Khi thấy những bầy ngỗng bay về phương Nam để tránh rét theo hình chữ V, bạn có tự hỏi vì sao chúng lại bay như thế?
Bởi lẽ, khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẩy cho con ngỗng bay ngay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được khoảng 70% sức lực so với khi chúng bay riêng lẻ.
Mỗi khi bay lạc khỏi hình chữ V, ngỗng nhanh chóng cảm thấy những khó khăn của việc bay một mình và lập tức trở lại đàn bay theo hình chữ V như cũ để được hưởng những ưu thế bay theo đàn.
Lúc con ngỗng đầu đàn mỏi mệt, nó sẽ chuyển sang vị trí phía sau bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ lên dẫn đầu.
Tiếng kêu của bầy ngỗng từ phía sau sẽ động viên những con đi đầu giữ vững tốc độ của chúng.
Cuối cùng, khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương không thể bay theo, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi đàn để cùng hạ xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến chừng nào con bị thương có thể bay được hoặc là chết, và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương Nam. (Theo Nghệ thuật sống)
Bài Học Đạo lý :
Loài ngỗng trời khi di trú bay xa hàng ngàn dặm theo đội hình chữ V. Điều này không phải ngẫu nhiên mà là kinh nghiệm được trao truyền từ nhiều thế hệ, đồng thời loài ngỗng không có cách lựa chọn nào khác ngoài đội hình bay chữ V để thực hiện các chuyến bay dài, có khi vượt cả đại dương. Mỗi con ngỗng đều biết rằng không thể bay sai đội hình này, càng không thể bay một mình mà không có sự hỗ trợ về nhiều mặt của cả đàn, nếu muốn sống còn.
Liên hệ tập quán bay theo hình chữ V của những cánh chim thiên di với đời sống Tăng đoàn, chúng ta thấy có nhiều trùng hợp thú vị. Chư Tăng sống chung trong những đại chúng đông đảo, theo những khuôn thước của giới luật. Khi tu tập cùng Tăng chúng thì mỗi người đều được tập thể bảo vệ, soi sáng nên tinh tấn và tiến bộ rất nhanh. Ngược lại, nếu một vị Tăng, Ni nào tách rời khỏi đại chúng và chểnh mảng với giới luật, lập tức vị ấy cảm nhận được ngay sự bất an cùng nhiều chướng ngại, khó có thể tiến xa trong lộ trình phạm hạnh, giải thoát. Cảm nhận được giá trị và lợi ích của đời sống Tăng đoàn, quay về và nương tựa Tăng chính là sự sống còn của mỗi cá nhân cũng như tập thể những người xuất gia.
Trong khi bay theo hình chữ V, con ngỗng đầu đàn không phải là nhà lãnh đạo hay vị chỉ huy được hưởng danh lợi mà phải chịu nhiều hy sinh, mệt nhọc và áp lực nhất. Nên khi mệt mỏi phải lùi lại, nhường bước cho con ngỗng phía sau tiến lên vị trí đầu đàn. Có sự san sẻ mệt nhọc như vậy, bầy ngỗng mới bay xa được. Cũng vậy, vị lãnh đạo trong Tăng đoàn cũng vì Tăng sai nên mới đảm nhiệm vị trí đứng đầu. Sau mỗi nhiệm kỳ, chắc chắn vị lãnh đạo sẽ mệt nhọc nên cần nhờ các vị khác thay thế, nhất là các vị trẻ khỏe gánh vác bớt cho. Nếu già yếu và mệt nhọc mà không lùi về dưỡng sức thì khó mà dẫn dắt đại chúng tiến xa.
Các con ngỗng từng ở vị trí đầu đàn khi lùi về bay phía sau khỏe hơn những con bay trước rất nhiều nên cất tiếng kêu để động viên, khích lệ những con bay phía trước hoàn thành nhiệm vụ. Cũng vậy, khi những vị lãnh đạo Tăng đoàn lùi về với vai trò cố vấn và luôn tán thán, khích lệ các vị lãnh đạo đương nhiệm thì chắc chắn Tăng đoàn sẽ hòa hợp, hoan hỷ và phát triển.
Quan trọng nhất trong Tăng đoàn là sự đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau mỗi khi đau ốm, hoạn nạn hay khi gặp các sự biến. Không bỏ rơi, phó mặc kiểu "mũ ni che tai" mà phải dấn thân để bảo vệ nhau đến cùng chính là yếu tố sống còn của Tăng đoàn.
Thì ra, các hiện tượng tự nhiên như ngỗng bay di trú theo hình chữ V cũng cho ta nhiều bài học quý giá. Đó cũng là lý do vì sao các bậc thánh Duyên giác chỉ nhìn ngắm và chiêm nghiệm những hoạt động của tự nhiên mà thành tựu giác ngộ, giải thoát tử sanh.
BẠCH VÂN
http://giacngo.vn/phathoc/2010/08/19/72705B/