Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Vấn đề thời gian trong Phật giáo và Vật lý học hiện đại

Nguyễn Thị Toan

Thời gian là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà triết học và khoa học tự nhiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích một cách khái quát quan niệm của Phật giáo và vật lý học hiện đại về thời gian. Theo tác giả, cách đây xấp xỉ 2600 năm, Phật giáo đã có cái nhìn khá sâu sắc, độc đáo về thời gian, trong đó có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với những kiến giải khoa học về thời gian của vật lý học hiện đại. Tuy nhiên, giữa chúng cũng có nhiều điểm dị biệt.

“Con người là một sinh vật duy nhất biết mình phải chết”. Lời của một triết gia phản ánh nỗi ám ảnh, day dứt của con người về sự sống và cái chết, cũng là những ám ảnh, day dứt về thời gian. Thời gian trôi qua vô hình nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong các biến cố lịch sử, trong các thành quả của nhân loại. Câu hỏi về thời gian vẫn hấp dẫn con người qua mọi thời đại. Bởi thế, các nhà triết học, vật lý học thường dành một vị trí nhất định cho vấn đề thời gian trong các công trình nghiên cứu của mình. Cách đây gần 2.600 năm, Phật giáo đã có một cái nhìn khá sâu sắc, độc đáo về thời gian, trong đó có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với quan niệm về thời gian của vật lý học hiện đại. Với tinh thần “cầu đồng tôn dị”, việc tìm hiểu quan niệm về thời gian trong Phật giáo và vật lý học hiện đại là để hiểu thêm về những tương đồng, dị biệt trong hai nền văn hoá Đông - Tây nhằm xây dựng một nền văn hoá nhân văn, khai phóng và dung thông trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay.(*)

1. Quan niệm về thời gian trong Phật giáo

Từ gần 2000 năm TCN, người ấn Độ đã dành một phần tâm trí của mình cho vấn đề thời gian. Trong kinh Veda - bộ kinh cổ nhất của ấn Độ và nhân loại, thời gian là vị thần Rudra huỷ diệt sự sống, bên cạnh thần Phạm Thiên sáng tạo sự sống, thần Visnu bảo vệ sự sống. Bởi thế, ám ảnh về thời gian và khát vọng vượt thoát sự ám ảnh ấy, cũng có nghĩa là khát vọng vượt thoát cái chết, kiếp luân hồi, nỗi khổ đau nhân thế luôn thường trực trong tâm hồn người ấn. Tuy nhiên, cái nhìn về thời gian của họ không giống với cái nhìn về thời gian của người phương Tây. Người ấn không đo sự vận động của sự vật trong dòng chảy của thời gian từ quá khứ đến tương lai bằng niên đại chính xác. Trong sử sách ấn Độ, thời gian của các biến cố thường chỉ được tính áng chừng. Vượt lên những biến dịch không cùng của đời sống, người ấn truy tìm một bản thể vĩnh hằng, tĩnh lặng miên viễn, không biên kiến, thị phi... Tư tưởng đó thể hiện đậm nét trong quan niệm của Phật giáo về thời gian.

Vấn đề thời gian trong Phật giáo được xem xét một cách khá toàn diện với nội hàm phong phú, sâu sắc: thời gian qua từng satna và từng kiếp; thời gian ở khía cạnh khách quan và khía cạnh chủ quan, thời gian trên phương diện tục đế (samaritil) và phương diện chân đế (paramatha) ...

a/ Kiếp và satna

Phật giáo thường dùng hai thuật ngữ làm phương tiện đo thời gian: kiếp là đơn vị đo thời gian cực đại; satna là đơn vị đo thời gian cực tiểu. Kiếp (kalpa) - đơn vị đo thời gian dài, được Phật giáo nguyên thuỷ chia thành tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp. Mỗi tiểu kiếp bằng 16.800.000 năm. Mỗi trung kiếp bằng 20 tiểu kiếp nghĩa là bằng 336.000.000 năm. Một đại kiếp bằng 4 trung kiếp (thành kiếp, trụ kiếp, hoại kiếp, không kiếp), nghĩa là bằng 1.344.000.000 năm. Sự lâu dài của một kiếp được ví như thời gian tảng đá vuông rộng 40 dặm mòn hết khi bị chiếc áo tiên đều đặn 100 năm một lần phất vào. Hay giống như một cái thành lớn có bề cao và các mặt đều rộng 40 dặm đựng đầy hạt cải, cứ 100 năm lấy ra một hạt cải, chừng nào hết thì hết một kiếp(1). Về sau, các bộ phái Phật giáo có cách phân chia về kiếp khác nhau, căn cứ vào tính chất, độ dài của sự biến đổi trong các sự vật khác nhau. Luận Đại Trí độ chia kiếp thành Tiểu kiếp và Đại kiếp; luận Đại Tì bà sa chia thành Trung gian kiếp, Thành hoại kiếp và Đại kiếp; luận Câu xá chia thành Trung kiếp, Thành kiếp, Đại kiếp và Hoại kiếp; luận Chương sở tri chia thành Trung kiếp, Thành kiếp, Trụ kiếp, Đại kiếp, Hoại kiếp, Không kiếp... Tuy nhiên, vũ trụ có vô vàn thế giới mà sự thành trụ của thế giới này là sự hoại không của thế giới khác. Bởi vậy, thời gian ở những cảnh giới khác nhau cũng khác nhau. Một kiếp trong thế giới Sabà của Phật Thích Ca bằng 1 ngày đêm trong thế giới Cực lạc của Phật Adiđà, một kiếp trong thế giới Cực lạc của Phật Adiđà bằng 1 ngày đêm trong thế giới Casa tràng của Phật Kim An Kiên...

Đơn vị đo thời gian nhỏ nhất trong Phật giáo là satna (ksana). Phật giáo nguyên thuỷ dùng khái niệm satna để chỉ sự biến đổi mau lẹ, vô thường của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới. Kinh Phật thường dùng cụm từ satna vô thường. Về sau, các bộ phái Phật giáo bàn cụ thể hơn về satna trong thuyết vi trần và thuyết satna. Trong Luận câu xá, Thế Thân định nghĩa satna là một hạn kỳ cực tiểu để một thể tính được tựu thành và biến mất ngay. Một satna bằng 1/60 lần tráng sĩ đưa cánh tay ra và xếp lại. Một satna vật chất lại bằng 16 satna tư tưởng, bởi sự biến đổi của tư tưởng nhanh hơn sự biến đổi vật chất. Theo Địa tạng pháp số, trong một niệm (một tư tưởng) có 90 satna. Trong một satna có 900 lần sinh diệt(2). 120 satna tiếp nối thành một hàng satna, 16 hàng satna thành một lạp phước, 20 lạp phước thành một giờ (Phẩm Phân biệt thế gian - Luận Câu xá).

Việc phân biệt thời gian bằng khái niệm kiếp và satna chứng tỏ năng lực cảm nhận tinh tế của Phật giáo về sự biến đổi vô thường trong thế giới vi mô và vĩ mô.

b/ Thời gian vô thuỷ vô chung

ở góc độ bản thể luận, từ luật vô thường và lý nhân duyên, Phật giáo xem xét thời gian trong vô cực. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Trong Kinh thánh, tuyên ngôn của Chúa: “Ta đã thả cá để một ngày ta quăng lưới”, “Ta đã gieo cả lúa mì và cỏ dại để một ngày ta gặt về tất cả” (Kinh Cựu ước) là lời khẳng định thời gian có điểm khởi đầu (ngày Chúa sáng thế) và hồi kết thúc (ngày tận thế). Phần lớn các tôn giáo trên thế giới đều băn khoăn truy tìm nguyên nhân đầu tiên của thế giới ở một thế lực tinh thần tối cao và khắc khoải bi quan về giây phút cuối cùng của ngày tận thế. Trái lại, bằng lý nhân duyên, Phật giáo không thừa nhận có một thời gian tối hậu. Thời gian chẳng qua chỉ là tên gọi cho sự tiếp nối tương tục của nhân quả. Đó là dòng vận hành liên tục của thực tại khách quan, thể hiện qua sự biến đổi triền miên của vạn vật. Thời gian gắn liền với sự vận động của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới, với dòng chảy của cuộc đời: “Không một khoảnh khắc nào, một mảy may nào của thời gian mà dòng sông lại không ngừng trôi chảy” (Kinh Tăng chi IV). Hướng dòng chảy của thời gian qua ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng thế giới là một tấm lưới không - thời gian đan mắc bởi vô số các sự vật hiện tượng trong lý nhân duyên. Bởi vậy, ba thời dung thông nhau trong trùng trùng duyên khởi. Thời gian trong vòng tuần hoàn khép kín của kiếp luân hồi, không có điểm khởi đầu và không có hồi kết thúc (vô thuỷ vô chung). Trong vòng luân hồi bất tận đó, quá khứ nơi này trở thành tương lai nơi khác. Cái chết trong thời gian cũng chỉ như thay một bộ y phục thể xác, như hạt giống rơi xuống đất lại mọc lên thành cái cây, như mặt trời lặn ở phương Tây lại mọc lên ở phương Đông vậy.

c/ Thời gian trên phương diện tục đế và chân đế

ở góc độ nhận thức luận, Phật giáo xem xét thời gian trên hai phương diện: tục đế và chân đế.

Trên phương diện tục đế (samaritil) - phương diện nhận thức của những người bình thường, thời gian chia làm ba thì: quá khứ, hiện tại và tương lai. Phái Hữu bộ cho rằng, tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu (ba thế giới thực có, pháp thể thường còn). Vì thế giới là thực có chứ không phải là ảo ảnh, nên sự tồn tại của thời gian qua ba thời cũng là một thực tế. Thời gian tuần tự trôi chảy theo dòng tuyến tính từ quá khứ, qua hiện tại tới tương lai.

Trên phương diện chân đế (paramatha), phương diện thời gian của người đã giác ngộ, giải thoát, cũng có nghĩa là người đã vượt thoát khỏi sự ràng buộc của thời gian thì không còn thời nào nữa trong thời gian, kể cả thời gian cũng không còn nữa. Đó là trạng thái của Thái tử Sidhatha 49 ngày đêm ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề bên dòng Nikiềnliên. Khi nhìn thấy sao Mai mọc, Thái tử bỗng nhiên bừng tỉnh ngộ. Trong một satna ngắn ngủi, Thái tử thành Phật bởi đã đạt được sự giác ngộ cao nhất, hiểu thấu được vạn vật, hiểu thấu được quá khứ, hiện tại và tương lai để không còn bị ám ảnh bởi thời gian. Tuyên ngôn “Chính lúc này đây ta thành Phật” là lời tuyên ngôn cao đẹp về giá trị con người, đồng thời cũng là lời tuyên ngôn của con người đã vượt thoát được sự chi phối của thời gian để đạt tới cõi vĩnh hằng trong chính tâm thức mình (giải thoát - moska). Trạng thái Niết bàn (Nirvana) là trạng thái tâm linh thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt của người đã giải thoát. Niết bàn cũng chính là sự ngưng đọng vĩnh cửu của thời gian trong satna hiện tại, không còn nhân quả, không còn sinh tử luân hồi. Con người “không truy tìm quá khứ/không ước vọng tương lai”, sống trong từng satna của đời sống hiện tại. Bởi thế, đức Phật còn có tên là Như Lai (Tathagatha), nghĩa là người đã đến như thế, thực chất là người không từ đâu đến mà cũng không đi đâu. Người sống trong hiện tại tuyệt đối, vĩnh hằng.

Từ quan niệm vạn pháp duy tâm tạo, Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh đến tính Không của thời gian. Tính Không không đồng nghĩa với chủ nghĩa hư vô, phủ định thế giới hiện tượng, phủ định hoàn toàn thời gian. Nó gắn với sự vô thường của thế giới. Trong kinh Kim cương, thế giới biến ảo giống như “ngôi sao mờ dần buổi bình minh, một chiếc lá trên dòng sông, một ánh chớp trong đám mây mùa hè, một ngọn đèn le lói, một bóng hình, một giấc mộng”(3). Buổi tối, nửa đêm hay sớm mai cũng chỉ còn là ảo ảnh:

“Buổi tối nghe gà gáy sáng

Nửa đêm thấy mặt trời soi”(4).

Nói như lời của Swami Vivekananda: “Thời gian, không gian và mối liên hệ nhân quả giống như một tấm kính ta nhìn xuyên qua nó để thấy cái tuyệt đối... Trong tuyệt đối thì không có thời gian, lẫn không gian, lẫn quan hệ nhân quả”(5).

Nhà sư Đức Sơn (Nhật Bản) trên đường đi tới Đài Sơn dừng chân bên quán nhỏ gọi điểm tâm. Bà lão bán quán là người am tường Phật giáo bèn thử thách nhà sư bằng câu hỏi khó, nếu nhà sư trả lời được thì mới được điểm tâm:

- Kinh Kim cương viết:

“Quá khứ tâm bất khả đắc

Hiện tại tâm bất khả đắc

Vị lai tâm bất khả đắc”

Vậy thầy muốn điểm cái tâm nào đây?(6)

(Điểm tâm còn có nghĩa là điểm vào cái tâm). Không trả lời được câu hỏi hóc búa đó, nhà sư đành nhịn đói ra đi. Việc điểm tâm xảy ra trong thời gian. Trong kinh Kim cương không có thời nào cả. Quá khứ - tương lai, hữu hạn - vô hạn đồng nhất trong từng satna của đời sống hiện tại. Cái lưu chuyển vô thường và cái bất tử vĩnh hằng cũng chỉ là một trong tâm người giải thoát. Con người giải thoát sống trong ánh sáng vĩnh cửu, tự mình trở thành ánh sáng, trở thành dòng chảy. Khi đó, con người sẽ:

“Bất sinh diệc bất diệt

Bất thường diệc bất đoạn

Bất nhất diệc bất nhị

Bất lai diệc bất xuất”(7).

Khi hướng vào tâm tìm giải thoát, gạt bỏ đi những phân biệt sinh - tử, thường - đoạn, một - hai, đến - đi, không còn cách biệt ta và tha nhân, quá khứ và tương lai... thì chỉ còn một sự đồng nhất tuyệt đối của cái Không tĩnh lặng đến vô cùng trong tâm người giải thoát. Sống trong ánh sáng vĩnh cửu, con người đã quét sạch ý niệm về cái tương đối, không người không vật, không cảnh không ta, chỉ còn ánh trăng Lăng già tịch tĩnh trên biển cả mênh mông của giải thoát.

Từ cái nhìn về sự mong manh vô thường của đời sống, Phật giáo khuyến khích con người biết trân trọng thời gian để sống có ích theo chính pháp trong từng satna của đời sống hiện tại. Biết chế ngự nỗi lo âu về cái chết, không khao khát một bản thể trường tồn hay chạy theo những ảo ảnh phù du của đời sống, con người sẽ trở về với chính mình, đánh thức Phật tính trong tâm mình để thành Phật giữa cuộc đời.

Đi từ ngoài vào trong, từ đa dạng tới nhất thể, từ động đến tĩnh, từ tương đối tới tuyệt đối, đó là con đường tư duy của Phật giáo về thời gian.

2. Vấn đề thời gian trong vật lý học hiện đại

Theo Bách khoa toàn thư mở: “Thời gian là một đại lượng biến thiên và là thành phần của một hệ thống đo lường được dùng để diễn tả trình tự xảy ra của các sự kiện, để so sánh độ dài của các sự kiện và khoảng cách giữa chúng, để lượng hoá chuyển động của các đối tượng” (Wikipedia).

Trong vật lý học cổ điển từ thế kỷ XVI, Galilleo đã coi thời gian như một công cụ để nối kết các chuyển động của các đối tượng nghiên cứu. Tới thế kỷ XVII, Newton đã nghiên cứu về thời gian như một đối tượng tuyệt đối, tách rời khỏi vật chất, trôi đều đặn từ quá khứ đến tương lai. Theo Newton, thời gian tuyệt đối, đích thực, có tính toán học, theo tự tính của nó là đều đặn và không liên quan gì đến bất cứ vật nào(8). Newton cảm nhận được dòng chảy, hướng chảy của thời gian về phía tương lai. Đối với Newton, chỉ cần có một chiếc đồng hồ tốt thì dù ở bất kỳ vị trí nào, người ta cũng có thể đo khoảng cách giữa hai sự kiện với lượng thời gian bằng nhau. Nhưng tới đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của A.Enstein với phát minh khoa học về thuyết tương đối đã đem lại một cái nhìn mới về thời gian. Đó là thời gian gắn liền với không gian, giống như tình bạn phải có những người bạn vậy. Thời gian không cố định mà thay đổi cùng sự thay đổi của vận tốc và trọng lực của vật.

Trong thuyết tương đối hẹp (1905), A.Enstein cho rằng, không có một thời gian tuyệt đối, duy nhất. Mỗi người có một độ đo thời gian riêng của mình, phụ thuộc vào vị trí họ đứng, tốc độ chuyển động của họ. Bởi vậy, nếu xảy ra vụ nổ ở một ngôi sao cách trái đất một tỉ năm ánh sáng thì phải tới một tỉ năm sau con người nơi mặt đất mới quan sát thấy vụ nổ ấy Theo lý thuyết tương đối của A.Enstein, ở tốc độ vận động bằng tốc độ của ánh sáng, kích thước vật thể rút ngắn lại và thời gian trôi chậm đi. Nghịch lý trẻ sinh đôi minh chứng cho lý thuyết này. Nếu hai anh em sinh đôi, một người ở lại trái đất, một người đi vào vũ trụ, sau một thời gian trở về thì người đi vào vũ trụ sẽ trẻ hơn người anh em sinh đôi của mình. Một con tàu vũ trụ phóng vào không gian với vận tốc bằng 87% vận tốc ánh sáng thì thời gian sẽ chậm đi bằng 1/2 so với thời gian trên trái đất. Và nếu nó vận động với vận tốc 99% vận tốc ánh sáng thì thời gian trôi chậm đi 22,4 lần. Điều này cũng tương tự như quan niệm của Phật giáo về thời gian khác nhau trong các cảnh giới khác nhau.

Trong lý thuyết tương đối hẹp, vấn đề thời gian còn được xem xét dưới góc độ tâm lý. Theo A,Enstein, ở góc độ tâm lý chủ quan, mọi cái trong thế giới đều “hư nguỵ”, vật chất hư nguỵ, không gian hư nguỵ, thời gian tưởng chừng tuyệt đối cũng hư nguỵ mà thôi. Sự trôi chảy của thời gian chỉ là một ảo tưởng của tâm thức. Thuyết tương đối được giải thích khá hóm hỉnh bằng hình ảnh bếp lò nóng và cô gái đẹp. Khi người đàn ông ôm một cô gái đẹp trong lòng thì thời gian một giờ tưởng chừng như chỉ là một phút. Trái lại, khi anh ta buộc phải ngồi gần một cái bếp lò quá nóng thì thời gian một phút tưởng như một giờ.

Sau khi phát minh ra thuyết tương đối hẹp, tới năm 1916 A.Enstein tiếp tục phát triển thuyết tương đối tổng quát, trong đó có tiên đoán về sự tồn tại của các lỗ đen (bkack hole) trong vũ trụ. Không gian và thời gian như một tấm vải có thể co giãn và rách được. Chỗ rách của tấm vải không - thời gian chính là lỗ đen. Khi thiên thể co lại thì sức hút của nó tăng lên, không - thời gian quanh nó cũng tăng độ cong. Tới một thời điểm nhất định, không - thời gian quanh thiên thể đó cong tới mức ánh sáng cũng không thoát ra nổi. Khi đó, trong lỗ đen, thời gian ngừng lại, không còn trôi chảy. Năm 1995, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã tạo ra được 9 hạt phản nguyên tử (phản vật chất) - một dạng vật chất đặc biệt có khả năng hút nguyên tử vào nó. Đây là một trong những cơ sở để khẳng định về sự tồn tại thực tế của lỗ đen trong vũ trụ. Gần đây, các nhà thiên văn học quan sát trên bầu trời thấy có những “vì sao nặng”, quay quanh một đối tượng vô hình. Đối tượng ấy có thể là một lỗ đen trong vũ trụ(9).

Giữa thế kỷ XX, Stephen Hawking tiếp tục phát triển tư tưởng về lỗ đen trong vũ trụ bằng giả thuyết: khi vật chất bị rơi vào lỗ đen, thời gian ngừng lại, sự vật bất động trong trạng thái tiềm sinh. Vào cuối thế kỷ XX, con người nỗ lực tìm kiếm những sự kiện lạ để chứng minh cho giả thuyết này. Ngày 14-4-1912, con tàu huyền thoại Titanic va phải băng khiến 1500 người bị mất tích. 80 năm sau, ngày 24-9-1990, tàu Foshogen đang đi trên biển Bắc Đại Tây Dương đã phát hiện từ vách núi một phụ nữ quý tộc Anh bị ướt sũng tên là Kate - là người đã mất tích trên con tàu Titanic. Ngày 9-8-1991, người ta lại cứu sống được người đàn ông tên là Smith có dấu vân tay trùng với dấu vân tay của thuyền trưởng Smith của tàu Titanic…(10). Một số sự kiện mất tích bí ẩn rồi sau một thời gian dài lại xuất hiện trở lại giống hình hài ban đầu càng khẳng định các lỗ đen (hay “lỗ hổng thời gian”, “đường hầm không - thời gian”) trong vũ trụ là sự thật. Phải chăng vật chất đã vô tình bị hút vào lỗ hổng đó để tồn tại trong trạng thái tiềm sinh (somachi) của thời gian tĩnh lặng? Và khi nào “lỗ hổng thời gian” mở ra, vật chất đó lại xuất hiện với hình hài y như khi nó bị hút vào. Tới đây, trạng thái Niết bàn trong Phật giáo - sự tĩnh lặng, ngưng đọng vĩnh cửu của thời gian trong tâm người giải thoát có điểm gặp gỡ với sự tĩnh lặng vô cùng của “lỗ hổng thời gian” và sự ngưng đọng của vật chất trong lỗ hổng đó. Tuy nhiên, Phật giáo nói tới Niết bàn trong tâm thức con người, còn vật lý học hiện đại bàn tới “lỗ hổng thời gian” tồn tại khách quan trong thế giới vật chất.

Qua sự phân tích trên, có thể thấy, Phật giáo và vật lý học hiện đại có những điểm tương đồng sâu sắc trong quan niệm về thời gian. Điều đó khiến A.Enstein có cảm tình đặc biệt với Phật giáo. Ông đã từng phát biểu trong một cuộc hội thảo về tôn giáo với khoa học tại New York: “Nếu trên thế giới có một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo ấy phải là Phật giáo. Phật giáo không cần phải xét lại những quan điểm của mình theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”(11). Có thể thấy một số điểm tương đồng trong quan niệm về thời gian giữa Phật giáo và vật lý học hiện đại, đó là:

1. Bằng cái nhìn kết và động, Phật giáo và vật lý học hiện đại đều thấy sự dung thông giữa không gian và thời gian trong một tấm lưới vũ trụ hoàn hảo.

2. Cả hai đều thừa nhận tính vô cực (vô thuỷ vô chung) của thời gian trong sự vô thường của thế giới.(11).

3. Cả hai đều thừa nhận tính tương đối và tuyệt đối của thời gian.

Tuy nhiên, quan niệm về thời gian của Phật giáo không đồng nhất hoàn toàn với những kiến giải khoa học về thời gian của vật lý học hiện đại. Những dị biệt trong hai quan niệm là:

1. Vật lý học hiện đại xây dựng khái niệm thời gian bằng thực nghiệm lý thuyết, còn Phật giáo lại dựa vào sự mách bảo của trực giác kinh nghiệm.

2. Phật giáo (đặc biệt là Thiền Đại thừa) hướng nội để tìm thời gian tương đối và sự ngưng đọng vĩnh hằng tuyệt đối của thời gian trong tâm thức con người; vật lý học hiện đại hướng ngoại để tìm thời gian tương đối trong thế giới vật chất, thời gian tuyệt đối trong lỗ đen vũ trụ.

Tuy nhiên, sự khác nhau giữa hai quan niệm đó cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi.

Việc tìm hiểu, so sánh quan niệm về thời gian trong Phật giáo và vật lý học hiện đại giúp chúng ta thấy được sự vượt trước kỳ lạ của Phật giáo về vấn đề thời gian, sự gặp gỡ giữa Phật giáo và khoa học, sự giao thoa văn hoá Đông - Tây, từ đó xây dựng một nền văn hoá minh triết trong thời đại toàn cầu hoá. Đó là nền văn hoá kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hoá truyền thống của dân tộc và nhân loại - nền văn hoá nhân bản, khai phóng và dung thông trong thời đại ngày nay.

Nguyễn Thị Toan (*)

*************************

(*) Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(1) Đoàn Trung Còn. Phật học từ điển, t.II, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr.108 - 109.

(2) Đoàn Trung Còn. Phật học từ điển. Sđd., tr.726.

(3) Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Kinh Kim cương. www.quangduc.com.vn.

(4) Đoàn Trung Còn. Phật học từ điển, t.II, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr.108 - 109.

(5) Fritjof Capra. Đạo của vật lý - một sự khám phá mới về sự tương đồng giữa vật lý học hiện đại và đạo học phương Đông. Nxb Trẻ, 2001, tr. 171.

(6) Daisetz Teitaro Suzuki. Huyền học đạo Phật và Thiên Chúa. Nxb Kinh thi, 1974, tr.143.

(7) Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Kinh Kim cương. Sđd., tr.142.

(8) Xem Fritjof Capra. Đạo của vật lý - một sự khám phá mới về sự tương đồng giữa vật lý học hiện đại và đạo học phương Đông. Sđd.,

(9) Xem Fritjof Capra. Đạo của vật lý - một sự khám phá mới về sự tương đồng giữa vật lý học hiện đại và đạo học phương Đông. Sđd.,

(10) Hồ Nguyễn Việt Thư. Đi vào khe hở thời gian. http://chungta.com, 2009.

(11) Thích Hạnh Đức. Phật giáo với thời đại, www.quangduc.com.vn, 2008.

Nguồn: Viện Triết Học

http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/khoa-hoc/9737-Van-de-thoi-gian-trong-Phat-giao-va-Vat-ly-hoc-hien-dai.html