Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Tìm gặp vô thường

Nguyên Tịnh

Vô thường. Hai từ ấy thôi, mỗi lúc được nói lên là khiến cho những người có mặt gợi nhớ cảm giác gì thật rụng rời và mất mát.

Ngày xưa, mỗi lần tôi nghe hoặc nhớ nghĩ nhiều về vô thường, trong tôi cũng trào dâng cảm giác bất an, muốn chạy trốn, muốn vứt bỏ tất cả, thấy như mọi nguồn sống trong mình phút chốc bị chiếm đoạt, phút chốc tất cả như bị tê liệt, và phút chốc thấy ta trở thành tên nô lệ thật trớ trêu cho thân phận vô thường. Lúc đó, tôi chỉ là một chú bé cỏn con long nhong cùng lớp học.

Vô thường là một cái gì rất thật, rất hiện hữu, rất "thường" trong kiếp sống này. Nhìn vào đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp. Vô thường trong mẹ trong cha. Vô thường trong ông bà tổ tiên. Vô thường trong từng loài từng vật. Vô thường trong chính ta. Vô thường làm cho mình mất đi tất cả.

"Vô thường làm cho mình mất đi tất cả", đó là cái nhìn thô sơ của tôi trong những ngày thơ dại. Vì cái nhìn cạn cợt đó, tôi đâm ra khổ đau, cuống cuồng, cố gắng níu giữ mọi thứ vào đáy sâu của chiếc rương tâm thức và bo bo giữ như những báu vật kỉ niệm, cố gắng ôm tất cả vào lòng để chúng đừng thất lạc. Nhưng đã là vô thường rồi, làm sao mà cất giữ cho được. Cái rương tâm thức kia cũng đâu có chịu đứng yên một chỗ để ta cất giữ và nắm bắt hết những gì mình muốn. Vạn vật đều vô thường hết, cảm giác lòng tôi lại trống trơn khi nằm yên một góc khuất nào đó mà gặm nhấm cái giờ phút mình không còn lại gì từ mình từ người từ vũ trụ, mất hết. Ủa, tại sao lúc đó mình lại không nghĩ được thêm một bước nữa nhỉ, rằng "vô thường làm cho mình có tất cả".

Thế rồi tôi phát tâm xuất gia, cũng từ lí do về những giằng co của cõi vô thường. Tôi không chịu nổi đời sống nhạt nhẽo của tôi mỗi ngày, học, chơi, ngủ, phá phách, vô tích sự. Nhìn những nấm mộ mọc lên ngày càng nhiều từ nghĩa địa phía sau lưng nhà, tôi không chịu nỗi cái viễn cảnh một hôm tôi cũng là tay sai của những nấm mộ. Tôi nghĩ, đi tu rồi mình sẽ thoát khỏi nợ vô thường. Thế Tôn sẽ cho tôi đời sống không bị vô thường chi phối, nội trong một tuần thôi, hay cùng lắm là nửa tháng, thế nào tôi cũng đạt được giải thoát cho coi.

Nhưng tôi đã lầm to rồi. Làm gì có sự chạy trốn trong thế giới này. Xuất gia rồi, một năm, hai năm, năm năm, mười năm, tôi càng ý thức rõ hơn vô thường là một thứ gì rất thật, có mặt khắp mọi nơi trong mọi lúc. Vậy thì nỗ lực tu tập để làm gì? Đâu thoát được gì đâu? Có khi tôi đâm ra ghét vô thường, ghét những gì cứ bị vô thường chi phối. Nhưng tôi vẫn mãi phải sống và trân tráo nhìn nó suốt không thôi. Tôi đã sử dụng hai từ này, vô thường, như một công án để trầm tư.

Theo thời gian, trong tận sâu tâm thức tôi, có cái gì gợi mở, để một ngày mưa tôi thấy chúng vỡ òa đầy xúc động. Cơn vô thường như biến thành những giọt nước mưa tưới tẩm và nuôi dưỡng muôn vạn loại.

Trong truyền thống đạo Phật, ta nghe từ vô thường xuất hiện một cách thường xuyên. Từ đây, có rất nhiều người khẳng định Phật giáo là bi quan, yếm thế, thụ động, không có tinh thần xây dựng và ru ngủ con người trong đêm trường tối tăm, là con đường của tuyệt vọng và vực thẳm. Nói như vậy thì oan uổng cho đức Thế Tôn quá. Mà đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều người mang quan niệm đó, và cánh cửa đi vào an vui tự tại gần như đóng hẳn lại cho những ý thức hệ không vượt thắng tri giác sai lầm.

Vô thường là một sự thật, là một chân lý, là một nhân chứng rõ rệt hằn ghi trên vạn hữu. Có ai có thể chối cải sự thật đó? Ai có thể tìm ra được hiện tượng gì không bị vô thường chi phối? Trong giáo lý nào không thấy ở đó tiếng nói vô thường, chúng ta có quyền nghi ngờ và xét xem có phải là giáo lý đức Phật dạy hay không. Vô thường là một trong ba ấn tín xác nhận đó rõ ràng là giáo pháp của đức Phật. Hai ấn tín còn lại gồm Vô ngã và Niết bàn. Đó gọi là Tam pháp ấn.

Vô thường tức là trạng thái chuyển biến liên tục của vạn vật, trong đó có thân thể và tâm thức của chúng ta. Chúng ta phải có sự chuyển biến, phải có sự thay đổi thì chúng ta mới có sự lớn lên. Một bào thai không bị vô thường thì bào thai đó mãi hoài cứ nằm trong bụng mẹ, bào thai đó mãi hoài không ra khỏi bụng mẹ để thành một đứa trẻ, để lớn lên, để trưởng thành và để hoại diệt. Một rừng cây không chịu tuân theo luật vô thường thì mãi mãi chúng là những hạt mầm, hay mãi mãi chúng chỉ là một cây non, sẽ không bao giờ có những cánh rừng trưởng thành và sẽ không bao giờ chúng có khả năng tạo nên sự tiếp nối cho những thế hệ tiếp theo. Một Angulimala không vô thường thì Angulimala mãi mãi là một tên giết người không ghê rợn với đôi bàn tay luôn vấy máu, và Angulimala đó sẽ không có khả năng để chuyến hóa thành một chàng tu sĩ mà tình thương bao trùm lên tất cả loài vô tình lẫn hữu tình, Angulimala đó sẽ hoàn toàn không có khả năng tu tập để trở thành một đệ tử nổi tiếng trong các công hạnh tu tập. Vậy thì vô thường đáng mừng thầm, đáng hân hoan hay là nơi để mình trở về thở than, để tìm tin sống tuyệt đoạn?

Có một mùa thu, tôi đi học trên đường Lê Duẩn ở Huế, bỗng tôi phát hiện ra bao nhiêu là lá vàng đang chạy chơi trên đường cùng những tia nắng mai, đang thả mình từ hai hàng cây, đang cố đậu lại trên cành giữa vài sợi sương mỏng, cảnh tượng ấy thật diễm hoàng. Và mỗi ngày đi tôi đều thấy con đường ấy rất mới. Một đêm ngồi thiền, cảnh tượng những chiếc lá vàng mùa thu ấy tràn về, và tôi bắt đầu quán chiếu. Những chiếc lá ấy từng chỉ là những mầm non, từng là sự kết hợp mầu nhiệm của ánh sáng, của nước, của đất, của không khí, của những người trồng cây, cảu bao nhiêu thế hệ đi trước nữa... Chính sự luân chuyển trong vô thường đã làm chúng biểu hiện. Biểu hiện chỉ là biểu hiện, biểu hiện không có nghĩa là đến lúc đó chúng mới có mặt. Thật tế chúng đã có mặt từ bao giờ rồi. vũ trụ này sửa soạn có mặt thì chúng cũng đã nhen nhóm thành hình.

Chúng ta sinh ra và đã nghe bao nhiêu người nói đến vô thường. Vô thường được tiếp nối trong tâm thức ta từ dòng máu huyết thống tổ tiên, thử hỏi ta đã bao giờ đàng hoàng ngồi để suy gẫm thật kỹ về điều này chưa? Hay ta chỉ nghe, chỉ nhìn phớt qua cuộc đời rồi cũng triết lý "đời là vô thường" như những chú vẹt? Nếu chưa thì ta phải làm, tùy từng trình độ mà ta sẽ thấy nó sâu sắc hay nông cạn, nhưng ít nhất nó sẽ sâu hơn là khái niệm ta chỉ nghe và nói theo từ những người khác. Vô thường không phải là một sản phẩm mà ta có thể nhìn thấy bộ mặt thật của nó từ khái niệm hay từ người khác. Chúng ta chỉ thật sự thấm nhuần khi tự thân quán chiếu và tìm ra "bản lai diện mục" của nó.

Đức Phật đã không ru ngủ cuộc đời, không khiến cuộc đời chết oan uổng trong mộng mị, không hứa hẹn một nếp sống an vui trong kiếp sống xa xôi nào hay là sau khi bước chân vào cõi chết. Vì thế đức Phật đã nói sự thật. Tất-đạt-đa đã dám đối diện với sự thật và bắt gặp sự mầu nhiệm của sự thật mà trước đây đã nhiều lần vị Thái tử này muốn chạy trốn. Vô thường là một sự thật. Khổ đau là một sự thật. Vạn vật nương nhau để cùng tồn tại, đã có mặt hết lòng cho nhau là một sự thật. Thái tử đã nhìn thấy ánh sáng, và đã thành bậc toàn giác, vượt lên sự trói buộc của những tri giác sai lầm, hòa vào sự thật và dung thông với sự thật. Mà sự thật này, đức Phật thấy, nó có mặt trọn vẹn và mầu nhiệm trong hết thảy chúng sanh, nhưng chúng sanh vì mê mờ mà đã không nhận ra và đã không thể sống với, giống hệt như một gã hành khất có viên ngọc vô giá nơi chéo áo mà không hề nhận ra để sử dụng. Và đức Phật quyết định thuyết pháp, quyết định chỉ cho chúng sanh thấy viên ngọc vô giá đó đang có trong mình.

Bài pháp đầu tiên Thế Tôn tuyên thuyết đã nói về sự thật của khổ, những nguyên nhân khiến khổ có mặt, sự hạnh phúc tự do khi thoát khỏi khổ và con đường diệt khổ để đạt được sự tự do hạnh phúc đó. Và sự thật khổ có mặt là do ta không thấy sự vận hành của các hiện tượng tức là không thấy được vô thường, cho nên khi thương yêu nhau mà phải xa nhau, khi ghét nhau mà phải đối mặt, khi sinh, già, bệnh, chết xuất hiện, khi ước mơ điều gì mà điều đó lại không thể thành tựu... thế là ta khổ đau. Đó là những con sóng lớn nhấn chìm ta xuống vực thẳm của tang thương. Thế là ta khổ? Mà tại sao lại khổ? Vì trong tâm thức ta, ta đã đặt để những quy ước sống và không muốn thay đổi. Ta muốn thương yêu nhau thì mãi mãi phải được ở bên nhau. Đã ghét nhau rồi thì quyết phải cự tuyệt không muốn chạm mặt. Ta không được già. Người thân ta không được chết. Ta cầu ước cái gì thì cái đó phải được thành tựu. Mà làm gì có sự đặt để của thế giới cực lạc như vậy trong cuộc đời này với tâm thức này. Ngọc Hoàng Thượng Đế e rằng cũng không hưởng được đời sống như vậy. Ước muốn một đời sống như vậy thì chẳng biết "thiểu dục tri túc" chút nào cả. Và nghĩ như vậy là đi ngược lại với hiện hữu của cuộc đời. Những thứ bị vô thường chi phối mà chúng ta cứ cho rằng nó là thường. Những gì nhờ nhân duyên kết hợp hình thành thì cũng sẽ vì nhân duyên mà tan rã, tức là vô ngã, vậy mà ta cứ đinh ninh hay khư khư cho rằng nó có một cái ngã bất biến. Đó chính là nguyên nhân của khổ đau, và đó chính là điều chúng ta phải quán chiếu cho thật sâu sắc. Quán chiếu là việc làm hết sức quan trọng để cho ta nhìn thấy sự thật, là việc làm cần thời gian, cần có một sự chú tâm nhất định. Rồi gút thắt sẽ được mở ra, và người quán chiếu sẽ nhìn thấy những thứ xưa nay chưa từng thấy dù điều đó luôn hiện hữu, sẽ dựng lại những gì bị chúng ta đốn ngã, sẽ mở ra những tâm thức khoáng đạt đầy hiểu biết mà lâu nay do sai lầm ta đã đóng kín cánh cửa sự thật đó. "Cửa bất tử sẽ mở ra cho những ngời nào đi đến", Thế Tôn đã từng tuyên bố như vậy.

Đi tu rồi, người tôi nhớ thương và lo lắng nhất là mẹ. Mẹ tôi là một người mẹ Việt Nam , một người đã hy sinh, đã tận tụy với đời sống. Mẹ đã sống vì ba, vì những đứa con. Mẹ lấy đó làm đời sống cho mẹ. Mẹ lấy đó làm hành phúc hay nỗi buồn suốt cuộc đời mẹ. Mẹ hóa thân trọn vẹn trong cuộc đời của ba, của các con mẹ. Trong mẹ có những tố chất điềm tĩnh nhưng cũng chứa nhiều những tâm thức lăng xăng bận rộn với công việc. Mẹ luôn ngủ sau và dậy trước. Ở chùa rồi, mà lâu lâu tôi cứ lo lắng cho bệnh tình của mẹ, cứ hỏi lòng không biết mẹ có được sống bình yên hạnh phúc hay không. Và nỗi sợ lớn nhất tôi nhận diện ra, là tôi sợ mẹ tôi chết. Nỗi sợ ấy có khi chạy thẳng cả vào trong giấc ngủ, khiến tôi hốt hoảng giật mình sau mỗi cơn mộng mị. Lội sâu vào lời dạy đức Phật, dần dần tôi thấy rõ hơn, có tâm lo lắng ấy cũng tốt, nhưng mà chưa đủ. Tôi lo cho mẹ tôi, mà trong thời gian ngồi lo lắng đó, có biết bao nhiêu bà mẹ trên đất nước Việt Nam , bao nhiêu bà mẹ trên cuộc đời đã nằm sâu trong lòng đất lạnh, tại sao ta không hề thấy có sự quan tâm nào? Hay tại vì tôi nghĩ họ không phải là mẹ của tôi, mà chỉ có một người mẹ của tôi mới là mẹ của tôi? Nghĩ như vậy thì tôi không hiểu chút gì về vô thường và vô ngã hết trơn.

Sự tác ý của tôi rộng lớn hơn từ đó. Mỗi lần tụng kinh, ngồi thiền, mỗi lần chia sẻ Phật pháp với một nhóm người nào, tôi đều tác ý tôi đang làm việc đó cho mẹ cho ba, cho hết thảy ba mẹ trên thế gian này, tại vì một kiếp nào xa xôi, tôi cũng từng là con cháu của họ. Đó là điều tôi tiếp nhận và tin tưởng chắc chắn được từ con mắt tuệ của đức Phật. Như thế thì khi mẹ còn sống, tôi sẽ sống hết lòng. Và rồi sau này dù mẹ có ra đi, tôi cũng không quá khổ đau hay hối hận vì đã không làm được gì báo đáp thâm ân nhũ bổ, tỗi đã sống hết lòng khi mẹ còn có mặt. Từ đó, một sự thật kỳ diệu nữa lại xuất hiện, tôi nhận ra mẹ, ba, người thân của tôi không bao giờ chết, họ sẽ tiếp tục sống dưới những hình thức khác trong dòng chảy vô thường này. Chúng ta thấy vô thường rồi, thì mỗi phút chúng ta sẽ sống thật ý nghĩa và có mặt với đời sống hết lòng hơn. Vì vô thường, nên biết đâu khi thức dậy, ta sẽ không còn có cơ hội nói lời cảm ơn, nói lời xin lỗi, nói lời yêu thương hay nhìn họ trọn trái tim được thêm một lần nào nữa. Chúng ta sẽ ý thức giá trị của hiện tại và an trú với hiện tại nhiều hơn, không còn dong ruổi nhiều cùng quá khứ và hão huyền chạy nhảy theo những sóng nắng mơ hồ tương lai. Hiện tại mới là sự sống.

Thấy vô thường, vô ngã như vậy chẳng những không mất mác gì mà còn cho ta cơ hội sống lớn lao và tròn đầy hơn nhiều. Ai bảo đó là cái nhìn và cách sống bi quan, yếm thế, rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng được nữa.

Cái thuở ấu thơ ấy, tôi hay nghêu ngao hát "quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi" bằng cái cách đủ nghĩa của hăng say và tỏ ra thích thú lắm.

Ôi, quan niệm như vậy thì đâu có đúng. Cái thấy đó được tưới tẩm trong mỗi cá nhân thì dễ đưa tới chia rẽ, chiến tranh và đánh nhau lắm, đời sống tự nhiên sẽ nghèo nàn và mất hẳn tính vô lượng của nó. Tại sao ông tác giả nào đó lại không phát triển cái thấy của mình rộng ra mà viết để cổ động mọi người hát "quê hương là toàn vũ trụ, như mẹ có mặt mọi nơi", thế mới là cái nhìn tuệ giác và ta mới tiếp nhận hết gia tài giàu có mà ta có quyền được thừa kế và sử dụng chứ. Quê hương rõ ràng là chùm khế ngọt, là con diều bay giữa trời tự do, là con đường đi học nở đầy hoa dại, là những đêm trăng bình đẳng chiếu soi mà không thuộc về riêng ai... Mà quê hương cũng rõ ràng là toàn thể vũ trụ. Vũ trụ bao la đã góp tay tác thành, đã cùng nhau hội tụ huyết lực sinh ra cái khế cây cau, làm nên con đường cánh diều, tạo dựng con ong con bướm, bụi tre chiếc cầu. Quê hương đâu của riêng ai hay đâu là duy nhất.

"Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này diệt vì cái kia diệt" nằm trong ý nghĩa đó, rất thật, rất rõ ràng chứ không phải chỉ là lời xác quyết suông mà chưa được thực chứng qua quá trình tu tập của bậc giác ngộ. Đó không hề là mĩ từ, không hề lạm ngôn, không hề ảo tưởng. Đó là sự thật, là điều hoàn toàn ta có thể cảm nhận được và sống với. Lớn lên, những lời dạy đầy kinh nghiệm yêu thương và trí tuệ của đức Phật đã cho tôi cái nhìn rộng rãi đó.

Núi Thứu bao giờ vẫn còn Phật điềm tọa thuyết pháp. Đức Phật cũng từng ghé thăm núi đồi Kim Sơn. Vô thường và Vô ngã và Niết Bàn và cái nhìn sâu sắc ba pháp ấn đã chứng minh cho sự thật đó.

Đồi Kim Sơn, 02-07-2011

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/vo-thuong-kho-vo-nga/10732-Tim-gap-vo-thuong.html