Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Sự an định

Hình minh họa
(VHPGO) Sự an định, hay nhất tâm, là một hình thức thiền tập trong đó bạn lựa chọn một đối tượng rồi chú tâm hoàn toàn vào đó. Mức độ tập trung sẽ không đạt được ngay chỉ trong một lần ngồi thiền. Bạn nhất thiết phải luyện tâm qua từng mức độ. Dần dần, bạn sẽ thấy tâm trí mình ngày càng có khả năng tập trung chú ý cao hơn. Sự an định là trạng thái ổn định của tâm thức khi bạn có thể duy trì tập trung lâu dài vào một đối tượng tinh thần tùy theo ý muốn, với một sự định tĩnh hoàn toàn không bị phân tán.

Trong sự tu tập pháp thiền này (thiền chỉ), cũng giống như với mọi pháp thiền khác, cần nhắc lại rằng động cơ tu tập là quan trọng hơn cả. Kỹ năng tập trung vào một đối tượng duy nhất có thể được vận dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau. Đây chỉ thuần túy là một kỹ năng, và kết quả của nó được quyết định bởi động cơ thực hành của bạn. Là những người tu tập tâm linh, điều tự nhiên là chúng ta quan tâm đến động cơ và mục tiêu đạo đức. Bây giờ ta hãy phân tích những khía cạnh kỹ thuật của phương pháp tu tập này.

Sự an định được nhiều tín đồ của những tôn giáo khác nhau tu tập. Người tu tập pháp thiền này bắt đầu tiến trình tu tập bằng cách chọn một đối tượng thiền quán. Một tín đồ Thiên chúa giáo có thể chọn cây thánh giá hay Đức mẹ Đồng trinh làm mục tiêu của sự chú tâm khi thiền quán. Có thể khó khăn hơn cho người theo đạo Hồi giáo vì đạo này không có biểu tượng hình ảnh, nhưng họ có thể sử dụng niềm tin vào thánh Allah [như một đối tượng], vì đối tượng của thiền quán không nhất thiết phải là một đối tượng vật thể hay nhìn thấy được. Vì vậy, người ta có thể duy trì sự chú tâm vào đức tin sâu xa nơi Thượng đế, hoặc cũng có thể chú tâm vào thánh địa Mecca. Trong các bản văn Phật giáo thường sử dụng hình ảnh đức Phật Thích-ca Mâu-ni như một đối tượng điển hình cho sự chú tâm. Một trong những lợi ích của điều này là giúp cho nhận thức của hành giả về những phẩm tính siêu việt của một vị Phật càng thêm sâu sắc, cùng với sự cảm kích về lòng từ bi của ngài. Kết quả là hành giả có được một cảm nhận mạnh mẽ hơn về sự gần gũi với đức Phật.

Hình ảnh đức Phật mà bạn chú tâm trong pháp thiền này không nên là bức tranh hay bức tượng. Mặc dầu bạn có thể sử dụng hình tượng cụ thể để giúp bạn quen thuộc dần với hình dáng và kích thước của đức Phật, nhưng [trong thiền quán thì] bạn nhất thiết phải chú tâm vào hình tượng của đức Phật trong tâm hồn. Bạn phải khởi lên trong tâm trí một hình dung về đức Phật. Một khi bạn làm được như vậy, tiến trình của sự an định có thể được bắt đầu.

Đức Phật được hình dung trong tâm trí bạn không nên quá xa, cũng không nên quá gần. Bạn nên hình dung đức Phật ở khoảng ngang tầm chân mày, ngay phía trước mặt bạn khoảng 1,2 mét là được. Chiều cao của hình tượng Phật nên được hình dung vào khoảng 7 – 10 cm hoặc nhỏ hơn. Việc hình dung một hình tượng Phật nhỏ nhưng tỏa sáng, như thể được tạo thành bằng ánh hào quang, sẽ rất hữu ích. Hình dung một hình ảnh tỏa sáng giúp làm giảm khuynh hướng tự nhiên rơi vào trạng thái hôn trầm hay buồn ngủ. Mặt khác, bạn cũng nên cố hình dung một hình tượng có sức nặng. Nếu hình ảnh đức Phật được cảm nhận với một trọng lượng nào đó, khuynh hướng bất an có thể được chế ngự.

Cho dù bạn có chọn đối tượng thiền quán là gì đi chăng nữa, sự chú tâm của bạn cũng nhất thiết phải ổn định và sáng suốt. Sự ổn định giảm đi vì sự phấn khích và tính chất phân tán, xao lãng của tâm thức, vốn là một khía cạnh của tham ái. Tâm thức rất dễ bị chi phối bởi những dòng suy nghĩ về các đối tượng mà ta khao khát. Những suy nghĩ như thế ngăn cản ta phát triển phẩm tính an định cần thiết để thật sự an trú nơi đối tượng thiền quán đã chọn. Mặt khác, sự sáng suốt bị che mờ hơn nữa bởi sự phóng dật, buông thả, đôi khi cũng được gọi là một chướng ngại của tâm thức.

Việc phát triển sự an định đòi hỏi bạn phải dấn thân hoàn toàn vào tiến trình cho đến khi bạn trở nên lão luyện. Một môi trường yên ổn, tĩnh lặng được xem là thiết yếu, cũng như phải có được những người bạn hỗ trợ. Bạn cần phải tạm gác lại mọi nỗi lo toan trong đời sống thế tục – chuyện gia đình, chuyện kinh doanh hay các mối quan hệ xã hội – và hoàn toàn dành trọn tâm trí vào việc phát triển sự chú tâm. Trong giai đoạn ban đầu, tốt nhất là bạn nên ngồi thiền nhiều lần với khoảng thời gian ngắn trong ngày, có thể khoảng mười đến hai mươi lần, mỗi lần mười lăm đến hai mươi phút là thích hợp. Khi sự chú tâm của bạn đã phát triển, bạn có thể kéo dài hơn thời gian mỗi lần ngồi thiền và giảm số lần trong ngày. Bạn nên ngồi theo một tư thế thiền định chính thức (kiết già hoặc bán già), giữ lưng thật thẳng. Nếu bạn tu tập thật chuyên cần, bạn có thể đạt được sự an định chỉ trong vòng sáu tháng.

Một thiền giả phải học cách đối trị với các chướng ngại khi chúng xuất hiện. Khi tâm thức có vẻ như trở nên phấn khích và bị cuốn theo một ký ức dễ chịu hay một áp lực trách nhiệm nào đó, hành giả nhất thiết phải nhận biết ngay và hướng tâm quay về chú ý vào đối tượng đã chọn. Cần nhắc lại ở đây rằng, chánh niệm là phương tiện giúp ta làm được điều đó. Khi bạn mới bắt đầu phát triển sự an định, thật khó để giữ tâm hướng vào đối tượng lâu dài hơn chốc lát. Nhờ phương tiện là chánh niệm, bạn hướng tâm liên tục quay lại với đối tượng. Và một khi ta đã chú tâm được vào đối tượng thì chính nhờ vào chánh niệm mà sự chú tâm đó được duy trì, không bị phân tán.

Sự quán chiếu nội tâm bảo đảm rằng sự chú tâm của ta luôn tiếp tục ổn định và sáng suốt. Nhờ vào sự nội quán, ta có thể nhận biết được ngay khi tâm thức trở nên phấn khích hay phân tán. Những người quá năng động và nhanh nhẹn đôi khi không thể nhìn thẳng vào mắt bạn khi trò chuyện. Họ liên tục đảo mắt nhìn quanh. Một tâm thức tán loạn cũng rất giống như thế, không thể duy trì sự chú tâm vì trạng thái phấn khích. Sự nội quán giúp ta có thể hướng tâm trở lại phần nào bằng sự chú ý vào nội tâm, nhờ đó làm suy giảm sự phấn khích trong tâm thức. Điều này tái lập sự an định của tâm thức.

Sự quán chiếu nội tâm cũng giúp ta nhận biết được khi tâm thức trở nên buông thả và hôn trầm, để nhanh chóng hướng tâm về đối tượng quán chiếu ngay lập tức. Đây là vấn đề thường gặp đối với những ai có bản chất sống cách biệt. Sự thiền quán của họ trở nên quá yếu ớt, thiếu hẳn sinh khí. Sự nỗ lực quán chiếu nội tâm có thể giúp họ kích hoạt tâm thức bằng những suy nghĩ có tính chất vui thích, và nhờ đó làm gia tăng sự sáng suốt và nhạy bén tinh thần.

Khi bắt đầu nuôi dưỡng sự an định, không bao lâu bạn sẽ nhận rõ rằng việc duy trì sự chú tâm vào chủ đề đã chọn, dù chỉ trong một thời gian ngắn, là một thử thách rất lớn. Nhưng đừng nản chí! Chúng ta xem đây là dấu hiệu tích cực, vì cuối cùng thì bạn cũng bắt đầu nhận biết được sự năng động cực kỳ của tâm thức. Bằng cách kiên trì tu tập, khéo léo vận dụng chánh niệm và sự quán xét nội tâm, bạn sẽ có được khả năng kéo dài thời gian định tâm, tập trung vào đối tượng đã chọn, trong khi vẫn duy trì được sự nhạy bén, sinh khí và sự rung động của tư tưởng.

Có nhiều loại đối tượng, cụ thể hoặc trừu tượng, có thể được dùng để phát triển sự định tâm. Bạn có thể nuôi dưỡng sự an định bằng cách sử dụng ngay chính tự thân ý thức như đối tượng tập trung của thiền quán. Tuy nhiên, thật không dễ để có khái niệm rõ ràng về ý thức là gì, vì sự nhận hiểu này không thể có được chỉ đơn thuần qua miêu tả bằng ngôn ngữ. Một hiểu biết chân thật về bản chất của tâm thức nhất thiết phải có được qua thực nghiệm.

Một sự hiểu biết như thế nên được phát triển như thế nào? Trước hết, bạn phải quan sát thật kỹ những trải nghiệm tư tưởng và cảm xúc của chính mình, quan sát phương cách mà ý thức đã sinh khởi trong bạn, quan sát phương cách mà tâm thức bạn hoạt động. Hầu hết thời gian ta kinh nghiệm được tâm thức hay ý thức đều là thông qua sự tương tác giữa ta với thế giới bên ngoài – những ký ức [về quá khứ] và dự định tương lai. Bạn thấy bực dọc vào buổi sáng? Chán nản vào buổi tối? Ám ảnh về một mối quan hệ đổ vỡ? Lo lắng về sức khỏe con cái? Hãy tạm gác lại tất cả. Bản chất của tâm thức, vốn là một kinh nghiệm sáng suốt của sự nhận biết, bị che khuất đi bởi những kinh nghiệm thông thường của chúng ta. Khi thiền quán về ý thức, bạn nhất thiết phải cố gắng duy trì tập trung vào giây phút hiện tại. Bạn phải ngăn chặn không để cho những hồi tưởng quá khứ xen vào sự quán chiếu của bạn. Tâm thức không nên hướng về quá khứ, cũng không nên chịu ảnh hưởng bởi những hy vọng hoặc lo sợ về tương lai.

Một khi bạn ngăn được những suy nghĩ như thế không để chúng làm gián đoạn sự định tâm, những gì còn lại chính là khoảng giữa của sự hồi tưởng về kinh nghiệm quá khứ và những mong đợi, dự tính về tương lai. Khoảng giữa này là một sự trống trải rỗng rang. Bạn nhất thiết phải nỗ lực để duy trì sự chú tâm chỉ vào khoảng trống rỗng rang này.

Ban đầu, kinh nghiệm của bạn về khoảng trống rỗng rang này chỉ là một thoáng qua. Tuy nhiên, khi tiếp tục tu tập, bạn bắt đầu có thể kéo dài thời gian đó. Trong khi làm như vậy, bạn xua tan những tư tưởng ngăn che sự hiển lộ bản chất thật sự của tâm thức. Dần dần, sự nhận biết thuần túy sẽ có thể tỏa sáng soi khắp. Với sự tu tập, khoảng thời gian đó có thể ngày càng kéo dài hơn, cho đến khi đủ để bạn nhận hiểu được ý thức là gì. Điều quan trọng là phải hiểu được rằng, sự kinh nghiệm khoảng rỗng rang tinh thần này – khi ý thức hoàn toàn không còn mọi tiến trình suy nghĩ – không phải là một kiểu đầu óc trống không. Đó không phải là những gì con người trải qua trong giấc ngủ sâu không mộng mị hoặc khi bị bất tỉnh.

Vào lúc bắt đầu buổi thiền tập, bạn nên tự nhắc nhở mình: “Tôi sẽ không để cho tâm ý bị xao lãng bởi những suy nghĩ về tương lai, những suy đoán, hy vọng hoặc sợ hãi, cũng không để tâm ý chạy theo những hồi ức quá khứ. Tôi sẽ duy trì sự chú tâm vào giây phút hiện tại này.” Sau khi đã phát khởi một quyết tâm như vậy, bạn hướng tâm đến khoảng không rỗng rang ở giữa quá khứ và tương lai như đối tượng của thiền quán và chỉ đơn giản duy trì sự nhận biết về điều đó, loại bỏ bất kỳ tiến trình tư duy khái niệm nào.

HAI CẤP ĐỘ CỦA TÂM THỨC

Về bản chất, tâm thức có hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là kinh nghiệm rõ ràng của sự nhận biết như vừa nói trên. Cấp độ thứ hai và là bản chất rốt ráo của tâm thức, được kinh nghiệm với nhận thức rằng tâm thức này không hề có tự tính tự tồn tại. Để phát triển sự chú tâm hoàn toàn vào bản chất rốt ráo của tâm thức, bạn khởi đầu bằng cách xem cấp độ tâm thức thứ nhất – kinh nghiệm rõ ràng của sự nhận biết – như là đối tượng của sự tập trung thiền quán. Một khi đã đạt được sự tập trung ấy, bạn bắt đầu suy ngẫm về sự không có tự tính tự tồn tại của tâm thức. Những gì xuất hiện trong tâm thức vào lúc đó đích thật là tánh Không, hay không có bất kỳ tự tính tự tồn tại nào của tâm thức.

Đó là bước đầu tiên. Sau đó, bạn lấy tánh Không này làm đối tượng của sự tập trung thiền quán. Đây là hình thức thiền định rất khó khăn và đầy thách thức. Người ta nói rằng, một thiền giả ở cấp độ cao nhất, trước tiên phải nuôi dưỡng tri kiến về tánh Không, và sau đó trên nền tảng của tri kiến này, sử dụng chính tánh Không như đối tượng của thiền quán. Tuy nhiên, việc có được phần nào phẩm tính an định sẽ rất hữu ích để làm phương tiện đạt đến sự nhận hiểu về tánh Không ở mức độ sâu sắc hơn.

Trích từ sách Rộng mở tâm hồn

http://vanhoaphatgiao.com.vn/?p=2770