ý xảy ra trong cuộc đời mình thì chưa chắc chúng ta biết nhìn lại chính mình. Những người gặp bất hạnh nhiều nhất lại thường là những người có kinh nghiệm nội tại, sống ở chiều sâu tâm linh của mình nhiều nhất. Khi đó họ mới nhìn thấy được tại sao cuộc đời bạc bẽo, nhân tình thế thái, ân oán giang hồ đã dẫn đến “xương chất thành núi, máu chảy thành sông”.
Liên tưởng đến sự kiện 1979 tại Campuchia, những người cùng huyết thống, cùng sắc tộc, chỉ vì bất đồng về ý thức hệ chính trị, họ đã giết nhau không tha thứ, họ đã xem nhau như kẻ thù không đội trời chung. Những quan niệm đó đã làm cho nỗi khổ niềm đau chồng chất với những bất hạnh mà con người phải đương đầu và phải vượt qua theo chiều dài năm tháng. Đức Phật dạy chúng ta rằng không ai không có bất hạnh. Hiểu được như vậy thì không ai trong chúng ta cảm thấy cô đơn, đừng bao giờ cảm thấy nỗi khổ niềm đau của mình quá nghiêm trọng.
Người giàu cũng có những bất hạnh riêng của họ. Người giàu tuy không bất hạnh về phương diện tài sản, của cải vật chất, cái đó họ dư thừa, nhưng cái mà họ cần là cảm xúc của đời sống hôn nhân có hiểu biết thương yêu, tôn trọng lẫn nhau; vợ chồng cùng nhìn về một hướng, con cái hiếu thảo thành công trong sự nghiệp. Họ cần đời sống cảm xúc thật sự được thiết lập giữa người chủ và kẻ tớ, giữa người đi trước và người đi sau, giữa cận sự và đối tác, giữa công thương và xí nghiệp không có loại trừ, thanh toán và triệt tiêu lẫn nhau. Thương trường kinh tế là một thương trường không thương tiếc, không tình thân, không có lòng từ bi. Ở đó chỉ có sát phạt, lớn hiếp nhỏ, ai khôn ngoan thì tồn tại, ai thiếu phương pháp thì bị dập vùi. Đó là một thương trường khẳng định sự độc tôn của mình trong tiêu thụ và sự chọn lựa sản phẩm tiêu thụ của khách hàng.
Cuộc sống đã đẩy con người vào thế mà tình thân mất, tình thương cũng mất. Nếu chúng ta chỉ biết than thân trách phận thì dòng cảm xúc đó sẽ lớn dần, trương phồng lên làm cho chúng ta cảm thấy mình bất hạnh. Còn phớt lờ đi thì dòng cảm xúc này sẽ lắng dịu. Chúng ta hãy nghĩ đó như những phản ứng liên hệ đến nhân quả của bản thân, nhân quả của xã hội, nhân quả của cộng đồng, nhân quả của lịch sử, và nhân quả của quốc gia trong một giai đọan nào đó, thì những nỗi niềm trách móc cũng không còn nữa, bởi vì ai cũng phải trải qua dù nhiều hay ít. Vấn đề ở chỗ, nếu biết phương pháp thì sự tồn tại của những nỗi bất hạnh này như một thực tại chỉ diễn ra trong khoảnh khắc ngắn của thời gian. Ai nhạy cảm không biết chăm sóc và thương tưởng dòng cảm xúc thì người đó tự trù dập tuổi già của mình; tự chúng ta cô lập mình với thế giới; chúng ta vô tình cắt đứt tất cả những niềm hạnh phúc mà người khác có thể hoàn toàn không thân thuộc với chúng ta mang lại.
Cách cho và nhận
Có mặt và sống trong một trung tâm tình thân và tình thương, rõ ràng chúng ta có vô số người thân. Những người đến thăm viếng quý vị tại trung tâm cũng là những người hoàn toàn không biết quý vị là ai, xuất thân từ miền nào của đất nước hay theo tôn giáo nào. Những khoảng cách của tôn giáo, địa dư, cá tính, giới tính nam nữ đã được xóa bỏ trong tình thương và tình thân, họ đến với quý vị bằng tất cả tấm lòng. Khi được tiếp xúc trực tiếp với bà con cô bác tại đây, không chỉ bà con cô bác mới hạnh phúc mà họ cũng hạnh phúc, thậm chí còn hạnh phúc hơn. Tinh thần đạo đức của đạo Phật dạy chúng tôi phải biết cảm ơn những người đã đón nhận tấm lòng từ sự chia sẻ này. Chúng tôi phải cảm ơn quý vị nhiều vì từ sự tiếp nhận bằng tình thân và tình thương, chúng tôi mới thấy được giá trị của cuộc đời, giá trị của cuộc sống nằm trên tình thương nhiều như thế nào. Chúng tôi thấy điều đó rất sâu sắc và các vị cũng vậy. Do đó tình thân, tình thương giữa chúng ta được thiết lập và chúng ta phải cảm ơn lẫn nhau.
Khi trò chuyện chia sẻ như thế này, đạo lý nhà Phật không bao giờ dạy chúng tôi quan niệm rằng các vị là người tiếp nhận, còn chúng tôi là người ban ân. Quan niệm đó phải được xóa triệt để khi chúng ta bước vào dòng sông của tình thương mà đức Phật đã mang lại cho cuộc đời. Không hề có những quan niệm của người ban ơn và người nhận ơn, hay những quan niệm cần phải đền ơn đáp nghĩa từ người nhận ơn. Đức Phật dạy chúng ta đến với nhau bằng tình thân, tình thương để cuộc đời này nở hoa kết trái hạnh phúc. Khi chúng ta có được những yếu tố đó, bất luận vị trí hoàn cảnh xã hội, tuổi tác, bệnh tật như thế nào, chúng ta chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc thuộc về cảm xúc chứ không thuộc về tuổi tác, thời gian, nhà cao cửa rộng. Nếu biết chăm sóc dòng cảm xúc của mình thì hạnh phúc có mặt.
Quán tưởng hoàn cảnh sống
Xây dựng hạnh phúc cho bản thân từ những quán tưởng hoàn cảnh sống xung quanh. Hạnh phúc được đức Phật sánh ví như bầu trời xanh với không khí trong lành. Hãy tản bộ vào mỗi buổi sáng ở công viên hay khu vườn lan để hít thở không khí trong lành đó, chúng ta sẽ có cơ hội tống khứ những trược khí trong cơ thể ra ngoài, máu được tươi nhuận, phổi được nuôi lớn, các nơron thần kinh được tẩy sạch; chúng ta có thể làm mới lại đời sống trong một ngày. Hễ ai sống với bầu trời xanh, môi trường thiên nhiên, đi bên mình là một người bạn tâm đắc, có hiểu biết, có sự cảm thông chia sẻ, thì dòng chảy của cảm xúc hạnh phúc dâng trào trong con người đó. Chúng ta tiếp xúc, hít thở hạnh phúc; chúng ta nhìn thấy được và cảm nhận hạnh phúc đó, đó là hạnh phúc trong tuổi già, hạnh phúc trong môi trường hoàn cảnh mà chúng ta đang sinh hoạt. Nó không tốn tiền để mua, không phải đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Chỉ cần mở mắt nhìn, nhìn bằng thái độ hiểu biết, nhìn bằng cảm xúc của tình thương, nhìn bằng nhận thức của lý trý, nhìn bằng tuệ giác, và ứng xử bằng tuệ giác trên tinh thần vô ngã, vị tha; bỏ đi những ích kỷ hận thù, bỏ đi những oán trách. Khi tâm chúng ta vắng lặng tất cả những dòng cảm xúc tiêu cực này thì hạnh phúc của chúng ta dâng trào với nhiệt độ cao nhất có thể có, đó là những điều mà đức Phật muốn gửi gắm đến chúng ta.
Bỏ rơi không thừa nhận và không sống với niềm hạnh phúc như thế thì cho dù đang trong tuổi trẻ, chúng ta vẫn khổ đau; dù nhà cao cửa rộng, chúng ta vẫn cảm thấy thiếu đi một thứ gì đáng quý mà đôi lúc không thể lý giải được. Bản chất của cuộc đời không phải là cái gì đó ngẫu nhiên, lại càng không phải là định mệnh được an bày thiết lập bởi một vị thượng đế, chúa trời, hay những thần linh. Nó được kết nối bằng những phản ứng nhân quả do chúng ta trực tiếp tạo ra từ hành động, lời nói, suy nghĩ, và thái độ cư xử với nhau. Có thể đó là hệ quả từ một sự ứng xử sai lạc của mình hay của người, có thể nó là kết quả từ sự hiểu lầm nhau giữa các ý thức hệ chính trị, tôn giáo, quan niệm và lối sống. Nó là một mối tổng hòa nhân quả giữa mình và người, giữa mình và môi trường thiên nhiên, giữa mình và các loài động vật.
Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa.
Hiểu được điều này chúng ta không cảm thấy những gì mà chúng ta đang đối đầu mang lại khổ đau. Ngược lại, đôi lúc chúng ta thấy rất vững chãi, nó là một sự thật đang diễn ra, thừa nhận chúng để không bị nỗi khổ niềm đau chinh phục. Còn phủ định chúng, chúng ta có thể sánh ví nó như tình trạng uống thuốc giảm đau. Phủ định tuổi già là một tình trạng uống thuốc giảm đau để quên đi tuổi già, nhưng nó không phải là giải pháp. Nó chỉ là một cách chữa lửa ngọn. Những gì chúng ta không giải quyết ngay tận gốc rễ, nó có thể tái phát. Các thuốc giảm đau đều mang lại phản ứng phụ. Giảm đau có thể ảnh hưởng bao tử, gan, thận, hay tim mạch… Bao tử của đời sống rất quan trọng, nó chỉ khỏe mạnh khi chứa đựng thực phẩm của tình thương, tình thân, hiểu biết, sự cảm thông chia sẻ, nếu bỏ rơi những thực phẩm thì chúng ta khó có được hạnh phúc.
Trái tim của sự sống là những gì đặt trên nền tảng của hiểu biết và cảm thông. Nếu chúng ta phớt lờ nó, chắc chắn bao tử kia dù có chu cấp cho đời sống của chúng ta nhiều chừng nào chăng nữa, nó vẫn không đủ, cho nên vừa có bao tử của tình thương vẫn phải song hành với trái tim tình thương. Sự tổng hòa này hỗ trợ cho lá gan một bản lĩnh đối đầu với những thực tại khổ đau mà chúng ta đang vấp phải.
Tuổi già không phải là nỗi khổ niềm đau, sự không thừa nhận tuổi già và sống trong tuổi già một cách vô nghĩa với những trạng thái bực dọc, tiếc nuối, cau có, phiền muộn, càng làm cho chúng ta khổ đau nhiều hơn. Do đó, chúng ta hãy chăm sóc tuổi già bằng những dưỡng chất của hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là những gì xa xôi trên trời hay ở cảnh thiên bồng lạc thú mà hạnh phúc là dòng cảm xúc của hiểu biết, thương yêu của trí tuệ, vô ngã vị tha, và của giúp đỡ lẫn nhau.
Băng qua một con đường nhiều xe cộ, người lớn tuổi có thể sẽ lúng túng. Phản ứng chậm chạp của họ dẫn đến phản ứng phán đoán của người đi đường trên các phương tiện giao thông cũng lúng túng tương tự, cuối cùng tai nạn có thể diễn ra. Là người trẻ tuổi nhìn thấy cảnh tượng đó, chúng ta cần phải dìu người lớn tuổi qua bên đường an toàn, đó là hành động của hạnh phúc. Sự an toàn là dòng chảy của cảm xúc, tuổi thọ cũng là một dòng chảy của cảm xúc. Những dòng chảy này mang chất liệu tích cực. Tặng hạnh phúc cho người khác một cách không tính toán và không đòi hỏi thì hạnh phúc có mặt. Đối với những người khó khăn bất hạnh, chúng ta vẫn có thể mang lại hạnh phúc cho họ bằng tình thương. Cho nên thương yêu lẫn nhau, xem nhau như những người thân chính là xây dựng niềm hạnh phúc. Đó là một phần quan trọng mà chúng ta cần phải đối diện trong tuổi già.
“Cái tôi” trong tuổi già
Cái tôi có thể rất đáng ghét, cũng có thể rất đáng thương, và đáng tội nghiệp, tùy theo quan niệm của sự sống, tùy theo cách thức chúng ta ứng xử. Cái tôi bản ngã, xem trời đất không ra chi, xem người khác mục hạ vô nhân, xem cuộc đời này không có nghĩa lý gì, xem thường luật pháp, xem thường đạo đức, xem thường đạo lý cuộc sống, “cái tôi” đó là “cái tôi” đáng ghét đối với quan niệm của cuộc đời. Còn đối với quan niệm của nhà Phật, “cái tôi” đó mới đáng tội nghiệp, đáng thương vì “cái tôi” đó đã đem lại nỗi bất hạnh cho chính họ, cho cuộc đời, cho cộng đồng, và cho tha nhân. Cho nên cái tôi đó càng phải được chăm sóc, sửa chữa, càng phải được vun bồi, tưới tẩm để họ chấm dứt và thay hình đổi dạng dòng cảm xúc. Bằng không, từ bất hạnh của bản thân, “cái tôi” xấu đó sẽ làm gia tăng bất hạnh của cuộc đời.
Buông bỏ hận thù
Cái nhìn của nhà Phật luôn là cái nhìn tích cực, không trách cứ, không đổ lỗi, không oán hận. Nhà Phật luôn tìm kiếm những góc độ của cảm thông. Liên tưởng đến giai đoạn hải tặc đã hãm hiếp rất nhiều người phụ nữ thuyền nhân Việt Nam vượt biên ra nước ngoài, giết rất nhiều đàn ông để tìm kiếm vàng bạc, ngọc ngà, châu báu trên những chiếc thuyền định mệnh đó, chúng ta sẽ khổ đau. Trong dòng khổ đau, chúng ta muốn nguyền rủa họ. Một số có người thân bỏ xác trong hoàn cảnh đó đã từng tuyên thệ rằng: “Nếu tôi gặp và biết ai đã hãm hại người thân của tôi, tôi sẽ xé xác kẻ đó thành trăm mảnh, tôi sẽ giết hắn bằng cách thức mà hắn đã giết người thân của tôi”. Nỗi đau xót đưa đẩy chúng ta có ý tưởng phản ứng giang hồ như vậy, dòng cảm xúc dâng trào với lý do thương tưởng người thân của mình. Đối diện với cảnh sinh ly tử biệt, đa số trong chúng ta không dằn lòng được, không kềm nén được những giọt nước mắt, không biến những nỗi khổ đau này thành những gì tích cực, cho nên phản ứng giang hồ có thể có. Tuy nhiên đức Phật nói, trong sự hận thù, nỗi khổ niềm đau càng gia tăng.
Khi có nỗi niềm muốn trả đũa là chúng ta cũng đã và đang đì đọt dòng cảm xúc của mình. Giả sử đi đến bệnh viện đo điện tâm đồ, ta sẽ thấy phản ứng dòng cảm xúc diễn ra như những đột biến khiến mình khó chịu ghê gớm. Ai mang bệnh tim sẽ cảm nhận dễ dàng điều này. Cho nên đừng bao giờ nuôi dòng cảm xúc hận thù, đừng oán trách cuộc đời mà hãy đi tìm sự cảm thông. Cảm thông trong tình huống này bằng cách nào? Những hải tặc ở miền Nam Thái Lan phần lớn theo Hồi giáo cực đoan. Có thể họ xuất thân từ những gia đình thiếu cơ hội học hành. Họ hoàn toàn bị đẩy vào bế tắc, không có nghề nghiệp ổn định, không hiểu thế nào là lẽ phải, là đạo đức, là bất hạnh và hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc của họ là tước đoạt càng nhiều trên nỗi khổ niềm đau của người khác. Bởi vì họ không hiểu, cho nên họ ứng xử như vậy. Nếu chúng ta thấy được gốc rễ của nỗi khổ niềm đau do họ tạo ra thì sự hận thù không có mặt, ngược lại sự cảm thông sẽ được thiết lập thay thế. Chúng ta hãy nguyện cầu cho họ biết ăn năn hối hận, sớm gặp được một cơ hội tích cực để làm mới lại cuộc đời, giúp cuộc đời này trở nên hạnh phúc hơn.
Tuệ giác đặt trên nền tảng của tình thương được đức Phật dạy là một trong những liều thuốc bổ làm cho chúng ta không oán thân, oán trách cuộc đời. Đối diện với cái tôi rất khó, cái tôi đó bạc bẽo, vô vị, và cô đơn ở tuổi già. Nhiều người thành công, đóng góp rất nhiều cho cuộc đời, cho gia đình, và cho con cháu, ấy thế mà cuộc đời không nhớ ơn; hãy nghĩ rằng cuộc đời đôi lúc không phải vì bạc bẽo mà do hoàn cảnh nào đó, họ không thể chu cấp thỏa mãn chúng ta được.
Ở những nước phương Tây, chế độ an sinh xã hội của họ cao vì kinh tế họ lớn. Còn những nước nghèo như chúng ta, chế độ an sinh xã hội không đầy đủ, mặc dù vậy, tấm lòng của con người, tấm lòng của cuộc đời, tấm lòng của tổ chức vẫn luôn quan tâm đến chúng ta theo cách thức và điều kiện tối đa cho phép. Hiểu như thế thì sự oán trách cuộc đời sẽ không có mặt. Chúng ta hãy thông cảm, hãy đón nhận với tất cả tấm lòng của hiểu biết và thương yêu. Đối diện với những bất hạnh, chẳng hạn con cái bất hiếu, cuộc đời bạc bẽo bất công, nếu cứ mang tâm hằn học, hận thù đời thì hạnh phúc của chúng ta sẽ tan biến theo cuộc đời.
Một cụ già 80 tuổi, quá khứ cụ từng là một phú hộ. Khi giàu sang, cụ không bao giờ thân thương với những người làm thuê làm mướn. Cụ cho vay nặng lãi, và luôn đối xử như kẻ có của với những người nương tựa; chủ và tớ, ranh giới rất rạch ròi. Đôi khi cụ có giúp đỡ nhưng những người làm của cụ không bao giờ tỏ ra quý phục. Thậm chí họ uất hận dù không dám nói ra, vì nói ra sợ bị đuổi việc, bị chửi bới, đánh đập.
Với cách sống như vậy, càng giàu có, cụ càng bê tha. Đến lúc biến động về kinh tế đưa cụ đến tình cảnh trắng tay, trở thành một người nghèo khó. Cụ bắt đầu uống rượu quên sầu, tìm đến những hộp đêm để giải trí. Nỗi niềm đau khổ ngày càng gia tăng, và cụ trở thành người tàn phế, phải ngồi xe lăn, sống lẻ loi giữa cuộc đời. Người ta biết được hoàn cảnh của cụ, họ động lòng đưa cụ vào một trung tâm xã hội để tìm kiếm tình thương. Ở đó, cụ có cơ hội gặp lại những người đã từng nhờ sự giúp đỡ của cụ năm xưa. Họ nhớ lại cách thức ứng xử của cụ cho nên đối xử bạc bẽo khiến cụ càng khổ đau nhiều hơn. Cứ mỗi lần nghĩ lại thời kỳ vàng son, nhớ lại cách ứng xử tệ bạc trước đây của mình, cụ càng quặn thắt cõi lòng.
Do đó, khi phải đối chọi với cái tôi, đôi lúc chúng ta rất khó vượt qua. Phản ứng thông thường trong tình huống này là tự trách cứ, dằn vặt mình vì những gì mình đã gây ra. Một số không chịu nổi nên tìm đến giải pháp quyên sinh, nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để trốn chạy hoàn cảnh bất hạnh hiện tại. Thực ra khi nghiệp chưa hết thì sự quyên sinh sẽ không thành tựu, dù trốn chạy đường này thì người đó vẫn phải đối đầu với đường khác. Nhà Phật thường nói “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Nếu chúng ta đã gieo nhân quả xấu một cách có ý thức thì chúng ta phải trả nó bằng cách thức đối đầu, nhận dạng để vượt qua nó. Trốn chạy hoàn toàn không phải là giải pháp. Cho nên, chúng ta không chạy trốn mà hoan hỉ đón nhận, đón nhận để hiểu thêm nhân tình thế thái, bản chất của cuộc đời, quy luật của đạo đức, của những cái rất hiển nhiên.
Dĩ nhiên rất nhiều người già trong chúng ta hoàn toàn không có một quá khứ như câu chuyện vừa nêu nhưng chúng ta vẫn gặp phải bất hạnh. Cho nên đối chọi với điều vô vị là một trong những thử thách khó vượt qua nhất. Nhiều người cảm thấy không còn đủ sức lực để thực hiện những công trạng mà mình đã từng làm, từng đóng góp. Thấy người trẻ, thấy những người sốt sắng lao động thì người lớn tuổi càng cảm thấy cô đơn buồn tủi vô cùng. Chính vì cảm giác buồn tủi đó mà họ không muốn buông.
Buông bỏ vạn duyên
Chúng tôi từng gặp vài cụ già khi được con cháu thương yêu, không muốn cụ làm bất cứ việc gì trong gia đình thì các cụ cảm thấy buồn khổ rất nhiều. Các cụ luôn trách rằng “Mày tưởng tao già rồi tao làm không được sao? Mày cướp đi tất cả cơ hội làm việc của tao. Tại sao mày lại hành hạ tao như vậy”. Một số cụ khác còn bực dọc cau có khi con cháu mình không muốn mình phải lao nhọc trong cuộc sống, cho nên đã gánh vác hết những nhọc nhằn để các cụ được an dưỡng. Thói quen làm việc và thói quen phục vụ không cho phép các cụ nghỉ ngơi ở tuổi về già, lý do các cụ sợ đối chọi với những điều vô vị. Thái độ sợ hãi sự vô vị làm cho các cụ, thậm chí những người cầm cân nảy mực, những người trí thức, những người đóng góp rất nhiều ý nghĩa trong cuộc đời vẫn không muốn buông. Họ cứ muốn ngồi tại vị với một vai trò nào đó đến khi tuổi của mình không cho phép, hay sức khỏe của mình không đồng tình.
Khi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội người già tại Thạnh Lộc, quý vị hội viên phải cảm nhận rằng mình đang hạnh phúc khi không vướng bận gì về con cháu, về gia đình và mọi thứ. Nhà Phật nói, người được hạnh phúc là người buông xả. Buông xả không phải là vứt bỏ hết tất cả những gì mình có. Chẳng hạn trong nhà có mười bộ bàn ghế, khi thực tập buông xả, chúng ta vứt bỏ hết chín hay mười bộ bàn ghế này, không phải vậy. Chúng ta hãy cứ giữ lại để phục vụ cho công ích, và cho cuộc đời. Chúng ta giữ nó nhưng giữ với thái độ, với việc làm ý nghĩa, thì chúng ta được gọi là những người đang buông trong tình trạng có. Buông quan trọng nhất là buông về cảm xúc, buông về chấp trước, buông về vướng víu. Là những người từng có thời kì vàng son về công trạng, chúng ta phải biết buông về quá khứ. Bởi vì mỗi hồi ức về công trạng sẽ đẩy chúng ta trở về sống với quá khứ đó.
Mặc dù không theo kịp sự nhạy bén với thời cuộc và sự biến thiên của cuộc đời nhưng nhiều người cũng không muốn buông. Ở tuổi về già, chúng ta phải vượt qua được cái tôi của vô vị, cái tôi của bản ngã, của hận thù, đì đọt, và của sự dằn xé lương tâm khi mình hồi ức những sai lầm mình đã làm trong quá khứ. Đức Phật nói, mặc cảm tội lỗi là điều tốt, nhưng nếu chúng ta quá trớn thì dòng mặc cảm tội lỗi này không mang lại hạnh phúc thư thái cho tâm chúng ta. Nó sẽ dẫn chúng ta đến con đường của bế tắc hoàn toàn.
Thay thế mặc cảm tội lỗi bằng nhận thức và ý thức về nhân quả nghiệp báo tốt xấu, bỗng dưng chúng ta sẽ bỏ đi một cách vĩnh viễn những điều không nên làm, những điều xấu cho mình, cho người, cho các loài động vật, cho môi trường thiên nhiên và cho cuộc đời. Sự từ bỏ một cách có ý thức, có tình thương và hiểu biết sẽ mang lại giá trị đạo đức lớn hơn gấp trăm ngàn lần mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi là cặn bã của ký ức, nó vùi dập dòng cảm xúc con người xuống vực thẳm khổ đau. Đừng bao giờ rơi vào mặc cảm tội lỗi, hãy ý thức về lỗi lầm để chúng ta có cơ hội vươn lên hạnh phúc bằng cách sống một đời sống mới. Chúng ta làm ngược lại hoàn toàn với những tính xấu xa trong quá khứ, lúc bấy giờ chúng ta có được nỗi niềm hạnh phúc thay thế. Chúng ta chuộc lỗi bằng nhận thức thay đổi cuộc đời một cách tích cực. Đừng để rơi vào và đắm chìm trong mặc cảm tội lỗi.
Trách nhiệm của người con hiếu
Bất kỳ người cha người mẹ nào cũng từng thương yêu và chăm sóc con cháu. Đến khi già yếu không còn sức lao động thì tình thương ấy vẫn thể hiện ở ánh mắt nụ cười trìu mến vào mỗi chiều trông ngóng con đi làm về, được hạnh phúc khi thấy con mình hạnh phúc. Tiếc rằng một số người làm con đã vô tâm không để ý, lại thấy cha mẹ mình là một gánh nặng cho nên họ không hiếu thảo đúng đắn. Trước thái độ thiếu tôn trọng, nặng lời, quát tháo, xua đuổi của người con, người cha mẹ nào lại không đau lòng. Đừng đày đọa chính mình vào trạng thái trầm cảm trong dòng cảm xúc bất hạnh đó. Hãy hiểu biết và cảm thông, vực dậy và tự tìm kiếm giá trị tâm linh để bồi bổ cho cuộc sống của chúng ta.
Một ông lão nọ sống cùng vợ chồng người con trai duy nhất. Ông luôn dành cho đứa con trai những tình cảm yêu thương, nhưng con ông đã ứng xử rất bạc bẽo, luôn xem ông là cái gai, là gánh nặng cần vứt bỏ khỏi cuộc đời. Một hôm, ông nghe vợ chồng người con bàn nhau loại bỏ ông ra khỏi cuộc sống gia đình vì lý do ông đã già yếu, không giúp ích gì được, lại thường đau ốm khiến cả hai vợ chồng gánh những khoản chi phí thuốc men quá nặng nề. Trong tâm trạng thất vọng, buồn khổ, ông nhớ tưởng lại cách thức ông đã từng ứng xử với người cha ruột của mình trước đây, cũng bạc bẽo như vậy. Ông ngậm ngùi, tiếc nuối, mong cho hai đấng sinh thành ở nơi chín suối tha thứ cho ông, và để con cái ông không có những ứng xử như ngày hôm nay, hoặc những đứa cháu của ông không ứng xử bạc bẽo, giang hồ như con ông đối với ông. Từ suy nghĩ ấy nên ông không hận thù con mà tìm cách giáo dục con.
Một ngày nọ, nhân cơ hội ông bị đau nhức khớp, người con trai đưa ông uống thuốc giảm đau có chất an thần. Khi uống xong, ông rơi vào giấc ngủ nhẹ. Người con trai đặt ông nằm trong một chiếc hòm rồi đưa đến đỉnh đồi cao, dự định sẽ thả ông xuống. Khi chiếc hòm được kéo lên mỏm đá, chuẩn bị thả xuống thì ông thức dậy đập nắp hòm. Người con trai hoảng hốt đành mở nắp hòm ra. Ông lão ngồi dậy nở một nụ cười: “Con ơi, con đừng vứt bỏ cái hòm này, biết đâu nó sẽ rất hữu dụng cho con của con về sau”. Đứa con chợt bừng tỉnh quỳ sụp bên cha mà nức nở: “Cha ơi, hãy tha thứ cho con, con sẽ hiếu thảo với cha”. Bấy giờ ông lão bước xuống xoa đầu con: “Cha rất hạnh phúc, cha mong ngày này từ lâu. Nay con đã hiểu lòng cha, thôi cha con ta hãy về nhà”.
Câu nói của người cha quả thật là câu nói của tình thương và tuệ giác. Tình thương của ông giúp ông không khởi hận thù đối với đứa con, ngược lại còn thông cảm với con. Ông biết rằng do cuộc mưu sinh nhọc nhằn khổ cực lại thiếu hiểu biết nên người con thấy cha mẹ như một gánh nặng gia đình, từ đó dẫn đến cách ứng xử sai lầm. Nếu nó có hiểu biết, và nếu ông không từng bất hiếu với cha ông trong quá khứ thì có lẽ con cái không đối xử với ông như thế này. Nhận thức đó đã làm cho ông có cách ứng xử cảm thông. Và nhờ ứng xử cảm thông, đứa con ông được tỉnh thức, sự hiếu thảo được bắt đầu. Đối diện với nỗi bất hạnh, nếu chúng ta có tình thương thì sự bất hạnh này sẽ được chuyển hướng. Nó sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong cuộc đời. Một bước ngoặt rất có ý nghĩa, hạnh phúc và đầm ấm về sau.
Câu chuyện gửi gắm chúng ta một điều rằng với một chiếc hòm, đôi lúc chúng ta chỉ nghĩ chức năng duy nhất của nó là chôn người quá cố yên vui nơi chín suối. Nghĩ như vậy là chúng ta hiểu sai chức năng của sự vật và hiện tượng trong cuộc đời. Ai có cái nhìn giới hạn đó sẽ thấy rằng tuổi già vô vị, tuổi già là gánh nặng cho cuộc đời, cho gia đình, dẫn đến những ứng xử không chăm sóc thương tưởng tuổi già. Tuổi trẻ này từ đâu mà có? Từ ông bà cha mẹ chúng ta. Đạo lý nhà Phật dạy chúng ta uống nước nhớ nguồn, xem cha mẹ như trời Phật trong nhà. Cho nên ai quan niệm cha mẹ là trời, là Phật thì người đó đang sống trong hạnh phúc vô bờ bến.
Đức Phật từng nói, giả sử chúng ta hiếu thảo, vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi khắp năm châu bốn biển, phá được những kỷ lục lớn nhất trong cuộc đời thì người đó cũng chưa được gọi là hiếu thảo. Vậy hiếu thảo có khó không? Không. Hiếu thảo không chỉ đơn thuần về vật chất, biết lo cho cha mẹ, chăm sóc cha mẹ đầy đủ là xong; hiếu thảo phải khởi bằng tình thương thật sự. Không làm qua loa, lấy lệ, chẳng hạn thấy khách đến thì mình thưa bẩm lễ phép, chăm sóc, vỗ về, nhưng khi khách đi thì chúng ta quát tháo cha mẹ, đó là nghiệp bất hiếu. Sự hiếu thảo phải được thiếp lập bằng tình thương, bằng sự hiếu kính rõ ràng. Đời sống chúng ta ngày hôm nay là do cha mẹ tạo nên, phải hiểu được điều đó, ý thức được điều đó, chúng ta mới ứng xử một cách khôn ngoan và có ý nghĩa.
Không nên đợi đến khi cha mẹ nhắm mắt lìa đời, chúng ta gào khóc, tổ chức đám ma thật lớn, kèn trống linh đình, cúng kiếng xôm tụ chứng tỏ với làng xóm rằng mình rất thương kính cha mẹ, nhưng khi cha mẹ còn sống lại không hề được chăm sóc một miếng cơm, vá một chiếc áo,… Nếu không có tình thương thật sự thì tất cả những phong tục tập quán thuê khóc mướn, khóc có câu kệ, có vần điệu, có nhạc khúc, có tình tứ, có kịch bản, có đạo diễn, đều hoàn toàn vô nghĩa.
Đức Phật dạy, dẫu có tình thương thật sự với cha mẹ, chúng ta cũng không nên làm việc đó. Tiếng đàn cò buồn rười rượi có thể làm cho cha mẹ chúng ta rơi nước mắt nơi chín suối. Sự rơi nước mắt sẽ kết thành chuỗi xích lớn trói buộc vong linh trên tiến trình tái sinh. Kết quả, tổ tiên, ông bà, cha mẹ sẽ phải tồn tại dưới hình thức ngạ quỷ, hồn ma bóng vía; chỉ có cảm xúc, nhận thức nhưng không có thân thể vật lý, nỗi khổ niềm đau lại càng gia tăng. Nhìn thấy con cháu thương khóc mình, lo lắng cho mình, họ càng khó ra đi. Thương kính cha mẹ thì đừng bao giờ trói buộc cha mẹ bằng những giọt nước mắt, bằng những tiếng đàn cò buồn thăm thẳm, mà hãy tạo ra sự hân hoan, tiễn cha mẹ về cảnh giới an lành của chư Phật, hay tiễn cha mẹ về cảnh giới tái sinh tốt. Cứ tâm niệm rằng cha mẹ mình đã từng làm phước tạo đức, cho nên cảnh giới tái sinh đó phải là một gia đình hạnh phúc, có giáo dục, có lễ nghĩa, và có quan hệ tốt trong cuộc đời. Nhân quả cho phép chúng ta suy nghĩ như vậy, vì nhân nào quả nấy.
Bản chất của nhân quả không tỉ lệ thuận về chiều kích vật lý nhưng tỉ lệ thuận về tính chất và bản chất của động cơ hành động. Chúng ta gieo một hạt giống chua thì chúng ta không thể gặt được vị ngọt, tương tự, tạo khổ đau cho người khác thì chúng ta không thể nào gặt lấy hạnh phúc cho bản thân. Hạnh phúc đó nếu có cũng chỉ có trong một thời gian nhất định và sau đó chúng ta phải đối diện với pháp luật, với ân hận, với chết chóc và thương tổn ở đời này lẫn đời sau. Đó là một quy luật hoàn toàn có thật. Phải ứng xử bằng tấm lòng, thương cha mẹ bằng tấm lòng, thương có phương pháp, có nghệ thuật thì cha mẹ mới an vui và hạnh phúc.
Là bậc cha mẹ nếu lâm vào hoàn cảnh con cái nghĩ mình là vật vô dụng thì đừng buồn tủi. Đó là cơ hội chúng ta quan sát về chính mình, suy nghĩ về quá khứ của mình để tìm ra lời giải đáp tại sao lại có những mảnh đời bất hạnh như vậy. Đừng buồn tủi, đừng trách cứ, cũng đừng hận thù con, hãy tìm cách giáo dục con, để cháu của mình, tức con của chúng sẽ không ứng xử tệ bạc với chúng như chúng đã ứng xử với mình. Đó là chúng ta đang tạo âm đức cho gia đình, và cho dòng tộc. Chiếc hòm không phải là vật vô dụng, nó không chỉ đơn thuần chứa xác chết mà nó có thể thực hiện nhiều chức năng khác, chẳng hạn trở thành cái bàn, cái ghế, cái kệ, thậm chí nó có thể trở thành những bức ván gỗ viết thư pháp được trang trí trong nhà… Cho nên, không có gì là vô nghĩa, không có gì là không có giá trị, huống hồ con người, cụ thể là những người già, những người đã khai sinh ra chúng ta, nuôi nấng chúng ta trong cuộc đời này. Cho nên đừng bao giờ nghĩ rằng cha mẹ là những gì vô vị. Người già khi đối diện với bất hạnh đó cũng phải sớm vượt qua. Hãy tìm hiểu về nhân quả để tự chăm sóc tâm và để được hạnh phúc nhiều hơn.
Có những người con vô ý thức, nuôi ông bà cha mẹ trong nhà không phải để có cơ hội phục vụ chăm sóc, hiếu thảo mà để ông bà cha mẹ giữ nhà, giữ trẻ cho mình. Thay vì gửi con vào trường mẫu giáo, mỗi tháng phải tốn tiền mà vẫn không an tâm, nhiều người đã mời cha mẹ về sống chung để cha mẹ chăm sóc cháu và giữ nhà. Tuy nhiên, khi cha mẹ có sơ suất điều gì đó, như để cháu ngã, con đau, chúng ta lại la rầy, quở mắng. Chúng ta thương con nhưng mang tội bất hiếu với cha mẹ thì ý nghĩa của sự thương con đó hoàn toàn mất hết. Cho nên mời cha mẹ về sống chung để chăm sóc hiếu thảo chứ không phải đì đọt cha mẹ, vì tuổi già là tuổi về hưu.
Thế giới đã đề ra quy định chung cho tuổi già, phần lớn các quốc gia quy định tuổi về hưu cho người nam từ 60 đến 66, người nữ từ 50 đến 55. Thông qua những chế độ luật an sinh khác nhau, mỗi quốc gia đã quy định về tuổi về hưu khác nhau, nhưng điểm chung là họ biết thừa nhận giá trị tinh thần quý báu trong đời sống của một con người. Ấy thế mà cha mẹ chúng ta đã 70, 80, thậm chí 90 tuổi, chúng ta vẫn không để ông bà được yên, buộc ông bà nặng gánh đôi vai với những đứa cháu. Đó là điều không nên. Chúng ta vẫn biết tuổi già là tuổi trở về với thời kì hồn nhiên, nhiều người quan niệm rằng cho cha mẹ giữ cháu thì cha mẹ sẽ vui hơn khi cùng tham gia với các cháu những trò chơi trẻ thơ mà ông bà đã từng. Thế nhưng họ lại không biết một điều rằng, hằng ngày nhìn những đứa cháu, ngoài việc ông bà có thêm một nỗi niềm an ủi, thấy cháu đẹp xinh, dễ mến, ông bà hạnh phúc ôm hôn và cảm thấy bớt đi những nhọc nhằn, thì ông bà lại càng gia tăng chấp trước cảm xúc nhiều hơn. Lo lắng nhiều cho con cháu đồng nghĩa ông bà bị mất đi cơ hội lo tinh thần cho chính ông bà. Do đó, thương cha mẹ thì hãy để cha mẹ vui đùa với con cháu nhưng đừng để cha mẹ bị lệ thuộc về con cháu. Sự lệ thuộc đó dẫn đến một tiến trình tái sinh trong tương lai; khi nhắm mắt lìa đời, cơn vô thường đến sẽ là một nỗi bất hạnh.
Cha mẹ nào quá quấn quýt với con cháu thì cha mẹ đó khó siêu sinh thoát hóa. Là con, chúng ta phải giúp cha mẹ an thân an tâm, buông bỏ mọi việc trong đời, sống hạnh phúc khi nhìn thấy con cháu mình nở nụ cười, biết đọc, biết viết, biết đi, biết hiếu thảo, biết làm việc có nghĩa, có kiến thức, có sức khỏe, v.v... Đừng trói buộc ông bà vào tình cảm đối với con cháu, bởi vì khi sự trói buộc được thiết lập thì cảnh giới tái sinh hoàn toàn không như ý muốn. Đó là điều chúng ta cần lưu tâm, để dành đời sống tuổi già với tinh thần và tâm linh.
Truyền trao cho thế hệ sau
Truyền trao tất cả cho thế hệ sau để tập trung đầu tư đời sống tinh thần ở tuổi xế chiều là nhu cầu có ý nghĩa đối với người già. Người lớn tuổi thường ngồi nói với nhau: “Hồi đó tao từng thế này, từng thế nọ, sao bây giờ mày yếu kém!”.
Càng dùng cách nói và cách suy nghĩ như vậy, bản ngã càng được gia tăng. Chúng ta tiếc nuối về những cái không còn, năng lực của sự tiếc nuối là năng lực của tiêu cực giết chết tất cả những năng lực đang có ở hiện tại. Ngoài ra, những người khi nghe chúng ta kể về quá khứ với một thái độ hãnh diện tự hào, họ sẽ cảm thấy mặc cảm, nhụt chí. Cho nên cách thức người già truyền trao kinh nghiệm cho thế hệ trẻ là làm thế nào kích hoạt tiềm năng mà người trẻ có. Phải nói làm sao để những người trẻ vững chãi niềm tin, sống với những giá trị tiềm năng lớn nhất. Chúng ta phải trao cho họ chìa khóa để họ thành công bằng nỗ lực tích cực của chính mình. Đừng trù dập, đừng chỉ trích hay chê trách họ, làm như vậy họ bị bế tắc khi phải đối mặt với bản ngã mặc cảm, bản ngã tự ti. Bản ngã của những người lớn về công trạng chủ nghĩa va chạm với những bản ngã mặc cảm tự ti của những thế hệ kế thừa sẽ mang đến cho cuộc đời rất nhiều tang thương, do đó đừng bao giờ tạo ra những bế tắc của bản ngã va chạm.
Tuổi về già là tuổi dưỡng tinh thần. Ai ít con cháu, ít lo lắng, ít buồn thì người đó có cơ hội buông xả nhiều nhất, do đó phải hạnh phúc khi có những người thân mới, những nhịp cầu tình thương mới. Đừng buồn khi con cháu không đến thăm chúng ta. Bản chất của hạnh phúc không chỉ đơn thuần là mái ấm gia đình, mà nó còn là sự nghiệp, nhịp cầu nhân ái ở mọi nơi, ở những người khác tôn giáo, khác vùng miền, khác quốc gia dân tộc. Thiết lập tình thân đó thì tất cả những khoảng cách sẽ được rút ngắn hay xóa bỏ, chúng ta hãy hạnh phúc vì những điều này. Đôi khi phải cảm ơn vì sự bỏ rơi của người thân giúp tâm mình thư thái, không bị vướng víu tình cảm với con cháu ở tuổi về già. Mỗi ngày hãy đi dạo ra cánh đồng, trò chuyện với những người cùng hướng, cùng lý tưởng để học thêm, để giao lưu, đối tác.
Kinh A Di Đà có nói đến một sự kiện rất ấn tượng, những người được sinh về cảnh giới Cực lạc, mỗi ngày nhặt những cánh hoa tuyệt đẹp ở những cánh rừng rồi đi đây đó, tặng cho con người và cho cuộc đời. Họ mong rằng sự ứng xử, sự đối tác lời nói, việc làm, sinh hoạt nghề nghiệp của mọi người cũng giống như những cánh hoa tô thêm hương sắc cho cuộc sống. Hình ảnh hoa được hiểu với nhiều ý nghĩa, biểu tượng khác nhau: Hoa đạo đức, hoa tình thương, hoa từ thiện xã hội, hoa nhân ái,… Họ cống hiến cho cuộc đời rất nhiều hoa bằng những việc làm cụ thể. Chúng ta không thể nói suông rằng tôi thương cuộc đời, tôi thương con người, mà không hề chia sẻ với con người. Tình thương đó chỉ là tình thương ngoại giao. Những người tái sinh về cảnh giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà luôn sống bằng tình thương thật, bằng trái tim thật, bằng từ bi thật. Khi họ làm xong công việc hái hoa cúng dường, họ trở về ăn cơm, đi từng bước thảnh thơi trên từng cánh đồng, từng ruộng lúa.
Từ đó, chúng tôi liên tưởng đến trung tâm Thạnh Lộc này, một vườn lan rất ấn tượng với nhiều hoa lan đẹp, đặc biệt vào mùa xuân, hoa đua nhau khoe hương sắc. Cứ sau mỗi giờ cơm, quý vị hãy đi bách bộ, hít thở không khí trong lành một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Từng bước vững chãi trên mặt đất, chúng ta sẽ thấy sự màu nhiệm của hạnh phúc đang có mặt với chúng ta. Hãy thở nhẹ nhàng bằng mũi, đừng thở bằng miệng vì nhiệt lượng sẽ mất đi. Trong sự hít thở thật sâu, thật nhẹ nhàng đó, quý vị cứ tâm niệm thế này: “Mỗi lần tôi hít thở một luồng không khí trong lành của vườn phong lan Trung tâm Thạnh Lộc, là tôi đã hít được sự an lành của cuộc sống, được ý nghĩa của cuộc đời. Tôi hít được hương thơm của hạnh phúc, được sự thảnh thơi, buông xả không vướng bận với bất kì điều gì”. Hãy cứ liên tưởng, quán tưởng hình ảnh, và hình dung hóa những điều đó đang thấm vào từng lớp thịt, buồng phổi, thần kinh, dòng cảm xúc, nhận thức và từng bước đi của mình. Tâm niệm như vậy là quý vị đang trở thành những vị thiền sư, những hành giả tạo ra hương thơm sức sống cho chính mình. Việc đó không đòi hỏi tiền bạc, chỉ đòi hỏi sự hít thở có ý thức, thì giá trị hạnh phúc bắt đầu có mặt.
Khi quý vị hít vào thật sâu, thở ra thật nhẹ nhàng bằng mũi, hãy nghĩ như thế này: “Tôi tống khứ tất cả những trược khứ ra ngoài, tống khứ tất cả những nỗi niềm bất hạnh, những hận thù, oán trách, những sự hiểu lầm, bực dọc, mặc cảm tội lỗi, sự bất hiếu của con cháu, sự quên lãng của xã hội đối với mình,.v.v...” Hãy tống khứ tất cả chúng theo hơi thở nhẹ nhàng ra ngoài với tất cả sự hiểu biết và cảm thông. Đừng lưu giữ lại những nỗi niềm tiêu cực trong tâm và trong dòng cảm xúc của mình. Sau mỗi lần ăn cơm, quý vị đi bách bộ thì sức khỏe ngày càng gia tăng, chứng bệnh béo phì sẽ không bao giờ có mặt, bệnh cao huyết áp tan biến, bệnh tim mạch sẽ giảm, và nhiều bệnh mỏi mệt, đau nhức của mùa lạnh sẽ không khống chế.
Hạnh phúc tuổi già có mặt khi đối diện với tuổi già một cách có nghệ thuật, có phương pháp. Đây là cách thức thực tập hoàn toàn phi tôn giáo. Nó không nhất thiết liên hệ đến đạo Phật mà nó là sự thực tập của cuộc sống. Chỉ cần thực tập như vậy một cách có ý thức là chúng ta tăng cường thêm viên thuốc bổ cho cuộc đời. Mỗi lần chúng ta hít một hơi thở thật dài, ra và vào, chúng ta hãy nở một nụ cười trên môi, chúng ta hãy thầm niệm: “Khi nở một nụ cười, tôi có một an lạc; khi nở một nụ cười, tôi có một niềm vui. An lạc và niềm vui không cần giàu có, không cần tài sản, địa vị chức tước trong xã hội. Chỉ cần mở mắt để nhìn, chỉ cần lắng tai để nghe, chỉ cần khai tâm để thấy, tôi sẽ có tất cả những hạnh phúc cần thiết”. Chăm sóc đời sống tinh thần ở giai đoạn xế chiều như vậy thì hạnh phúc tràn đầy mà chưa chắc những người trẻ có được may mắn như chúng ta. Cho nên, đừng tủi thân trách phận rằng bây giờ mình vô nghĩa, mình bị tuổi trẻ thay thế. Chúng ta phải trao cơ hội đóng góp cho thế hệ con cháu để họ trở thành những người như chúng ta trong quá khứ. Hãy mong rằng con cháu của mình thành công hơn mình gấp nhiều lần trong hiện tại, “Con hơn cha là nhà có phúc”, con đóng góp hơn mẹ thì cuộc đời an vui. Nếu con cháu chúng ta giàu có, sung túc, an vui, thịnh vượng, làm được nhiều việc khó làm hơn chúng ta thì chúng ta phải biết rằng mình đã cống hiến cho cuộc đời tất cả những cánh hoa của hạnh phúc.
Trau dồi đời sống ở tuổi về già rất quan trọng. Nếu quý vị mỏi mệt sau khi đi bách bộ thì cứ ngồi xuống nhưng đừng khòm lưng. Thói quen của người lớn tuổi là ngồi theo thế mà mình muốn. Đừng ngồi chồm hổm cũng đừng ngồi chống gối vì những thế ngồi đó gây khó chịu cho chúng ta. Hãy ngồi thẳng lưng, làm việc thẳng lưng, đứng thẳng, vững chãi, không nên đứng một chân. Đứng lên ngồi xuống phải nhẹ nhàng để không có những phản ứng căng thẳng các dây thần kinh thuộc cơ bắp chúng ta. Quý vị có thể đứng trong thế trung bình tấn, hạ thấp người xuống, giữ lưng thẳng, hít thở thật đều với tâm niệm mà chúng tôi vừa đề nghị và gợi ý như trên. Đừng gắng gượng nếu sức khỏe không cho phép, đó là phương pháp hơn cả trăm liều thuốc bổ.
Ai mắc chứng bệnh suy thận, yếu thận, hay yếu gan, hãy cứ tập như vậy, quý vị sẽ cảm thấy phục hồi trong vòng mười lăm ngày mà không cần bất cứ thuốc thang gì. Cứ đứng trung bình tấn, hai tay chống vào hông, hạ người xuống nhẹ nhàng.
Khi hạ xuống, chúng ta bắt đầu hít vào một hơi thở sâu, đứng lên chúng ta thở ra thật nhẹ nhàng bằng mũi. Tư thế chống như thế vẫn được giữ, lưng vẫn giữ thẳng, cứ tập như vậy. Người lớn tuổi, xương cốt không khỏe, chỉ khoảng sáu động tác là thấy mỏi mệt, mồ hôi xuất ra. Khi mỏi mệt, chúng ta nên dừng, đừng gắng sức. Sau đó tiếp tục tập, mỗi ngày tập từ năm đến mười lượt trong trạng thái không quá no, thì sức khỏe sẽ được cải thiện.
Sau khi tập xong, quý vị dùng lòng bàn tay áp sát vào vòng eo đến xương khu, tức vùng mông phía sau, cứ xoa thật mạnh. Động tác xoa là chúng ta đang truyền luồng khí dương tính vào cơ thể. Người bị chứng bệnh xương khớp hay chứng bệnh đau nhức tuổi già sẽ được phục hoạt chức năng của gan, đặc biệt là thận. Thận được xem như cột sống của sức khỏe, gan được xem như bộ lọc, phổi cũng là bộ lọc thứ hai. Ba bộ phận này phải được chăm sóc kỹ lưỡng thông qua từng động tác hít thở và tập luyện.
Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy, sức khỏe là tài sản lớn nhất của cuộc đời. Ngài không nói vàng bạc châu báu mà ngài nói sức khỏe. Có sức khỏe là có hạnh phúc, có sức khỏe là có tiền tài, có sức khỏe là có tất cả. Cho nên chăm sóc sức khỏe ở tuổi già là con đường chăm sóc tâm linh, là một trong những điều mà chúng ta không được quên. Đối diện với tuổi già bằng nghệ thuật, chúng tôi tin chắc quý vị đang sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn và mang hạnh phúc đó đến những người xung quanh.
***
http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/11713-Chuong-4-Doi-dien-tuoi-gia.html