Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Sống chung với sợ hãi


GNO - Theo quan điểm Phật giáo, có nỗi sợ hãi lành mạnh và nỗi sợ hãi không lành mạnh.

Thoát ra "chiếc bóng" sợ hãi - Ảnh minh họa
Ví dụ, khi ta sợ một điều gì không làm hại ta, như sợ con nhện; hoặc sợ một cái gì ta không thế tránh được, như sợ tuổi già hay bệnh tật hay tai nạn. Tất cả những nỗi sợ hãi này đều không lành mạnh, vì nó chỉ làm cho chúng ta không vui và khiến ta bị tê liệt ý chí mà thôi.







Mặt khác, khi ai đó cai thuốc lá vì họ sợ bị ung thư phổi, thì đây là cái sợ lành mạnh, bởi vì sự nguy hiểm đó có thật, sẽ xảy ra, và chúng ta có thể đi từng bước để ngăn ngừa nó.

Nguyên nhân sợ hãi

Chúng ta phải chọn: một là sống yếu hèn, bị khuất phục bởi mọi sức mạnh, hai là chúng ta nhìn ra cái khả năng dễ bị tổn hại này, nhận ra rằng ta luôn ở trong nguy hiểm, và vì thế phải tìm cho ra một con đường để ngăn chặn sự nguy hiểm đó bằng cách dỡ bỏ cái nguyên nhân gây ra tất cả sự sợ hãi: hoang tưởng và tiêu cực. Như vậy chúng ta có thể tự kiểm soát mình, và nếu ta đã kiểm soát được chính mình, chúng ta không phải sợ hãi nữa.

Chúng ta có rất nhiều cái sợ: sợ khủng bố, sợ chết, sợ xa người yêu, sợ đánh mất kiểm soát, sợ bắt giam, sợ thất bại, sợ bị chối bỏ, sợ mất việc… Danh sách này không bao giờ chấm dứt! Nhiều cái sợ bắt nguồn từ cái mà Đức Phật gọi là “hoang tưởng”, nghĩa là ta có một cái nhìn bị bóp méo, bị méo mó, không đúng với sự thật, khi nhìn vào chính mình hay nhìn ra thế giới chung quanh.

Nếu chúng ta biết cách kiểm soát tâm, dần dần giảm thiểu và cuối cùng loại trừ những hoang tưởng này, thì nguyên nhân của sợ hãi, lành mạnh hay không lành mạnh, cũng bị trừ diệt hết.


Nỗi sợ hãi lành mạnh

Tuy nhiên, ngay lúc này chúng ta cần nỗi sợ hãi lành mạnh. Ví dụ: Không ích gì nếu một người nghiện thuốc sợ bị ung thư phổi, trừ phi mà anh ta có thể ngăn chặn được bệnh này, nghĩa là ngưng hút thuốc. Nếu một người nghiện thuốc lá đã biết sợ hãi bệnh ung thư phổi, anh ta sẽ tìm cách bỏ thói quen hút thuốc đi. Ngược lại, nếu anh ta làm ngơ trước sự nguy hiểm bị ung thư phổi, anh ta sẽ tiếp tục tạo ra nguyên nhân dẫn đến đau khổ trong tương lai và hoàn toàn chịu thua sức mạnh của thuốc lá.

Một người nghiện thuốc lá rất dễ bị ung thư phổi. Thật ra ngay cả bây giờ, ai ai trong chúng ta cũng dễ bị nguy hiểm và bị tổn hại: ta dễ già, dễ bệnh, và cuối cùng là dễ chết. Sở dĩ như vậy là bởi vì tất cả chúng ta bị mắc vào cái bẫy “luân hồi” - một trạng thái tồn tại không thể kiểm soát được, và nó cũng phản ánh cái tâm không kiểm soát được của chúng ta. Chúng ta rất dễ bị đau đớn về tinh thần lẫn thể xác, xuất phát từ cái tâm không kiểm soát được, như đau khổ từ những vọng tưởng, chấp ngã, giận hờn, và si mê. 

Chúng ta phải chọn: một là sống yếu hèn, bị khuất phục bởi mọi sức mạnh, hai là chúng ta nhìn ra cái khả năng dễ bị tổn hại này, nhận ra rằng ta luôn ở trong nguy hiểm, và vì thế phải tìm cho ra một con đường để ngăn chặn sự nguy hiểm đó bằng cách dỡ bỏ cái nguyên nhân gây ra tất cả sự sợ hãi: hoang tưởng và tiêu cực. Như vậy chúng ta có thể tự kiểm soát mình, và nếu ta đã kiểm soát được chính mình, chúng ta không phải sợ hãi nữa.

Tất cả giáo lý của Đức Phật là những phương pháp giúp con người vượt qua ảo tưởng - nguồn gốc của mọi nỗi sợ hãi.


Quân bình sợ hãi

Khi một nỗi sợ hãi được quân bình giữa ảo tưởng và đau khổ, những đau khổ sẽ khiến ta phải sợ hãi, và do đó nó trở nên lành mạnh: Nó giúp thúc đẩy hành động mang tích xây dựng để tránh một sự nguy hiểm gần kề. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự sợ hãi như một bàn đạp giúp ta tiêu trừ hết những nguyên nhân khiến ta có khả năng dễ dàng bị mất mát, bằng cách tìm một nơi nương tựa bên trong, thuộc tâm linh (niệm Phật, đọc kinh sách, nghĩ đến Phật …), và dần dần cải huấn tâm mình.

Một khi ta đã làm được điều đó, ta không còn sợ hãi nữa, vì không còn gì có thể hãm hại ta được, như người đã đạt được giải thoát, chiến thắng ảo tưởng, như một vị hoàn toàn giác ngộ: một vị Phật.

Thủy Ngọc (Theo dealingwithfear.org)

http://giacngo.vn/phathoc/triethoc/2011/12/06/5E6242/