Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Phẩm 03: Thí dụ - KINH PHÁP HOA

Thích Nhất Hạnh

Chúng ta hãy đi sang phẩm thứ ba là Phẩm Thí Dụ. Phẩm này gọi là thí dụ, nhưng thật ra không phải là phẩm duy nhất có nói về thí dụ. Trong toàn bộ kinh Pháp Hoa chúng ta còn thấy rất nhiều thí dụ trong các phẩm khác nữa.

Sau khi thầy Xá Lợi Phất nghe Bụt nói về đạo Nhất Thừa, và về sự thực tất cả mọi người đều có hạt giống Bụt, và có thể thành Bụt, thì thầy rất lấy làm sung sướng. Thầy liền phát tâm Đại Thừa, và mặc cảm tự ti của thầy tiêu tan. Thầy biết rằng trong tương lai mình sẽ thành Bụt và sẽ chuyển pháp luân vô thượng để giáo hóa các vị Bồ Tát giống hệt như Bụt bây giờ vậy. Đó là đại ý của bốn hàng chót, trang 103:

Con quyết sẽ thành Phật,
Được trời, người cung kính,
Chuyễn pháp luân vô thượng,
Giáo hóa các Bồ Tát.

Trước đó thì thầy Xá Lợi Phất nghĩ rằng giáo lý của Bụt nói ra vi diệu quá, nên lúc đầu thầy đã nghĩ rằng đây có thể là ma hiện ra làm Bụt để nói cái tư tưởng tất cả chúng sanh đều có thể thành Bụt, và chỉ có một thừa là Phật Thừa. Nhưng sau khi chiêm nghiệm kỹ càng thì thầy thấy đây đích thật là Bụt nói, ma không thể nói được những giáo pháp vi diệu như vậy. Khoảng giữa trang 103:

Thế Tôn nói đạo thực,
Ba Tuần không nói được
Vì thế con định biết
Không phải ma giả Phật
Con sa vào lưới nghi
Cho là ma làm ra

Thế Tôn nói về đạo chân thực, đạo đó Ma-Vương cõi dục(6) tên là Ba-Tuần không làm sao mà nói được? Vì vậy nên con biết không phải là ma giả Phật. Con đã sa vào lưới nghi ngờ, cho là ma làm ra. Đây là điều thầy Xá Lợi Phất nói thay cho một số người rất đông trong truyền thống. Họ nghĩ rằng tất cả các kinh Đại Thừa đều do ma thuyết. Đây là dấu tích của sự bài bác đó, và chính ngày nay cũng vậy. Trong những học phái Theravada và những học phái khác, vẫn có người cho rằng Đại Thừa không phải là Phật thuyết, mà là do ma thuyết. Sáu câu trên diễn tả cái ý này. Nhưng sau khi thầy Xá Lợi Phất chiêm nghiệm lại thì thầy thấy rằng ma làm sao mà nói được giọng điệu đó, nói được những tư tưởng cao siêu đó, thành ra đây không phải là ma mà đây chính là Bụt. Bài kệ nói tiếp:

Nghe tiếng Phật êm dịu,
Sâu xa rất nhiệm mầu,
Nói suốt pháp thanh tịnh,
Tâm con rất vui mừng,
Nghi hối đã hết hẳn,
An trú trong thực trí.

Con nghe Bụt nói bằng giọng rất êm dịu, những pháp rất nhiệm mầu, và những lý luận rất vững chãi, thì tâm con rất vui mừng và con không còn nghi rằng đó là ma hiện ra mà chính thực là Bụt, thầy của chúng con đang nói pháp này. Đứng về phương diện tâm lý mà nói, đoạn này diễn tả được tâm trạng của con người thời đó, tức là thời kinh Pháp Hoa xuất hiện, và cả tâm trạng của con người trong thời đại bây giờ nữa. Cố nhiên những người đã ở trong truyền thống Đại Thừa lâu năm thì không mang tâm trạng nghi ngờ đó, nhưng những người chưa ở trong tuyền thống Đại Thừa, vẫn có thể còn tư tưởng kinh Đại Thừa không phải là do Bụt nói. Riêng đối với thầy Xá Lợi Phất, khi những nghi hối đã hết rồi thì thầy an trú trong thực trí, và:

Con quyết sẽ thành Phật,
Được trời, người cung kính
Chuyển pháp luân vô thượng
Giáo hóa các Bồ Tát

Con sẽ làm như Bụt, đó là cái quyết định, là cái thấy mới của thầy Xá Lợi Phất. Thầy đã thành một vị Bồ Tát với lời tuyên bố này. Lúc đó Bụt nói: Thầy Xá Lợi Phất, trong những kiếp trước, thầy đã từng được theo học với tôi rồi, và tôi đã từng dạy cho thầy đạo Bồ Tát, nhưng vì thầy quên, nên thầy tưởng thầy đã đạt được cứu cánh của sự tu học, tức là Niết Bàn. Giờ đây tôi đã nhắc được cho thầy biết là thầy đã có cơ hội học đạo Bồ Tát, và thầy có khả năng trở nên một vị Bụt toàn giác, nhắc bằng cách nói cho thầy nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mầu nhiệm này. Bây giờ thầy hãy nghe tôi nói đây: Trong tương lai thầy sẽ thành một vị Bụt tên là Hoa Quang Như Lai, và thầy sẽ tạo lập một tịnh độ gọi là Tịnh độ Ly Cấu (Ly Cấu tức là không còn những ô nhiễm nữa). Thầy cũng sẽ như tôi, sẽ dùng giáo lý ba thừa để dẫn dắt chúng sanh, và cuối cùng thầy cũng nói giáo lý Nhất Thừa như tôi bây giờ vậy. Như thế gọi là thọ ký. Thọ ký có nghĩa là nói cho người đó biết trước rằng người đó sẽ thành Bụt, và người đó sẽ giáo hóa theo một con đường nào đó. Thọ ký tức là nhìn vào nơi căn tánh, nơi khả năng của một người để thấy được những gì người đó có thể thực hiện được trong tương lai, và sẽ thực hiện theo con đường nào. Tại vì tất cả chúng sanh đều được thành Bụt, nhưng mỗi người thành Bụt một cách khác nhau, và phương pháp giáo hóa cũng khác nhau. Một bậc thầy có trí tuệ nhìn vào học trò mình có thể thấy được người đó sau này đi theo con đường nào, thành tựu được những gì, rồi nói cho người học trò đó biết để người ấy có thêm đức tin. Đó gọi là thọ ký.

Hôm trước ngồi uống trà với nhau ở Cốc Ngồi Yên, tôi có nói chuyện về Sư cô Bảo Nghiêm, và bảo rằng Sư cô Bảo Nghiêm sau này sẽ giáo hóa Phật tử như thế nào, sẽ đi theo con đường tu tập nào. Đó cũng là một hình thức thọ ký. Tuy không ở trên bình diện cao siêu như Bụt, nhưng nó cũng nằm ở bình diện rất thực tế của mình. Khi nhìn vào các Sư chú Pháp Đăng, Vô Ngại, Nguyện Hải, Sư cô Viên Quang v.v..., tôi đều thấy được một số những điều về quí vị đó. Căn cứ vào những cái thấy đó, tôi có thể có một hình ảnh trong đầu, và tôi nói cho các vị đó biết về những hình ảnh đó để họ có thêm đức tin và vững chãi thêm. Vậy thì thọ ký là một hình thái trao truyền năng lực.
Trong phẩm Phương tiện, chúng ta đã được chứng kiến cảnh Bụt thọ ký cho thầy Xá Lợi Phất. Trong phẩm này, trang 110:

Đại trí Xá Lợi Phất,
Nay được lãnh Phật ký,
Chúng ta cũng như vậy,
Quyết sẽ được thành Phật.

Tất cả các vị Thanh văn đều lấy làm vui mừng, vì họ thấy nếu thầy Xá Lợi Phất được Bụt thọ ký thì chính họ cũng sẽ được như vậy, và tất cả chúng sanh cũng có thể thành Bụt. Tự nhiên một niềm tin vĩ đại phát sinh trong tâm của mọi người.

Lúc đó thầy Xá Lợi Phất mới bạch với Bụt rằng: Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ con đã hết mọi nghi ngờ. Con đã được đối diện Bụt, được thọ ký để sau này thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tuy vậy, có một số khá đông trong đại chúng này, tuy là đã vượt được ngã chấp, ngã dục, chấp có, chấp không; tuy nghĩ rằng mình đã nắm được tịch diệt Niết Bàn, nhưng những điều mà Thế Tôn vừa nói đó, có thể họ chưa nắm được, cho nên họ có thể còn sa vào cái hố nghi lầm, vì vậy xin Bụt dùng những phương tiện nói thêm, giảng thêm để cho họ có thể hiểu được.

Nhờ lời xin đó mà Bụt mới đưa ra một thí dụ rất hay để chứng tỏ rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả mọi người đều có thể thành Bụt, và món quà của Bụt trao tặng mọi người không phải là một món quà có ít giá trị hơn món quà Nhất Thừa.

Ví dụ này là ví dụ Nhà lửa, The house in fire. Chúng ta thường nghe tám chữ Tam giới bất an do như hỏa trạch, tức là ba cõi không yên nên giống như một căn nhà cháy. Ba cõi là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, đầy dẫy những cạm bẫy, những nguy hiểm, cả ba cõi đang ở trong tình trạng của một ngôi nhà bị cháy, vì vậy mà cả ba cõi đều bất an.

Trong ví dụ Bụt đưa ra, có một ông trưởng giả tuổi đã lớn, giàu có vô lượng, có nhiều ruộng, nhiều tôi tớ, nhà của ông rất rộng nhưng chỉ có một cái cửa để ra vào, trong đó có rất đông người ở. Tuy giàu nhưng gần trăm năm rồi mà căn nhà chưa được tu bổ, thành ra đã hư nát. Một hôm lửa bừng lên làm cháy nhà. Vị trưởng giả thấy nhà cháy mới nghĩ rằng, nguy quá, ta có nhiều con đang ở trong đó, có thể có 10, 20 người con, hoặc 30 người con đang ở trong đó. Ngày xưa, các trưởng giả có nhiều vợ, cho nên họ có thể có nhiều con, cũng như các vị Vua, mỗi vị có thể có đến ba bốn trăm người con. Ông trưởng giả rất thương con, không muốn con chết cháy, nên tìm cách la lên để các con biết nhà cháy, mà chạy ra. Nhưng mấy đứa bé lại ham chơi, không nghe lời ông, và không muốn chạy ra khỏi cái nhà lửa đó, tại vì trong nhà có nhiều trò chơi, và chính chúng cũng đã tạo thêm nhiều trò chơi ở trong đó. Chúng bị kẹt vào những trò chơi, cho nên dù nhà cháy chúng cũng không biết, và khi nghe người ta nói nhà đang cháy, chúng cũng không sợ, tại vì chúng nó đang mê mệt vào những trò chơi nhỏ bé của chúng trong căn nhà đang bị cháy.

Nghe ra thì thấy câu chuyện giống như câu chuyện của con nít, không thật, nhưng nhìn lại tâm trạng và hoàn cảnh của chúng ta, thì ta thấy cái ví dụ này nói đúng được sự thật mà trong đó chúng ta đang lâm vào. Trong cõi tam giới đầy sự bất an như một căn nhà cháy, chúng ta đang tổ chức những cuộc vui, hoặc chúng ta muốn làm Hội trưởng, muốn làm Giám đốc, muốn làm Tổng thống, muốn làm Trú trì, muốn làm Hòa thượng, muốn xây chùa, muốn mua xe hơi đẹp. Chúng ta đang tham đắm vào những kế hoạch này, và những thiết kế nọ. Chúng ta say mê trong những việc đó mà không biết rằng thế giới của chúng ta là một ngôi nhà đang bốc lửa. Nó cũng tương tự như mấy con gà đang bị nhốt trong lồng, đang tranh nhau ăn thóc, ăn bắp và đàm luận với nhau rằng bắp này ngon hay lúa kia ngon hơn, rồi tranh giành, mổ cắn nhau, không biết rằng trong vài giờ nữa chúng sẽ bị đem ra làm thịt. Chúng ta cũng tương tự như vậy, sống trong một thế giới bất an, có thể tan hoại bất cứ lúc nào, đứng về phương diện môi trường, nhân mạng hay chiến tranh. Chúng ta có nhiều sự đe dọa như sự đe dọa của chiến tranh nguyên tử, ngồi trên những trái bom nổ chậm như vậy mà chúng ta vẫn cảm thấy an ổn, và say mê trong những cuộc chơi nho nhỏ của chúng ta. Nếu quí vị nhìn vào kinh và viết lại cái tình trạng tam giới bất an với cái nhận thức trong thế giới hiện tình của mình, thì quí vị sẽ thấy rằng cái ví dụ này nó cực tả được cái tình trạng trong đó chúng ta đang sống.

Khi ông trưởng giả la lớn lên rằng: "Các con mau mau chạy ra kẻo nguy hiểm lắm! nhà đang cháy, nhà sẽ sập, các con sẽ bị cháy hết". Các con của ông đã không hiểu, vẫn tiếp tục vui chơi, không tin và không sợ. Chúng bảo rằng tại sao phải ra? lửa ở đâu? nhà đẹp vậy tại sao lại gọi là đang bị cháy, có gì nguy hại đâu? và chúng tiếp tục chạy chơi, từ góc này sang góc nọ, tham dự từ trò chơi này đến trò chơi khác. Vì vậy ông trưởng giả rất đau buồn. Đó là tâm trạng của Bụt đối với chúng ta. Trong cơn đau buồn đó, ông trưởng giả mới tìm được một giải pháp, ông nghĩ rằng mấy đứa con này dại quá, chúng ham chơi quá, thành ra bây giờ mình phải dùng một phương tiện để đánh động vào chuyện ham chơi của chúng thì họa may mới cứu được chúng. Biết rằng bọn này ưa chơi xe, nên ông bèn bảo rằng, này các con, bên ngoài kia cha đã sắm được cho các con những chiếc xe rất đẹp, có xe do những con dê kéo, có xe do những con ngựa kéo, có xe do những con lừa kéo, đủ màu, đủ sắc hết. Ra ngoài đó thế nào các con mỗi đứa cũng sẽ được một món quà như món quà sinh nhật vậy. Các con ông nghe vậy thích quá bèn cùng ùa nhau chạy ra khỏi nhà lửa. Giống hệt như chúng ta vậy! Vì quá ham chuyện này, chuyện kia, nên đối với chúng ta, giải thoát và Niết Bàn cũng chỉ là một thứ xe mình ham, cho nên được hứa hẹn giải thoát và Niết Bàn thì mình cũng muốn chạy theo. Nhờ thấy được cái tâm niệm ham chơi đó của các con, mà vị trưởng giả đã thiết kế được một phương pháp để dụ chúng ra khỏi cái nhà lửa và cứu được chúng. Nhưng khi ra khỏi nhà, chúng nó không thấy xe ngựa, xe lừa gì cả mà chỉ thấy một thứ xe tuyệt vời là xe do những con trâu mập, lông trắng như tuyết, kéo. Đây là loại xe mà chúng không thể tưởng tượng rằng có thể có được trước khi ra khỏi ngôi nhà cháy. Chúng đã tưởng tượng ra những xe kéo bằng các con dê, con lừa, nhưng không bao giờ tưởng tượng được có những chiếc xe đẹp quá chừng như vầy, có những con trâu lông trắng như tuyết kéo như vậy. Thành ra tất cả đều thích chí leo lên chiếc xe trâu đó.

Bụt nói thêm: Xá Lợi Phất, có phải vị trưởng giả đó là một người nói dối không? tại sao ông đã hứa cho các con nào là xe dê, xe ngựa, xe lừa, mà bây giờ ông lại cho một thứ xe rất sang trọng do những con trâu trắng kéo? Tại sao vậy? Tại vì ông ta giàu quá cho nên ông nghĩ rằng những đứa con mà mình thương yêu đến mức cùng cực thì chỉ có những chiếc xe lộng lẫy, kéo bằng những con trâu trắng mới xứng đáng là món quà cho chúng. Vì vậy ông chỉ cho chúng một loại xe duy nhất là xe trâu trắng. Vậy thì ông trưởng giả đó có phải là người nó dối không? Thầy Xá Lợi Phất thưa không phải, tại vì do lòng thương nên vị trưởng giả đó mới cho các con mình cái quí giá nhất của mình, như vậy không phải là ông ta nói dối. Sở dĩ ông nói có đủ loại xe như vậy là để cho các con ưa thích thôi.

Bụt bảo rằng: Đúng như vậy, các con của ông có đứa ưa xe này, có đứa ưa xe khác, cho nên ông phải nói rằng nếu con muốn đi xe lừa thì có xe lừa, muốn xe dê thì có xe dê, muốn xe ngựa thì có xe ngựa, có đủ loại hết. Nói vậy là để cho chúng bằng lòng, ruốt cuộc thì vË‑ tr°ß‑ng gi£‑ chÉ‑ cho một loại xe, loại xe quí nhất, sang trọng nhất do những con trâu trắng kéo. Chúng sanh cũng vậy, họ có thể ưa những chiéc xe Thanh văn Thừa, Duyên giác Thừa, hay Bồ Tát Thừa, nhưng rốt cuộc thì cỗ xe mà Bụt ban tặng là cỗ xe vượt thoát tất cả cỗ xe khác, gọi là cỗ xe Phật Thừa. Thành ra, ta đã không nói dối với các ngươi, tuy rằng ta đã từng nói về ba thừa, nhưng kỳ thật thì chỉ có một thừa thôi.

Trang 117 hàng thứ 7, kinh ghi Bụt nói rằng: Bụt là cha của tất cả các loài chúng sanh. Cha ở đây là biểu tượng của tình thương, biết lo lắng cho con, tìm đủ mọi phương tiện để đưa con ra khỏi những hiểm nguy, vì vậy mà có khi ta xưng Bụt là Từ Phụ, tức là người cha hiền. Cố nhiên ta phải so sánh chữ Cha ở đây và chữ Cha dùng trong Cơ đốc giáo, trong danh từ Đức Chúa Cha. Chúng ta thấy rằng chữ cha ở đây nó chỉ có tính cách biểu tượng, không phải là cha đẻ, không phải là đấng sáng tạo. Cũng có những nhà thần học Cơ đốc giáo, nói rằng danh từ Cha trong Cơ đốc giáo cũng chỉ có tính cách biểu tượng thôi. Nếu quả là vậy thì không có gì khác biệt cả. Tuy nhiên có người không nghĩ vậy, họ nghĩ rằng cha là cha, không phải là một biểu tượng. Thường thường trong văn học Phật giáo, Bụt được miêu tả là thầy của loài người và loài trời, thiên nhân sư. Bụt không bao giờ được mô tả là một vị thượng đế tạo dựng ra vũ trụ. Bụt được tôn xưng là một người cha hiền, và ý niệm về cha hiền này phát xuất từ những kinh như kinh Pháp Hoa. Không phải chỉ có người cha mới có thể sinh con, một người thầy cũng có thể sinh con được, một bà mẹ cũng có thể sinh ra con được. Vì vậy mà Bát Nhã Ba La Mật tức là Trí Tuệ Lớn, đôi khi cũng được diễn tả như là bà mẹ của các vị Bụt.

Là học trò của Bụt, chúng ta đều là con tinh thần của Bụt. Cha mẹ sinh chúng ta ra, nhưng đó là sanh ra thể chất của chúng ta. Đến khi tu học thì đời sống tâm linh của chúng ta là do Bụt sinh ra. Như vậy chúng ta được Bụt sinh ra một lần nữa, lần này thì ta được sinh ra từ miệng của Bụt, tại vì từ miệng của Bụt phát ra âm thanh của chánh pháp, từ đó ta có đời sống tâm linh. Đó là một hình ảnh rất đẹp, nó cũng có nguồn gốc từ trong truyền thống Ấn độ giáo. Đó là ý nghĩa của chữ Cha trong đạo Bụt, cha mà sanh con ra bằng miệng. Chúng ta biết rằng ý niệm về cha ở trong đạo Bụt không giống ý niệm về cha ở trong Ki-tô giáo. Cái ý niệm tất cả các chúng sanh đều là con của Bụt nó chỉ có một giá trị biểu tượng duy nhất mà thôi, đó là Bụt là một người có lòng thương lớn, lòng thương đó bao trùm tất cả mọi loài, và chính vì chất liệu từ bi đó nên Bụt được nhận là người cha. Danh từ cha ở đây nó chỉ biểu tượng lòng thương mà thôi, nó không biểu tượng cho uy quyền. Người cha này không nổi cơn thịnh nộ, người cha này không trừng phạt, không bỏ mình xuống địa ngục, người cha này chỉ thương mà thôi. Vì thương cho nên bày ra nhiều cách để cứu con, trong đó có những thứ như xe dê, xe lừa, nhưng thật ra, vì thương con quá cho nên trong lòng chỉ muốn cho con thứ xe đẹp nhất mà mình có thể có, đó là xe trâu trắng.

Trong phẩm này chúng ta thấy rất rõ là chúng sanh ham vui, chúng sanh mê muội, chúng sanh ham chơi và không thấy được cái nguy hại của tình trạng cháy bỏng trong thế giới. Vì vậy mà Bụt đã dùng đủ mọi cách, trong đó có cả cách dụ con nít, tại vì đối với Bụt, chúng ta chỉ là những đứa con nít mà thôi.

Trang 137, bốn hàng chót:

Các đức Phật Thế Tôn,
Dầu dùng chước phương tiện,
Mà chúng sanh được độ,
Đều là Bồ Tát cả,

có nghĩa là không có đức Bụt nào mà không dùng những phương thức ấy, tại vì chúng sanh dại quá, nếu không dùng chước mà cứ giảng dạy chánh pháp một cách thẳng thừng, thì chúng sanh sẽ không đủ sức để chấp nhận. Đó là ý nghĩa của hai câu đầu. Bụt bảo rằng, không phải chỉ một mình tôi làm như vậy đâu, các đức Bụt trước tôi, và chính quí vị sau này thành Bụt, quí vị cũng sẽ làm y hệt như tôi vậy, tại vì chúng sanh khờ dại lắm. Hai câu sau nói về một chân lý khác: Mà chúng sanh được độ, đều là Bồ Tát cả, có nghĩa là tuy chúng sanh khờ dại như vậy, ham chơi như vậy, nhưng họ sẽ được độ và tất cả đều trở thành Bồ Tát hết. Vì vậy mà hai ý này là hai ý rất là quan trọng của Phẩm thứ ba, và đây cũng là những ý rất quan trọng của Phẩm thứ hai.

Trong đoạn thứ 32 của Phẩm này, Bụt nói chúng sanh vì quá mê mờ nơi ái dục nên bị đau khổ, cho nên Ngài cũng đã từng dạy về Tứ đế, tức là Bốn sự thật. Ở đây Bụt dạy về sự thật thứ ba: Nguồn gốc của mọi đau khổ là tham dục.

Nguyên nhân có các khổ:
Tham dục là cội gốc.
Nếu dứt được tham dục,
Khổ không chỗ nương tựa,
Dứt hết hẳn các khổ,
Gọi là đế thứ ba.
Con đường Bốn sự thật này có thể đưa con người xa lìa những hư vọng và nhờ vậy mà họ được giải thoát khỏi mọi khổ đau:

Chỉ xa rời hư vọng,
Gọi đó là giải thoát,

Kỳ thực đó chưa thực sự là giải thoát, đó chỉ là một phần giải thoát mà chưa phải là giải thoát toàn diện:

Kỳ thực chưa phải được,
Giải thoát hẳn tất cả

Nguyên bản chữ Hán là:

Đản ly hư vọng,
Danh vi giải thoát,
Kỳ thật vị đắc,
Nhất thiết giải thoát,
(chỉ cần lìa xa hư vọng, đó gọi là giải thoát, sự thật là chưa đạt được tới toàn bộ của sự giải thoát).

Vì vậy cho nên tuy dạy giáo lý Thanh văn là để giúp người đạt tới giải thoát, kỳ thực cái giải thoát đó chưa hẳn là giải thoát đích thực, đây là nhất phần giải thoát mà không phải là toàn phần giải thoát. Đi xuống vài hàng nữa, chúng ta thấy có hai câu rất hay:

Ta là đấng Pháp Vương,
Tự tại nơi các Pháp,
Nguyên văn chữ Hán là:
Ngã vi Pháp Vương,
Ư pháp tự tại
Tôi là vị vua của các pháp, tại vì đối với các pháp tôi có tự do, tức là có khả năng sử dụng các pháp một cách tự do. Ví như một thi sĩ lớn biết sử dụng chữ nghĩa một cách rất tài tình, như một vị Phù thủy sử dụng âm binh vậy.

Pháp Vương là một người có thể nắm vững được thực chất của các pháp, vì vậy mà có khả năng sử dụng các pháp một cách rất tự do. Ư pháp tự tại nghĩa là tôi có tự do hoàn toàn trong lãnh vực của các pháp, vì vậy cho nên tôi nói cái này, cái kia, nói cái gì cũng phù hợp với các pháp cả. Tôi nói Thanh văn Thừa cũng đúng với chánh pháp, nói Duyên giác Thừa cũng đúng chánh pháp, và nói Bồ Tát Thừa cũng đúng với chánh pháp. Tôi nói có cũng đúng chánh pháp, nói không cũng đúng chánh pháp, và tôi nói không có không không cũng đúng với chánh pháp. Tôi là vua trong thế giới của chánh pháp, nên tôi có đủ tự do để sử dụng chánh pháp. Đó là ý nghĩa của tám chữ Ngã vi Pháp Vương, ư pháp tự tại.

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/sen-no-troi-phuong-ngoai/pham-thu-ba-thi-du