KRISTI NELSON
Tiền là một vấn đề luôn đè lên nặng tâm trí ta, bất luận ta đang ở trong tình cảnh nào. Và đối với những người chuyên tâm để sống có chánh niệm như chúng ta, mối bận tâm về tiền bạc vẫn không hề giảm đi.
Chánh niệm giúp ta trau dồi những phẩm chất của sự chú ý, để ta có thể đón nhận trọn vẹn và sẵn sàng tiếp cận với những gì diễn ra trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khi chúng ta giáp mặt với những khoảnh khắc quan trọng liên quan đến tài chính, như: cuốn sổ thanh toán bằng séc đã dùng hết, đưa ra quyết định đầu tư, yêu cầu mượn tiền, mong muốn một cái gì đó vượt ngoài khả năng của ta, hoặc lướt trên thị trường chứng khoán biến động mạnh,… thì những khả năng chánh niệm mà chúng ta có được một cách liên tục trong những lúc khác có thể biến mất.
Những lúc như thế, chúng ta có thể dễ dàng chạy theo những cảm xúc vô thức và những hành vi dẫn đến đau khổ.
May mắn thay, cùng một mức độ mà tiền bạc đã đem đến cho cuộc sống của ta đầy những thách thức, khó khăn thì có một con đường có thể đưa chúng ta đến với cái nhìn sâu sắc hơn, giúp chúng ta có được cuộc sống dễ dàng hơn.
Trong 25 năm, tôi đã hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hướng đến mối quan hệ dễ chịu và hiệu quả hơn với tiền bạc, tôi nhận ra rằng, mặc dù giữa chúng ta có sự khác biệt lớn, nhưng vẫn có nhiều điểm chung về lý do tại sao chúng ta phải vật lộn với tiền bạc và làm sao để có thể trải nghiệm sự yên bình sâu sắc hơn về nó.
Dưới đây là 3 phần trong sự thực tập mà ta có thể dùng để nâng cao giá trị sống trong mối liên hệ của ta với tiền bạc.
Nhìn vào bên trong
Mỗi cá nhân đều có một câu chuyện đặc trưng liên quan đến tiền bạc mà chúng ta mang theo và trình bày với thế giới bằng vô số cách. Những câu chuyện ấy có thể trở thành những mô hình mặc định không được đánh giá và chúng kiểm soát vấn đề tài chính của chúng ta. Để có chánh niệm về tiền bạc có nghĩa là trước hết ta phân tích những nguồn gốc của các câu chuyện mà chúng ta nói với chính mình. Chúng ta không thể nào vượt qua những thứ mà mình không thể nhìn thấy. Hãy xem xét vai trò của những sự ảnh hưởng sau đây:
* Sự thừa kế của ta
Ta là sản phẩm của tổ tiên nhiều đời và gia đình trong hiện tại của mình, và còn là sản phẩm của nền tảng văn hóa và giai cấp, địa vị của ta nữa. Những thông điệp, những câu châm ngôn, và những câu chuyện hoang đường về tiền bạc được truyền đến ta một cách công khai, tinh tế. Có những câu chuyện và những thông điệp mà ta được nghe liên tục khi trưởng thành hay không? Điều mà ta nói “đúng sự thật” về tiền bạc là gì? Bao nhiêu là “đủ” cho gia đình của ta? Ta đã kế thừa được thái độ gì đối với tiền bạc từ tầng lớp của ta? Ta đã được dạy những gì về người thuộc các tầng lớp khác? Làm sao ta vẫn có thể bày tỏ sự trung thành với lịch sử này?
* Bản ngã ham muốn của ta
Tất cả chúng ta đều sớm có những niềm tin về tiền bạc mà chúng ta đã chấp nhận chúng một cách dễ dãi. Những niềm tin này có thể điều khiển hành vi, lọc lừa những thứ chúng ta có thể nhìn thấy. Chúng tạo ra một trạng thái tâm lý khiến chúng ta không quan sát trọn vẹn những thứ diễn ra trong cuộc sống của mình. Lòng tham muốn không biết chán, không biết đủ khiến chúng ta dễ bị tổn thương đối với những ước mơ và lời hứa hão huyền về sự sung túc. Sự túng thiếu có thể đưa đến những hình dạng thô tháo của tật háu ăn. Sự ham muốn và sự ác cảm đã thể hiện trong mối quan hệ của ta với tiền bạc như thế nào? Có phải ta đã bị nhận nhầm một số điều ham muốn của mình, xem chúng như là đặc tính của bản thân?
* Cái bản ngã ẩn nấp của ta
Ta đang giấu điều gì trong mối liên hệ với tiền bạc? Sự đánh giá nào làm cho ta sợ? Những người giàu thường che giấu sự giàu có, cũng giống như những người phải vật lộn để mưu sinh thì che giấu nợ nần. Khi che giấu sự thật, chúng ta trở thành “hạng người lừa đảo”. Trong cả hai phương thức, ta đều có thể xuyên tạc sự thật về tiền bạc trong cuộc sống của ta. Và điều đó khiến ta không có được những mối quan hệ đích thực.
Những câu chuyện về tiền bạc là rất mạnh mẽ, chúng có thể giữ cho chúng ta không bị trói chặt vào trong sự ảo tưởng hoặc hướng chúng ta đến với sự hiểu biết sâu sắc. Hãy dùng ý thức để soi rọi vào những vùng vô thức ấy. Một khi ta hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ta thì ta có thể bắt đầu hành động với nhận thức sâu sắc hơn. Đôi khi tất cả chúng ta nhầm lẫn giữa câu chuyện của mình với vấn đề chúng ta là ai. ‘Câu chuyện’ được hiểu là đang làm cho người ta tin theo.
Nhìn ra bên ngoài
Những điều kiện bên trong của chúng ta tạo ra những lỗ hổng mà xã hội phương Tây đã đặt ra để giải quyết. Thật khó để không bị chi phối bởi vô số các giải pháp khắc phục khủng hoảng tài chính và các quy định tấn công chúng ta dồn dập từ bên ngoài. Tuy nhiên, những “giải pháp” đó chỉ có thể định hình và củng cố hiện trạng của chúng ta trong phạm vi hạn hẹp mà thôi chứ không thể khuyến khích chúng ta đưa ra vấn đề đối với những giả định đằng sau chúng.
* Những kế hoạch của ta
Các chuyên gia tiền tệ truyền thống khuyên chúng ta thiết lập những mục tiêu đầy tham vọng, đưa ra những ngân sách cụ thể, và phát triển những kế hoạch tài chính dài hạn. Sự chỉ dẫn của họ chú trọng đến việc kinh doanh nhằm chuẩn bị cho một tương lai không biết trước, bỏ qua giây phút hiện tại, và được dựa trên những giả định rằng: Tất cả chúng ta đều muốn được giàu có, muốn nghỉ hưu sớm, và muốn có thật nhiều thứ xa xỉ... mà không phải đóng thuế. Là người trưởng thành có nghĩa là có một danh sách dài về các mục tiêu tập trung vào vấn đề “nhiều hơn”. Sự an ninh được đo lường hoàn toàn dựa trên tài chính. Ngay cả lời khuyên được cho là “sáng suốt” nhất cũng dựa trên những giả định này.
* Sự chi tiêu của ta
Trong nền văn hóa của chúng ta, có một số thói quen đã ăn sâu như là: mong muốn thành đạt, và thích thú trong sự ganh đua để có được món hời, đam mê thành công, hoặc đầu tư một cách khôn ngoan. Những cá tính và niềm vui của chúng ta trở nên gắn bó chặt chẽ với nơi mà chúng ta đặt tiền vào và những gì nơi ấy nói về chúng ta. Chúng ta nuôi lớn những thị hiếu mà chúng cần phải được thể hiện và thỏa mãn, và chúng ta thể hiện dấu vân tay độc đáo của mình với thế giới thông qua những thứ chúng ta lựa chọn, bao gồm cả những sự đầu tư. Ngay cả với yoga, thiền định, và sự giản dị cũng đã bị thương mại hóa. Chúng ta cần phải giữ chánh niệm, tiêu thụ là một lĩnh vực mà chúng ta thường thiếu chánh niệm về nó.
* Thu nhập của ta
Chúng ta không phải là những gì chúng ta kiếm được. Bởi vì chúng ta có thể tính phí 100 Mỹ kim một giờ không có nghĩa là chúng ta nên làm, hoặc là chúng ta khó có thể tính phí 100 Mỹ kim một giờ không có nghĩa là chúng ta không nên làm. Nếu có một nhà tuyển dụng có tiềm năng hỏi về mức lương mà chúng ta yêu cầu, thì mức lương thấp nhất mà chúng ta đưa ra là bao nhiêu? Chẳng phải một mức lương hàm ý một bậc lương cao nhất sao? Ta có một mức lương cao nhất “vừa đủ” không? Đồng tiền đã bị gắn kết một cách sai lầm với sự thành công, giá trị và quyền được hưởng. Chính từ sự lúng túng này mà chúng ta hiếm khi tư duy một cách rõ ràng về những gì chúng ta thật sự cần và coi trọng.
Cần phải có sự tập trung cao độ để gỡ rối những vấn đề đã khiến cho suy nghĩ và hành vi của chúng ta liên quan đến tiền bạc trở nên phức tạp. Về phương diện lý trí, chúng ta có thể biết rằng sự an ninh không tùy thuộc vào “vật chất”, rằng chúng ta không phải là những gì chúng ta sở hữu, và rằng cuộc sống của chúng ta không đo bằng những gì chúng ta kiếm được. Tuy nhiên, điều này ăn sâu và được tăng cường hầu như ở khắp mọi nơi. Chúng ta đang gánh chịu sức ép mạnh mẽ của những áp lực xã hội về tiền bạc, và để thoát ra khỏi sức ép ấy đòi hỏi chúng ta phải có sự nỗ lực mạnh mẽ tương ứng.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh
Thời gian, năng lượng, và tình cảm là những hình thức của tiền tệ, cũng như đồng tiền. Những gì chúng ta làm với những nguồn tài nguyên quý giá này nói lên một điều chắc thật rằng chúng ta là ai và cái gì quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta khẳng định và tái khẳng định chính mình trong việc phân bổ các loại tiền tệ. Những mục đích rõ ràng của chúng ta có thể hình thành một chuẩn mực cho sự tự do tài chính của mình, cũng giống như hơi thở đi vào và đi ra khỏi cơ thể chúng ta có thể là chuẩn mực cho sự thực tập chánh niệm.
* Những giá trị của ta
Cũng giống như máu thịt sắp xếp xung quanh cột sống, vấn đề tài chính của chúng ta cần phải được sắp xếp theo một bản mẫu về những giá trị của bản thân. Chúng ta phải luôn khám phá, xác định và kiểm tra các giá trị của mình.
Ta thực sự đại diện cho cái gì? Những nguyên tắc và niềm tin nào ta muốn thể hiện trong cuộc sống? Những nhiệm vụ nào ta muốn ưu tiên? Giới hạn vừa đủ của ta là bao nhiêu? Ta muốn thể hiện những khác biệt gì? Cái giá đích thực về sự nhiều hơn/ít hơn mức vừa đủ đối với cuộc sống, với các mối quan hệ của ta, và với thế giới là gì?
Kết nối những giá trị cốt lõi của chúng ta lại với nhau không phải là một việc đơn giản. Nó đòi hỏi phải có sức mạnh và sự khiêm tốn, và đặt chúng ta vào vị thế phải có tinh thần tự chịu trách nhiệm và có trách nhiệm.
* Tiền bạc của ta
Hãy nhìn rõ ràng vào phương thức mà tiền bạc đã đến với cuộc sống của ta và nơi nó ra đi. Sự thật không trau chuốt về lối mòn tiền bạc của ta nói lên những điều quan trọng. Đấy là những thông tin chi tiết về các vấn đề. Gom mỗi phần phân bổ lại bên mô hình giá trị mẫu của ta và kiểm tra mức độ mâu thuẫn giữa chúng hoặc là xem mức độ tiến triển của các giá trị. Những giá trị của ta hiển thị như thế nào nơi sự thu nhập của cá nhân? Chúng không thể hiện ở điểm nào? Ta có giữ được tiền mà không sợ hãi hay không? Ta có cho đi nhiều hơn ta có thể thực sự đủ khả năng hay không? Có phải ta có nhiều hơn nhu cầu của ta hay không? Hay là ít hơn nhu cầu của ta?
Cuối cùng, liệu pháp đối với việc dễ bị ảnh hưởng trước sự lôi kéo của những vấn đề bên trong ta và sức hút của các thông điệp về tiền bạc trong xã hội có thể nằm ở nơi việc biết một cách rõ ràng về những gì chúng ta đại diện cho, và sự mong muốn thể hiện điều đó trong mọi quyết định liên quan đến tài chính mà chúng ta đưa ra.
* Sự lựa chọn của ta
Hãy ghi vào những nơi dễ thấy về một vài trong số các giá trị của mình, như là viết chúng trên cuốn sổ séc của ta, trên màn hình máy tính, trên ví tiền và trên thẻ tín dụng. Nhắc nhở chính mình về những gì ta đại diện cho. Hãy thử tạo ra sự cân bằng cho cuốn sổ séc của ta mỗi tháng. Hãy rộng lượng! Hãy ban tặng thứ gì đó có ý nghĩa. Bắt đầu một cuộc trò chuyện tốt đẹp mỗi ngày. Bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những con đường đưa ta đến sự giàu có. Hãy minh bạch với bạn bè, phát triển cộng đồng. Thể hiện lòng từ bi bằng sự đóng góp nhiệt tình. Ta có thể làm gì nữa để khởi đầu sự dịch chuyển tiền của một cách có chánh niệm trong cuộc sống của ta?
Nếu chúng ta xem mối liên hệ có chánh niệm với tiền bạc như là một kênh thông tin để học tập thì chúng ta có thể thân thiện với những gì chúng ta đã làm ngơ, có thể mở ra những chuyện khó tin mà chúng ta đã che giấu và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn là những gì ta muốn và thế giới cần. Để cho tiền bạc nằm ở phía trước và trung tâm trong sự chú ý của ta, chúng ta có thể hít một hơi thở sâu mỗi khi chúng ta đối mặt với khoảnh khắc quan trọng liên quan đến tài chính, và khám phá những khả năng mới mà ta hành xử với tiền bạc để minh họa cho những gì ta thực sự muốn thể hiện trong cuộc sống của mình.
Minh Nguyên dịch từ bài Mind over Money, tạp chí Mindful: Living with awareness and compassion,01-2011, tr.30 - 33
http://www.phattuvietnam.net/doisong/nghethuatsong/17454-t%C3%A2m-v%C3%A0-ti%E1%BB%81n.html