Tác giả : Ban Biên Tập
Con là Phật tử xuất gia ở trong nước, tuy xuất gia nhưng thường bị vấn đề nam nữ quấy nhiễu. Vào mùa hè trong chùa có các cô thiếu nữ mặc áo quần mỏng manh, tâm lý và sinh lý của người trẻ tuổi đương nhiên sẽ có rất nhiều sự phản ứng. Xin hỏi người xuất gia nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
TRẢ LỜI: Việc này rất khó! Trong nước khó, ở nước ngoài còn khó hơn vì ở nước ngoài còn phóng khoáng hơn trong nước. Ðây là sự khảo nghiệm của bạn, nếu bạn có thể vượt qua cửa ải này thì sẽ có thành tựu [sau này]. Nếu không vượt qua nổi cửa ải này, tốt nhất nên hoàn tục kết hôn, làm Phật tử tại gia cũng tốt. Trong thời đại hiện nay, những người tại gia học Phật thành công rất nhiều, các người niệm Phật ở trong và ngoài nước vãng sanh có được tướng lành vô cùng hy hữu, [trong số] người vãng sanh đích thật tại gia nhiều hơn xuất gia, vả lại nữ nhiều hơn nam.
Người trẻ tuổi nhất định phải biết tránh và giảm bớt tiếp xúc. Nhưng trên thực tế thì rất khó khăn, nguyên nhân là hiện nay đạo tràng không có nguồn cung cấp tài chánh và phải hoàn toàn nhờ vào sự cúng dường của tín chúng tại gia, cho nên [họ] không thể không giao thiệp, không tiếp đãi tín đồ. Vì vậy người chân chánh xuất gia nhất định phải tìm hoàn cảnh tịch tĩnh để tu học, nơi này Thế Tôn gọi là ‘A lan nhã’.
Thời xưa chùa chiền được xây dựng trong núi sâu, ít có người qua lại, giao thông bất tiện, hoàn cảnh tu học rất thanh tịnh. Nhưng ngày nay giao thông thuận lợi, tuy tòng lâm tự viện xây trên núi cao vì sợ phiền hà, nhưng có đường lộ dẫn lên tận chỗ, xe cộ cũng có thể lên núi, như vậy thì làm sao có thể tu hành? Vì vậy nên lựa chọn những hoàn cảnh thanh tịnh, tách rời và cách xa thế giới bên ngoài để tu học, những nơi như vậy dễ [nuôi] dưỡng đạo.
Người trẻ tuổi học Phật thành tựu được đều dựa trên chữ ‘duyên’, tự mình phải xử lý nhân duyên tu học của mình cho tốt đẹp. Duyên quan trọng nhất là thân cận thiện tri thức, đạo tràng, và bạn đồng tu. Ðầy đủ ba thứ duyên này thì có thể thành công.
Hoà Thượng Tịnh Không
Bài đọc thêm:
ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
theo pháp Lăng Nghiêm Đại Định.
HT. Thích Huệ Hưng Phỏng dịch
Các kinh vì lòng từ để nhiếp hóa chúng sanh nêu giới sát làm đầu. Riêng kinh LĂNG NGHIÊM, nêu giới dâm đầu tiên, vì chơn tu phải lấy sự ly dục làm gốc.
Vì khí chất của tâm dục thô trược làm ô nhiễm tánh thể diệu minh, tánh dục cuồng mê dễ làm mất năng lực chánh định, đọa lạc sanh tử che mất tự tánh chơn thường, vì vậy giới dâm phải đứng đầu.
Tôn chỉ kinh này là đại định, mà dâm ái là điều tai hại lớn cho môn định, nên khởi đầu kinh lấy nguyên nhân ông ANAN, em Phật, bị sa vào tay dâm nữ để khai thị–y cứ vào hảo tướng trang nghiêm đầy công đức của Phật–ANAN đã phát tâm tu hành, quên căn bản tánh dục tự tâm chưa diệt sạch, nên đã bị ma nữ cám dỗ, liền bị sa ngã. Phật bảo ANAN:–Thế nào là nhiếp tâm? Ta gọi là giới. Trong luật những tội có phân ra nặng nhẹ, mà tội dâm, sát, đạo, vọng là nặng nhất.
Nói về giới dâm, nếu chúng sanh trong sáu nẻo tâm không khởi dâm, thì sanh tử sẽ chấm dứt. Chẳng những thân không phạm dâm, tâm cũng không móng niệm. Chúng sanh vì từ nơi dâm mới có tánh mạng, nên bị ràng buộc mãi trong vòng sanh tử. Nay tu nhĩ căn tam muội viên thông, bổn ý ra khởi trần lao.
Nếu tâm dâm không diệt thì hai món kiến hoặc và tư hoặc khó hết làm sao ra khỏi trần lao sanh tử! Dẫu có nhiều trí tuệ biện tài thông suốt, thiền định hiện ra cảnh giới tốt đẹp, mà tâm dâm không dứt, lúc thiện định niệm dâm không xã, suy tư lăng xăng, cảnh dục theo đó sẽ hiện ra. Tâm niệm ở trong cảnh dục, mà cảnh dục chẳng khác cảnh ma, chắc chắn sẽ lạc vào đường ma. Tùy theo phúc báu dày mỏng, có ba loại ma: Thượng, Trung, Hạ. Nếu không làm Ma Vương thì làm ma dân hoặc ma nữ. Những người có chí xuất trần quyết phải đoạn trừ thân dâm và tâm dâm. Thân dâm do từ tâm, tâm dâm do từ niệm rong ruổi sanh ra. Một niệm không sanh thì thân tâm đều dứt. Nhưng tánh dứt trừ vẫn còn thì cái ái dục, đối tượng của cái dứt trừ đó vẫn chưa tiêu. Vì vậy cả ái dục và tánh dứt ái dục đều tiêu trừ như bệnh và thuốc đều sạch mới gọi là người hết bịnh, hầu mong đạt đến đạo quả Bồ Đề.http://www.thuvienhoasen.org/phaptu-lndd-04.htm
Sống hài hòa với năng lượng tình dục
Tỳ Kheo Pháp Dụng (Làng Mai)
Làm con người, ai cũng có năng lượng tình dục. Vào khoảng 12, 13 tuổi thì năng lượng này trở nên quan trọng nơi một người con trai, hay một người con gái. Có khi thì năng lượng này khá mạnh và có khả năng khuấy rối tâm tư mình. Nhưng đây lại là một chuyện rất bình thường. Năng lượng này có thể có mặt ở trong ta cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy ta nên tập sống hòa bình với năng lượng tình dục. Ta phải hiểu nó, thay vì chán ghét hay là chạy theo.
Vì vậy ta nên tập sống hòa bình với năng lượng tình dục. Ta phải hiểu nó, thay vì chán ghét hay là chạy theo. Nếu không hiểu, ta dễ dàng bị năng lượng này sai sử, làm những việc mà sau đó ta hối hận. Nhưng học hỏi, tìm hiểu cần phải có phương pháp và có thời gian. Thiền tập giúp cho ta một phương pháp cụ thể để nhận diện năng lượng tình dục. Và chính lòng kiên nhẫn giúp cho ta có thời gian. Bài học đầu tiên mà ta có thể áp dụng là:
1. Công nhận rằng ai cũng có năng lượng tình dục, và ta không nằm ngoài thông lệ đó.
Trong khi sống đời sống hàng ngày, ta cần nhận diện mỗi khi năng lượng này xuất hiện. Ta đừng ngạc nhiên hay xấu hổ. Ta chỉ cần nhận diện: đây là năng lượng tình dục của ta. Khi ta thấy được thì nó trở nên ít nguy hiểm hơn. Có khi nó xuất hiện với một cảm giác thích thú, dễ chịu. Nhưng nếu quan sát cho kỹ lưỡng thì nhiều lúc năng lượng tình dục đi tới với một sự bức xúc. Nó mang tới cho ta sự khó chịu, bất an. Nó bắt ta phải làm, phải nói những việc, những lời mà ta không muốn. Cho nên ta có thể thấy rõ là:
2. Năng lượng tình dục thường mang tới cho ta sự bức xúc, khó chịu và bất an.
Điều này ít người nhìn thấy lắm, cho nên họ mới dễ dàng trở thành nạn nhân của năng lượng tình dục. Thiền tập giúp ta thấy rõ được thực tại. Không có thiền tập, ta không nhận diện được mặt mũi chân thật của năng lượng tình dục và có thể mãi mãi là nạn nhân của năng lượng này, có người đã 70 tuổi rồi mà vẫn chưa thoát khỏi. Sở dĩ nó chi phối ta là vì ta không thấy được bản chất của nó. Trong đạo Bụt, sự giải thoát, tự do luôn luôn được đặt nền tảng trên sự hiểu biết. Hiểu biết tức là trí tuệ. Mà hiểu được thì ta thương được. Ta biết đối xử với năng lượng tình dục trong ta bằng một tấm lòng cởi mở, từ hòa.
3. Hãy tập đối xử với năng lượng tình dục bằng tấm lòng từ hòa.
Bạn đừng quá khó khăn với chính mình. Năng lượng tình dục cũng chỉ chính là mình mà thôi. Nếu ta đối xử với năng lượng tình dục bằng sự hiểu biết thì ta đang chăm sóc ta một cách rất hay. Mỗi khi năng lượng này phát khởi, ta biết phải làm gì để chăm sóc nó. Chẳng hạn như ta đi dạo. Cách hay nhất để giải tỏa sự bức xúc do năng lượng tình dục mang tới không phải là đàn áp hay phán xét nó. Hễ còn phán xét, đàn áp nó thì ta còn là nạn nhân của năng lượng này. Ta nên chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm ta. Không phải là tiêu diệt được năng lượng tình dục rồi thì ta mới có tự do. Tự do của ta được làm bằng sự hiểu biết và cảm thông.
4. Ta có thể sống hài hòa cùng với năng lượng tình dục trong ta.
Ta thường có khuynh hướng muốn tiêu diệt cái ta không ưa thích. Oái oăm thay, năng lượng tình dục càng trở nên mạnh mẽ hơn mỗi khi ta đàn áp nó. Nó là vùng năng lượng cứng đầu, khó đối trị nhất ở trong tâm ta. Nhưng tại sao nó lại khó đối trị? Là vì ta chăm sóc nó không đúng phương pháp. Hoặc nói cách khác là ta không biết rằng mình cần phải chăm sóc cho năng lượng tình dục. Biết chăm sóc thì nó lại trở nên rất ngoan ngoãn và đôi khi lại giúp đỡ cho ta nữa. Thật vậy, nhờ biết chăm sóc cho năng lượng tình dục mà lòng từ bi, hay tình thương chân thật nơi ta được phát khởi và nuôi dưỡng. Nhận diện năng lượng tình dục giúp cho ta phát khởi ra năng lượng từ bi.
5. Biết sống hài hòa với năng lượng tình dục, tình thương trong ta sẽ trở nên sâu sắc hơn.
Năng lượng tình dục không phải là xấu đâu bạn ạ. Thật ra, nó cần thiết ở trong cuộc đời chúng ta. Và nó sẽ luôn luôn có mặt trong ta. Nó chính là ta. Nếu ta biết thương nó, thì ta cũng biết thương chính ta. Và trong ta còn nhiều vùng năng lượng khác nữa, như là năng lượng giận, năng lượng ghét. Cái giận hay cái ghét cũng cần được ta chăm sóc. Nếu ta không nhận diện, quan sát, học hỏi, tìm cách chăm sóc những vùng năng lượng này thì ta rất dễ dàng trở thành nạn nhân của chúng. Muốn học nhận diện và chăm sóc thì ta cần điều kiện gì? Bằng cách nào để ta nắm được phương pháp thiền tập? Bằng cách là ta đừng sống đời sống ta một cách bận rộn. Ta cần thời gian. Muốn học điều gì cho sâu sắc, ta cần nhất là thời gian.
6. Ta cần thời gian rảnh rỗi để phát triển thiền tập và chăm sóc năng lượng tình dục của ta hiệu quả hơn.
Nhận diện năng lượng tình dục là một thực tập không phức tạp. Nhưng nhận diện chính là căn bản của thiền tập. Trong thiền tập, ta có thể đạt tới hiểu biết là nhờ ở sự nhận diện này. Và sự thực tập này chỉ mang tới kết quả khi ta hành trì liên tục, không gián đoạn. Ta cần có niềm tin vững chắc vào sự hành trì của mình. Và ta cần quyết tâm đối xử với năng lượng tình dục bằng một lòng thương mà thôi. Mỗi ngày, ta cần lập đi lập lại sự thực tập của ta. Chẳng hạn như ta tập ngồi thiền mỗi ngày. Có người khi ngồi thiền thì thích quán chiếu những đề tài cao siêu nhưng không hề biết chăm sóc cho năng lượng tình dục ở trong chính mình. Kết quả là mỗi khi năng lượng tình dục biểu hiện thì ngơ ngác, không biết gì hết và hoàn toàn hành xử trong vô minh. Ta sẽ bị năng lượng tình dục sai khiến và cảm thấy sự tu tập của mình không thành công.
7. Nhận diện, quán sát và chăm sóc năng lượng tình dục ta sẽ tháo gỡ được sự ràng buộc của vùng năng lượng này.
Ta đừng quên rằng sự thật thứ nhất là khổ đế. Khổ đau là một sự thật mầu nhiệm vì nó chỉ cho ta thấy con đường vượt thoát khổ đau. Năng lượng tình dục là một vùng năng lượng khổ đau trong ta. Ta thường lẫn lộn đây là hạnh phúc. Vì lẫn lộn cho nên ta bị nó ràng buộc. Ta phải thấy nó là khổ đau. Nhưng tại sao khổ đau lại là một sự thật mầu nhiệm? Vì khổ đau chứa trong nó mọi yếu tố cần thiết để làm ra hạnh phúc. Năng lượng tình dục giúp cho ta chế tác ra tình thương và sự hiểu biết. Năng lượng tình dục luôn luôn có mặt trong ta. Đó là một điều hết sức bình thường. Đó là một vùng năng lượng hết sức thiết yếu. Ta không nên có thái độ đam mê hay thù ghét đối với vùng năng lượng này. Ở trong người trẻ, vùng năng lượng này có thể rất mạnh. Nhưng ở người lớn tuổi, nó vẫn hoạt động âm thầm, mạnh mẽ. Ta chỉ có thể thoát khỏi nó bằng con đường quán chiếu của thiền tập. Nhìn sâu để hiểu, để thương là con đường Bụt đã dạy giúp ta áp dụng và tháo gỡ những khó khăn của ta trong đời sống hàng ngày.
8. Chăm sóc cách ăn uống là một cách chăm sóc cho năng lượng tình dục rất hay.
Nếu ăn vừa đủ, đừng dư thừa quá mức thì nhu cầu tình dục cũng sẽ bớt lại. Có thể chúng ta ăn quá nhiều, quá dư thừa và năng lượng dư thừa sẽ chuyển thành năng lượng tình dục. Bớt ăn, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái hơn. Ăn chay cũng là một cách tiết dục rất có hiệu quả. Nếu không quen ăn chay, ta có thể tập ăn mỗi tuần một ngày hay hai ngày. Ta đừng cho rằng ăn chay là một sự chịu đựng, khổ hạnh. Ăn chay rất ngon. Và khi ăn chay, ta có thể nấu những món mà ta và gia đình ưa thích. Dành một khoảng thời gian thoải mái để nấu ăn cho gia đình là một điều nên làm. Tôi nhắc lại: ăn chay hay ăn bớt lại không phải là một hình phạt đối với thân thể ta. Ta cần phải có hạnh phúc trong khi ta thực tập. Và đối với những bạn trai tôi dặn điều này: rượu bia thường làm cho năng lượng tình dục phát khởi. Ta nên bớt uống bia, uống rượu lại. Không uống bia, uống rượu thì càng hay hơn nữa.
9. Tập tiêu thụ những sản phẩm sách báo, phim ảnh không chứa quá nhiều yếu tố kích thích năng lượng tình dục nơi ta.
Trong xã hội bây giờ, phim ảnh và sách báo thường chứa hình ảnh kích thích tình dục. Những cuốn sách hay, phim hay, không hẳn phải chứa những yếu tố kích thích này. Chọn sách hay là một nghệ thuật mà ta phải cần học hỏi. Trong giới thứ năm của đạo Bụt có dạy ta không nên tiêu thụ những sản phẩm có độc tố. Điều này có nghĩa là ta cần tiêu thụ những sản phẩm có tính chất nuôi dưỡng, dù đó là thức ăn đi vào ta bằng đường miệng hay là bằng tai, bằng mắt. Có những cuốn phim được làm ra để kích thích năng lượng tình dục. Nhưng cũng có những cuốn phim là để trao truyền cho ta tình thương và sự hiểu biết. Nếu xem được một cuốn phim hay và lành mạnh, ta nên giới thiệu cho bạn bè ta cùng thưởng thức.
10. Tập chơi một môn thể thao để cơ thể ta biết sử dụng năng lượng vào mục đích lành mạnh.
Ta có thể tập chơi đá banh, bóng bàn, bóng rổ... Điều này tùy thuộc vào sự ưa thích của ta. Nhưng ưa thích cũng chỉ là một thói quen. Nếu ta tập chơi bóng bàn một hồi thì ta cảm thấy thích thú. Ở trong tu viện, chúng tôi cũng chơi thể thao. Hoặc cũng có những thầy, những sư cô thích đi bộ. Mới hôm qua đây, chúng tôi cùng nhau đi bộ hai tếng đồng hồ quanh một khu lâu đài rất đẹp của xứ Pháp. Đi xong, chúng tôi rất đói bụng, ngồi xuống và lấy thức ăn ra ăn với nhau và cảm thấy tình huynh đệ trong thiền môn rất là nuôi dưỡng. Trong gia đình, trong nhóm bạn ta nên rủ nhau chơi thể thao, vận động cơ thể và đó cũng là một cách nuôi dưỡng tình thương trong nhau. Hai vợ chồng cũng có thể cùng chơi một môn thể thao. Ở Đài Loan, những cặp vợ chồng thường áp dụng phương pháp này để giải tỏa bớt sự áp bức của năng lượng tình dục. Và chơi thể thao cũng là để nuôi dưỡng niềm vui chớ không phải là một khổ hạnh, hành xác. Trong thiền tập, sự hành trì phải đi chung với niềm vui. Tu không phải là ép xác. Dù đó là sự cưỡng ép xảy ra trong phạm vi cơ thể hay tinh thần.
11. Ta cần một hướng đi tâm linh để dẫn dắt năng lượng tình dục phát triển đúng hướng.
Ngày hôm nay người ta thường dùng danh từ 'tâm linh' để thay cho từ 'tôn giáo'. Người ta nhận ra là trong tôn giáo, chất liệu tâm linh có thể rất nghèo nàn. Con người có thể có tôn giáo nhưng lại không có hướng đi tâm linh. Hướng đi tâm linh mang đến sự lớn lên chuyển hóa những tri giác sai lầm và mở rộng không gian trong tâm thức con người. Tôn giáo cũng bắt đầu từ chất liệu tâm linh, nhưng có thể dần dà đi vào huynh hướng giáo điều, khiến cho người trẻ cảm thấy xa lạ. Và cuối cùng thì tôn giáo không còn có khả năng trả lời cho người trẻ những thắc mắc, khổ đau của họ. Thiền tập cần phải mang nội dung tâm linh. Thiền môn, từ Lục tổ đã mang đậm nét không chấp vào hình thức. Ta cần thực tập như thế nào để sự hiểu biết và tình thương phát triển trong ta, chuyển hóa tự thân và gia đình ta. Năng lượng tình dục là một sinh vật sống. Nó phát triển không ngừng cả ngày lẫn đêm. Nhưng nó phát triển về hướng nào? Nếu ta có một hướng đi tâm linh, năng lượng tình dục sẽ được chuyển hóa và bồi đắp cho chất liệu tâm linh đó.
12. Ta cần một cộng đồng có tu tập để làm nền tảng chăm sóc và chuyển hóa năng lượng tình dục.
Một ngôi chùa hay một trung tâm tu học gồm có những người đang hành trì miên mật là một nơi lý tưởng cho ta nương tựa để tu học. Đó là một môi trường lành mạnh. Sống trong một môi trường lành mạnh, sự chuyển hóa của ta xảy ra nhanh hơn. Khi trong gia đình có một người hạnh phúc, thì hạnh phúc đó lan ra những người chung quanh. Trong một môi trường có những người biết tu tập, thì ta sẽ hưởng được năng lượng tu tập chung đó. Nếu trong ngôi chùa có sự tu tập thì nơi đó sẽ trở thành đất lành cho chim đậu. Ta cần nhiều ngôi chùa như vậy. Người trẻ có thể đến những ngôi chùa đó ở lại một, hai tuần để tu tập. Họ nghe pháp thoại, ngồi thiền, đi thiền và pháp đàm về những vấn đề họ đang vấp phải. Họ học nâng đỡ để tháo gỡ những vấn đề đó. Nhiều ngôi chùa như vậy sẽ tạo ra một xã hội lành mạnh. Nhưng ta đừng chờ đợi gì cả. Ta phải bắt đầu thực tập và nếu cần ta có thể thành lập một nhóm tu tập chung tại nhà ta. Nhà ta sẽ trở thành một ngôi chùa.
Tôi đã viết ra mười hai đề nghị giúp ta thực tập sống hài hòa với năng lượng tình dục. Điều này ai cũng cần học hỏi cả, dù ta là em nhỏ 12, 13 tuổi, một thanh niên trưởng thành, một người đã có gia đình hay một người ở tuổi trung niên, lão niên. Năng lượng tình dục có khả năng gây đổ vỡ rất lớn ở trong gia đình và trong xã hội. Ta có thể bị nó chi phối và tạo ra một sự tan nát khó hàn gắn. Nhưng nếu biết cách, năng lượng này lại có thể giúp ta hiểu biết hơn, thương yêu hơn và kiên nhẫn hơn. Cái đó là sức mạnh của thiền tập. Thiền tập không phải để gây ra một cuộc chiến tranh giữa thiện và ác. Thiền tập là để giúp ta chuyển hóa những vùng năng lượng tiêu cực thành ra những vùng năng lượng tích cực và giúp ta sống có hạnh phúc ngay trong đời sống hàng ngày.
Tỳ Kheo Pháp Dụng (Làng Mai)
TÌNH DỤC LÀ GỐC CỦA KHỔ
Lâm Thanh Huyền - Việt dịch: Minh Chi
Tình dục là gốc của khổ. Bởi vì có tình, có dục là có chấp trước. Trong kinh “A Hàm” có câu chuyện kể Phật Thích Ca một lần cùng với học trò đi tản bộ bên bờ sông Hằng. Phật hỏi các học trò: “Các người nói xem nước bốn đại dương nhiều hay là nước mắt chúng ta đổ ra vì trong quá khứ phải biệt ly với người thân, bên nào nhiều hơn?”
Các học trò trả lời: “Nước mắt đổ ra nhiều hơn”.
Đức Phật tỏ ra vui vẻ, vì học trò của mình đã trả lời đúng, chúng ta từ vô số kiếp đến nay, đã bao lần khóc vì mẹ cha chết, con cái chết, bạn bè thân thuộc, cùng người mình yêu thương ly biệt... thu thập tất cả dòng nước mắt ấy lại nhiều hơn nước trong bốn bể.
Có tình dục là có đau khổ, bi ai, nước mắt chảy. Tình dục đúng là gốc của đau khổ. Cái khổ đó là do chấp trước. Chấp trước vào tình dục cho nên đau khổ.
Nếu anh có người bạn, bị người yêu là nam hay nữ từ bỏ, anh không cảm thấy đau khổ, nhưng nếu bản thân anh bị người yêu là nam hay nữ từ bỏ, anh sẽ cảm thấy rất đau khổ, bởi vì anh cảm thấy đối phương, tức người mình yêu là “của anh”. Nhưng sự thực không phải như vậy, đối phương không phải là do anh đẻ ra, dựa vào đâu mà nói rằng là “của anh”, thân thể, tư tưởng, ý nghĩ đều là của cô ta, đâu phải là của anh. Chỉ cần anh nhận thức rõ, cô ta không phải là của anh, thì anh sẽ bớt đau khổ. Anh khổ là vì anh chấp trước cô ấy là của anh.
Vì sao chúng ta đau khổ khi phải từ bỏ thế giới này? Là vì chúng ta không muốn từ bỏ cái thân này. Nếu chúng ta không chấp trước cái thân này, chúng ta sẽ không đau khổ. Có rất nhiều thanh niên vì thất tình nên đến tìm tôi. Trong số này, có người muốn quyên sinh để làm cho người mình yêu khổ cả đời. Tôi trả lời: “Anh tự tử thì chỉ có anh đau khổ mà thôi. Người yêu của anh đâu có khổ, nếu cô ta là người tốt thì có chịu khổ nữa năm cũng chịu không nổi. Còn các cô gái khác thì đại khái khổ một tháng hoặc nửa tháng, hay là đi viếng anh một bó hoa trắng. Nếu người yêu định sớm từ bỏ anh mà anh tự sát, thì có khác nào cô ta cởi bỏ gánh nặng, mừng thầm trong bụng”.
Cái vui, cái buồn của một người, do chính người ấy làm chủ. Cái vui, cái buồn của người khác làm sao chúng ta khống chế được. Chúng ta đau khổ là vì chúng ta tưởng có thể làm chủ được sự đau khổ của người khác. Kỳ thực, tự sát chỉ là mình tự làm khổ mình, người khác không đau khổ. Bạn trai, bạn gái của người thất tình mà tự sát, về sau đều kết hôn, lấy vợ, lấy chồng cả và sống hạnh phúc.
Vì bản chất tình dục là thống khổ, cho nên tình dục vĩnh viễn không thể nào thỏa mãn đầy đủ được. Đau khổ là có chấp trước. Không phải chỉ có chúng ta là phàm phu mới chấp trước. Có những người tu hành rất tốt cũng chấp trước.
Trong kinh “A Hàm” kể một câu chuyện rất thú vị: Sau khi đức Phật Thích Ca thành đạo, có rất nhiều đệ tử đi theo Ngài. Nhưng, trong đó, có rất nhiều người vẫn còn chấp trước. Người xuất gia không có gì làm vui, có người thu thập nhiều bát ăn, có bát bằng vàng, bằng bạc, bằng ngọc, mỗi ngày đổi dùng một bát. Phật Thích Ca biết được bèn răn dạy người học trò đó không được chấp trước vì ngay cái bát ăn cơm mà không xả được thì làm sao có thể giải thoát?
Những vấn đề giống như vậy rất là nhiều. Trong số người học Phật, có người rất thích sưu tầm tượng Phật, trong nhà có tới hàng trăm tượng Phật, có người thu thập nhiều vòng tràng hạt, nhưng lại không niệm Phật, kiểu chấp trước như vậy rất là nhiều.
Người tu hành theo Tiểu thừa, thì nhờ đoạn trừ tình dục mà được giải thoát. Còn người tu hành theo Đại thừa thì dùng phương pháp khác. Họ nói: “Phiền não tức Bồ đề; không đoạn trừ hết thẩy tình dục mà vẫn chứng được trí tuệ Bát nhã, không đoạn trừ phiền não mà vẫn chứng được Niết Bàn. Nói một cách nôm na, tức là triển khai tâm địa rộng lớn để chuyển hóa sự chấp trước của tình dục, dùng “tính không” của trí tuệ để “bao dung” tất cả mọi phiền não, chứ không phải là trực tiếp đoạn trừ phiền não.
CHUYỂN HÓA TÌNH DỤC
Phật giáo Đại thừa không đoạn trừ phiền não, không đoạn trừ tình dục, mà là chuyển hóa tình dục, cũng tức là lấy trí tuệ Bát Nhã để chuyển hóa tham, sân, si.
Bồ Tát thường giảng 8 chữ: “Đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”. Đó chính là nói về chuyển hóa tình dục, khuyên chúng ta không phải đoạn trừ cha mẹ mình, như vậy là khác với việc đoạn trừ tình cảm đối với cha mẹ.
Chúng ta có thể yêu thương cha mẹ, nhưng đối với mọi người, chúng ta cũng yêu thương như cha mẹ chúng ta vậy. Thương yêu con cái mình, cũng phải thương yêu con cái của thiên hạ.
Dùng phương pháp đó để chuyển hóa tình dục và phiền não, tức là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”.
Khi một người mở rộng và chuyển hóa lòng từ bi và trí tuệ thì tình dục cũng tùy theo mà được chuyển hóa.
Rất nhiều người tu hành theo Mật Tông. Mật Tông có một vị Hộ Pháp lớn nhất gọi là “Ma hợp Hạt Lai Đại hắc thiên”. Ông ta trước khi tu hành vốn là một người rất hung bạo và hay giận dữ, Bồ Tát Quan Thế Âm muốn độ cho ông bèn hóa thân làm vợ ông để chuyển hóa ông. Sau khi được chuyển hóa, ông giữ tính tình hung bạo và hay giận giữ, nhưng ông lại là vị Hộ Pháp rất vĩ đại của Phật giáo. Theo lời kể thì mỗi lần ông ta xuất hiện đều có mưa đá từ trên trời dội xuống, cục đá nào cũng rất to làm cho tất cả tà ma ngoại đạo phải sợ hãi bỏ chạy, nghe tên ông, tiếng ông tất cả đều sợ hãi khiếp đảm.
Ở Ấn Độ cổ đại hay Trung Quốc cổ đại người tu hành thường có phong cách rất trong sáng như Bồ Tát Quan Thế Âm là người hết sức từ bi, Bồ Tát Văn Thù là người rất có trí tuệ , đó là không phải đoạn trừ nhân cách mà là nâng cao hoàn thiện nhân cách.
Chuyển hóa nhân cách, không phải là đoạn trừ nhân cách cho nên trong lịch sử, các Thiền sư đều là những người rất sống động và có phong cách cá biệt. Có người thì mềm mỏng, nhu hòa, có người thì như ù ù cạc cạc, có người thì la hét đánh gậy. Trong sách Thiền tông, thậm chí có ghi trường hợp thầy cắt ngón tay học trò, nhảy xuống từ vách núi cao, cắt bắp vế v.v... những Thiền sư đó đều có phong cách vĩ đại. Vì họ đã chuyển hóa được nhân cách, tình cảm của mình, đồng thời cũng duy trì đặc tính của mình.
Nếu đoạ n trừ hoàn toàn phong cách vốn có của mình để được giải thoát, thì mọi người sẽ giống nhau tất cả.
Người con hiếu thuận với cha mẹ, không rời bỏ cha mẹ mình được, thì cũng không rời bỏ cha mẹ thiên hạ được. Người cha yêu thương con cái của mình, không rời bỏ con cái của mình được, có thể hay không, cũng không rời bỏ con cái của thiên hạ. Không rời bỏ được chồng vợ, thì cũng một lòng thương yêu chồng vợ người khác! Đó gọi là chuyển hóa tình dục, mở rộng lòng từ, lòng bi và trí tuệ .
Thiền sư Hoàng Bích rời bỏ bà mẹ cô đơn của mình, dù trong lòng có chút vướng mắc. Nhưng ông nghĩ tới chúng sanh, chúng sanh cũng có mẹ, chứ không phải riêng mình có mẹ phải cứu độ. Đó chính là tâm trạng của người tu theo Đại thừa: Không quên người mẹ của thiên hạ. Một thí dụ của bậc tu hành đã giác ngộ rồi mà không để mất cuộc sống tình cảm, là Phật Thích Ca.
Sau khi thành đạo, Phật đã nhiều lần trở về tổ quốc cứu độ cho cha rồi lại lên cõi trời, cứu độ cho mẹ! Sau lại cứu độ cho em, cho vợ, cho con. Nhờ vậy mà về sau, cả nhà đều theo Ngài xuất gia.
Phật không có đoạn trừ tình cảm trong lòng mình, không những hóa độ cho người nhà mà còn hóa độ cho tất cả chúng sanh.
Sau khi Phật Thích Ca thành đạo, cả nhà đều theo Ngài xuất gia, chỉ trừ có người em là Nan Đà, là người duy nhất còn ở lại để thừa kế ngôi vua, cho nên vua Tịnh Phạn rất lo lắng và sợ Nan Đà xuất gia. Vua quản Nan Đà rất chặt, bắt Nan Đà suốt ngày trong hoàng cung. Vợ Nan Đà cũng rất nghiêm, mỗi lần Nan Đà ra khỏi cung, nàng đều điểm trên trán một điểm son, quy định trước khi son khô thì Nan đà phải trở về cung. Vợ Nan Đà là người rất xinh đẹp, được Nan Đà hết lòng yêu thương. Để người vợ khỏi phải lo lắng, Nan Đà mỗi lần ra vào cũng đều rất khẩn trương, tất bật.
Một ngày, Phật Thích Ca biết nhân xuất gia của Nan Đà đã chín muồi, bèn đến trước hoàng cung khất thực. Nan Đà dự định cầm bát thức ăn đi ra để cúng dường thì vợ không chịu. Hai bên cãi nhau một hồi, cuối cùng, theo lệ thường, người vợ điểm trên trán Nan Đà một điểm son, quy định Nan Đà xong việc phải về ngay, không được bắt chuyện với Phật Thích Ca.
Nan Đà không có bắt chuyện với Phật Thích Ca, nhưng Phật bảo Nan Đà đi theo mình, và Nan Đà đi theo. Đi được một vài bước, bèn xóa sạch điểm son trên trá n mình và theo Phật xuất gia. Sau khi xuất gia, Nan Đà rất nhớ vợ, Phật bèn hỏi vì sao Nan Đà nhớ vợ đến thế. Nan Đà trả lời: “Cô ta đẹp quá đẹp không ai bằng”. Phật bèn đưa Nan đà đi Đông Hải chơi, thấy xác một phụ nữ còn đẹp hơn vợ của Nan Đà nữa. Phật bảo Nan Đà : “Chú có thấy không? Cô gái này hết sức đẹp: con dòi trên mặt cô ta chính là cô ta biến thành vì cô ta tự cho mình quá đẹp, không từ bỏ sắc đẹp ấy được, cho nên sắc đẹp là cái không nên nương tựa”.
Qua sự việc xảy ra, Nan Đà nỗ lực tu hành nhưng lòng nhớ vợ vẫn không nguôi. Phật Thích Ca thấy Nan Đà còn thích sắc đẹp, bèn đưa Nan Đà lên các cõi Trời. Thiên nữ trên cõi Trời người nào cũng đẹp hơn vợ Nan Đà hàng nghìn vạn lần. Nan Đà hỏi: “Có nhiều thiếu nữ xinh đẹp dường này; sao lại không có nam giới”. Một thiên nữ trả lời: Có chứ, nhưng anh ta chưa lại, anh ta tên là Nan Đà, hiện nay anh Nan Đà đang cùng với người anh trai tu hành ở Ấn Độ. Năm trăm thiên nữ chúng tôi đều thuộc về anh ta”. Nan Đà nghe xong liền kéo tay Phật Thích Ca về, và ra sức tu hành, hy vọng sau khi chết, sẽ được tái sanh lên cõi Trời. Phật Thích Ca biết động cơ tu hành của Nan Đà không chân chính, bè n đưa Nan Đà xuống địa ngục, thăm viếng những cảnh khổ sở bi thảm ở đấy. Khắp nơi, ở địa ngục đều đầy rẫy các cảnh lửa thiêu đốt rét cắt da, dao kiếm v.v... hành hạ con người. Đang đi, Nan Đà thấy một vạc dầu, hai bên có hai con quỷ nhen đỏ lửa. Trong vạc, dầu đang sôi sục, nhưng không thấy ai đến. Nan Đà hỏi: “Các ông chờ đợi ai đó?” Một con quỷ trả lời: “Chúng tôi đang đợi một người tên Nan mà anh ta hiện đang tu hành cùng với một người anh trai ở Ấn Độ. Anh ta tu hành là để hưởng thụ các tiên nữ trên cõi trời. Vì vậy, sau khi anh ta ở cõi trời 500 kiếp, sẽ phải đọa địa ngục và rơi vào vạc dầu này”. Nan Đà nghe nói hoảng quá, từ đó về sau chăm chỉ tu hành, cuối cùng chứng quả A La Hán.
Chuyện Nan Đà cho chúng ta bài hai học:
Một, đừng có vì tình dục mà tu hành. Người tu hành không nên có mong cầu riêng gì.
Hai, cõi Trời, Địa ngục, Tịnh Độ, cõi Người, tuy rằng chúng ta cảm giác là những không gian khác nhau, thế nhưng những không gian đó thực rađồng thời cùng tồn tại đối với một con người, tùy theo tâm trạng của người đó.
Thí dụ chúng ta đang sống ở không gian cõi người, nhưng tâm chúng ta lại đầy lửa sân như ở địa ngục và liên tục mãi như thế, thì sau khi chết, chúng ta ắt phải đọa địa ngục. Trái lại, sống ở cõi người mà tâm chúng ta thanh tịnh siêu thoát như ờ cõi Trời, thì sau khi chết, ất chúng ta sẽ tái sanh lên cõi Trời. Vì vậy cho nên sống ớ cõi người này, trong vấn đề tình dục chúng ta phải cảnh giác, đừng để bị lửa địa ngục nung nấu như ở địa ngục, chúng ta sẽ có tâm trạng địa ngục và sau khi chết sẽ bị đọa địa ngục.
Các vị Bồ Tát, dù sống ở không gian nào, cũng đều giữ vững tâm niệm hóa độ chúng sanh, dù chúng sanh có duyên hay không có duyên.
http://www.thuvienhoasen.org/tinhduclagoccuakho.htm
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-104_5-50_14-1_4-4209_6-1_17-130_15-1/che-ngu-nang-luong-tinh-duc.html