Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Thiền và phương pháp định Tâm

Nếu Quý bạn đọc đã đọc cuốn “Thiền và những lợi ích thiết thực", hẳn độc giả đã biết, việc thiền tập ngoài mục đính chính là Giác Ngộ giải thoát, còn có một lợi ích thiết thực khác là cải tiến sức khỏe.

Tại sao chúng ta phải ngồi thiền?


Thiền và khoa học

Trong bài này, tôi muốn chia sẻ với quý vị “Thiền sức khỏe”. Lý do là, vì nếu nói đến khái niệm Giác ngộ và Giải thoát thì đối với nhận thức của đa số quần chúng vẫn còn quá cao. Con người, trước mắt vẫn cần phải đối diện với sự thiếu ăn thiếu mặc và bệnh tật, đặc biệt là các căn bệnh trầm cảm (depression).

Ảnh minh họa


Tại Âu châu có đến 40% dân chúng bị bệnh nầy, ở Việt Nam không kém (Báo Tuổi trẻ, 30.6.2013). Theo bác sĩ Herbert Benson, có từ 60-90% bệnh do căng thẳng (stress)* mà ra. Qua nghiên cứu, ông thấy, Thiền tập có khả năng làm giảm căng thẳng, cho nên nó có thể được áp dụng trong việc điều trị bệnh tật.


Nhưng để tiến trình điều trị bằng thiền được tốt đẹp và thành công, thì yếu tố cần và không thể thiếu là: người hành Thiền phải định được Tâm. Nếu tâm không định thì không có kết quả. Đó là trọng tâm của bài nầy.

Trước lúc bàn về PHÁP ĐỊNH TÂM, chúng ta nên biết khái lược vài loại thiền đang hiện hành trong và ngoài đất nước Việt Nam, để chọn cho mình một pháp môn Thiền tốt đẹp để thực tập mà không bị tẩu hỏa nhập ma.

1. Thiền khai mở luân xa: Hành giả được hướng dẫn, tưởng tượng một làn sóng chạy từ rún lên đầu, vòng ra sau lưng rồi lại về rún, lên đầu. Lúc được hỏi tại sao Thiền chữa được bệnh? Người hướng dẫn trả lời, người ngồi thiền lấy năng lượng của vũ trụ để chữa bệnh. Đây là câu trả lời theo ý nghĩ riêng, không có cơ sở khoa học. Vì lấy năng lượng như thế nào, lấy nhiều ít, có chứng cớ khoa học không?

2. Thiền xuất hồn: Mở những điểm huyệt, phóng linh hồn đi học đạo với những bậc thầy mà mình chưa hề biết chưa hề gặp. Nên dễ tin những điều huyễn hoặc. Người ấy dạy gì tin theo cái đó. Rất nguy hiểm. 

3. Thiền luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần: Người tu tưởng tượng đem tinh lên đầu để luyện thành thần khí. Đây là thiền của những người tu tiên. 

4. Thiền nhân điện: Nhiều năm trước, một số người Việt Nam theo Thiền nhân điện vì được đồn đãi những chuyện rất “hấp dẫn” như chữa lành tất cả các loại bệnh, trồng cây không cần tưới nước nó cũng mọc tươi tốt. Đàn ông có thể mang thai. Ngay cả có thể ngăn chặn không cho động đất xẩy ra v.v.. Nhưng dưới ánh sáng khoa học, những người có óc đầy tưởng tượng đến độ hoang đường “tự ngôn chứng thánh” như thế, sẽ không còn được ai tin tưởng nữa. (Theo An Ninh Thủ Đô, 22.10.2011).

5. Thiền Yoga: Thiền Yoga chủ đích làm cho thân thể khỏe mạnh. Hiện có nhiều trung tâm dạy Yoga tại Việt Nam. Mỗi ngày tập 2 giờ, tuần 5 ngày. Phí tổn khoảng 500 ngàn đồng mỗi tháng, tùy theo địa phương. 

Hiện nay tại Việt Nam, phỏng đoán, có hằng chục trung tâm thiền đủ loại như trên. Ngoại trừ Thiền Yoga, có những mối liên hệ với Thiền của Phật giáo, bốn loại thiền còn lại như đã đề cập trên, không phải là Thiền Phật giáo mang tính khoa học.

Cho nên, người thực tập thiền, nếu không chọn một loại Thiền được phát xuất từ đấng Giác ngộ hoặc được soi rọi qua ánh sáng khoa học thì, đôi lúc sẽ gặp những điều hết sức bất cập. (xem 10 thông tin ở cuối bài)*. 


Mặt khác, Thiền Phật giáo cũng có nhiều loại khác biệt, giữa Nguyên Thuỷ và Đại chúng bộ, và nhiều trường phái khác nhau trong các quốc độ và các Tổ sư thiền.


Nguyên thuỷ có:

- Thiền Tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp). Bạn đọc nào muốn đọc bản tiếng Anh xin xem thêm bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh Sutra of the Four Establishments of Mindfulness hay bản Việt Dịch của HT.Thiện Siêu, và tập sách nhỏ hướng dẫn thực tập Thiền Tứ niệm xứ của Thầy Trí Siêu (Mỹ).

- Thiền Minh Sát tuệ (Vipassana, Pali, dùng trí tuệ để thấy rõ vạn pháp. Bắt đầu bằng pháp quán hơi thở để định tâm).


Đại Chúng bộ có các loại thiền như: 

Zen Meditation: truyền bá rộng rãi qua Tây phương từ Nhật, nhất là nhờ Đại Sư Suzuki qua cuốn Thiền Luận, phần lớn nghiêng về triết lý, ít mô tả phương pháp hành trì (!). Hai phái Thiền Nhật Bổn trong « 5 phái Thiền Đại Thừa được nhắc nhiều nhất là Lâm Tế (LinChi & Rinzai) và Tào Động (Ts’ao-tung, TQ & Soto, Nhật). Các hành giả Tào Động thường thực tập bằng các Diện Bích (nhìn vào Tường). Theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt Ma ‘Cửu niên diện bích’ và tác phẩm Bích Nham Lục. Phái Lâm Tế thì « cực đoan » hơn. Các Thiền Sư nhiều khi dùng gậy dùng hèo đệ tử có thể loạn tâm. Cách hành thiền này trong lịch sử cũng được gọi là Thiền Công Án (Koan, Kung An C). 

- Lục diệu pháp môn: sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. 

- Không, Giả, Trung: vạn pháp không thực có nên gọi là không, tạm bợ gọi là giả. Người thấy được Không và Giả hòa hợp với nhau gọi là Trung.

- Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền. Phần lớn chỉ ghi lại trong các Lục như Bích Nham Lục, Vô Môn Quan nhưng không có phương pháp nào được ghi chép lại để hành giả thực tập.

Danh sách các loại hình thiền tập còn dài. Tôi chỉ liệt kê vài loại như thế, để quý độc giả biết tên của chúng trong cả rừng Thiền (Thiền Lâm).

Các loại hình thiền của Phật Giáo, tôi tâm đắc để chia sẻ với quý vị, là Thiền Sức Khỏe (meditation for health), chứ không phải Thiền Giác Ngộ (meditation for enlightenment). 

Nhiều thập niên qua, y giới và khoa học gia Phương tây tìm thấy Thiền Phật giáo có khả năng chữa trị bệnh tật, như quý độc giả đã thấy hai bài trong tập sách mỏng “Thiền và những lợi ích thiết thực”. Muốn có kết quả chữa trị bệnh tật, người hành thiền phải định được tâm.


PHÁP ĐỊNH TÂM (One Pointed Meditation- Shamatha, Pali)

Các giai đoạn:

1. Chuẩn bị: Nên ngồi trên gối mềm để chân khỏi tê và dễ ngồi thế bán già (gác một chân lên bắp vế chân kia), hoặc kiết già (hai chân gác tréo lên nhau). Có thể ngồi trên ghế hay trên bậc cấp. Xem 5 cách ngồi thiền, trang 38, 39 & 40 T&NLITT, sđd).


2. Ngồi thẳng lưng, lưỡi để chạm nhẹ vào hàm răng trên, bên trong. Tay phải chồng lên tay trái, để gần rún hoặc hai tay bắt ấn Tam muội và để trên đầu gối. Mắt nhắm nhẹ nhàng (không quá chặt).

3. Tập trung chú ý: Thiền là sự tập trung «tâm» vào một điểm mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Nếu thiền giả không tập trung được ý tưởng, nghĩa là không định được tâm thì không có kết quả. Có mấy phương cách để định tâm: Vui lòng xem trang 34 và 35 sách đã dẫn. 

Cách định tâm dễ nhất và có kết quả nhất là Thiền thở (the Breathing Meditation). Thiền gia gọi là «Quán sổ tức» (Counting the Breath). Thiền Thở là tập trung chú ý hơi thở ra vào. Bắt đầu hít vào thật sâu (bằng mũi) để buồng phổi căng lên. Kế tiếp, thở ra (bằng miệng) cho hết lượng không khí trong phổi. Hít vào, thở ra như vậy ba lần. Sau đó, hít vào, thở ra (bằng mũi) bình thường, nhưng tâm trí phải dỏi theo sự hít vào và thở ra mà không suy nghĩ một vấn đề nào khác, rồi bắt đầu đếm 1. Hít vào, thở ra, đếm 2. Hít vào thở ra, đếm 3. Cứ hít thở như thế và tiếp tục đếm 4, 5. Rồi đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5. Có thể đếm đến 10, rồi trở về 1 [Chú ý, không nên đếm quá 10 và ít hơn 5, vì khó tập trung tâm]. 

Tại sao phải dỏi theo hơi thở? Vì, tâm và thân của chúng ta không hợp nhất với nhau. Tâm thường dong ruổi lang thang với những thứ không ích lợi như tham lam, sân hận, lo âu, sợ hải, buồn phiền…Tâm cảnh nầy sẽ đưa con người đến tình trạng căng thẳng. Mà căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính sinh ra bệnh tật. [ Vui lòng đọc phần trả lời câu hỏi số 3, cuối bài nầy, và xem hình mô tả phản ứng của căng thẳng tr. 45 & 56, sđd ]. 

Lúc dỏi theo sự hít vào và thở ra, tâm ta sẽ lắng dịu, an lạc, vui vẻ. Các chất hormones không có cơ hội sinh ra, và bệnh tật được thuyên giảm. Thiền thở (quán sổ tức) là một trong những cách dễ nhất để định tâm mà Đức Phật đã chỉ dạy trong kinh “Quán Niệm Hơi Thở” [Anapanasati sutta]. Hầu hết chư Tôn đức Tăng Ni khuyên theo pháp Quán Sổ Tức. BS Andrew Weil (Đại học Arizona, Mỹ), một trong những người đã thí nghiệm và cũng đề nghị sử dụng pháp Thiền Thở để định tâm.

Sau khi tâm được an định, hành giả không cần đếm mà tập trung tâm theo hơi thở vào hơi thở ra (gọi là tùy tức, (Following the Breath). Hoặc tập trung tâm vào một điểm giữa hai chân mày, trên chóp mũi, trên đỉnh đầu hoặc một hình tượng, một màu sắc (như trắng, đen) v.v.. Nếu thiền đúng cách và định được tâm thì chúng ta sẽ nhận biết nhịp đập của tim giảm xuống, và cảm nhận được sự an lạc ngay lập tức. Nếu định được tâm liên tục trên 25 phút, chúng ta sẽ cảm nhận một làn “sóng” chạy nhẹ nhàng trong cơ thể. Và con người cảm thấy rất an lạc hạnh phúc ngay trong giờ phút ngồi thiền.

Những người tu Tịnh độ (Thiền Tịnh độ) phần lớn truyền qua Tây phương từ Nhật Tào Động (Jodo-shin) hay theo các đạo tràng Pháp Hoa, có thể định tâm bằng cách niệm danh hiệu Phật, niệm Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, hay tụng kinh Pháp Hoa. Nếu hành giả định được tâm thì Thiền, Tịnh, Mật và Pháp Hoa Tông…đều có khả năng chữa trị bệnh tật.

Cụ thể, người tu Tịnh Độ, hít vào không niệm, thở ra niệm “A Di Đà Phật”. Đạo tràng Pháp Hoa: Hít vào không niệm, thở ra niệm “Diệu Pháp Liên Hoa” hoặc niệm danh hiệu Phật.

Đức Phật giáng trần để cứu độ cho tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ dành riêng cho người phật tử. Do đó tín đồ các tôn giáo khác cũng có thể ngồi thiền để chữa bệnh, vì Thiền không mang tính tôn giáo. Và dĩ nhiên là không bao giờ có trường hợp bị cải đạo. Người Thiên Chúa Giáo lần chuổi Mân côi, là một trong các cách để định tâm. Khoảng 200 cô giáo (hai lớp) dự buổi thuyết trình Thiền sức khỏe (do Hồng Quang hướng dẫn), Khách sạn Sài Gòn Đông Hà, Quảng Trị,1.6.2013.

Một ngày có 24 giờ mà hành giả chỉ ngồi thiền được khoảng 1 giờ, 23 giờ còn lại thì như thế nào? Đáp: An vui thì khỏe mạnh, ưu phiền sẽ ốm đau. Có lẻ đây là câu trả lời ngắn mà đúng nhất. Lúc nào có niềm an lạc, tâm không tham sân si…thì đó là thiền, là sức khỏe.

4. Xả Thiền: Hai bàn tay xoa vào nhau khoảng 4, 5 lần. Dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa vuốt nhẹ xung quanh vành mắt. Sau đó, hai bàn tay xoa nhẹ lên mặt. Kế, xoa lại hai bàn tay, rồi thoa lên lưng (quần), lên chân để chống đau lưng và tê chân, nếu có.

Mỗi ngày ngồi thiền hai lần, mỗi lần khoảng 20 phút, chúng ta sẽ tránh được nhiều bệnh tật.


MỘT SỐ CÂU HỎI – ĐÁP 

(Giúp thêm pháp định tâm)


1.Hỏi: Hiện nay, Phật giáo Việt Nam chúng ta đang khôi phục lại pháp môn Tịnh độ, cư sĩ quảng diễn Thiền sức khỏe, phải chăng có sự chồng chéo?

Đáp: Không, Thiền-Tịnh song tu (Pure land Meditation) Nếu quý độc giả đọc kỹ các bài viết của tôi về Thiền, hẳn đã thấy: y giới và khoa học gia Tây phương sử dùng Thiền Phật Giáo một cách rộng rãi trong việc nghiên cứu và trị liệu bệnh tật, mà ít nói đến việc sử dụng các pháp môn khác. 

Vì sao? Vì người Phương tây đã sống trong nền văn hóa Kito, một nền văn hóa “xin cho” với đức tin mà không được phép nghi ngờ và phán xét. Cho nên, họ không có cơ hội thẩm tra lại những gì mà đức tin trao truyền một chiều. Chán sự áp đặt không được kiểm chứng bằng lý trí, nên họ thích những gì mang tính khoa học và khả năng “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Chính vì thế, họ đến với Thiền. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, không thoát ra ngoài ảnh hưởng ấy lúc tìm hiểu các phương pháp trị liệu thân và tâm. Dùng trí tuệ và phương pháp khoa học là chìa khoá của việc học và hỏi.

Nếu để ý thêm, độc giả sẽ thấy, niệm Phật, lạy hồng danh, tụng kinh cũng có kết quả cho việc trị bệnh, nhưng không cao và không nhanh như Thiền. Trong tác phẩm nhỏ [T & NLITT, nêu trên, tr.24 ], tôi có tường thuật lại thí nghiệm của BS. Phan Thị Phi Phi, GS trường y Hà Nội để làm rõ thêm những điều vừa nêu. Theo thí nghiệm này, các bệnh nhân sida, được khuyến khích tụng kinh 2 lần / một ngày tại nhà và 2 lần / mỗi tháng vào ngày rằm và mồng 1 tại chùa. Kết quả thu nhận được, rất phấn khởi: chỉ số bạch huyết cầu tăng lên, trung bình 4 điểm cho mỗi người. Bệnh được chận đứng, không có diễn tiến xấu hơn, không dẫn đến tình trạng nguy hiểm tính mạng.

Thêm nữa, nếu để ý hình ảnh các đạo tràng tu Tịnh độ trên mạng, chúng ta thấy, hầu hết là quý bà lớn tuổi, cụ ông ít, còn thanh thiếu niên và các bạn trẻ cũng rất ít.

Lý do vì đâu? Khi chúng ta thuyết phục người trẻ đến với các đạo tràng Tịnh độ thì họ sẽ cho rằng mình chưa cần cầu vãng sanh, vì tuổi mới đôi mươi. Đời vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp, đáng để hưởng thụ kia mà! Cho nên, ở một góc độ nào đó, giới trẻ sẽ nghĩ sai lầm rằng: Phải chăng, đạo Phật là “đạo của người chết”? 

Trên mạng PTVN, vài năm trước, tôi có đọc bài viết của tác giả Nghiêm Minh Kiên, anh đã đề cập rất đúng về vấn nạn nầy. Do vậy tôi thiết nghĩ, các lớp thiền tập vốn dĩ rất phù hợp cho tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ thích cái mới, thực tế, hữu dụng và mang tính khoa học. Thiền đáp ứng được tất cả các nhu cầu ấy. 

Quý phật tử lớn tuổi thì có vẻ phù hợp với pháp môn Pháp Hoa và Tịnh độ hơn, phương pháp hành trì cũng dễ hơn. Cho nên để khế hợp căn cơ của đa số phật tử, thì Thiền - Tịnh song tu, có lẽ là pháp tu tốt nhất cho hàng phật tử hiện nay?



2. Hỏi: Tôi có đọc tác phẩm “Thiền và những lợi ích thiết thực” của cư sĩ, nhưng vẫn thắc mắc, phải chăng có điều gì mầu nhiệm bí ẩn về Thiền. Chỉ ngồi theo dõi hơi thở ngày hai lần, mỗi lần khoảng 20 phút mà trị được bệnh sao? Xin cư sĩ lý giải?

Đáp: Bạn nên đọc lại tác phẩm ấy để thấy:

Nếu Thiền mà định được tâm, thì bạch huyết cầu gia tăng, hệ miễn nhiễm mạnh hơn. Cho nên ta nói Thiền có khả năng chữa trị bệnh tật là vậy. Trong sách (tr. 21) có nêu thí nghiệm của khoa học gia Jon Kabat-Zinn về bệnh siđa để chứng minh điều này, Trang. 57 (đọc thêm chú thích (8) tr. 66), BS Herbert Benson,sau những tháng năm thí nghiệm, ông tìm thấy từ 60-90% bệnh tật do căng thẳng (stress) mà ra**. Trong khi đó, Thiền có khả năng làm giảm căng thẳng, điều đó cho thấy Thiền có khả năng trị bệnh. Như thế, Thiền trị bệnh là một phương thức khoa học, không có gì là bí ẩn.



3. Hỏi: Tại sao căng thẳng (stress) phát sinh bệnh tật?

Đáp: Lúc bị căng thẳng như giận hờn, sợ hãi, lo âu…não bộ báo động cho nang thượng thận (Adrenal glands) để tiết ra chất epinephrine. Tế bào thần kinh vùng dưới đồi não (Hypothalamus) tiết ra chất Nor-epinephrine. Hai loại hormones nầy (epinephrine và Nor-epinephrine) là những chất hóa học rất mạnh, có nhiệm vụ làm cho các giác quan nhạy bén hơn, các cơ bắp (muscles) rắn chắc hơn, nhưng sự tiêu hóa thức ăn bị giảm. Tim đập nhanh, phổi hô hấp mạnh, để đưa oxy tới các tế bào. Đường trong máu gia tăng để cung cấp nhiệt lượng cần thiết. Như thế, cơ thể chúng ta được xem như sẵn sàng ứng chiến (fight) mà không thể chạy trốn (flight) [xem hình minh họa tr. 45 & 56, sđd]. 

Nếu sự căng thẳng không còn nữa thì cơ thể trở lại bình thường. Nhưng trong xã hội máy móc ngày nay, con người thường xuyên bị căng thẳng, cái cũ chưa hết, cái mới đã sinh. Nên trong cơ thể con người luôn ứ đầy những chất hormones stress, tích tụ từ ngày nầy qua tháng nọ, làm cho:

- Hệ tim mạch thương tổn, bệnh tim phát sinh, cao huyết áp, đột quỵ. Ăn khó tiêu, bị tiểu đường, bệnh gan v.v..

- Hệ miễn nhiễm yếu, dễ bị vi trùng và vi khuẩn tấn công cơ thể, xương loãng vì thiếu calcium, eo và mông gia tăng mở, v.v..

Trong khi đó, Thiền có khả năng làm giảm căng thẳng, nên Thiền có thể chữa trị được bệnh tật từ gốc là thế. Biết vậy, ngoài việc Thiền mỗi ngày hai lần như đã đề cập, chúng ta luôn luôn giữ tâm hồn an lạc bằng cách quán hơi thở trong mọi nơi, mọi thời (đi đứng nằm ngồi) để giữ tâm trong thân, không cho nó lang bang dong ruổi vào những nơi bất thiện (tham sân si). Đây gọi là Thiền hành động (meditation in action) hoặc Thiền Tĩnh Thức (Mindfulness Meditation). Cũng nên biết thêm rằng, lúc tâm có sự an lạc, hỷ xả thì chất Nitric oxide, chất endorphins và chất enkelytin trong cơ thể tiết ra làm cho con người mạnh khỏe hơn, hệ miễn nhiễm gia tăng, chống lại bệnh tật [Marco Visscher, May 2006 Issue, Wikipedia] và trong bài “Cầu an có an không?” [ tr.71, sđd]. Rõ ràng chưa? Thính chúng hoan hỷ, vỗ tay.



4. Hỏi: Cư sĩ viết “Thiền có khả năng chữa trị bệnh tật, làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, sống lâu hơn, sống có hạnh phúc hơn”. Cư sĩ có thể trình bày rõ hơn chăng?


Đáp: Tất cả những điều mà bạn vừa nhắc đến, tôi đã trình bày có tài liệu và hình ảnh cụ thể trong sách vừa đề cập. Mong bạn đọc kỹ lại. Nhân đây, tôi chỉ trình bày lại vấn đề Thiền có khả năng làm cho con người sống có hạnh phúc hơn. Bạn có thể xem lại tr. 46 (và hai chú thích 4 & 5 sđd) sẽ rõ, khoa học gia và y giới tìm thấy mỗi vùng của não bộ, có một chức năng khác nhau. Vùng não bên phải, trước trán, chứa sự đau khổ. Vùng trái tương ứng, chứa sự an lạc. Lúc hành thiền, vùng trán bên trái gia tăng hoạt động làm cho con người cảm thấy có hạnh phúc an lạc hơn. Lúc sân hận, si mê, thì vùng bên phải phát triển, đem đến đau khổ. Đây là một bằng chứng khoa học, không có gì bí mật. Hiểu được chức năng của hai vùng não bộ vừa đề cập, ngoài giờ Thiền, chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi (hành trụ tọa ngọa) luôn luôn chánh niệm. Đó cũng là cách định tâm ngoài lúc ngồi thiền. Tụng kinh, Niệm Phật, niệm Chú, lần chuổi cho tâm an lạc cũng là Thiền.



5. Hỏi: Lúc cư sĩ phân biệt Thiền giác ngộ và Thiền sức khỏe. Câu hỏi là, người tập Thiền giác ngộ có đem lại sức khỏe không? Và Thiền sức khỏe có đạt đến giác ngộ?


Đáp: Tôi nói Thiền giác ngộ và Thiền sức khỏe là một cách nói nhằm phân biệt hai “mục đích” khác nhau của người hành thiền. Xưa nay, tu thiền, người ta có khuynh hướng nghĩ tu để giác ngộ, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Nhưng ít ai nghĩ Thiền còn có công năng chữa trị bệnh tật cho nhân loại. Nhiều thiền gia trong Sơn môn biết Thiền có thể trị bệnh, nhưng không dám cổ động công khai vì chưa có bằng chứng mang tính khoa học. 

Ngày nay, khoa học tiến bộ, y giới sử dụng các phương tiện như máy chụp cọng hưởng từ (fMRI), máy chụp các điện não đồ, để biết sự vận hành và chức năng của não bộ. 

Cùng lúc các thí nghiệm lâm sàng và đo mức độ an lạc của các vị sư đang thiền định. Họ cho thấy điều mà các phật tử ca tụng rất chính xác, “Phật là vô thượng y vương” (thầy thuốc trên tất cả các vua thầy thuốc của thế gian nầy). Xem thế, người tu thiền với mục đích giác ngộ cũng đem lại sức khỏe cho bản thân. Người tu thiền với mục đích sức khỏe, cũng có thể đạt giác ngộ. Xem hình “Làn sóng não (tr. 61). Chúng ta thấy, lúc tâm bấn loạn (tham, sân, si, lo âu, phiền muộn) quá cở, sóng não (Beta) vận hành từ 14 đến 21 vòng trong 1 giây đồng hồ . Nếu tâm định đến mức Delta, làn sóng não vận hành chưa đến 4 vòng trong một giây. Với trạng thái nầy, thiền giả có thể được xem như là đạt đến sơ thiền.

Người tu Tịnh độ, với trạng thái nhất tâm bất loạn, “tâm không tham luyến, ý không điên đảo, như vào thiền định. Phật và Thánh chúng tay nâng kim đài cùng đến tiếp dẫn, trong khoảng một niệm sanh về Cực lạc”. 

Do đó, Thiền, Tịnh và tụng kinh như quý vị trong Đạo Tràng Pháp Hoa mà định được tâm thì chỗ gặp gở không có ranh giới. Quý vị đặt những câu hỏi thiết thực, bổ ích, làm sáng tỏ thêm những điều tôi trình bày trong sách. Rất tri ân tác giả của những câu hỏi. 



6. Hỏi: Nhân đây xin hỏi thính chúng một câu. Trên hệ thống điện tử có đề cập đến một trại tù tại bang Washington, thị trấn Seatle, Mỹ, dạy tù nhân ngồi thiền. Kết quả sau khi mãn tù trở về đời thường, số tù nhân có hành thiền một thời gian, tỉ lệ tái phạm chỉ có 56%. Số không ngồi thiền, có đến 75%, khác biệt gần 20 %. Quý vị biết lý do tại sao? 

Khoảng 800 thính chúng chia sẻ Thiền sức khỏe, Đại tùng lâm, Long Thành 4.2012.


Đáp: Cô Thúy Hằng:

Con người phạm tội, phần lớn tâm hồn thiếu bình thường, hay giận hờn, tham lam, cuồng tín… Lúc hành Thiền họ có được sự an lạc trong tâm, sống đời có hạnh phúc, có hy vọng, có tình thương, nên ít tái phạm pháp hơn những người tâm hồn bấn loạn và sân hận ngút ngàn. Tất cả đều vỗ tay cho câu trả lời chính xác có cơ sở khoa học.

Câu hỏi còn nhiều, các bạn chịu khó đọc vài lần tác phẩm nói trên, sẽ tìm thấy những điều rất thực tế, rất khoa học, rất bổ ích mà y giới đã thí nghiệm và làm chứng cho lời dạy của Phật; “vạn pháp do tâm tạo”. Tâm an vui thì khỏe mạnh, ưu phiền sẽ bị ốm đau. Ngoài ra, chế độ ăn uống và tập thể dục như đi bộ cũng rất cần cho sức khỏe.

Thiền có thể chửa trị bệnh tật. Nhưng điều đó không có nghĩa là Thiền sẽ hoàn toàn thay thế thuốc. Thiền thuốc song hành có lẻ là giải pháp tốt nhất. Nếu cần, quý vị nên tham vấn với các nhà chuyên môn.

Tóm lược, xã hội Việt Nam ngày nay có nhiều trung tâm dạy Thiền chữa bệnh, nhưng không phải Thiền của Phật giáo. Nhiều nơi đem lại kết quả rất tốt cho bệnh nhân. Nhưng cũng có không ít hệ lụy do việc khai mở luân xa* và hướng dẫn Thiền thiếu phương pháp khoa học. Do đó, cẩn thận là điều cần có, không nên theo những điều thiếu sự gạn lọc của lý trí và thiếu chứng cớ khoa học.

Thiền Tịnh, Mật, niệm Phật, tụng kinh Pháp Hoa hoặc lần chuổi hạt nên cần định được tâm mới có kết quả. Pháp định tâm không khó. Kiên trì luyện tập thì việc định tâm sẽ nằm trong tầm tay với.

Kính chúc tất cả thân tâm an lạc.

Hồng Quang

8.8.2013
http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201308/Bai-3-Thien-quanh-ta-va-phuong-phap-dinh-tam-11684/