Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

CHẾT – THỂ DẠNG TRUNG GIAN – TÁI SINH


Dagpo Rimpoché

Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch :

Dagpo Rimpoché là một gương mặt lớn của Phật giáo Tây tạng tại Âu châu. Khi vừa mới một tuổi Dagpo Rimpoché đã được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIII xác nhận là vị hóa thân (tulku) của Ngài Mã-nhĩ-ba (Marpa, 1012-1097) một vị Đại sư của Tây tạng và là thầy của Đại sư Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa, 1052-1135). Dagpo Rimpoché sinh năm 1932, vào chùa từ lúc sáu tuổi, tu học tại các tu viện đại học danh tiếng nhất ở Tây tạng. Ngài rời Tây Tạng vượt sang Ấn vào năm 1959 và sau đó lưu trú tại Pháp từ năm 1960.

Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một tài liệu ghi chép lại các buổi thuyết trình của ông trong hai ngày 29 và 30 tháng 6 năm 1985 tại ngôi chùa của Tổng hội Phật giáo Pháp trong công viên Vincennes tại Paris. Thông dịch và ghi chép : Marie-Stelle Boussemart.

Thứ bảy 29 tháng 6 năm 1985

Chúng ta có hai ngày cùng nhau học hỏi, vậy mỗi người trong chúng ta hãy cố gắng mang lại cho mình một chút lợi ích nào đó. Muốn thế chúng ta cần có một động cơ thúc đẩy.

Vậy làm thế nào để tạo cho mình một động cơ cần thiết ?

Trước hết phải nhìn vào cơ sở hỗ trợ cho sự sống này của chính mình để hiểu rằng muốn được mang thân xác con người phải hội đủ thật nhiều điều kiện quý hiếm. Thật sự ra điều này ai cũng biết, thế nhưng không mấy ai nghĩ đến hoặc chỉ ý thức một cách mơ hồ. Vậy trước hết chúng ta phải ý thức được tầm quan trọng đó.

Nếu không làm gì thì ta cũng sẽ chẳng gặt hái được gì cả. Nếu biết sử dụng "cơ sở" sẵn có này [tức sự hiện hữu dưới thể dạng con người] để cố gắng một cách thiết thực thì sẽ mang lại cho mình nhiều điều lợi ích : sự sống của mình trở nên tốt đẹp hơn, sự tái sinh trong tương lai cũng thuận lợi hơn, và biết đâu có thể đạt được cả sự Giải thoát toàn vẹn.

Những bằng chứng nào cho thấy chắc chắn là ta sẽ đủ khả năng thành công ? Cứ nhìn vào những gì ta đã thực hiện được trước đây. Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều từng học hỏi hay làm một việc nào đó và đạt được kết quả. Nếu đã từng gặt hái được kết quả, hôm nay sự cố gắng của ta nhất định cũng sẽ mang lại kết quả, hơn thế nữa kết quả mà chúng ta sắp gặt hái sẽ lợi ích hơn nhiều so với những gì trước kia.

Chúng ta đang có cơ duyên gặt hái được những lợi ích thiết thực, vì thế cũng nên cố gắng với tất cả khả năng sẵn có của mình. Biết đâu nhờ vào các khả năng đó ta có thể đạt được thể dạng của một vị Phật ngay trong kiếp sống này, nếu không ít ra ta cũng khám phá được con đường quán thấy của Đại thừa – có nghĩa là con đường giải thoát khỏi cõi ta-bà, không còn phải quay lại với những chu kỳ hiện hữu bất tận, ngoài sự mong muốn của mình. Nếu tệ hơn thế nữa trong trường hợp không đủ sức tìm được con đường quán thấy của Đại thừa đi nữa, tối thiểu ta cũng thực hiện được một tâm thức tỉnh ngộ trong kiếp sống này. Nếu không cố gắng làm được một cái gì đó thì cuộc sống dưới thể dạng con người của chúng ta quả thật là vô vị.

Vì thế chúng ta cần phải cố gắng, vì nếu cứ để bị trói buộc trong cõi ta-bà, chẳng những không bao giờ ta tìm thấy hạnh phúc mà lúc nào cũng phải đương dầu với khổ đau. Trong cõi ta-bà, luôn luôn ta phải đối đầu với mọi thứ khó khăn và buồn phiền, nhất là khổ đau vì phải chết, phải sinh, bị bệnh tật và già nua.

Vì thế nên sử dụng ngay các khả năng hiện có để thực hiện mục đích vạch ra trên đây. Tại sao phải bắt tay ngay ? Bởi vì không thể nào biết chắc ta sẽ còn giữ được các điều kiện thuận lợi như hiện nay. Trong tương lai nếu muốn hội đủ các điều kiện thận lợi mà hiện ta đang có quả thật là một chuyện vô cùng bấp bênh.

Vì thế không nên nghĩ rằng kiếp người của ta còn dài mà tha hồ làm những gì muốn để khất lại việc tu tập thêm vài năm nữa. Đấy là một cách tính toán kém thận trọng, ta không thể biết trước những gì sẽ xảy ra, biết đâu ta sẽ chết trước ngày dự trù sẽ tu tập. Thật thế tu tập là việc cấp bách, không nên chần chờ.

Vậy tu tập là thế nào ? Đấy là cách biến cải hành vi của mình. Sự biến cải ấy gồm ba khía cạnh tu tập :

- tu tập dựa vào thân xác

- tu tập dựa vào ngôn từ

- tu tập dựa vào sự sinh hoạt tâm linh

Ba khía cạnh tu tập này nhất thiết phải mang lại một ý nghĩa hay một phẩm tính cao cả nào đó.

Vì thế tu tập không phải chỉ nhắm vào lợi ích của riêng mình mà đúng hơn phải hướng vào tất cả chúng sinh. Một người Phật giáo phải hiểu rằng việc tu tập giúp mình trở thành một vị Phật để đủ khả năng mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh.

Những người không theo Phật giáo cũng nên hiểu rằng muốn giúp đỡ tất cả mọi sinh linh loại bỏ khổ đau và đạt được hạnh phúc đương nhiên phải cần đến một số khả năng nào đó, vì thế phải cải thiện nội tâm mình để khám phá ra những khả năng ấy.

* * * *

Đến đây chúng ta hãy đi thẳng vào chủ đề được nêu lên, đấy là cái chết, thể dạng trung gian và sự đầu thai.

Tại sao lại đề cập đến ba thể dạng trên đây ? Nếu không tin có đầu thai, đương nhiên chủ đề trên đây hóa thành vô nghĩa, vì thế muốn tiếp tục cuộc bàn thảo ít ra chúng ta cũng phải chấp nhận trong cuộc sống vào một lúc nào đó cái chết xảy đến, và một nơi nào đó sự sinh xảy ra, những gì xảy ra giữa hai sự kiện đó ta cứ tạm gọi là một giai đoạn trung gian. Đứng trước các sự kiện trên đây tất nhiên ta phải tỏ ra một thái độ, phải phản ứng như thế nào cho thích hợp. Đấy là lý do giải thích tại sao ta phải tu tập.

Muốn phản ứng thích nghi, hành động đúng lúc và tạo cho mình một thái độ phù hợp trước các hoàn cảnh ấy tất nhiên phải hiểu cái chết xảy ra như thế nào, thể dạng trung gian và sự sinh là gì.

Đấy là lý do giải thích tại sao chủ đề trên đây đã được chọn lựa. Lý do thứ hai là Đức Đạt-lai Lạt-ma sắp thuyết trình và làm lễ thụ pháp tại Thụy sĩ cho những ai muốn tu tập Phật giáo Tan-tra, trong số những người tham dự gồm phần lớn quý vị đang ngồi đây. Những gì tôi trình bày hôm nay là để chuẩn bị cho quý vị theo dõi các buổi thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma được dễ dàng hơn và mang lại nhiều kết quả hơn. Dù rằng chủ đề thảo luận liên quan đến Phật giáo Tan-tra thế nhưng tôi không đi sâu vào chi tiết trên một vài khía cạnh nào đó ; trên nguyên tắc một số các chi tiết này chỉ đem ra giảng dạy cho những người có căn bản và đã được thụ pháp. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng trình bày, được đến đâu hay đến đấy, bởi vì Tan-tra không có gì là bí mật cả, tôi trình bày vì muốn chuẩn bị tối đa cho quý vị.

Tan-tra gồm có nhiều học phái, những gì tôi sắp trình bày là "Anouttarayogatantra" tức là "Tối thượng du-già Tan-tra", một cấp bậc Tan-tra đặc thù và cao hơn hết. Một cách tổng quát, cái chết, thể dạng trung gian và sự tái sinh xảy ra ngoài ý muốn đối với các người bình thường, thế nhưng đối với người tu tập Tan-tra thay vì bị bắt buộc họ có thể chuyển các giai đoạn ấy thành con đường tu tập theo ý muốn của mình.

Nếu đủ khả năng người tu tập có thể đạt được thể dạng một vị Phật ngay trong kiếp nhân sinh này. Trong trường hợp không thực hiện được mục đích trên đây trong lúc còn sống, khi cái chết xảy ra vẫn có thể chuyển hóa quá trình diễn tiến của nó trở thành con đường tu tập giúp mình không hóa thành thân xác bardo [thân xác chuyển tiếp chuẩn bị cho sự tái sinh] trong thể dạng trung gian, mà đạt được thể dạng của một vị Phật ngay sau khi cái chết xảy ra. Trong trường hợp biết tu tập Tan-tra như trên đây "cái chết" không còn là cái chết theo định nghĩa thông thường, những biểu hiện của nó đã biến thành con đường tu tập hướng vào thể dạng một vị Phật.

Trong trường hợp không đủ khả năng vượt khỏi giai đoạn trung gian để trở thành thể dạng một vị Phật, ít ra người tu tập Tan-tra cũng có thể hướng quá trình đó vào con đường tu tập giúp mình đạt được thể dạng một vị Phật trong kiếp sống sau. Trong trường hợp này thể dạng trung gian sẽ trở thành một phương tiện tu tập với đầy đủ ý nghĩa của nó và dù phải tái sinh sau đó người tu tập vẫn giữ được sự liên tục trong kiếp sống mới, có nghĩa là sẽ tái sinh trong những điều kiện thuận lợi giúp mình tiếp tục đi theo con đường Tan-tra, và nhờ đó có thể trở thành một vị Phật trong kiếp tái sinh.

Dưới góc nhìn đó tu tập Tan-tra là một cách biến cái chết, thể dạng trung gian và sự tái sinh trở thành con đường tu tập. Thế nhưng trên phương diện thực hành phải được khai tâm và thụ pháp Tan-tra. Vì thế trong vài tuần nữa, một số quý vị đang hiện diện hôm nay sẽ được thụ pháp dưới sự chủ lễ của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Thụy sĩ. Tuy nhiên, trong khi hành lễ thụ pháp nếu nắm vững được ý nghĩa của các nghi thức, nhất là hiểu tại sao phải thụ pháp và sự thụ pháp sẽ mang lại những sức mạnh và khả năng nào, hiểu được như thế thì việc thu pháp sẽ hiệu quả hơn. Trong khi chờ đợi được Đức Đạt-lai Lạt-ma khai tâm tôi, cố gắng giải thích thêm cho quý vị chính là vì lý do đó.

Trước hết là nghi thức tiếp nhận thụ pháp Tan-tra. Tiếp theo đó là các nghi thức giúp biến cải cái chết, thể dạng bardotức thể dạng trung gian và sau hết là sự tái sinh. Các phương tiện góp phần vào việc biến cải là kinh sách Tan-tra, một cách chính xác hơn là các phép tu tập về giai đoạn tạo tác [sinh, hình thành] và giai đoạn hoàn thiện [viên mãn, thể dạng của một vị Phật]. Sau khi đã biến cải, kết quả mang lại là ba thể dạng của Phật, tức là Tam thân Phật.

Nếu muốn biến cải cái chết, thể dạng trung gian và sự sinh, trước hết phải hiểu được những thứ ấy là gì. Vì thế chúng ta hãy tìm hiểu về ba giai đoạn ấy, trước hết là giai đoạn thứ nhất tức là cái chết.


Cái Chết

Chúng ta thử tìm hiểu cái chết xem sao. Thật đáng tiếc khi bắt buộc phải nói đến cái chết vì chủ đề này nhất định không phải là một chủ đề mang lại thích thú, thế nhưng phải thực tế : cái chết là chuyện có thực. Nói về cái chết thật khó nghe, nhưng cứ mặc, phải cố gắng vậy.

Muốn thực hiện sự tu tập trên đây - tức biến cái chết, thể dạng trung gian và sự sinh - để đạt được Tam Thân Phật đòi hỏi phải có một cơ sở hỗ trợ tức là sự hiện hữu dưới thể dạng con người.

Thể dạng con người mà chúng ta đang có là một cơ sở tối cần thiết. Muốn thực hiện sự biến cải phải cần đến sáu yếu tố, trong số sáu yếu tố này có bốn yếu tố mà ta thường nghe nói đến : đấy là đất, nước, lửa và khí, và hai yếu tố khác là hệ thống kinh mạch và các giọt [sẽ được giải thích bên dưới] . Người ta cho biết là chỉ có các sinh linh sống trong cõi hiện hữu của chúng ta, được cấu tạo bằng sáu yếu tố trên đây mới có thể tu tập để đạt được thể dạng một vị Phật trong một kiếp sống duy nhất. Đấy là thêm một lý do nữa khiến ta ý thức được thể dạng con người thật vô cùng quý giá.

Cái chết là sự tách rời giữa tâm thức và thân xác. Trên nguyên tắc thời điểm khi tâm thức rời khỏi thân xác chỉ định giây phút cái chết xảy ra. Thế nhưng trên thực tế sự rời bỏ đó xảy ra một cách rất tuần tự, vì thế cần phải tìm hiểu quá trình rời bỏ ấy diễn tiến như thế nào trước khi đưa đến cái chết thật sự.

Muốn theo dõi quá trình trên đây, ta phải nắm vững sự cấu tạo của thân xác. Thân xác không phải là một tổng thể thuần nhất mà được kết hợp bằng nhiều thành phần khác nhau, vì thế phải tìm hiểu xem một cá thể thực sự là gì, cái mà ta gọi là "cái tôi" (cái ngã) là gì, cái mà ta thường tự cho là "tôi" thật sự đấy là gì, "ai" được tạo thành bởi thân xác và tâm thức đang hiện hữu này, hoặc "ai" được chỉ định để đại diện cho cơ sở cấu tạo bởi thân xác và tâm thức. Tóm lại một cá thể gồm thật nhiều thành phần khác nhau và rất phức tạp.

Hai mươi lăm thành phần

Tùy theo kinh sách các bảng liệt kê và mô tả có hơi khác nhau, thế nhưng nhằm mục đích giản dị hóa vấn đề chúng ta có thể xem một cá thể gồm có hai mươi lăm thành phần thô thiển.

Trước hết chúng ta liệt kê tổng quát hai mươi lăm thành phần cấu tạo thô thiển, sau đó sẽ tìm hiểu và theo dõi sự tan biến tuần tự của chúng cho đến khi xảy ra cái chết, có nghĩa là quan sát tiềm năng của chúng tan biến như thế nào.

a) Năm thể dạng thô thiển đầu tiên hay Ngũ uẩn

Có lẽ tất cả quý vị đều hiểu ngũ uẫn là gì, thế nhưng cũng xin một vị trong cử tọa vui lòng nhắc lại. Vị nào có tiếng nói thật to càng tốt, giúp mọi người nghe thấy... Tại Pháp ít khi tôi mời được người tham gia khi thuyết giảng, thế nhưng tại nhiều quốc gia khác như nước Ý chẳng hạn, tôi vẫn thường kêu gọi cử tọa tham gia, họ rất tích cực, một số vị kể ra vanh vách các bảng liệt kê chi tiết nêu lên trong giáo lýcủa Đức Phật. Tôi thường sử dụng phương pháp đối thoại khi thuyết giảng : tôi đưa ra câu hỏi, cử tọa trả lời. Tôi nghĩ rằng phương pháp ấy rất tích cực và linh động.

Vậy năm thứ cấu hợp là gì ?

* Cấu hợp hình tướng,

* Cấu hợp giác cảm,

* Cấu hợp của sự nhận biết,

* Cấu hợp của sự tạo tác duy ý [còn gọi là "tác ý" hay "tác trí"],

* Cấu hợp tri thức (consciousness).

- Cấu hợp hình tướng : 

Nên ghi nhớ là cấu hợp hình tướng không phải chỉ gồm những gì thuộc hình tướng mà còn còn bao gồm âm thanh, mùi, vị và giác cảm. Tuy nhiên phải phân biệt rõ rệt, âm thanh [giọng nói], mùi [mùi của cơ thể], vị [cảm giác ở lưỡi], giác cảm [trên da thịt]... là những gì thuộc vào thành phần tạo ra cá thể, các thứ ấy khác với những gì như mùi, vị, sự va chạm... phát xuất từ nguồn gốc thuộc môi trường bên ngoài.

- Cấu hợp giác cảm :

Quá dễ không cần giải thích thêm.

- Cấu hợp của sự nhận biết :

Cấu hợp này phức tạp hơn. Nên nhớ yếu tố tâm thần của sự "nhận biết" là yếu tố giúp tri thức khi tiếp xúc với đối tượng có thể nắm bắt [nhận ra] được các đặc tính của đối tượng ấy. Vị nào từng nghiên cứu về tâm thức và các loại yếu tố tâm thần sẽ hiểu dễ dàng thế nào là một yếu tố tâm thần đối với sự nhận biết [sự diễn đạt bị chi phối bởi tác động của nghiệp]. Đối với các vị khác có lẽ hơi khó.

- Cấu hợp của sự tạo tác duy ý [tác ý]:

Gồm hai thể loại thành phần khác nhau : một thể loại mang bản chất tâm thần, một thể loại không mang bản chất tâm thần. Đối với thể loại thứ nhất có thể nêu lên thí dụ của nghiệp tức là hành động "duy ý" [cố tình - volition] giúp tri thức hướng vào đối tượng. Đấy là thành phần năng động của tâm thức (esprit- spirit). Đối với thể loại không mang bản chất tâm thần có thể kể ra sự sống, đấy là thí dụ điển hình và dễ hiểu nhất.

- Cấu hợp tri thức :

Khá dễ hiểu. Cấu hợp này gồm sáu thể dạng : đấy là sáu loại tri thức, từ tri thức thị giác đến tri thức tâm thần [năm tri thức của ngũ giác và một tri thức thuộc tâm thức].

Chúng ta tiếp tục liệt kê các thành phần khác trong số hai mươi lăm thành phần :

b) Sau năm thứ cấu hợp trên đây, ta có bốn thành phần là : đất, nước, lửa và khí. "Đất" tượng trưng cho các thành phần cứng, "lửa" tượng trưng cho hơi ấm, vân vân...

c) Sáu căn bản hiểu biết, gồm các căn bản hiểu biết dựa vào ngũ giác : từ thị giác đến tâm thần [căn bản hiểu biết của ngũ giác và của tâm thức]

d) Năm đối tượng : hình tướng, âm thanh, mùi, vị và các cảm nhận do xúc giác.

e) Năm "trí tuệ tiên khởi căn bản" : có nghĩa là năm thể loại nhận thức. Có nhiều thứ nhận thức khác nhau, chẳng hạn như loại nhận thức dựa vào đó các đối tượng hiển hiện ra, nhận thức này gọi là "Trí tuệ như tấm gương lớn" ["Đại viên kính trí"]. [theo Tan-tra thừa trí tuệ gồm năm thể loại khác nhau, thế nhưng Dagpo Rimpoché không trình bày chi tiết vì rất phức tạp. Ngoài ra cũng cần chú ý là "trí tuệ tiên khởi căn bản" là trí tuệ tự nhiên của người bình thường, không phải là Trí tuệ phát sinh do sự tu tập].

Tóm lại năm thành phần thô thiển đầu tiên trong số hai mươi lăm thành phần thô thiển là năm cấu hợp [ngũ uẩn]. Hai mươi lăm thành phần thô thiển được phân bố thành năm nhóm, mỗi nhóm dẫn đầu bằng một trong số năm cấu hợp. Thí dụ, nhóm thứ nhất gồm có các hiện tượng liên quan với hình tướng.

Người ta trình bày các hiện tượng tan biến bằng cách diễn đạt như sau "các hiện tượng liên quan đến cấu hợp hình tướng sắp bị tan biến", có nghĩa là các thành phần ấy mất dần khả năng và sức mạnh của chúng. 

Hiện tượng tan biến diễn tiến như thế nào ? Trước hết nhóm cấu hợp hình tướng gồm các thành phần thô thiển tan biến, tiếp theo là các nhóm khác tuần tự thay nhau tan biến. Thế nhưng khi mỗi nhóm tan biến, toàn thể các thành phần tạo ra nhóm đó đồng loạt tan biến cùng một lúc. Mỗi nhóm trong khi tan biến sẽ làm phát sinh nhiều dấu hiệu bên ngoài và mộtdấu hiệu bên trong.

Xin nhắc lại trước hết cần nhớ có tất cả hai mươi lăm thành phần, sau đó là sự tan biến của chúng tuần tự theo từng nhóm, tất cả các thành phần cấu hợp thay nhau mất dần khả năng và sức mạnh của chúng. Nếu nắm vững các diễn biến trên đây từ đầu, sau này sẽ dễ theo dõi hơn.

Phần thuyết giảng sau đây sẽ được trình bày như thế nào ? Tôi sẽ giải thích chi tiết từng giai đoạn, sau đó chúng ta tập thiền định, thế nhưng vì đây là lần đầu quý vị tập thiền định nên chưa thể nhớ hết các diễn biến nhất là các dấu hiệu bên ngoài và bên trong sẽ xảy ra, tuy nhiên quý vị đừng ngại, trước khi thiền định tôi sẽ nhắc lại các điểm quan trọng.

1- Sự Tan biến thứ nhất : còn gọi là sự tan biến của nhóm cấu hợp hình tướng, tức là sự tan biến của các thành phần liên quan đến hình tướng. Biến cố này gồm có năm thể dạng tan biến sau đây :

- Cấu hợp hình tướng,

- "Trí tuệ tiên khởi căn bản như tấm gương sáng" ["Đại viên kính trí (ardasa-jnana)]

- Thành phần "đất",

- Giác cảm thị giác,

- Các hình tướng thuộc vào sự tiếp nối liên tục của một cá thể.

Tất cả năm thể dạng cùng theo nhau tan biến một lúc.

Như tôi vừa trình bày, cách phát biểu sẽ như sau : "cấu hợp hình tướng sắp bị tan biến". Và cũng xin nhắc lại khi tôi nói đến sự kiện tan biến hay tan mất đấy có nghĩa là các thành phần mất đi các khả năng của chúng [thí dụ thành phần đất tan biến có nghĩa là khả năng của các thành phần cứng bị tan biến, nhưng thân xác vẫn còn đấy]. Thế nhưng những khả năng ấy là gì ?

Thí dụ trong lúc này hình tuớng hay thân xác của ta đang bảo tồn được khả năng chuyển tải (chống đỡ) tâm thức hay tri thức. Khi cấu hợp hình tướng tan biến, khả năng chuyển tải của nó sẽ bị mất đi, hình tướng hay thân xác không còn chuyển tải được tâm thức nữa.

Vậy khi phát biểu cấu hợp hình tướng tan biến, tức có nghĩa đấy là một hiện tượng nhất thiết liên quan đến quá trình đưa đến cái chết. Dấu hiệu phát sinh là tứ chi teo ốm, cơ thể trở nên yếu ớt, sức lực kém hẳn đi. Thế nhưng không nên lầm lẫn các dấu hiệu này như những diễn biến bình thường của sự già nua.

Khi quan sát người hấp hối nếu ta thấy tứ chi của người này teo ốm đi, sức lực giảm xuống, tức đấy là các dấu hiệu đó cho thấy cấu hợp hình tướng không còn hội đủ khả năng chuyển tải tâm thức như trước nữa.

Đồng thời "trí tuệ tương tợ như tấm gương" tức "trí tuệ tiên khởi căn bản" cũng tan biến theo. Vậy "trí tuệ giống như tấm gương" là gì ? Có nghĩa là trí tuệ phản chiếu [ghi nhận] hình ảnh của bất cứ một vật thể nào, tương tợ như một tấm gương phản chiếu các vật thể đặt đối diện với nó. Cũng tương tợ như thế, các đối tượng đủ loại có thể hiển hiện lên trong tâm thức một cách rõ rệt và tự động qua sự nhận thức. Đấy là các loại nhận thức mà chúng ta đang có trong lúc này, nhờ các sự nhận thức đó nhiều đối tượng khác nhau có thể hiển hiện lên trong tâm thức ta một cách đồng loạt.

Khi "trí tuệ như tấm gương" hay "trí tuệ tiên khởi căn bản" tan biến tức có nghĩa là mất dần khả năng nhận thức [người hấp hối không còn nhận biết được gì nữa], các dấu hiệu nào sẽ xảy ra ? Đó là thị giác bị suy yếu, người hấp hối không còn nhận biết được các vật thể chung quanh. Tuy nhiên không có nghĩa là khả năng thị giác hoàn toàn mất hết, đúng hơn chỉ bị suy giảm, hình ảnh nhìn thấy rất lờ mờ và thấp thoáng, chỉ nhìn thấy các vật thể bằng đường viền chung quanh, không còn phân biệt được vật thể này với vật thể khác, màu sắc cũng nhoè đi không còn nhận biết được một vật thể có màu đen hay màu trắng so, không còn phận biệt được màu của vật thể này có khác với màu của một một vật thể khác đặt bên cạnh hay không, v.v.

Đồng thời với các dấu hiệu đang xảy ra như trên đây, thành phần "đất" bắt đầu tan biến. Dấu hiệu xác nhận sự tan biến của thành phần "đất" đang xảy ra là tứ chi uể oải, mềm nhũn. Chẳng hạn chúng ta có thể cầm nắm dễ dàng các vật thể, thế nhưng tay của người hấp hối trong giai đoạn này không còn giữ được chức năng đó, hai tay không còn nắm lại được.

Đồng thời cơ thể khô lại, người hấp hối cảm thấy miệng khô và khát nước, toàn thân như lún sâu xuống đất. Người hấp hối thường nhờ người thân chung quanh nâng họ đặt lên gối, thế nhưng họ vẫn cảm thấy như đang bị lún xuống giường, lọt xuống đất. Các dấu hiệu trên đây chứng tỏ thành phần "đất" đang mất hết khả năng chống đỡ tri thức.

Đồng thời khả năng thị giác tan biến. Trước đó thị giác vẫn còn giữ được khả năng nhận biết và còn chuyển tải được tri thức thị giác, thế nhưng trong giai đoạn này đang tan biến hết. Thị giác mất khả năng, người hấp hối không còn mở hay nhắm mắt được nữa.

Sau cùng các hình tướng thuộc sự tiếp nối liên tục của cá thể cũng đồng lượt tan biến. Dấu hiệu đặc biệt của sự tan biến này là người hấp hối mất hết vẻ tinh anh, da dẻ giống như xác chết.

Tôi vừa cho biết các hình tướng thuộc dòng tiếp nối liên tục của cá thể tan biến. Vậy vị trí của chúng so với tổng thể hai mươi lăm thành phần thô thiển như thế nào ? Tôi đã trình bày về năm đối tượng là hình tướng, âm thanh, v.v...., tất cả những thứ ấy đều thuộc vào nhóm thứ nhất [cấu hợp hình tướng].

Những gì tôi vừa mô tả là các dấu hiệu bên ngoài. Khi các dấu hiệu này xảy ra trong giai đoạn tan biến thứ nhất tức sự tan biến của cấu hợp hình tướng, sẽ phát sinh đồng lúc một dấu hiệu bên trong : người hấp hối có cảm giác như trông thấy một ảo ảnh. Đấy không phải là một cảm nhận của giác quan thị giác mà đúng hơn là một cảm nhận tâm thần. Sự cảm nhận này của người hấp hối tương tợ như ảo ảnh của nước mà chúng ta nhìn thấy trên mặt cát hay mặt đường nhựa khi tiết trời nóng bức. Vì sức nóng và ánh nắng mặt trời khiến ta có cảm giác nhìn thấy từ xa loang loáng hình như có nước trên mặt đường, thực ra không đúng. Chính đấy là loại ảo giác mà người hấp hối cảm nhận được trong giai đoạn tan biến thứ nhất vừa mô tả trên đây.

Tôi vừa mô tả các dấu bên ngoài và bên trong. Tại sao gọi là các dấu hiệu bên ngoài ? Bởi vì đấy là các dấu hiệu mà người hấp hối và cả những người chung quanh đều nhận ra được. Đối với dấu hiệu bên trong chỉ có người hấp hối mới nhận thấy được.

Đối với một người tu tập Đạo Pháp khi các dấu hiệu bên ngoài phát hiện họ nhận ra ngay và tự nhủ : "ảo ảnh đang xuất hiện, đấy là dấu hiệu bên trong đầu tiên". Người không tập luyện Tan-tra chỉ nhận thấy như thế nhưng đành chịu, không biết phải làm gì. Ngược lại, người tu tập Tan-tra khi nhận biết được mình đang trong giai đoạn này có thể biến ảo ảnh trở thành sự quán thấy tánh không. Điều đó có nghĩa là người tu tập cảm nhận được ảo ảnh và hiểu rằng đấy chỉ là một thứ gì đó không tự nó hiện hữu, nói cách khác là nó không hiện hữu từ bản chất. Đấy là phép thiền định về tánh không.

Tóm lại trong giai đoạn tan biến của cấu hợp hình tướng trên đây, xảy ra năm dấu hiệu bên ngoài và một dấu hiệu bên trong.

2- Sự tan biến thứ hai : tức là sự tan biến liên quan đến các cấu hợp giác cảm. Tương tợ như sự tan biến của các thành phần của cấu hợp hình tướng, năm thể dạng tan biến của cấu hợp giác cảm cũng xảy ra đồng loạt :

- Cấu hợp xúc giác,

- "Trí tuệ bình đẳng tiên khởi căn bản" ["Bình đẳng tính trí" (Samata-jnana) căn bản]

- Thành phần "nước",

- Giác cảm thính giác,

- Âm thanh thuộc thành phần của sự tiếp nối liên tục của cá thể, [âm thanh bên trong không phải âm thanh phát ra từ môi trường bên ngoài].

Song hành với sự tan biến đồng loạt đó xảy ra năm dấu hiệu bên ngoài và một dấu hiệu bên trong.

Trước hết cấu hợp xúc giác tan biến, các giác cảm phát sinh từ xúc giác không còn giữ được hiệu năng ; nói cách khác người hấp hối không còn nhận biết được những thứ cảm giác trên thân xác như dễ chịu, trung hòa hay khó chịu. Đó là hậu quả do sự tan biến của cấu hợp giác cảm khiến người hấp hối không còn cảm nhận được ba thứ giác cảm trên đây (thích thú, trung hòa và khó chịu).

Đồng thời "trí tuệ bình đẳng tiên khởi căn bản" cũng tan biến. Dấu hiệu bên ngoài của sự tan biến này là gì ? Cũng cần nhắc lại có một thể loại nhận thức giúp nhớ lại [nhận biết được] các giác cảm thích thú, khó chịu và trung hòa đi kèm các thứ nhận thức tâm thần khác khi xảy ra. Chính khả năng nhận thức [nhớ lại hay nhận biết] ấy bị tan biến. Sự tan biến của "trí tuệ bình đẳng tiên khởi căn bản" khiến người hấp hối không còn cảm nhận được các giác cảm tâm thần như thích thú, khó chịu hay trung hòa. Tôi cũng xin nhắc lại đây là giai đoạn các giác cảm thô thiển đang mất hết khả năng [tức đã tan biến].

Tiếp theo đó thành phần "nước" tan biến. Dấu hiệu bên ngoài là sự hóa khô của tất cả các chất lỏng : máu, nước tiểu, nước dãi... Miệng và lưỡi bị khô, người hấp hối than khát nước, nhiều vết thâm đen hiện ra ở răng. Trong khi thành phần "nước" mất hết khả năng, phát hiện dấu hiệu bên ngoài là môi trên cong ngược lên. Người chung quanh có thể nhận ra dấu hiệu này dễ dàng.

Tiếp theo đó giác cảm thính giác tan biến, dấu hiệu bên ngoài là người hấp hối không còn cảm nhận âm thanh được nữa dù là âm thanh phát xuất từ môi trường bên ngoài hay âm thanh nội tâm.

Sau cùng và đồng thời âm thanh thường trực thuộc thành phần của sự tiếp nối liên tục của cá thể cũng tan biến [âm thanh nội tâm]. Trong suốt cuộc sống, thường xuyên có một thứ âm thanh vang lên trong mỗi cá thể. Muốn nhận ra [nghe thấy] âm thanh đó rất dễ chỉ cần bịt chặt hai tai lại sẽ nghe thấy tiếng "ù – ù" vang rền trong đầu. Sự kiện chấm dứt của âm thanh "ù – ù" thường xuyên âm vang suốt trong cuộc sống thường nhật tượng trưng cho một dấu hiệu bên ngoài. Từ thời điểm này người hấp hối hoàn toàn không còn nghe thấy gì nữa. Theo truyền thống Tây tạng, khi có một người sắp qua đời, các người chung quanh giúp người hấp hối bằng cách nói với họ, khuyên nhủ họ, nhắc lại cho họ Đạo Pháp, gợi lại các thành quả tu tập trước đây của họ... Cách giúp đỡ bằng lời nói phải thực thi trước khi xảy ra giai đoạn tan biến trên đây, vì kể từ thời điểm này người hấp hối không còn nghe thấy gì nữa.

Nếu người chung quanh không đủ khả năng khuyên nhủ về giáo lý cũng nên cố gắng niệm kinh Tan-tra [khi người hấp hối còn nghe được]. Cũng cần nhắc thêm chẳng những nên tụng niệm kinh Man-tra cho người sắp chết mà cho cả súc vật hấp hối nữa. Dầu sao cũng cần nhớ nếu tụng niệm hay khuyên nhủ cũng phải thực hiện trước giai đoạn tan biến trên đây vì sau đó người hấp hối không còn khả năng thính giác nữa.

Ngoài các dấu hiệu bên ngoài như vừa mô tả, sau đây là dấu hiệu bên trong : người hấp hối có cảm giác nhìn thấy một làn khói mỏng. Để giúp hình dung cảm giác của người hấp hối ta có thể tưởng tượng hình ảnh một đống củi đang cháy tỏa khói mù mịt trong một gian phòng, khi lửa tắt khói tan dần, sau cùng chỉ còn vương lại một làn khói mỏng trên trần. Hình ảnh làn khói trên trần nhà là dấu hiệu bên trong mà người hấp hối cảm nhận được.

3- Sự tan biến thứ ba : là sự tan biến của các hiện tượng liên quan với cấu hợp của sự nhận biết, gồm năm thể dạng tan biến sau đây :

- Cấu hợp của sự nhận biết,

- "Trí tuệ phán đoán tiên khởi căn bản" ["Diệu quan sát trí" (pratyaveksana-jnana), hay trí tuệ suy xét],

- Thành phần "lửa",

- Giác cảm nhận biết mùi,

- Các mùi thuộc thành phần tiếp nối liên tục của thân xác, [mùi phát sinh từ thân thể]. 

Tôi cũng xin nhắc lại khi nói đến sự tan biến của cấu hợp giác cảm và cấu hợp nhận biết đấy có nghĩa là các giác cảm và các sự nhận biết ở thể dạng thô thiển. Thể dạng tinh tế hơn của các yếu tố tâm thần [tức các giác cảm và nhận biết tinh tế] vẫn tồn tại. Cần ghi nhớ sự kiện này vì rất quan trọng. Dấu hiệu bên ngoài thuộc vào giai đoạn này là người hấp hối không còn nhận ra các người thân, không còn nhìn ra cha mẹ mình và những người trước đây từng chung đụng với mình.

Khi "trí tuệ phán đoán" trước đây giúp ta nhớ được tên cha mẹ, bạn hữu, v.v. tan biến, tức có nghĩa là sức mạnh của "trí tuệ phán đoán tiên khởi căn bản" không còn nữa và người hấp hối không còn nhớ được tên các người thân thuộc.

Thành phần "lửa" tan biến : hơi ấm của cơ thể giảm dần, đồng thời phát hiện dấu hiệu bên ngoài : người hấp hối không còn tiêu hoá được nữa, không hấp thụ đươc các chất cứng và cả các chất lỏng.

Đồng thời khả năng khứu giác tan biến. Dấu hiệu bên ngoài là hơi thở của người hấp hối trở nên hổn hển, không đều và không hít được không khí hữu hiệu. Hơi thở vào rất yếu, ngắn và chậm, trái lại hơi thở ra dài hơn so với hơi thở vào. Vào thời điểm này người hấp hối bắt đầu thở hắt ra phát lên các tiếng thở dốc đặc biệt của người sắp chết.

Sau cùng là sự tan biến của của mùi thuộc vào thành phần tiếp nối liên tục của cá thể. Người hấp hối từ thời điểm này không còn cảm nhận được gì nữa, cũng không nhận biết được mùi. Dấu hiệu bên trong là ngưới hấp hối nhìn thấy các đốm lửa bắn tung toé, hay một đám ruồi nhặng đang bay, hay các con đom đóm bay loạn trong tối.

* * * *

Trước khi chấm dứt buổi giảng sáng nay để nghỉ trưa, chúng ta nguyện cầu trường thọ cho Đức Đạt-lai Lạt-ma. Chúng ta không nên quên các buổi giảng này được tổ chức là để chuẩn bị cho buổi lễ thụ pháp do chính Ngài chủ lễ. Những lời nguyện cầu này tượng trưng lòng thành của chúng ta ước mong Đức Đạt-lai Lạ-ma được trường thọ, và mở rộng hơn là ước mong tất cả các vị Thầy khác nữa đang xả thân vì sự tồn vong của Đạo Pháp được trường thọ. Tuy nhiên chúng ta không chỉ nguyện cầu cho các vị Thầy quảng bá Đạo Pháp được trường thọ mà cho tất cả các sinh linh khác trong vũ trụ xứng đáng như những vị Thầy tâm linh đang hy sinh đời mình vì lợi ích của tất cả chúng sinh cũng đều được trường thọ. Hơn nữa chúng ta không phải chỉ nguyện cầu cho những vị xứng đáng được tôn vinh là các vị "Thầy" mà cho tất cả các sinh linh bình dị khác đang âm thầm chăm lo cho sự an vui của tất cả chúng sinh.

Thế nhưng khi tụng niệm quý vị phải nhìn vào giấy, vừa đọc lại vừa suy nghĩ đến lời mình đọc, như thế quả thật khó. Vậy tốt nhất hãy tạo ra trong tâm thức mình những xúc cảm sâu xa và lòng ước mong chân thành trước khi cầm giấy để xướng lên những lời nguyện cầu trên đây. Bài kinh nguyện cầu trường thọ này là một gia tài quý giá, do hai vị đại sư Kyabdjé Ling Rimpoché và Kyabdjé Trijang Rimpoché trước tác.

[Tất cả mọi người đều tụng niệm] 

* * * *



Sáng nay chúng ta đã khơi động được niềm hăng say tu tập, thế nhưng sự gián đoạn khi nghỉ trưa có thể khiến chúng ta phân tâm. Vậy nếu muốn tránh sự xao lãng để tập trung tâm thức tìm lại niềm hăng say của buổi sáng, quý vị nào là người Phật giáo hãy nghĩ đến bổn phận mình phải cố gắng tu tập để đạt được thể dạng của một vị Phật hầu phát huy khả năng mang lại an vui cho chúng sinh.

Sáng nay chúng ta đề cập đến nhiều thể loại tan biến, mô tả các quá trình tan biến của các cấu hợp hình tướng, giác cảm và nhận biết. Vậy chúng ta tiếp tục xét đến các thứ tan biến khác xem sao.

4- Tan biến thứ tư : đó là năm thứ tan biến liên quan đến cấu hợp tác ý [hay tác trí, hay tạo tác duy ý]. Sự tan biến này gồm năm thể dạng sau đây :

- Cấu hợp tác ý,

- "Trí tuệ tác ý tiên khởi căn bản" ["Thành sở tác trí" (krtyanusthana-jnana) còn gọi là trí tuệ của sự tạo tác duy ý],

- Thành phần "khí",

- Giác cảm vị giác,

- Vị thuộc thuộc thành phần tiếp nối liên tục của cá thể.

Cấu hợp của sự tạo tác duy ý khởi sự tan biến, tiếng Tây tạng gọi cấu hợp này là doutché gyi poungpo ('du byed kyi phungpo). Ý nghĩa đại cương của chữ Douché là sự sinh hoạt. Dấu hiệu bên ngoài là thân xác trở nên hoàn toàn bất động, không thể cử động được nữa.

Đồng thời "trí tuệ tác ý tiên khởi căn bản" tan biến, có nghĩa là sự tan biến của khả năng nhận thức giúp ta nhớ lại các hành động còn phải thực thi trong cuộc sống bình thường. Dấu hiệu chứng tỏ khả năng đó bị mất đi là dấu hiệu bên ngoài, người hấp hối mất hết ý niệm về những gì phải làm.

Thành phần "khí" cũng đồng lượt tan biến. Dấu hiệu bên ngoài là hầu hết các "khí" luân chuyển trong cơ thể đều quy tụ lại ở vị trí tim.

Một cách chính xác hơn có mười loại "khí" luân chuyển trong cơ thể, tất cả đều quy tụ lại ở vị trí giữa ngực. Tuy nhiên chúng ta không mô tả chi tiết sự vận hành đó vì khá phức tạp, chỉ cần nêu lên một biến cố bên ngoài khá quan trọng đấy là hơi thở thô thiển hoàn toàn ngưng bặt [người hấp hối hết thở].

Giác cảm về vị tan biến, đây cũng là một dấu hiệu bên ngoài, lưỡi trở nên dầy cộm và co rút lại, cuống lưỡi trở nên tím ngắt.

Sau hết, vị thuộc thành phần tiếp nối liên tục của cá thể cũng tan biến. Dấu hiệu bên ngoài là người hấp hối không còn nhận biết được vị.

Hơn nữa trong khi xảy ra sự tan biến thứ tư, giác cảm liên quan đến thân xác cũng tan biến. Dấu hiệu bên ngoài là người hấp hối mất hết giác cảm trên thân xác, Có vật gì đụng chạm vào thân thể cũng không hay biết, dù sự va chạm gây ra khó chịu hay êm ái cũng không nhận ra.

Dấu hiệu bên trong của giai đoạn tan biến này là gì ? Người sắp chết có cảm giác như trông thấy một ngọn lửa của một chiếc đèn dầu lay động và bập bùng trong gió.

Kinh sách dùng cách diễn đạt như sau : một thành phần này "tan biến" (résorption) hay "hòa tan" (dissolution) trong một thành phần khác. Vậy thiết nghĩ cũng cần phải hiểu rõ cách diễn đạt ấy có nghĩa là gì. Thí dụ khi nói thành phần "đất" tan biến vào thành phần "nước" có nghĩa là thành phần "đất" mất đi khả năng chống đỡ [chuyển tải] tâm thức hay tri thức. Thành phần "đất" không còn đảm đang được vai trò chuyển tải của nó nữa, đồng thời với hiện tượng đó người ta có cảm giác như thành phần "nước" trở nên quan trọng hơn, hàm chứa khả năng lớn hơn, giữ một vai trò quan trọng hơn. Thế nhưng thực ra khả năng của thành phần "nước" không hề gia tăng thêm, tác động của nó chỉ trở nên lộ liễu hơn và dễ nhận thấy hơn [sau khi thành phần "đất" đã bị tan biến].

Chúng ta vừa tìm hiểu quá trình tan biến của bốn cấu hợp đầu tiên là hình tướng, giác cảm, sự nhận biết và sự tạo tác duy ý.

5- Sự tan biến thứ năm : đây là sự tan biến liên quan đến cấu hợp tri thức. Sự tan biến này cũng gồm có năm thể dạng như sau :

- Cấu hợp của tri thức,

- "Trí tuệ dharmadatou tiên khởi căn bản", [còn gọi là "Trí tuệ Như lai tạng" hay "Pháp giới trí" căn bản]

- Thành phần "không gian",

- Giác cảm tâm thần [sự vận hành của tâm thức],

- Căn bản hiểu biết các pháp [dharma]. 

Đối với sự tan biến thứ năm tức là sự tan biến của tri thức, chúng ta không sử dụng cách mô tả sự tan biến đối với bốn thứ cấu hợp trên đây mà bắt buộc phải sử dụng đến một cách tiếp cận khác. Thay vì mô tả sự tan biến của năm hiện tượng liên quan đến cấu hợp của tri thức, chúng ta sẽ mô tả sự tan biến của tám mươi sự nhận thức gián tiếp hay tám mươi ý niệm, tức là các thể loại nhận thức thuộc loại thô thiển. Chúng ta có thể kể ra đầy đủ tất cả tám mươi khái niệm nhận thức trên đây thế nhưng sẽ quá dài dòng. Chỉ cần hiểu là trong giai đoạn này một số lớn các khả năng nhận thức thô thiển suy yếu trầm trọng.

Trong khi xảy ra sự tan biến thứ năm, tám mươi ý niệm tan biến trước nhất, và người ta bảo rằng chúng tan biến vào các "thể dạng bên ngoài" ("apparence" - "appearance") [hiển lộ ra bên ngoài]. 

Trong giai đoạn đầu của sự tan biến của tám mươi ý niệm thô thiển, dấu hiệu bên trong là : người hấp hối nhìn thấy một ngọn đèn dầu thế nhưng ngọn lửa thật im không bị lay động [nguyên nghĩa và cũng được ghi chép trong kinh sách Tan-tra là ngọn lửa của một chiếc đèn thắp bằng "bơ" lấy ra từ sữa]. Sau đó khi tất cả các khái niệm thô thiển hoàn toàn tan biến, người hấp hối có cảm giác như trông thấy một thứ ánh sáng màu trắng, tương tợ như trăng rằm.

Khi tám mươi ý niệm nhận biết - tức các khái niệm thô thiển - tan biến, "khí" thô thiển trước đây luân chuyển trong cơ thể và giữ vai trò chuyển tải cũng kết tụ lại và tan biến dần.

Sau khi tám mươi ý niệm thô thiển tan biến hết các "biểu hiện bên ngoài" sẽ phát lộ.

Thể dạng bên ngoài (apparence) là một sự nhận thức gián tiếp thế nhưng tinh tế hơn tám mươi ý niệm. Trong lúc đó, tức trong khi các "khí" thô thiển kết tụ lại, giọt trắng từ đỉnh đầu theo kinh mạch trung tâm di chuyển xuống phía dưới. Giọt trắng này phát sinh từ tinh dịch của cha, và trong cuộc sống bình thường vị trí của nó ở đỉnh đầu. Đó là một giọt màu trắng thật nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi giọt trắng rời vị trí đỉnh đầu di chuyển xuống phía dưới sẽ tạo ra cho người hấp hối cảm giác như nhìn thấy màu trắng.

Những gì trình bày trên đây được mô tả trong kinh sách Tan-tra. Sự mô tả đó dựa vào các khái niệm mà chúng ta ít khi được nghe, nhất là đối với khái niệm về các cakra [luân xa] trong cơ thể. Các cakra này chiếm một số vị trí trong hệ kinh mạch của cơ thể. Trong cuộc sống bình thường giọt trắng nằm vị trí bên trên của cakra nơi đỉnh đầu, thế nhưng trong khi xảy ra sự tan biến thứ năm, cakra này sẽ mở ra, nhờ đó giọt trắng thoát ra và di chuyển xuống dưới theo kinh trung tâm và dừng lại phía bên trên của một cakra khác nơi trung tâm của ngực. Trong lúc giọt trắng di chuyển xuống phía dưới, người hấp hối có cảm giác nhìn thấy màu trắng và đấy là một "biểu hiện bên ngoài".

6- Sự tan biến thứ sáu : tức "thể dạng bên ngoài" tan biến trong sự "tăng trưởng" (accroissement - increase, growth). Xin nhắc lại "thể dạng bên ngoài" là một thể loại nhận thức tuy gián tiếp nhưng tinh tế. Thể dạng bên ngoài tan biến có nghĩa mất hết khiến thể dạng xảy ra sau đó phát lộ rõ rệt hơn.

Dấu hiệu bên trong của sự tan biến này là người hấp hối có cảm giác toàn thể không gian chan hòa một thứ ánh sáng màu đỏ đậm, tương tợ như ánh sáng lúc bình minh khi mặt trời chưa hoàn toàn ló dạng, toàn thể bầu trời thật quang đãng, không mây và chan hòa ánh sáng màu đỏ hay đỏ cam.

Tại sao trong giai đoạn này người hấp hối lại có cảm giác nhìn thấy không gian chan hòa màu đỏ thật tươi ?

Bởi vì nơi vị trí của rốn có một cakra khác và trong cuộc sống bình thường tại vị trí này có một giọt màu đỏ nằm bên dưới cakra rốn. Giọt đỏ phát sinh từ mẹ mang bản chất "lửa". Thế nhưng trong gian đoạn tan biến thứ sáu, cakra bí mật vàcakra nơi rốn mở ra và giọt đỏ di chuyển ngược lên phía trên và sau cùng dừng lại bên dưới của cakra nơi vị trí ngực. Trong lúc giọt đỏ di chuyển người hấp hối nhìn thấy không gian chan hòa màu đỏ như vửa mô tả.

Người không tu tập, khi hấp hối sẽ trải qua toàn bộ tất cả các quá trình và các sự cảm nhận đã được mô tả thế nhưng tất cả chỉ vọn vẹn có thế, họ không biết sử dụng các quá trình cũng như các cảm nhận ấy để biến chúng thành con đường tu tập. Trái lại đối với những người được tập luyện từ trước, thông suốt một số phương pháp thiền định, trong khi thể dạng bên ngoài và sự tăng trưởng phát lộ, họ hiểu ngay đấy chỉ là những cảm nhận [nhận thức] hoàn toàn không mang bản thể nội tại, bản chất của chúng không tự tại. Người tu tập dựa vào đấy để thiền định về tánh không. 

7- Sự tan biến thứ bảy : sự tăng trưởng của thể dạng bên ngoài tan biến và mất hết khả năng. Xin nhắc lại sự tăng trưởnglà một thể loại nhận thức tinh tế. Đồng thời phát hiện một thể dạng khác gọi là "gần thu đạt được" (obtention proche - near achievement). Xin nhắc lại vị trí của hai giọt đỏ và trắng : giọt đỏ nằm bên dưới và giọt trắng nằm bên trên cakra ở ngực, tâm thức cực tinh tế nằm bên trong cakra này. Cũng cần nói thêm là nơi cakra ở vị trí ngực có sáu nút thắt, ba nằm bên trên và ba nằm bên dưới, ở giữa là tâm thức [xin chú ý theo Tan-tra tâm thức nằm ở vị trí ngực, không nằm "trên đầu" như ta thường tưởng] và "khí" cực tinh tế.

Khi thể dạng bên ngoài gia tăng trưởng và mất dần sức mạnh [khả năng hay hiệu lực] của nó, sáu nút thắt sẽ được tháo gỡ giúp cho giọt trắng di chuyển xuống thấp hơn một chút và giọt đỏ di chuyển lên cao hơn một chút, so với vị trí trước đó của chúng. Hai giọt đỏ và trắng ép chặt tâm thức và "khí" cực tinh tế : tương tợ như tâm thức và "khí" thật tinh tế bị khóa chặt trong một cái hộp bởi hai giọt trắng và đỏ. Người hấp hối có cảm giác như rơi vào bóng tối và cảm thấy như bất tỉnh, hoàn toàn không còn một cảm nhận nào nữa ; đấy là dấu hiệu bên trong của giai đoạn tan biến này.

8- Giai đoạn tan biến thứ tám : tâm thức thuộc thể dạng [sự nhận thức] "gần thu đạt được" tan biến vào "ánh sáng trong suốt của cái chết". Nói cách khác, thể dạng gần như đạt được [tức một thể loại nhận thức] mất hết khả năng của nó và đồng thời tạo điều kiện cho ánh sáng trong suốt của cái chết hiển lộ.

Trong thời điểm này "khí" và tâm thức thật tinh tế khởi sự tác động. Người hấp hối cảm thấy không gian mở rộng đến vô cực, một thứ không gian hoàn toàn tinh khiết và không màu sắc.

Vào giai đoạn này tức đúng vào khởi điểm phát sinh ánh sáng trong suốt cái chết thật sự xảy ra. Người ta còn gọi đấy là "dharmakaya căn bản" ["pháp thân căn bản"].

Trên nguyên tắc một người bình thường lưu lại trong thể dạng này tức giai đoạn ánh sáng trong suốt trong ba ngày liền. Đối với họ, sự cảm nhận không gian vô tận và tinh khiết trong giai đoạn này chỉ là một sự cảm nhận máy móc [và thụ động]. Ngược lại, một người tu tập có thể chuyển sự quán thấy ấy trở thành một phép thiền định về tánh không.

Đấy là giai đoạn của cái chết thật sự [kết thúc quá trình của cái chết], đối với một người bình thường nó có thể xảy ra rất ngắn hay kéo dài thêm đôi chút, thế nhưng trung bình không hơn ba ngày. Khi cá thể ra khỏi ánh sáng trong suốt của cái chết, giai đoạn này cũng chấm dứt theo. Đồng thời khởi sự giai đoạn trung gian, người chết trở thành một sinh linh trong thể dạng này.

Tóm lại, chúng ta vừa theo dõi các giai đoạn đưa đến cái chết. Muốn lợi dụng các giai đoạn đó để tu tập phải ghi nhớ nằm lòng sự diễn biến tuần tự của các giai đoạn. Ngoài ra cũng phải nhớ lại các dấu hiệu bên ngoài và bên trong. Thế nhưng nếu không thể nhớ hết tất cả các dấu hiệu, tối thiểu cũng phải nhớ được các dấu hiệu bên trong và quá trình diễn tiến tuần tự của các thành phần tan biến, chẳng hạn nhóm gồm các thành phần liên quan với cấu hợp hình tướng tan biến vào nhóm gồm các thành phần liên quan với cấu hợp giác cảm..., tiếp tục như thế cho đến lúc thể dạng "gần thu đạt được" tan biến vào thể dạng ánh sáng trong suốt của cái chết. 

Nếu quý vị còn thắc mắc về một điểm nào trong phần vừa trình bày xin cứ nêu lên câu hỏi ? 

Một thính giả : Có một điểm tôi không hiểu. Sau khi cấu hợp của sự tạo tác duy ý tan biến, cá thể không còn nhớ được các sinh hoạt chưa được thực hiện, thế nhưng trong các giai đoạn về sau, đặc biệt là khi hiển hiện ánh sáng trong suốt của cái chết, lại có thể thiền định về các thể dạng đó bằng cách nhớ lại các lợi ích trong việc tu tập trước đây khi người này còn sống ? Bởi vì người này đã quên hết các sinh hoạt sẽ còn phải thực hiện ?

Rimpoché : Tai sao sự nhớ lại có thể xảy ra ? Bởi vì các sự tan biến đầu tiên liên quan đến các cấp bậc tương đối thô thiển. Khi ta không còn nhớ được những gì còn phải làm chỉ liên quan đến những sinh hoạt thông thường, những sinh hoạt thô thiển.

Một thính giả : Ngài trình bày về các dấu hiệu bên ngoài liên quan đến từng hiện tượng tan biến. Thế nhưng có sự khác biệt nào không giữa những người có cuộc sống đạo hạnh và kém đạo hạnh ? Trên thực tế người ta nhận thấy nhiều người chết trong các tình huống khác hẳn nhau : một số người ra đi rất êm ái, một số khác giãy giụa thật thảm thương. Đấy chỉ là những dấu hiệu hoàn toàn vật chất hay liên hệ đến một thể dạng tâm thần ?

Rimpoché : Quá trình của cái chết được trình bày là quá trình xảy ra đối với một cái chết "tự nhiên" nếu có thể nói như thế, và người ta gọi đấy là một cái chết "êm ái". Tuy nhiên cũng có những cái chết xảy ra vô cùng tàn nhẫn mang lại sự khiếp sợ. Thế nhưng các sự sợ sệt hay lo âu xảy ra trước các giai đoạn thuộc thể dạng bên ngoài, thăng tiến, gần thu đạt được và ánh sáng trong suốt của cái chết. Trả lời như thế có đúng với câu hỏi hay chăng ?

Một thính giả : Vậy đối với các giai đoạn thuộc các hiện tượng tan biến đầu tiên có gì khác nhau hay không ?

Rimpoché : Khi người hấp hối phát lộ sự sợ hãi quá độ, sự khiếp sợ của họ luôn luôn xảy ra trước các giai đoạn trên đây. Người hấp hối có thể trông thấy đủ mọi thứ ảo ảnh khiếp đảm, súc vật kinh khiếp, kẻ thù hung dữ, v.v. Thế nhưng những sự quán thấy ấy luôn luôn xảy ra trước quá trình mà tôi trình bày, quá trình của cái chết lúc nào cũng diễn tiến bình thường. Tại sao ? Bởi vì các sự sợ hãi thuộc loại cảm nhận vô cùng thô thiển. Các sự cảm nhận đầu tiên trong quá trình của cái chết như được mô tả dù khá thô thiển thế nhưng vẫn tinh tế hơn sự lo sợ và kinh hoàng [xảy ra trước khi quá trình của cái chết bắt đầu vận hành].

Một thính giả : Đối với một cái chết đột ngột chẳng hạn như tai nạn, những gì sẽ xảy ra ?

Rimpoché : Trong trường hợp xảy ra cái chết đột ngột do tai nạn, mọi sự diễn biến ra rất nhanh, các giai đoạn không toàn vẹn.

Một thính giả : Ngài gọi giai đoạn cuối cùng trước khi xảy ra giai đoạn trung gian (bardo) là giai đoạn ánh sáng trong suốt và giai đoạn này kéo dài trong ba ngày. Nếu mai táng trước khi chấm dứt thời hạn này có làm thay đổi gì không ? Nếu có thì quan hệ lắm không ? Vì lẽ ngày nay người ta thường có xu hướng mai táng ngay sau khi chết. Thông thường người ta chôn cất người quá vãng một hay hai ngày sau khi chết, thay vì giữ lại ba ngày như trước đây.

Rimpoché : Tốt hơn sau khi xảy ra chết căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài nên giữ ba ngày trước khi mai táng nếu có thể. Đối với người bình thường không lợi dụng được các giai đoạn tan biến trong quá trình của cái chết, việc chôn cất sớm có thể không tạo ra sự khác biệt quan trọng nào. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến riêng của tôi mà thôi. Tôi không thấy kinh sách đề cập đến sự kiện này, có lẽ vì lý do trong các nước Phật giáo khi có người qua đời việc tổ chức mai táng không giống như trong các nước Tây phương. Vì thế việc mai táng không đặt thành vấn đề trong các quốc gia Phật giáo.

Một thính giả : Tôi muốn biết trong thể dạng hôn mê (coma), người chết có trải qua các giai đoạn như được mô tả hay không ? Chẳng hạn như trường hợp bị nghẽn mạch máu não và sau đó không hề hồi tỉnh ?

Rimpoché : Tôi tin là không. Thể dạng hôn mê cũng tương tợ như thể dạng bất tỉnh thật sâu. Các thể dạng được mô tả chỉ áp dụng cho cái chết tự nhiên và bình thản. Khi người hấp hối đau đớn mãnh liệt [tai nạn, tự tử, v.v...], các giai đoạn đầu tiên không hẳn sẽ xảy ra rõ ràng và toàn vẹn, thế nhưng người chết bắt buộc phải trải qua các giai đoạn sau cùng (thể dạng bên ngoài, thăng tiến, gần thu đạt được và ánh sáng trong suốt). Muốn cho các thể dạng đầu tiên xảy ra rõ ràng và toàn vẹn cần có một tâm thức minh mẫn.

Một thính giả : Tôi muốn nêu lên ba câu hỏi :

1- Trong trường hợp người hấp hối không mong đợi bất cứ một sự giúp đỡ nào của người khác, vậy ta có thể làm gì được cho người ấy ?

2- Trường hợp người hấp hối không phải người Phật giáo, và trong lúc người này còn nghe được và ta niệm các câu kinh Man-tra bên tai, có lợi ích gì không ?

3- Sau khi năm cấu hợp đã hoàn toàn tan biến, vậy cái gì sẽ chuyển vào thể dạng trung gian ? Cái gì còn lại [sau khi ngũ uẩn đã tan biến] ?

Rimpoché : Thật đáng khích lệ, đây là các câu hỏi rất đúng.

1- Khi người hấp hối mất hết khả năng thính giác không còn nghe được nữa, dù có niệm kinh Man-tra vào tai họ cũng chẳng lợi ích gì. Dầu sao đi nữa, người ta vẫn có thể tiếp tục giúp đỡ người chết bằng các cách khác, chẳng hạn như nghi lễ hoặc gom góp tất cả những gì xứng đáng của mình để hồi hướng cho người qua vãng. Nếu ta thực hiện được những hành động đạo hạnh để hồi hướng cho người chết, nhất định sẽ mang lại lợi ích. Thí dụ ta thiền định về tình thương, lòng từ bi, hoặc tánh không và hồi hướng cho người qua đời. Hoặc ta cũng có thể giúp đỡ các người ốm đau, nghèo khó v.v. và hồi hướng những điều xứng đáng ấy cho người quá vãng.

2- Nếu người hấp hối không phải là người Phật giáo, thế nhưng ta cứ niệm kinh Man-tra cho người này khi họ còn nghe được có mang lại lợi ích gì không ? Trên nguyên tắc khi các câu Man-tra được xướng lên và có người nghe đều tạo ra một sức mạnh. Thế nhưng phải hết sức thận trọng, nếu người hấp hối thù ghét Phật giáo và không thích kinh Man-tra, nhất định không nên tụng niệm cho người này nghe vì có thể tạo ra sự bực tức cho họ. Nếu biết chắc người hấp hối tuy không phải Phật giáo nhưng không thù ghét Phật giáo lúc đó mới nên niệm kinh Man-tra bên tai họ nếu không gây ra sự khó chịu cho họ. Dầu sao cũng không nên làm nếu không thể đoan chắc là việc tụng niệm không làm họ giận dữ.

3- Câu hỏi thứ ba rất quan trọng : "Sau khi năm cấu hợp đã tan biến sẽ còn lại gì ? Cái gì chuyển sang thể dạng trung gian ?". Nên hiểu rằng những gì mà chúng ta thảo luận với nhau được căn cứ vào kinh sách Tan-tra, và cách giải thích của các loại kinh sách này khác hơn so với kinh sách Su-tra [kinh sách của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa]. Theo kinh sách Tan-tra, một hành động được thực thi dù bằng dưới hình thức nào hoặc qua thân xác, ngôn từ hay tâm thức, tất cả đều có thể phân loại thành ba cấp bậc khác nhau : thô thiển, tinh tế và thật tinh tế. Trong khi xảy ra các sự tan biến đầu tiên, các cấp bậc thô thiển tan biến trước ; các cấp bậc tinh tế vẫn tiếp tục lưu lại và chỉ tuần tự tan biến sau đó qua các giai đoạn thuộc các thể dạng bên ngoài, thăng tiến và gần thu đạt được. Tuy nhiên khi xảy ra giai đoạn ánh sáng trong suốt, cấp bậc tinh tế cũng sẽ tan biến, chỉ còn lại cấp bậc vô cùng tinh tế tức tâm thức cực tinh tế [dòng tiếp nối liên tục của tâm thức] là còn tồn tại.

Một thính giả : Ngài giải thích về quá trình của một cái chết bình thường và phép tu tập để đạt được thể dạng một vị Phật. Thế nhưng Tan-tra thừa có đưa ra các kỹ thuật và phương pháp hướng dẫn sự tập luyện hay không ? Phải tu tập đến cấp bậc nào mới được tập để cảm nhận trực tiếp các giai đoạn của cái chết ?

Rimpoché : Nên hiểu rằng Tan-tra thừa được hình thành dựa trên các phép tu tập thật tích cực. Kinh sách Su-tra không đưa ra các phép tập luyện nào tương tợ như thế. Chỉ có Tan-tra chủ trương các phép tập luyện trên đây, người tu tập có thể bắt đầu lắng vào các giai đoạn của cái chết kể từ giai đoạn tạo tác, thế nhưng thường bắt đầu từ giai đoạn hoàn thiện. Muốn biết hai giai đoạn này là gì cần phải được khai tâm bằng lễ thụ pháp.

Một thính giả : Tôi muốn hiểu thêm thế nào là thiền định về tánh không.

Rimpoché : Chủ đề quá lớn không thể giải thích bằng vài câu. Cách nay vài tuần chủ đề "tánh không và thiền định về tánh" không đã được thuyết giảng liên tiếp trong hai ngày cuối tuần. Rất tiếc bạn không có dịp đến nghe. Vậy bạn có câu hỏi nào khác hơn không ?

Một thính giả : Nếu quá trình tan biến không tiến hành một cách bình thường, tình trạng các cấu hợp sẽ ra sao ? Thí dụ một người nào đó chết vì hỏa hoạn, các cấu hợp của người này sẽ như thế nào ?

Rimpoché : Trong trường hợp cái chết xảy ra vì tai nạn có nghĩa là một cái chết thô bạo, quá trình diễn tiến của các giai đoạn xảy ra rất nhanh, một số các giai đoạn bị thu ngắn hay không xảy ra. Đối với các người bình thường [không tu tập] không có gì thay đổi nhiều. Thế nhưng đối với người tu tập cái chết đột ngột khác với cái chết êm dịu. Người tu tập được chuẩn bị cẩn thận để biến cải các giai đoạn trong quá trình của cái chết thành con đường tu tập thiền định, vì thế nếu chết bất tử họ sẽ không đủ thì giờ cần thiết để áp dụng sự tu tập của mình. Trường hợp đó thật tai hại vì họ không thể sử dụng quá trình của cái chết để tập trung tâm thức và thiền định. Đấy là sự khác biệt giữa hai trường hợp tu tập và không tu tập.

Một thính giả : Trong trường hợp cái chết xảy ra đột ngột và người chết vẫn còn ý thức được họ sẽ ở vào tình trạng như thế nào ? Thuộc vào giai đoạn nào ? Khi cái chết bất tử xảy ra, người chết không trải qua các giai đoạn bình thường và khi họ vẫn còn ý thức được, họ sẽ ở vào giai đoạn nào, thuộc cấp bậc nào và thời điểm nào ?

Rimpoché : Trong trường hợp cái chết xảy ra thật thô bạo, chẳng hạn như tai nạn xe cộ, quá trình của cái chết diễn tiến nhanh chóng. Người chết cảm nhận được ánh sáng trong suốt của cái chết nhưng rất ngắn. Sau đó chuyển nhanh sang thể dạng trung gian tức là bardo. Thật ra đối với cái chết bất đắc kỳ tử, cấu hợp hình tướng bị hủy diệt nhanh chóng, cơ sở chống đỡ (chuyển tải) bị mất. Tri thức không thể tồn tại trong tình trạng đó và phải rời khỏi thân xác. Khi nêu lên trường hợp ánh sáng trong suốt của cái chết tồn tại trong ba ngày cũng cần hiểu phải có các điều kiện cần thiết, tức phải có một cơ sở chuyển tải còn tồn tại, có nghĩa là giọt trắng phát sinh từ cha và giọt đỏ phát sinh từ mẹ vẫn còn giữa được các điều kiện cần thiết để tiếp tục khóa chặt tâm thức và "khí" cực tinh tế tại vị trí trung tâm của ngực trong một thời gian tương ứng với giai đoạn ánh sáng trong suốt.

Một thính giả : Khi muốn giúp đỡ người hấp hối, trên nguyên tắc phải tạo ra các ảnh hưởng tác động vào nghiệp của người ấy ? Có cách nào khác giúp đỡ trực tiếp hơn hay không ? Ta làm được gì trong các trường hợp đó ? 

Rimpoché : Làm thế nào để giúp một người hấp hối, một chúng sinh sắp chết ? Tất cả tùy thuộc vào từng giai đoạn. Trong trường hợp người hấp hối còn ý thức, còn nghe được và hiểu được, ta nên dùng cách khuyên nhủ giúp người hấp hối tự tạo ra cho mình một tâm thức đạo hạnh, chẳng hạn gợi lên cho họ tình thương yêu chúng sinh, lòng từ bi rộng lớn. Đấy là cách giúp họ ra đi với một tâm thức đạo hạnh. Trường hợp người hấp hối đã mất hết khả năng thính giác không còn nghe được nữa, như tôi vừa trình trước đây chúng ta vẫn có thể giúp họ bằng cách tích lũy đạo hạnh và những điều xứng đáng của mình để hồi hướng cho họ. Tác động sẽ rất mạnh nếu ta là người thân cận với họ, càng thân cận hiệu quả mang lại càng lớn, chẳng hạn người hấp hối là cha, mẹ, hay con cái của mình, sự liên hệ mất thiết đó cũng có thể là mối dây buộc chặt người Thầy và người đệ tử. Trong trường hợp người hấp hối và cả ta có chung một số tài vật nào đó, và nếu ta đem các vật sở hữu ấy làm điều thiện, đó sẽ là cách giúp người chết gián tiếp thực thi bố thí. Đấy là một cách giúp đỡ tích cực và hiệu quả cho người quá vãng. Hành động đó sẽ giúp họ tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, hay ít ra cũng tốt hơn kiếp sống này.

Một thính giả : Những gì sẽ xảy ra đối với một người tự tử ?

Rimpoché : Cũng tương tợ như các trường hợp chết bất đắc kỳ tử khác. Nếu một người nào đó từ trên tháp Effel nhảy xuống đất, cái chết của họ sẽ không khác gì với cái chết của một người bị tai nạn lưu thông. Xin hiểu quá trình của cái chết mà tôi trình bày thuộc các trường hợp thông thường xảy ra một cách tuần tự. Nếu một cái chết xảy ra nhanh chóng, thô bạo [bất đắc kỳ tử], quá trình các giai đoạn không diễn tiến đúng như đã mô tả, do đó không thể lợi dụng các giai đoạn vào viêc tu tập. Kể cả trường hợp cái chết xảy ra chậm cũng phải có một tâm thức minh mẫn để hướng vào việc tu tập. Một người hấp hối mang tâm thức điên rồ không theo dõi được các giai đoạn.

Một thính giả : Tôi muốn biết tại sao lại phải giữ thân xác trong ba ngày khi chỉ còn duy nhất phần tâm thức lưu lại trong thể dạng ánh sáng trong suốt ? Trong giai đoạn này các cảm nhận thô thiển đều tan biến, vì thế tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này thân xác không còn cần thiết nữa vì không giữ vai trò nào cả ?

Rimpoché : Tại sao lại không ? Trong giai đoạn phát hiện ánh sáng trong suốt, tâm thức vô cùng tinh tế bị ép chặt bởi giọt trắng và giọt đỏ nơi ngực, vì thế chúng vẫn còn lưu lại trong thân xác, tình trạng này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nào đó. Nếu làm cho quá trình diễn tiến nhanh hơn có nghĩa là bắt tâm thức phải rời bỏ thân xác quá sớm. Hành động này cũng tương tợ như việc giết người hấp hối lần thứ hai. Vì thế nên giữ người chết trong ba ngày. Tuy nhiên, không nhất thiết giai đoạn ánh sáng trong suốt kéo dài ba ngày đối với tất cả mọi người. Vì thế cần theo dõi các dấu hiệu để biết khi nào tâm thức cực tinh tế rời khỏi thân xác. Một trong các dấu hiệu là chất lỏng chảy ra từ hai lỗ mũi. Dấu hiệu này chứng tỏ tâm thức chắc chắn đã rời khỏi thân xác, hiện tượng này có thể xảy ra sớm hơn ba ngày rất nhiều.

Còn có câu hỏi nào cần nêu lên hay chăng ?

Một thính giả : Quá trình đó có bị thay đổi hay không khi người hấp hối bị mổ để khám nghiệm (autopsie) ngay sau khi chết ?

Rimpoché : Còn tùy trường hợp. Quá trình một cái chết bình thường tất nhiên phải trải qua tất cả các giai đoạn như đã được trình bày, thế nhưng trong các nước Tây phương cái "chết" được xác định bằng các tiêu chuẩn như ngưng thở bên ngoài - tức sự ngưng thở thô thiển. Chúng ta đều hiểu rằng sau khi cái chết xảy ra cho thân xác, tâm thức vẫn còn lưu lại trong cơ thể. Giải thích như thế có lẽ cũng đủ trả lời cho câu hỏi.

Một thính giả : Thời hạn ba ngày xảy ra đối với người bình thường. Vậy đối với những người khác thường thì như thế nào ?

Rimpoché : Không thể biết đích xác. Đối với những người tu tập Tan-tra thời hạn này có thể kéo dài lâu hay mau tùy từng trường hợp, có thể một tuần, hai tuần hay hơn nữa. Tuy nhiên cũng có thể ngắn hơn [người tu tập cao thâm có thể chủ động được khoảng thời gian này].

Người ta thường thấy những trường hợp xảy với các vị Đại sư, nhất là các Đại sư Tây tạng. Các vị này chết nhưng vẫn lưu lại trong thể dạng ánh sáng trong một thời gian lâu dài, vài người lưu lại hai tuần, vài người khác ba tuần. Khi khoảng thời gian họ còn thiền định không có dấu hiệu thoái hóa nào xảy ra, bởi vì tâm thức họ vẫn còn lưu lại trong thân xác. Trong trường hợp đó thân xác họ vẫn tươi tốt không bốc ra một mùi hôi nào cả. Tuy thế nếu người chết tiếp tục lưu lại trong tình trạng đó quá lâu có thể gây ra phiền toái cho người thân chung quanh. Người ta kể lại nhiều trường hợp người thân (các đệ tử và các người hầu cận) phải cầu xin các vị Thầy của họ nên xuất thiền.

Một số quý vị hôm nay trước đây có thể đã từng gặp Serkong Tchenchap Rimpoché [một vị Thầy thường thuyết giảng cho người Âu châu]. Thân phụ của vị Thầy này mất ở Tshilhunpo và lưu lại thật lâu trong thể dạng ánh sáng trong suốt, các người thân chung quanh không biết phải xử trí ra sao và cũng không dám trực tiếp cầu khẩn người quá vãng xuất thiền, Sau cùng họ đành nhờ đến phu nhân của vị này giúp họ trong một buổi lễ được tổ chức thật long trọng.

Gần đây hơn, nhiều vị trong số các vị tham dự hôm nay đã từng biết Kyabdjé Ling Dordjéchang, vị này thiền định suốt hai tuần sau khi chết.

Trong thời gian thiền định trên đây, mặc dù người tu tập đã chết thế nhưng vẫn giữ tư thế ngồi thiền, đầu thẳng, gương mặt tỉnh táo. Trường hợp của Kyabdjé Ling Rimpoché còn đặc biệt hơn nữa, dáng dấp trên thân xác có vẻ trẻ hẳn ra. Thế nhưng sau đó người ta thấy nước chảy ra từ mũi và tức thời đầu của vị này gục xuống và các dấu hiệu thông thường xuất hiện. Chính đấy là lúc tâm thức và thân xác rời nhau và không còn sự liên hệ nào nữa.

Còn câu hỏi nào thêm ?

Một thính giả : Trong các trường hợp trên đây, có thể xảy ra hiện tượng hoán chuyển tâm thức hay không ? Nếu người hấp hối chấp nhận ra đi [rời bỏ thể dạng ánh sáng trong suốt] là một vị bồ-tát và nếu họ ước muốn được đầu thai thành một người phụ nữ họ có thể thực hiện được chăng và hoàn toàn chủ động được hành động ấy hay không ? Có một sự tiếp nối liên tục nào không ?

Rimpoché : Tôi không hiểu rõ câu hỏi.

Một thính giả : Nếu một người lưu lại như thế [thật lâu trong thể dạng ánh sáng trong suốt] họ có ý thức được [tình trạng đó] hay không ? Có một sự hoán chuyển tâm linh hay một sự tiếp nối tri thức khi họ được yêu cầu rời khỏi thân xác, và nếu họ muốn đầu thai tức khắc và chọn lựa được nơi đầu thai họ có còn giữ nguyên được thể dạng tri thức của mình trước đây để hoán chuyển sang thân xác của một đứa bé trong tương lai hay không ? 

Rimpoché : Những gì vừa nêu lên có thể xảy ra, thế nhưng không nên dùng chữ hoán chuyển tâm linh vì không đúng nghĩa. Một người tu tập cao thâm khi rời khỏi thân xác có thể giữ được trí nhớ và tiếp tục công trình tu tập của mình sau này. Các sinh linh đạt được thể dạng A-la-hán (arya) đều nhớ được những gì họ từng thực hiện trước đây và cả mục đích mà họ mà họ đang theo đuổi.

Ngoại trừ trường hợp của các vị A-la-hán trên đây, đối với các người bình thường trí nhớ giảm xuống và không còn nhớ được các kỷ niệm cũ nữa. Tại sao trí nhớ của những người không phải là A-la-hán bị thoái hóa nhanh chóng ? Bởi vì có hai thời điểm rất mong manh và tế nhị : một xảy ra trong giai đoạn quá trình của cái chết và một trong giai đoạn quá trình của sự sinh [thụ thai]. Trong quá trình của cái chết thời điểm đó xảy ra trong giai đoạn gần thu đạt được, đúng vào lúc xảy ra một sự bất tỉnh [hôn mê]. Khi tái sinh, trên quá trình đảo ngược thời điểm đó cũng xảy ra vào giai đoạn gần thu đạt được và cũng trùng hợp với một sự bất tỉnh [hôn mê].

Vì lý do nào bạn nghĩ đến sự "hoán chuyển tâm linh" ? Ý nghĩa của các chữ này là gì ? Bạn muốn nêu lên hiện tượng nào ?

Một thính giả : Có thể tôi không diễn đạt được minh bạch, thế nhưng tôi nghĩ rằng nếu không còn giữ được một thân xác trước thế nhưng sự tiếp nối tâm thức vẫn còn, vậy phải có một sự hoán chuyển nào đó từ một cá thể này sang một cá thể khác.

Rimpoché : Nếu bạn hiểu theo ý nghĩa đó thì nào có vấn đề gì đâu, sự thể chính là như thế, có một sự tiếp nối liên tục giữa tâm thức của người chết và tâm thức của người tái sinh.

Còn ai thắc mắc nữa chăng ?

Một thính giả : Người ta cho tôi biết phép tu tập "Powa" [còn viết là Phowa ph'owa, kinh sách gốc tiếng Hán gọi là "Chuyển di thần thức"] đòi hỏi không được để nước chảy ra từ một trong hai lỗ mũi, bởi vì như thế có thể khiến mình tái sinh vào một cõi thấp hơn. Phép tu tập "powa" nhất thiết chú trọng vào sự rỉ nước ở đỉnh đầu có nghĩa là lỗ Brahma [Phạm thiên], thế nhưng ngài lại bảo rằng nước chảy ra từ lỗ mũi [dấu hiệu của cái chết thật sự]. Điều đó có nghĩa là nếu không khép kín được chín lỗ hổng [của thân xác] có thể bị tái sinh trong một cõi thấp hơn. Mục đích của phép tu tập "powa" là tránh không để xảy ra các hiện tượng đó.

Rimpoché : Tôi chưa hề được nghe nói đến chuyện nước rỉ ra trên đỉnh đầu. Tuy nhiên tâm thức cực tinh tế có thể thoát ra từ vị trí đó tức từ cakra trên đỉnh đầu, thế nhưng đấy không phải là một sự rỉ nước, hay bất cứ giọt nào thoát ra từ vị trí đó. Các điều nêu lên trong câu hỏi cho thấy sự lẫn lộn giữa tri thức, dòng tiếp nối của tri thức (hay tâm thức cực tinh tế) và nước.

Một thính giả : Một vị Thầy Tây tạng có nói với tôi nếu thực thi đều đặn – tuy nhiên cũng không nên quá thường xuyên vì có thể khiến cuộc sống bị thu ngắn – phép tu tập "powa" sẽ mang lại nhiều hiệu quả, và khi thực hiện thật đúng phương pháp quán tưởng người ta sẽ có cảm giác tương tợ như một sự rỉ nước trên đỉnh đầu, hiện tượng này là bằng chứng cho biết việc luyện tập "powa" được thực thi đúng cách.

Rimpoché : Nếu thực thi một cách đúng đắn, ta sẽ cảm nhận được hình như có một cảm giác lăn tăn trên đỉnh đầu nhưng không phải là một sự rỉ nước.

Có quý vị nào cần hỏi thêm ?

Một thính giả : Có một nhà văn cho biết ở Tây tạng vì mặt đất rất cứng [tất nhiên toàn là đá và băng giá, đất trồng trọt rất hiếm] nên không có củi, người ta chặt xác chết của trẻ con và có khi của người lớn nữa cho thú vật ăn. Có đúng hay không ?

Rimpoché : Vì xứ Tây tạng không có củi và đất cứng khiến không thể nào chôn cất hay hỏa táng người qua đời, người ta cắt xác chết cho kên kên ăn. Tại sao ? Dầu sao đi nữa, ít nhất theo quan điểm Phật giáo giữa một xác chết và một khúc củi không có sự khác biệt lớn lao, đấy chỉ là một vật gì đó. Hơn nữa hành động như vừa đề cập có thể giúp ích cho các chúng sinh khác. Một số người trước khi chết còn dặn dò cẩn thận : " Khi tôi chết cứ đem xác tôi vứt cho một loại thú nào đó (chẳng hạn như kên kên) giúp chúng tìm thấy thức ăn". Đấy là một cách tu tập về lòng rộng lượng [bố thí].

Một thính giả : Làm thế nào biết được nước chảy ra từ lỗ mũi để biết chắc là tâm thức đã rời bỏ thân xác ?

Rimpoché : Trên nguyên tắc, nước chảy ra từ lỗ mũi có màu đỏ hay màu hồng. Dầu sao đấy là một hiện tượng khá lạ lùng ít khi có dịp nhìn thấy, do đó rất dễ nhận ra.

Một thính giả : Đối với năm cấu hợp [ngũ uẩn], ngài nói sự sống là một sự tạo tác duy ý không mang bản chất tâm thần. Có phải ngài muốn nói đến tất cả mọi sự sống ? Kể cả thực vật, chẳng hạn một hoa hồng hay một gốc cây ?

Rimpoché : Thí dụ đưa ra chỉ có mục đích giúp hình dung thế nào là một cấu hợp tạo tác duy ý, thế nhưng bạn lại hiểu đấy là sự sống hoặc khoảng thời gian kéo dài trong cuộc sống của một cá thể, [câu hỏi đặt sai không có nghĩa gì cả].

Một thính giả : Nghe nói ở Ấn độ một số vị Đại sư lúc chết không thở ra khi sắp trút hơi thở cuối cùng, mà đúng hơn họ hít vào. Sự kiện đó có tượng trưng cho một hiện tượng thần bí nào không ?

Rimpoché : Tôi cũng không biết đấy có phải là một hiện tượng thần bí hay không [đây cũng là một câu hỏi đi lạc vào chi tiết, cách trả lời của Dagpo Rimpoché rất khéo]

Một thính giả : Phải quan niệm như thế nào về việc hiến cơ thể khi cái chết xảy ra, lý do là việc này phải thực hiện nhanh chóng sau khi được xác nhận là chết theo các tiêu chuẩn bên ngoài ? Tôi nghĩ rằng đấy là một sự vi phạm đến người hấp hối. Quan điểm của Phật giáo như thế nào trước các hành động ấy của người Tây phương ?

Rimpoché : Nếu một người nào đó đã tự nguyện hiến dâng cơ thể của mình, việc thực thi ước nguyện của họ không phải là một sự vi phạm, đấy là một sự tự nguyện và cũng là một hành động can đảm. Trong trường hợp này họ không thể sử dụng các giai đoạn của cái chết trong mục đích tu tập. Trên thực tế một người tu tập Tan-tra tất phải hiểu rằng không nên để lại di chúc hiến cơ thể của mình, trừ trường hợp đấy là những vị tu tập cao thâm tự nguyện và quyết tâm dâng hiến cơ thể của mình. Hiến cơ thể có thể gây ra trở ngại.



THIỀN ĐỊNH



Đến đây chúng ta hãy thiền định về những gì vừa được trình bày sáng nay. Quý vị chuẩn bị sửa lại thế ngồi cho thoải mái.

Trước hết chúng ta thiền định về các giai đoạn đã được mô tả. Chúng ta không cần chú ý đến các dấu hiệu bên ngoài vì nếu phải tưởng tượng ra tất cả các thứ đó khi mới bắt đầu tập sẽ rất rắc rối. Tạm thời chúng ta cố gắng ghi nhớ các dấu hiệu bên trong cũng tạm đủ.

Chúng ta hãy tưởng tượng cái chết sắp diễn cho chính mình. Trong lồng ngực bốc lên những luồng ánh sáng xanh [màu lam – xanh dương], hoặc xanh đậm, ánh sáng đó tỏa ra khắp hướng trong vũ trụ, tràn ngập không gian và bao trùm tất cả chúng sinh trong toàn thể vũ trụ. Sau đó tiếp tục tưởng tượng các luồng ánh sáng xanh đậm tỏa ra từ ngực mình biến toàn thể vũ trụ - trong đó bao gồm tất cả chúng sinh - trở thành một bản thể duy nhất là ánh sáng màu xanh.

* * * *

Tất cả đều hóa thành ánh sáng. Sau đó ta tưởng tượng tất cả ánh sáng gom tụ và thu nhỏ lại và ta hấp thụ trở lại vào người tất cả ánh sáng ấy. Chung quanh, tức bên ngoài ta chỉ còn lại sự trống không. Ta trở thành người hiện hữu duy nhất.

* * * *

Sau đó ta chú tâm vào nửa phần trên và nửa phần dưới của thân thể mình, tưởng tượng hai phần này cũng biến thành hai vùng ánh sáng xanh, các vùng ánh sáng này thu nhỏ lại và rút vào vị trí trung tâm của lồng ngực. Kết quả ta trở thành một bầu ánh sáng màu xanh, [hình tướng tức thân xác của mình biến mất chỉ còn lại một bầu ánh sáng màu xanh].

* * * *

Hãy tưởng tượng thành phần "đất" tan biến vào thành phần "nước" và hình dung ra dấu hiệu bên trong là một thứ ảo ảnh nào đó.

* * * * 

Bầu ánh sáng thu nhỏ lại, hình ảnh đó tượng trưng cho sự tan biến của thành phần "nước" vào thành phần "lửa". Dấu hiệu bên trong đi kèm với hiện tượng này là sự quán thấy một làn khói mỏng.

* * * *

Bầu ánh sáng tiếp tục thu nhỏ hơn nữa. Thành phần "lửa" tan biến trong thành phần "khí". Ta tưởng tượng ra dấu hiệu bên trong là sự quán thấy các tia lửa bắn tung toé, hay một đàn đom đóm đang bay loạn trong tối.

* * * *

Thành phần "khí" tan biến vào tri thức. Dấu hiệu bên trong là ánh sáng lấp loé của một ngọn đèn dầu.

* * * *

Tám mươi khái niệm về sự nhận biết thô thiển tan biến vào thể dạng bên ngoài. Trước hết ta tưởng tượng ra dấu hiệu bên trong là ngọn lửa của chiếc đèn dầu và sau đó khi thể dạng bên ngoài phát hiện, dấu hiện bên trong sẽ là một thứánh sáng trắng thật rạng rỡ giống như ánh trăng vằng vặc.

* * * *

Trong giai đoạn này bầu ánh sáng xanh lại tiếp tục thu nhỏ hơn nữa ; kích thước chỉ còn bằng một hạt đậu.

* * * *

Thể dạng bên ngoài tan biến vào sự tăng trưởng của nó. Dấu hiệu bên trong là một thứ ánh sáng màu đỏ. Bầu ánh sáng màu xanh – tượng trưng cho tâm thức của ta – càng lúc càng thu nhỏ hơn, kích thước lúc này không to hơn một hột cải.

* * * *

Sự tăng trưởng tan biến trong thể dạng gần thu đạt được. Đốm sáng trở nên thật nhỏ, kích thước cỡ đầu sợi tóc. Vào giai đoạn này ta có cảm giác nhìn thấy một màu đen tuyền. Ta tưởng tượng ra một màn đen sẫm bao trùm chung quanh và nhớ lại giai đoạn trước đây tức sự tăng trưởng, giai đoạn đang xảy ra trong hiện tại tức là thể dạng gần thu đạt được và ta sắp cảm nhận được ánh sáng trong suốt của cái chết trong giai đoạn sắp xảy ra.

* * * *

Đốm sáng bằng đầu sợi tóc tượng trưng cho tâm thức tiếp tục thu nhỏ hơn nữa và sau cùng biến mất hoàn toàn, tất cả chỉ còn lại một không gian trống không thật trong trẻo và tinh khiết, tương tợ như không gian của một buổi bình minh khi mặt trời và các tia sáng chưa ló dạng, bầu trời thật tinh khiết không một màu sắc nào cả. Ta hãy tưởng tượng đấy là ánh sáng trong suốt của cái chết đang phát hiện và tập trung suy tư để quán thấy tất cả mọi hiện tượng chỉ là những thứ do tâm thức diễn đạt, những khái niệm đơn thuần, không có một hiện tượng nào hiện hữu một cách tuyệt đối, tức tự chúng hiện hữu từ bản chất.

* * * *

Chúng ta vừa thực hiện một phép thiền định thật ngắn làm thí dụ. Sau này nếu quý vị muốn tiếp tục thiền định sâu xa hơn, trước hết phải nghiên cứu lại kỹ lưỡng những gì vừa được trình bày trong ngày hôm nay. Thí dụ trước hết ta nghĩ đến sự tan biến thứ nhất tức thành phần "đất" tan biến và bị hấp thụ bởi thành phần "nước", nếu đủ khả năng nên hình dung ra các dấu hiệu bên ngoài đi kèm với giai đoạn này, nếu không tối thiểu cũng phải nhớ lại dấu hiệu bên trong. Sau khi tưởng tượng thành phần "đất" tan biến vào thành phần "nước" ta nghĩ đến thành phần "nước" tan biến vào thành phần "lửa" và mỗi lần tan biến sẽ có một dấu hiệu bên trong xảy ra.

Tiếp tục hình dung các giai đoạn tan biến như trên đây và luôn chú ý đến các dấu hiệu xảy ra kèm theo các giai đoạn, các dấu hiệu vừa mới xảy ra trước đây và các dấu hiệu sắp sửa xảy ra. Trong lúc thiền định phải nghĩ đến các thời điểm theo đó các dấu hiệu sẽ hiển hiện, phải đủ sức nhớ lại đầy đủ. Trong khi đang thiền định thật vô cùng quan trọng phải nhận biết được ngay các dấu hiệu khi chúng phát hiện. Nếu chuyên cần luyện tập sau này trong lúc hấp hối khi các dấu hiệu phát hiện ta sẽ đủ khả năng phân biệt từng dấu hiệu một và cả thứ tự xuất hiện của chúng.

Các giai đoạn tôi vừa mô tả thuộc vào quá trình xảy ra đối với cái chết trong các trường hợp bình thường, thế nhưng quá trình đó cũng xảy ra khi ngủ, tức là lúc chợp mắt để ngủ, hoặc vào một thời điểm xảy ra một biến cố nhỏ nào đó trong ngày. Thế nhưng trong cuộc sống thường nhật, trong khi chợp mắt để ngủ hay các giai đoạn của quá trình, quá trình vụt xảy ra và diễn biến thật nhanh khiến ta không thể theo dõi kịp.

Tu tập Tan-tra đến một cấp bậc nào đó có thể giúp ta ngay trong cuộc sống thường nhật có thể nhận biết được các giai đoạn ấy và sử dụng chúng vào việc tu tập. Thế nhưng muốn thực hiện được các khả năng này phải thật chuyên cần và hăng say tu tập trong một thời gian lâu dài.

Thế nhưng tu tập như thế để làm gì ? Tại sao phải luyện tập để nhớ lại sự diễn tiến các giai đoạn cái chết trước khi cái chết xảy ra ? Bởi vì khi quá trình đó thật sự xảy ra, ta phải đủ khả năng làm tan biến các thể dạng cảm nhận thô thiển và các "khí" thô thiển. Khi nào các cảm nhận và "khí" thô thiển đã tan biến hết sẽ còn lại tâm thức và "khí" cực kỳ tinh tế, ta sử dụng tâm thức và "khí" cực tinh tế đó để thiền định, kết quả mang lại sẽ vô cùng rộng lớn.

Nếu tập luyện theo các phép thiền định căn cứ vào các cảm nhận thô thiển hết trăm năm này sang trăm năm khác [nhiều kiếp] tất nhiên cũng sẽ đạt được một số kết quả nào đó, thế nhưng chỉ cần một ngày thiền định bằng cách sử dụng tâm thức và "khí" cực tinh tế cũng có thể mang lại kết quả lớn lao hơn và tích cực hơn. Tuy nhiên trong lúc còn sống, tâm thức và "khí" thô thiển luôn gây ra tác động thật mạnh khiến người tu tập khó phát hiện được tâm thức và "khí" trong thể dạng cực kỳ tinh tinh tế để tu tập, [gián tiếp cho biết là quá trình diễn tiến của cái chết mang lại một thể dạng tâm thức và "khí" cực tinh tế thuận lợi cho việc tu tập Tan-tra].

Nếu ta có thể làm tan biến các "khí" và các cảm nhận thuộc cấp bậc thô thiển giúp tâm thức và "khí" cực tinh tế phát hiện để sử dụng chúng vào thiền định về tánh không ta sẽ nhanh chóng cắt đứt cội rễ buộc ta vào cõi ta-bà, có nghĩa là loại bỏ sự nắm bắt "cái tôi" nội tại, [tức là đạt được sự giải thoát ngay trong kiếp sống này].

Các phép tu tập Tan-tra thật hiệu quả và mau lẹ chính vì lý do vừa nêu lên trên đây. Nếu muốn tu tập theo Tan-tra trước hết phải tìm hiểu và học hỏi để hiểu biết Tan-tra là gì, phải biết tiếp cận Tan-tra thật đúng đắn. Không nên theo đuổi những việc nhảm nhí và gọi đấy là tu tập Tan-tra. Đối với chủ đề được nêu lên trên đây [chết – trung gian – tái sinh] nên tìm hiểu cẩn thận những gì đã được trình bày. Sau đó nếu muốn đi xa hơn trong việc tu tập thiền định Tan-tra [về cái chết] sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt



*******************



Ngày hôm nay tôi giải thích về giai đoạn thứ nhất liên quan đến cái chết, thế nhưng đấy chỉ là những gì thật sơ lược. Còn vô số những điều chưa đề cập đến. Dầu sao đây cũng là lần đầu quý vị tiếp xúc với Tan-tra, vì thế tôi phải đơn giản hóa và trình bày thật tổng quát, tuy nhiên cũng phải làm thế nào để giữ được sự mạch lạc. Nếu đi ngay vào chi tiết sẽ có thể mang lại hoang mang và lẫn lộn cho quý vị. Khi nào quý vị hiểu và nhớ hết phần trình bày trên đây, chúng ta có thể tổ chức các buổi thuyết giảng khác sâu xa hơn về cái chết, kể cả các chủ đề khác về Tan-tra. Ngày mai tôi tiếp tục trình bày và giải thích về giai đoạn trung gian gọi là bardo và sau đó là sự tái sinh.

Sáng nay chúng ta cùng nhau nguyện cầu trường thọ cho Đức Đạt-lai Lạt-ma. Trước khi chấm dứt buổi thuyết giảng chiều nay chúng ta lại tiếp tục nghi thức nguyện cầu tương tợ như buổi sáng, sau đó chúng ta sẽ niệm kinh tán thán hai mươi mốt vị Ta-ra. Trong ngày hôm nay chúng ta phát huy được lòng hăng say học hỏi Đạo Pháp và đồng thời còn thực hiện được cả việc tu tập. Nhất định đấy là những hành động mang lại thật nhiều công quả. Chúng ta hãy hồi hướng tất cả những công quả đó cho tất cả chúng sinh hầu giúp họ nhanh chóng thoát khỏi mọi khổ đau và đạt được thể dạng Giác ngộ hoàn hảo của một vị Phật.

Chủ nhật 30 tháng 6 năm 1985



Như tôi đã nói đến trong ngày hôm qua, cần nhất quý vị phải luôn nhớ đến cơ sở hỗ trợ mà mình đang có [thân xác của chính mình]. Hiện chúng ta đang được thừa hưởng thân xác con người, ta phải hiểu rằng thân xác đó hàm chứa thật nhiều khả năng, chẳng hạn như tâm thức chúng ta tượng trưng cho một khả năng tuyệt vời. Không nên quên là với cơ sở quý giá đó và lòng quyết tâm chúng ta sẽ thực hiện được bất cứ mục tiêu mong cầu nào.

Không phải chỉ cần nghe giảng, tu tập Đạo Pháp (Dharma) và suy tư một cách hời hợt về dịp may quý hiếm được làm người là đủ. Phải tâm niệm về các điều đó trong cuộc sống thường nhật, không phải chỉ nghĩ đến là đủ. Phải ý thức một cách sâu xa nhờ vào cơ sở hỗ trợ ta sẽ thực hiện được bất cứ mục tiêu mong muốn nào, vì thế phải sử dụng mọi phương tiện sẵn có, dồn tất cả sinh lực, sức cố gắng của mình để tu tập hầu mang lại hạnh phúc bền vững.

Có rất nhiều phương pháp tu tập khác nhau, thế nhưng phương pháp mà tôi sắp đề nghị với quý vị hôm nay là phương pháp biến cải mọi hành vi thân xác, ngôn từ và tâm thức.

Đấy là cách biến tất cả các hành động giữ gìn kỷ cương thân xác, ngôn từ và tâm thần trở thành vô số nguyên nhân mang lại hạnh phúc. Nếu chúng ta hội đủ vô số những nguyên nhân ấy, nhất định hậu quả sẽ phát sinh.

Tất nhiên sẽ có người không hoàn toàn đồng ý : "Thế nhưng cũng phải lo làm ăn chứ ! Phải tìm kế sinh nhai !". Tất nhiên ta phải làm việc, phải tự cáng đáng và lo cho sự sống của mình. Không ai làm thay những chuyện ấy cho ta được, thế nhưng đâu có gì mâu thuẫn và đối nghịch không thể giải quyết được giữa công ăn việc làm và sự giữ gìn kỷ cương trên thân xác, ngôn từ và tâm thức hầu mang lại hạnh phúc cho mình.

Vậy làm thế nào để biến tất cả mọi sinh hoạt thường nhật và kỷ cương đạo đức trở thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc ? Có một phương pháp thật tốt, một phương pháp tối thượng, ấy là phương pháp giúp ta đạt được tâm thức giác ngộ, phát huy Bồ-đề-tâm (Bodhicitta) hầu tạo ra trong tim ta những xúc cảm từ bi, thúc dục ta cố gắng mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh. Nếu ta thực hiện được tâm thức đó, tự nhiên tất cả mọi kỷ cương đạo đức và mọi sự sinh hoạt của ta tự động biến thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho ta. Thật quan trọng và có thể nói là bắt buộc nữa mỗi chúng ta cần phải tạo ra cho mình thể dạng tâm thức giác ngộ đó. Được làm thân con người, chúng ta phải lợi dụng dịp may đó để thực hiện Bồ-đề tâm.

Khi đạt được một tâm thức giác ngộ, tất cả các hành động của ta đều dễ dàng trở thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc và thể dạng một vị Phật, đúng như câu châm ngôn người Pháp thường nói "dễ dàng như một chiếc xe lửa khi đã lăn bánh trên đường rầy".

Một Đại sư thông thái người Ấn là Tịch Thiên (Shantideva, thế kỷ thứ VIII ) giải thích sự kiện ấy như sau : khi đã thực hiện được tâm thức giác ngộ, tất cả mọi sinh hoạt của ta kể cả trong giấc ngủ, trong lúc vô tư hoặc đang tản bộ... đều tượng trưng cho những gì xứng đáng trong ta và chúng không ngừng tăng trưởng.

Trước mặt chúng ta trong giảng đường này là một pho tượng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Chúng ta nên nhớ là tất cả chúng sinh muốn trở thành Phật phải đạt được thể dạng tâm thức Giác ngộ tương tợ như tâm thức của Ngài. Hiện nay chúng ta chưa đạt được thể dạng tâm thức đột khởi đó, thế nhưng chúng ta nên cố gắng thực hiện ngay trong lúc này và tại nơi này, hoặc ít ra cũng cố tình tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức tuy giả tạo nhưng phải gần giống với tâm thức Giác ngộ của Phật. Đấy là một trong các cách chuẩn bị và tạo ra những điều kiện tiên khởi giúp tất cả chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập với nhau.

Chúng ta cố gắng học hỏi hay tu tập chính là nhờ có Bồ-đề tâm và tâm thức giác ngộ thúc đẩy. Thế nhưng vẫn chưa đủ chúng ta phải cố gắng nhiều hơn thế nữa trong từng hành động hàng ngày. Mỗi sáng sau khi thức dậy, tắm rửa thay quần áo xong ta phải nghĩ ngay đến các động cơ thúc đẩy ta trong ngày hôm nay. Ta nên nghĩ đến một sự kiện thật tuyệt vời, tối hôm qua sau khi nằm xuống giường và ngủ một giấc thật dài ta lại may mắn được thức dậy sáng hôm nay. Chỉ cần nghĩ đến sự kiện thật bình thường và đơn giản như thế cũng đủ mang lại sự hân hoan trong lòng mình. Đây lại thêm một ngày nữa đang mở ra trước mặt giúp ta sử dụng nó để mang lại an lành cho tất cả chúng sinh, tạo hạnh phúc cho họ và giúp họ vượt thoát khỏi khổ đau. Ta nhất quyết sử dụng ngày hôm đó để cố gắng đạt được thể dạng của một vị Phật hầu giúp ta đủ khả năng mang lại hạnh phúc cho người khác. Dù có quý vị nào không phải là người Phật giáo cũng cứ nghĩ rằng nên sử dụng ngày hôm ấy để mang lại một chút an vui cho người khác.

Đến đây chúng ta thử nhìn vào chính chúng ta xem sao. Ta sẽ thấy rằng mình không muốn gánh chịu khổ đau dù đấy chỉ là một thứ khổ đau thật nhỏ nhoi, và đồng thời ta lại mong cầu lúc nào cũng đạt được hạnh phúc. Nếu đúng thế cũng nên hiểu rằng tất cả chúng sinh trong cõi ta-bà cũng chẳng khác gì với ta, tất cả đều mong cầu hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Tuy rằng mong muốn hạnh phúc, thế nhưng trên thực tế tất cả chúng ta luôn phải đương đầu với đớn đau và khổ nhọc. Ý thức được sự thật đó chính là nguyên nhân thúc dục chúng ta tu tập trong mục đích cứu giúp chúng sinh vượt thoát khỏi mọi khổ đau.

Xin trở lại chủ đề học hỏi của chúng ta hôm nay là cái chết, thể dạng trung gian và sự tái sinh.

Phật giáo đưa ra một phương pháp tu tập giúp biến ba giai đoạn ấy trở thành ba thể dạng gọi là Tam Thân của đấng Tối Thắng, tức của một vị Phật. Muốn tu tập theo phương pháp đó phải hiểu rõ ba thể dạng chết, bardo và tái sinh là gì, chúng diễn tiến ra sao.

Đối với Phật giáo nói chung và riêng đối với Tan-tra thừa, khái niệm về Tam Thân được trình bày dưới ba thể dạng sau đây :

- Tam thân căn bản,

- Tam thân trên đường tu tập,

- Tam thân kết quả.

Tất nhiên là quý vị đã hiểu Tam Thân là gì, đấy là :

- Dharmakaya, hay Pháp Thân,

- Sambhogakaya hay Thụ dụng thân,

- Nirmakaya hay Biến hóa thân.

Mỗi thân có ba cấp bậc : pháp thân căn bản, thụ dụng thân căn bản, biến hóa thân căn bản ; pháp thân trên đường tu tập, thụ dụng thân trên đường tu tập, biến hóa thân trên đường tu tập ; Pháp Thân kết quả, Thụ dụng thân kết quả và Biến hóa Thân kết quả.

Các "thân căn bản" là gì ? Tuy gọi là "thân" thế nhưng chưa đúng là thuật ngữ dùng chỉ định cấp bậc "Thân" của chư Phật, "thân căn bản" chưa phải là Thân Phật. Đối với các loại "thân trên đường tu tập" cũng thế, chưa phải là Thân Phật. Cấp bậc "Tam thân kết quả" mới đúng là Tam Thân Phật.

Vậy pháp thân căn bản hay thân Đạo Pháp căn bản là gì ? Chúng ta đã mô tả sơ lược hôm qua [nhưng không gọi tên một cách chính xác], "pháp thân căn bản" chính là "ánh sáng trong suốt của cái chết", có nghĩa là tâm thức và "khí" cực kỳ tinh tế. Đối với một người bình thường, các giai đoạn thuộc quá trình của cái chết xảy ra tuần tự, một trong các giai đoạn đó là ánh sáng trong suốt của cái chết. Các giai đoạn như vừa kể cũng xảy ra khi ta rơi vào giấc ngủ, thế nhưng diễn tiến của quá trình xảy ra quá nhanh khiến ta không nhận thấy được. Những người bình thường không thể tạo ra [một cách giả tạo] các giai đoạn trong quá trình của cái chết vì chúng chỉ có thể thực sự xảy ra khi chết, chỉ có những người tu tập Tan-tra mới có thể tạo ra các giai đoạn tương tợ như thế để sử dụng vào việc tu tập.

Phép tu tập Tan-tra dựa trên những nguyên tắc nào ?

Trước hết nên hiểu rằng thân xác ta hàm chứa nhiều kinh mạch dùng để vận chuyển "khí". Trong trường hợp bình thường các loại "khí" vận chuyển thường xuyên trong hệ thống kinh mạch hai bên [phải và trái]. Khi nào "khí" vẫn tiếp tục lưu hành thông suốt trong các kinh mạch hai bên, chúng sẽ không di chuyển vào kinh mạch trung tâm. Thật ra kinh mạch trung tâm lúc nào cũng bị khép kín và các "khí" luân chuyển trong cơ thể đều là các loại "khí" thô thiển. "Khí" là các cơ sở chống đỡ giữ vai trò chuyển tải các khái niệm, các cảm nhận thô thiển.

Tu tập Tan-tra là cách chận đứng sự luân chuyển của các loại "khí" thô thiển, tức là các cảm nhận thô thiển. Khi sự luân chuyển của các "khí" thô thiển bị chận đứng, kinh mạch trung tâm sẽ được giải tỏa, "khí" sẽ tràn vào đó. "Khí" di chuyển vào kinh mạch trung tâm là loại "khí" vô cùng tinh tế giúp cho tâm thức cực tinh tế có thể vận hành. Đối với những người bình thường, tâm thức và "khí" thật tinh tế chỉ phát hiện và vận hành khi nào cái chết xảy ra vì chỉ vào lúc đó các loại "khí" và các cảm nhận thô thiển và tinh tế [nhưng chưa phải là cực tinh tế] đã hoàn toàn bị hóa giải.

Tu tập Tan-tra là hình dung ra quá trình của cái chết trong mục đích hóa giải các loại "khí" và các cảm nhận thô thiển tạo điều kiện cho "khí" và tâm thức cực tinh tế phát hiện để sử dụng chúng trong việc tu tập. Vì thế, tất nhiên khi mới bắt đầu tu tập phải cố gắng tạo ra quá trình của cái chết [điều kiện cần thiết]. Lúc mới tập rất khó thành công, thế nhưng dần dần nhờ cố gắng ta sẽ hóa giải được các "khí" và các cảm nhận thô thiển và sử dụng được tâm thức và "khí" thật tinh tế.

Trong cuộc sống thường nhật, nếu ta có thể làm phát hiện được tâm thức và "khí" thật tinh tế để sử dụng trong việc quán nhận tánh không, và nhất là khi tâm thức trực tiếp nắm bắt được bản chất vô ngã [của mọi hiện tượng] khi đó chắc chắn ta sẽ đạt được thể dạng của một vị Phật ngay trong kiếp nhân sinh này. Khi đã thành Phật, đương nhiên ta vượt khỏi cái chết và thể dạng trung gian.

Trong cuộc sống nếu ta đủ khả năng sử dụng tâm thức thật tinh tế, tuy không quán nhận được tánh không một cách trực tiếp đi nữa mà chỉ hiểu được một cách gián tiếp (qua trung gian một hình ảnh tâm thần), chắc chắn đến khi xảy ra quá trình của cái chết ta sẽ quán nhận trực tiếp được tánh không trong giai đoạn ánh sáng trong suốt để trực tiếp trở thành một vị Phật không chuyển sang giai đoạn trung gian [tức là trước khi chuyển sang giai đoạn bardo, vì giai đoạn bardo hay trung gian là giai đoạn chuẩn bị cho sự tái sinh].

Trong cuộc sống, nếu ta không đủ khả năng hiểu được thế nào là tánh không dù là gián tiếp đi nữa, ta vẫn có thêm một dịp may thứ hai như tôi đã trình bày hôm qua : đấy là cách hoán chuyển các giai đoạn của cái chết và thể dạng trung gian trở thành con đường tu tập, giúp ta tái sinh trong những điều kiện thuận lợi, mang một cơ sở [thân xác] thích nghi để tiếp tục tu tập Tan-tra trong kiếp sau.

Tâm thức cực tinh tế hàm chứa một sức mạnh rất lớn, thế nhưng muốn khai thác sức mạnh đó cần phải có một căn bản. Muốn tạo cho mình căn bản ấy phải thực hiện hai điều kiện : thứ nhất là sự hiểu biết tánh không, thứ hai là phát huy tâm thức giác ngộ.

Thực ra, nếu biết sử dụng tâm thức thật tinh tế nhưng thiếu một tâm thức giác ngộ, việc thiền định sẽ không thể tạo ra nguyên nhân mang lại thể dạng của một vị Phật ; vì thế tâm thức giác ngộ thật vô cùng cần thiết. Mặt khác nếu không đủ sức nắm bắt được tánh không, các hành động và tư duy dù phát hiện từ một tâm thức thật tinh tế cũng sẽ không hội đủ khả năng tạo ra nguyên nhân đưa đến giải thoát.

Đối với cái chết, quý vị nên nhớ lại những gì đã được trình bày ngày hôm qua. Trong mỗi giai đoạn tan biến đều phát sinh nhiều dấu hiệu bên ngoài và một dấu hiệu bên trong. Nếu có quý vị không thể nhớ hết các dấu hiệu bên ngoài ít ra cũng phải nhớ được dấu hiệu bên trong.

Khi thiền định về quá trình của cái chết, phải tự nhủ trong tâm thành phần "đất" tan biến vào thành phần "nước", sau đó thành phần "nước" tan biến vào thành phần "lửa". Thí dụ khi ta quán tưởng đến đến thành phần "nước" tan biến vào thành phần "lửa" ta phải nhớ ngay dấu hiệu bên trong là gì, và trước đó khi thể dạng "đất" tan biến vào thể dạng "nước" dấu hiện bên trong phát sinh ra sao, và khi thành phần "lửa" tan biến vào thành phần "khí" dấu hiệu bên trong nào sẽ sắp phát sinh. Tiếp tục theo dõi như thế để biết giai đoạn nào đang xảy ra, giai đoạn nào vừa mới xảy ra trước đó và giai đoạn nào sắp sửa xảy ra. Phải ghi nhớ nằm lòng các dấu hiệu của tất cả các giai đoạn để chuẩn bị cái chết của mình xảy ra sau này.

Trong cuộc sống thường nhật nếu biết thường xuyên nghĩ đến phép tập luyện như trên đây ta sẽ quen dần và nhớ từng chi tiết, khi cái chết thật sự xảy đến ta sẽ nhớ lại dễ dàng các dấu hiệu và các giai đoạn của quá trình cái chết. Nếu không chuẩn bị và tập luyện cho quen, cái chết gần kề làm ta kinh hoàng và không còn làm gì được nữa.

Hôm qua tôi có trình bày về các hiện tượng tan biến đầu tiên : tức là sự tan biến tuần tự của bốn thành phần, hết thành phần này đến thành phần khác, sau đó là các sự tan biến của thể dạng "bên ngoài", "thăng tiến" và "gần thu đạt được". Chúng ta nhận thấy trong khi các thành phần tan biến các cấp bậc cảm nhận cũng tan biến theo, chẳng hạn như sự tan biến của tám mươi khái niệm nhận biết vào lúc xảy ra thể dạng bên ngoài. Các cảm nhận tan biến cùng lúc với các thành phần và tám mươi khái niệm nhận biết là các cảm nhận thuộc loại thô thiển. Đấy là những gì mà ta gọi là tình thương, lòng từ bi, sự giận dữ, ganh tị, v.v..., tất cả các thứ ấy đều thuộc vào các khái niệm nhận biết thô thiển.

Các cảm nhận thuộc các thể dạng bên ngoài, sự thăng tiến và gần thu đạt được là các cảm nhận thuộc loại tinh tế. Thế nhưng dù tất cả đều là tinh tế nhưng vẫn được phân biệt thành nhiều cấp bậc khác nhau. Thí dụ sự tinh tế của thể dạng bên ngoài thô thiển hơn so với sự tinh thế của thể dạng thăng tiến, tính cách tinh tế tăng thêm nữa đối với thể dạng gần thu đạtđược. Các loại cảm nhận rất phức tạp và gồm nhiều thể loại không thể trình bày hết được vì sẽ đòi hỏi rất nhiều thì giờ.

Tôi chỉ xin xác nhận thêm khi nói đến tâm thức thô thiển và tâm thức tinh tế không nên hiểu theo cách định nghĩa của kinh sách Su-tra, bởi vì kinh sách Tan-tra và Su-tra định nghĩa khác nhau về "tâm thức thô thiển" và "tâm thức tinh tế" :

- Theo kinh sách Su-tra, các cảm nhận do giác cảm là các cảm nhận thô thiển, các cảm nhận mang tính cách tâm thần là các cảm nhận tinh tế.

- Theo kinh sách Tan-tra thì khác hơn. Người ta phân chia sự nhận thức thành tám mươi khái niệm cảm nhận [nhận thức] thô thiển, trong đó gồm chung cả hai loại cảm nhận : tức cảm nhận do giác cảm và cảm nhận do tâm thần. 

Tôi có thể kể ra đây tám mươi thứ cảm nhận đó, thế nhưng sẽ mất nhiều thì giờ vì quá phức tạp. Chỉ cần có một ý niệm thật tổng quát cũng đủ. Tám mươi cảm nhận được phân chia thành ba nhóm :

- Ba mươi ba cảm nhận tượng trưng hay tiêu biểu cho thể dạng bên ngoài,

- Bốn mươi cảm nhận tiêu biểu cho sự thăng tiến,

- Bảy cảm nhận tiêu biểu cho thể dạng gần thu đạt được.

Thế nhưng cũng nên nhớ rằng bên ngoài, thăng tiến và gần thu đạt được là những cảm nhận tinh tế, trong khi đó tám mươi cảm nhận là các cảm nhận thô thiển. Điều đó cũng cho thấy ba mươi ba cảm nhận và thể dạng bên ngoài mà chúng tượng trưng không có cùng bản chất, vì ba mươi ba cảm nhận thuộc cấp bậc thô thiển và thể dạng bên ngoài thì tinh tế. Thế nhưng tại sao lại gọi ba mươi ba cảm nhận tiêu biểu cho thể dạng cảm nhận bên ngoài ? Bởi vì điều đó muốn nêu lên sự kiện nhờ vào ba mươi ba cảm nhận [thô thiển thông thường] mà người ta hình dung được thế nào là thể dạng bên ngoài [tức là một thể dạng tinh tế trong quá trình của cái chết]

Chúng ta không thể giải thích chi tiết hơn về các sự cảm nhận và các thể loại cảm nhận. Đến đây phải dừng lại, vì nếu muốn đi xa hơn phải được khai tâm và thụ pháp [có nghĩa là cần có một căn bản vững chắc hơn để hiểu].

Chúng ta vừa trình bày về tám mươi thứ khái niệm, đó là các cảm nhận (hay nhận thức) thô thiển, sau đó là các thể dạng bên ngoài, sự thăng tiến và gần thu đạt được tượng trưng cho các cảm nhận tinh tế.

Phần còn lại cần giải thích thêm là ánh sáng trong suốt của cái chết. Đấy chính là tâm thức cực tinh tế. Không có sự cảm nhận hay nhận thức nào tinh tế hơn. Vào giai đoạn khi ánh sáng trong suốt của cái chết phát hiện, tâm thức cực tinh tế và "khí" cực tinh tế cũng phát hiện theo. "Khí" thuộc vào thể loại hình tướng và đồng thời cũng là thể loại hình tướng tinh tế hơn hết.

Hôm qua chúng ta dừng lại sau khi giải thích xong thế nào là ánh sáng trong suốt. Thể dạng ánh sáng đó hiển hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn hay có thể kéo dài hơn, đối với người bình thường thời gian này thông thường là ba ngày. Ánh sáng trong suốt sẽ tiếp tục hiển hiện khi nào tâm thức cực tinh tế còn bị khóa chặt bởi giọt trắng bên trên và giọt đỏ bên dưới. Khi giai đoạn của ánh sáng trong suốt chấm dứt hai giọt sẽ tách rời nhau, giọt đỏ di chuyển ngược lên phía trên và thoát ra ngoài bằng bằng hai lỗ mũi. Giọt trắng di chuyển xuống phía dưới và thoát ra ngoài từ bên dưới cơ thể [cơ quan sinh dục]. Vào thời điểm chính xác đó [khi hai giọt tách rời nhau] tâm thức cực tinh tế sẽ vĩnh viễn rời khỏi thân xác và tức khắc sau đó cá thể chuyển vào thể dạng trung gian hay bardo [quá trình của giai đoạn chết chấm dứt].

Đến đây chúng ta sẽ chuyển sang phần trình bày về bardo hay thể dạng trung gian. Thế nhưng rất có thể quý vị còn thắc mắc về những gì vừa được trình bày, vậy xin cứ nêu lên các câu hỏi.

Một thính giả : Người ta có cảm giác ra sao trong giai đoạn ánh sáng trong suốt ?

Rimpoché : Không êm ái cũng không khó chịu [thật ra êm ái hay khó chịu đều thuộc các loại nhận thức thô thiển, sự nhận thức tinh tế thuộc các thể dạng bên ngoài, thăng tiến, gần thu đạt được và ánh sáng trong suốt thuộc thể loại tinh tế do đó vượt lên trên các thể dạng này], thể dạng ánh sáng trong suốt mang tính cách trung hòa. Cũng như tất cả mọi thứ cảm nhận khác, ánh sáng trong suốt hàm chứa yếu tố cùng khắp của sự cảm nhận, sự cảm nhận phát sinh vào giai đoạn này mang tính cách trung hòa, bởi vỉ các cảm nhận êm ái hay khó chịu đều là các cảm nhận thô thiển.

Một thính giả : Thế nhưng tôi từng được nghe giải thích là các người bình thường khi cảm nhận ánh sáng trong suốt họ không hiểu đấy là sự cảm nhận của tánh không khiến họ sợ hãi, họ cảm thấy hiện tượng đó tương tợ như một sự hủy diệt khiến họ kinh hãi.

Rimpoché : Sự sợ sệt có thể xảy ra trước đó, không thể thuôc vào giai đoạn ánh sáng trong suốt. Thực ra sự sợ hải không phải là một thể loại cảm nhận. Người ta có thể lo sợ vì có cảm giác như cái tôi biến mất, cái tôi không còn nữa ; thế nhưng tôi tin rằng cái sợ đó xảy ra trước khi phát hiện ánh sáng trong suốt, [như vừa được giải thích trên đây, sự sợ hãi là một thể loại cảm nhận thô thiển không còn tồn tại trong thể dạng cực tinh tế của ánh sáng trong suốt].

Một thính giả : Thưa ngài, ngài có nói là quá trình được trình bày cũng xảy ra khi rơi vào giấc ngủ, thế nhưng quá trình đó [trong giấc ngủ] dừng lại ở cấp bậc nào, bởi vì quá trình đó [theo như tôi hiểu] không đạt được thể dạng ánh sáng trong suốt của cái chết ?

Rimpoché : Trên thực tế đấy không đúng là ánh sáng trong suốt của cái chết mà chỉ là ánh sáng trong suốt của giấc ngủ. Dù sao cũng rất ngắn nên không thể nhận biết được.

Một thính giả : Ánh sáng trong suốt có thể phát hiện trong tình trạng khi đang tỉnh hay không ?

Rimpoché : Người ta có thể tạo ra một thứ gì đó một thể dạng nào đó rất gần với ánh sáng trong suốt nhờ vào phép thiền định, ngoài thiền định ra không có kỹ thuật nào khác. Cũng cần xác định thêm ánh sáng trong suốt của giấc ngủ theo định nghĩa chỉ có thể xảy ra khi ta khởi sự ngủ, nhưng không thể xảy ra khi thức. 

Một thính giả : Có lúc ngài dùng chữ nhận thức hàm chứa một ý niệm (perception significative - revealing or significant perception ) [sự nhận thức hàm chứa một ý nghĩa], đôi khi ngài lại nói là khái niệm hàm chứa một ý nghĩa (conception significative - revealing conception) ?

Rimpoché : Đúng ra đấy là hai từ thông dịch. Nguyên gốc tiếng Tây tạng là kun tog (kun rtog). Tog có nghĩa là "nhận thức gián tiếp" (perception indirecte - indirect perception) vì thế sự nhận thức đó mang tính cách khái niệm vì phải nhờ vào một hình ảnh tâm thần. Vì lý do đó khi dịch chữ này một cách từ chương sẽ là "conception significative". Thế nhưng, tám mươi cảm nhận bao hàm cả hai thể loại cảm nhận : giác cảm vừa tâm thần, vì thế cũng nên thận trọng không nên quá chú trọng đến ý nghĩa của chữ "khái niệm" (conception).

Một thính giả : Trên phương diện tổng quát, từ kun tog chỉ định một khái niệm, một sự cảm nhận gián tiếp xuyên qua hình ảnh tâm thần. Thế nhưng tám mươi kun tog trong trường hợp này bao gồm cả các cảm nhận giác cảm tức là những cảm nhận trực tiếp. Vậy kun tog được sử dụng trong trường hợp này mang ý nghĩa bao quát hơn ý nghĩa nguyên thủy của nó ?

Rimpoché : Vừa rồi tôi có nêu lên sự kiện kinh sách Su-tra xem các cảm nhận giác cảm thuộc thể loại thô thiển và các cảm nhận tâm thần thuộc thể loại tinh tế. Thế nhưng kinh sách Tan-tra đưa ra các tiêu chuẩn khác hơn, dựa vào "khí" như một cơ sở chuyển tải tâm thức, khí sở dĩ đảm trách được vai trò chuyển tải là nhờ vào sự linh động của nó. "Khí" càng linh động càng thô thiển. Các cảm nhận đi kèm với "khí" [được khí chuyển tải] chuyển động không ngừng, do đó chúng là những sự cảm nhận thô thiển. Đối với các cảm nhận tinh tế, "khí" vẫn ở trong tình trạng linh động nhưng yên tĩnh hơn nhiều. Cách giải thích dựa vào chức năng của "khí", tức sự linh động của "khí" chỉ được đề cập trong kinh sách Tan-tra. Kinh sách Su-tra không hề nêu lên hiện tượng này và cũng không chấp nhận cách giải thích trên đây của kinh sách Tan-tra.

Tuy rằng có rất nhiều điểm và nhiều cách giải thích giống nhau hoặc tương tợ nhau giữa kinh sách Su-tra và Tan-tra, thế nhưng cũng có nhiều điểm đặc thù cho mỗi loại kinh sách. Hãy nêu lên một thí dụ, theo kinh sách Su-tra cội nguồn của ta-bà là sự nắm bắt cái tôi tự tại, thế nhưng theo kinh sách Tan-tra cội rễ của ta-bà là "khí" sử dụng như một cơ sở hay môt phương tiện chuyển tải sự nắm bắt cái tôi tự tại. Tóm lại Su-tra chỉ nói đến các cảm nhận [các cảm nhận sai lầm về các hiện tượng là cội rễ của ta-bà], trong khi đó kinh sách Tan-tra vừa sử dụng các cảm nhận và cả "khí" chuyển tải các cảm nhận để chỉ định cội rễ của ta-bà. Kinh sách Tan-tra còn xác định thêm nếu sự nắm bắt cái ngã tự tại có thể xảy ra ấy là nhờ vào sự linh động của "khí" giữ vai trò chuyển tải sự cảm nhận [tức là sự cảm nhận sai lầm của sự nắm bắt cái ngã tự tại chỉ có thể xảy ra được là nhờ sự linh động của khí chuyển tải các cảm nhận ấy]. Nếu ta tìm cách làm cho "khí" chuyển tải sự nắm bắt cái ngã tự tại trở nên bất động, sự nắm bắt đó sẽ không thể xảy ra được [đấy cũng là một trong những kỹ thuật trong phép tu tập Tan-tra].

Có một phương pháp tu tập làm tan biến tất cả các "khí" thô thiển thường xuyên luân chuyển trong cơ thể, đấy là cách gom chúng vào vị trí của ngực. Khi tất cả các loại "khí" thô thiển bị dồn hết vào trung tâm của ngực, chúng sẽ mất hết khả năng tác động. Chỉ còn lại "khí" thật tinh tế vận hành trong cơ thể.

Trong giai đoạn ánh sáng trong suốt, tâm thức và "khí" cực tinh tế bị ép chặt giữa hai giọt đỏ và trắng. Khi hai giọt này tách rời nhau, tâm thức cực tinh tế và "khí" cực tinh tế rời khỏi thân xác người chết và đồng thời cá thể chuyển sang thể dạng trung gian.



Thể dạng trung gian hay bardo



Sinh linh trong thể dạng trung gian gọi là bardowa [kinh sách Hán ngữ gọi là thân trung hữu], tâm thức cực tinh tế trực tiếp tác tạo ra tâm thức của sinh linh bardowa [sự tiếp nối liên tục của tri thức], "khí" cực tinh tế chỉ góp phần gián tiếp vào sự tạo tác tâm thức. Thế nhưng nó lại là nguyên nhân trực tiếp tác tạo ra "thân xác" của sinh linh này.

Khi giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết chấm dứt, cá thể chuyển sang thể dạng bardo và trở thành sinh linh của bardo gọi là bardowa. Sinh linh này mang thân xác tinh tế tạo ra bởi "khí" tinh tế. Sinh linh bardowa đạt được tâm thức cực tinh tế và thân xác cực tinh tế trong cùng một lúc.

Trong thể dạng bardo quá trình mô tả trước đây [quá trình của cái chết] sẽ lập lại, thế nhưng quá trình đó xảy ra theo chiều đảo ngược. Có nghĩa là quá trình đó khởi sự bằng thể dạng tâm thức của sinh linh bardowa tức là thể dạng gần thu đạt được ; tiếp theo đó là thể dạng thăng tiến, thể dạng bên ngoài, tám mươi khái niệm cảm nhận hàm chứa một ý niệm, v.v...

Khi tám mươi khái niệm cảm nhận phát hiện, sinh linh bardowa bắt đầu có những sự nhận biết thô thiển và đồng thời cũng mang sự sống trong thể dạng của một sinh linh bardowa : nó tự nuôi dưỡng bằng mùi, rất linh động và có khả năng di chuyển. Điểm đặc thù của sinh linh bardowa là thân xác được hình thành một cách đột biến từ "khí" tinh tế. Tức khắc sau khi được hình thành thân xác của sinh linh bardowa hàm chứa đầy đủ các khả năng chẳng hạn như sáu loại giác cảm tức sáu giác quan và khả năng di chuyển không bị một chướng ngại nào ngăn chận, [các khả năng này chỉ có thể phát triển từ từ và từng giai đoạn một nơi thân xác một hài nhi] .

Sinh linh trong thể dạng bardo còn gọi là "sambhogakaya căn bản" hay "thụ dụng thân căn bản".

Thể dạng trung gian sẽ kéo dài trong bao lâu ? Không có gì rõ rệt cả. Nếu các điều kiện tái sinh thuận lợi, thời gian sinh linh bardowa lưu lại trong thể dạng trung gian sẽ rất ngắn, trong trường hợp này sau khi vừa ra khỏi ánh sáng trong suốt của cái chết cá thể tức khắc chuyển sang thể dạng bardo và ngay sau đó chuyển sang thể dạng tái sinh [thụ thai]. Thế nhưng nếu các điều kiện thuận lợi không hội đủ, sinh linh bardowa phải lưu lại trong thể dạng trung gian trong bảy ngày, hết bảy ngày lại "chết" thêm một lần nữa để quay trở về thể dạng sinh linh bardowa như trước. Sự kiện này có thể lập đi lập lại tối đa bảy lần, tức bốn mươi chín ngày tất cả, đấy là thời gian tối đa sinh linh bardowa có thể lưu lại trong thể dạng trung gian.

Khi sinh linh bardowa chết, quá trình của cái chết lập lại như trước và sau khi đã trở lại thể dạng bardo quá trình sẽ diễn tiến đảo ngược lại.

Có thể xảy ra trường hợp sinh linh bardowa nhìn thấy thân xác mà mình vừa rời khỏi tức xác chết của cá thể [thây ma của người đã chết], thế nhưng vì tâm thức đã hoàn toàn rời khỏi thân xác nên sinh linh bardowa không có một phản ứng nào cả đối với thân xác đó.

Người ta cho rằng thể dạng bardo trải qua từng giai đoạn và mỗi giai đoạn kéo dài bảy ngày. Thế nhưng ý nghĩa của "ngày" như thế nào ? Ngày trong thể dạng bardo cũng giống với ngày trong thế giới con người.

Sinh linh bardowa mang hình dáng ra sao ? Nó mang hình dáng tương tợ với cá thể mà nó sắp tái sinh.

Sinh linh bardowa mang màu sắc như thế nào ? Nếu tái sinh trong các điều kiện không tốt lành nó sẽ mang màu đen ; nếu tái sinh trong các điều kiện thuận lợi nó sẽ mang màu trắng.

Những người bình thường không thể nhìn thấy các sinh linh trong thể dạng bardo, thế nhưng giữa các sinh linh bardowa với nhau có thể nhận ra nhau. Một số người nhờ khả năng sáng suốt có thể nhận ra các sinh linh bardowa.

Vì lý do thân xác của các sinh linh bardowa được cấu tạo bằng "khí" và giữ vai trò chuyển tải tâm thức, vì thế mỗi khi tâm thức nghĩ đến một nơi nào đó tức thời thân xác cũng hiện ra nơi đó. Sinh linh bardowa không cần "ra sức" như chúng ta trong việc di chuyển, thân xác bardowa di chuyển nhanh như tốc độ của tư tưởng. Vì thế cuộc sống của của sinh linh bardowa không bao giời được êm ả, trái lại có thể nói là rất giao động. Sinh linh đó tới lui không ngừng với mục đích tìm kiếm một nơi thận lợi để tái sinh, [tâm thức luôn luôn biến động do đó sinh linh bardowa cũng luôn luôn biến động theo].

Những gì tôi vừa trình bày liên quan đến những người bình thường không hề biết tu tập. Vậy những gì xảy ra đối với những người biết lợi dụng thể dạng đó như một phép tu tập ? Thay vì trở thành một sinh linh bardowa trong thể dạng trung gian, người tu tập trực tiếp biến thành vị thần linh phù trợ mình. Thay vì chạy ngược chạy xuôi để tìm một hoàn cảnh thích hợp cho việc tái sinh họ biết thiền định và chờ đợi khi nào các điều kiện thuận lợi hội đủ tại một nơi nào đó, họ sẽ nhân đấy tái sinh không cần bôn ba tìm kiếm, [người luyện tập thiền định biết giữ cho tâm thức yên lặng].

Tùy theo nghiệp tích lũy, nếu có quá nhiều nghiệp tiêu cực ta có thể gặp nhiều chuyện khiếp đảm hiển hiện trong giai đoạn bardo, bởi vì mọi thứ thể dạng bên ngoài còn có thể hiển hiện. Nếu tích lũy được nhiều nghiệp tích cực thể dạng bardo sẽ không đến nỗi kinh khiếp như thế. Dù sao đi nữa tất cả mọi hiển hiện trong thể dạng trung gian chỉ đơn thuần là các tạo tác tâm thần. Nếu là người tu tập thuần thục sẽ đủ sức thiền định về tánh không trước những sự hiển hiện ấy tức quán nhận thấy chúng không hiện hữu một cách nội tại và tuyệt đối, chúng chỉ đơn thuần là những khái niệm, những tạo tác tâm thần không hơn không kém.

Tất cả chúng sinh khi chết có phải bắt buộc trải qua thể dạng trung gian như trên đây hay không ? Không nhất thiết vì còn tùy thuộc vào thể loại tái sinh của mình. Các cá thể sẽ tái sinh trong cõi vô hình tướng không trải qua thể dạng bardo. Bardo chỉ xảy ra đối với các sinh linh tái sinh trong các cõi tham dục và hình tướng.

Khi ánh sáng trong suốt của cái chết chấm dứt, các sinh linh tái sinh trong cõi vô hình tướng tức khắc hiển hiện trở lại dưới thể dạng các thần linh trong thế giới vô hình tướng, đó là nhờ vào sức mạnh của samadhi [định] tức sức tập trung, bởi vì điểm đặc thù của các sinh linh trong thế giới vô hình tướng là lắng ngay vào thể dạng samadhi. Họ không trải qua quá trình diễn biến thông thường, không chuyển sang các thể dạng gần thu đạt được , thăng tiến v.v...

Hãy lấy thí dụ cái chết xay ra cho một sinh linh nào đó, sinh linh này chuyển vào giai đoạn trung gian, vì tác động của nghiệp tiêu cực quá mạnh khiến sinh linh bardowa mang hình tướng một con thú và trên nguyên tắc sẽ tái sinh thành một con thú. Vậy sinh linh này còn có thể biến cải hoàn cảnh của mình trong thể dạng trung gian để thay đổi phần số của mình hay không ? Có thể trả lời là có, một sự chuyển hướng có thể xảy ra được.

Quý vị có câu hỏi nào nêu lên hay chăng ?

Một thính giả : Tôi muốn hỏi ngài về vấn đề vừa được nêu lên, tức chuyển hướng sự tái sinh trong giai đoạn trung gian. Sự chuyển hướng đó nhờ vào đâu ? Có thể nhờ vào sự tụng niệm của người còn sống và các bài kinh tụng niệm nào đó hay không ?

Rimpoché : Trên thực tế sự chuyển hướng có thể thực hiện được trong giai đoạn bardo. Thí dụ một sinh linh mang quá nhiều nghiệp tiêu cực trên nguyên tắc sẽ phải tái sinh vào các cõi địa ngục. Thế nhưng nếu có một người thân thiết với sinh linh bardowa hồi hướng tất cả những gì đạo hạnh và xứng đáng của họ cho sinh linh bardowa có thể giúp sinh linh này chuyển hướng được sự tái sinh của mình.

Một thính giả : Tôi muốn biết các "khí" tinh tế và thô thiển có đúng là thuộc vào cấu hợp hình tướng hay không hay là một cấu hợp khác ?

Rimpoché : Đúng như thế. Theo Tan-tra thừa các loại "khí" thuộc cấu hợp hình tướng trong các cấp bậc tinh tế.

Một thính giả : Các sinh linh bardowa có thể nhận ra nhau và trao đổi [liên lạc, giao thiệp] với nhau hay không ?

Rimpoché : Các sinh linh có thể nhận ra nhau vì trên nguyên tắc các sinh linh cùng một thể loại có thể nhận ra nhau. Họ có thể trao đổi [đàm thoại] với nhau hay không thật khó trả lời, vì chính tôi chưa bao giờ trao đổi với một sinh linh bardowa [câu này có thể hiểu ngầm là Dagpo Rimpoché từng tiếp xúc với các sinh linh bardowa, thế nhưng giữa hai bên không có sự trao đổi nào xảy ra (?)], kinh sách cũng không đề cập đến trường hợp đặc biệt này. Rất có thể họ có trao đổi với nhau, thế nhưng nhất định không phải bằng tiếng nói [tất nhiên là như thế vì tiếng nói hoàn toàn là các khái niệm quy ước và thuộc thể loại thô thiển]. Bằng phương tiện nào ? Thật không thể biết rõ.

Một thínhgiả : Ngài giải thích thế nào về nguồn gốc của cõi hình tướng ?

Rimpoché : Người ta cho biết có nhiều cõi hiện hữu, trong đó có cõi hình tướng. Cõi hình tướng phát sinh bởi sức mạnh của các nghiệp tương tợ nhau, tích lũy bởi các chúng sinh sẽ cùng sống chung với nhau trong một số điều kiện hiện hữu nào đó. Bởi vì bạn nêu lên câu hỏi liên quan đến nguyên nhân tạo ra cõi hình tướng nên phải trả lời nguyên nhân ấy là các nghiệp hướng một số các sự tái sinh nào đó chung vào một cõi với các điều kiện phù hợp với các nghiệp ấy. Nói một cách khác các nghiệp tương tợ nhau làm phát sinh ra một cõi chung phù hợp với các sinh linh mang các nghiệp ấy. Các loại nghiệp hướng vào sự tái sinh trong cõi hình tướng không nhất thiết bắt buộc phải liên hệ mật thiết với các sinh linh hiện đang sống trong cõi ấy nhưng đúng hơn là tùy thuộc vào nghiệp ghi khắc trên dòng tiếp nối của bất cứ một sinh linh nào sẽ tái sinh trong trong cõi hình tướng, [các sinh linh đang sống trong cõi hình tướng là kết quả phát sinh từ nghiệp của họ trong quá khứ, các sinh linh này không đương nhiên và tự động tái sinh trở lại trong cõi hình tướng mà có thể tái sinh trong một cõi cao hơn hay thấp hơn. Trái lại các sinh linh sống trong các cõi khác tùy vào nghiệp mà họ đang hoặc sẽ tạo ra cho họ sẽ có thể phải tái sinh vào cõi hình tướng].

Một thính giả : Làm thế nào một sinh linh bardowa biết được mình sẽ tái sinh trong các điều kiện sẽ thích hợp với mình để chọn lựa, chẳng hạn như thể dạng súc vật, hay bất cứ một thể dạng nào khác ?

Rimpoché : Không thể dùng các thuật ngữ như "biết được" hay "thích hợp" vì không đúng nghĩa. Sinh linh bardowa không thể chọn lựa sự tái sinh theo ý muốn của mình mà đúng hơn bị lôi cuốn bởi sức mạnh của nghiệp. Xung năng của nghiệp kích động và xui khiến các sinh linh bardowa tìm đến cha mẹ tương lai của mình.

Một thính giả : Như thế nhất định không có sự chọn lựa ? Một sinh linh bardowa không có khả năng chọn lựa ? Thế nhưng tại sao các vị tulku lại có thể chọn lựa ?

Rimpoché : Bất cứ một nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ, có những trường hợp đặc biệt xảy ra. Đây cũng là một dịp nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác. Bạn nêu lên trường hợp các vị tulku [hóa thân], thế nhưng không phải vị tulku nào cũng có quyền lựa chọn sự tái sinh của mình trong tương lai. Tất cả còn tùy thuộc vào trình độ tu tập của họ. Muốn chủ động hoàn toàn sự tái sinh của mình phải đạt được sự tự do quyết định sẽ tái sinh hay không. Khi nào chưa đạt được sự tự do chọn lựa đó ta chỉ có thể nguyện cầu hay thệ nguyện hy vọng thực hiện được sở nguyện của mình, [thí dụ người bồ tát thệ nguyện tái sinh vào cõi luân hồi để giúp đỡ chúng sinh, hay một người tu hành cầu mong thoát khỏi thế giới ta bà].

Một thính giả : Một cách tổng quát có phải người ta thường tái sinh vào một nơi gần với nơi mình sinh sống trong kiếp trước hay không ? Có thể xảy ra trường hợp tái sinh trong một "nước" khác hay không ?

Rimpoché : Không có gì trói buộc, có thể tái sinh rất gần nhưng cũng có thể rất xa.

Một thính giả : Thế nhưng vì ảnh hưởng phát sinh từ các cảm nhận quen thuộc trong quá khứ cho nên...

Rimpoché : Tùy thuộc vào nghiệp tích lũy trong quá khứ thì đúng hơn.

Một thính giả : Đối với một người bình thường, khi đã nhập vào giai đoạn bardo họ còn có thể tu tập được không, hoặc ít ra cũng có thể tìm lại các vị Thầy [trong kiếp trước] của mình và biết được Đạo Pháp trong kiếp tái sinh ? Một người bình thường có thể tu tập trong giai đoạn bardo giúp họ cải thiện sự quán thấy của họ trong kiếp tái sinh hay không ?

Rimpoché : Còn tùy thuộc vào việc tu tập trong kiếp trước. Nếu một cá thể chuyên cần tu tập khi còn sống, đến khi chuyển vào thể dạng bardo thói quen tu tập trước đây của họ sẽ hiển hiện trở lại trong tâm thức. Thí dụ trước đây cá thể ấy từng thiền định về lòng từ bi, tình thương và lòng tin tưởng, thói quen sẽ phát hiện trở lại với cá thể ấy khi xảy ra thể dạng trung gian và nhất định sẽ mang lại kết quả tốt cho họ. Thế nhưng chỉ có những người tu tập Tan-tra cao thâm hoặc những người đã đạt được sự hiểu biết tánh không mới có thể thiền định hoặc tu tập trong thể dạng trung gian để mang lại các điều kiện thuận lợi cho sự tái sinh của mình.

Một thính giả : Tôi rất ái ngại khi nghĩ đến các cá thể phải tái sinh dưới thể dạng súc vật. Đấy có phải là một sự trừng phạt hay không ? Có cơ duyên biến cải nào đối với các chúng sinh dưới thể dạng súc vật hay không ? Có chúng sinh nào xả thân vì chúng để giúp đỡ chúng biến cải và vượt lên các cấp bậc cao hơn hay không ?

Rimpoché : Tái sinh dưới thể dạng súc vật không phải là một sự trừng phạt, dù bất cứ dưới hình thức nào ! Đấy chỉ là hậu quả của một số nghiệp nào đó đưa đến sự tái sinh cá biệt như thế. [đây là một câu giải thích rất đúng, ra rất hay và đồng thời cũng rất quan trọng. Tái sinh trong một thể dạng "thấp hơn" (trong trường hợp của giới súc vật chẳng hạn) không phải là một sự trừng phạt, sự trừng phạt hay cõi thấp kém chỉ là sự diễn đạt của tâm thức con người, không phải là cách "hình dung" hay "mô tả" hiện thực một cách khách quan]. Vì thế một con thú sau khi chết, nghiệp tác động (karma introducteur) có thể hướng nó vào một sự tái sinh thuận lợi hơn, chẳng hạn như thể dạng con người. Một con vật do đó cũng có thể tái sinh làm người, [về điểm này cũng cần giải thích thêm là con người không hẳn thuộc vào một cấp bậc "đứng lên trên" cấp bậc súc vật, mà chỉ có nghĩa là con người gánh chịu những khổ đau "phức tạp hơn" dưới những "hình thức khác hơn" so với súc vật, và đồng thời con người hàm chứa một số khả năng mà kinh sách gọi là "quý giá" vì nhờ đó con người biết tu tập. Thế nhưng con người cũng biết sử dụng những khả năng "quý giá" đó để gây ra đủ mọi thứ tội ác như sát nhân, xung đột, chiến tranh, biết chế tạo bom đạn... để quay trở lại cõi súc sinh. Xin đưa ra một thí dụ điển hình, tái sinh làm một con chim trên cành chưa hẳn là "khổ hơn" một người điện loạn la hét, chân tay bị cột vào giường trong một nhà thương tâm thần. Đấy chỉ là hai trường hợp liên quan đến hai thứ nghiệp khác nhau không thể so sánh được].

Phần thứ hai của câu hỏi : "Thế có ai cứu giúp và âu lo cho sự an vui của súc vật hay không ?" Xin trả lời là có, rất nhiều sinh linh xả thân trong chiều hướng đó và sự giúp đỡ của họ mang lại nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng trên nguyên tắc một cá thể phải tự cố gắng để biến cải tình trạng của mình. Cầu nguyện, hồi hướng công đức có thể giúp ích phần nào cho súc vật, thế nhưng chính chúng nắm giữ tất cả các yếu tố cần thiết để tự biến cải. Sự cải thiện đó không thể chờ đợi từ bên ngoài [tiếc thay hầu hết các súc vật không đủ khả năng để ý thức hành động của mình, tóm lại chúng không có được "cơ sở" quý giá của con người]. Dù sao đi nữa phải chờ cho nghiệp mang lại sự tái sinh dưới thể dạng súc vật chấm dứt, [súc vật có thể tích lũy nhiều nghiệp tích cực từ trước, thế nhưng các nghiệp này lại bị các nghiệp tiêu cực lấn át khiến chúng phải tái sinh dưới thể dạng súc vật, khi nào các nghiệp tiêu cực chấm dứt tác động của chúng, các nghiệp tích cực từ trước có thể giúp cho một con thú tái sinh trong một cõi khác].

Một thính giả : Hai thành phần cấu tạo là giọt trắng và giọt đỏ phát sinh từ cha và mẹ có tiếp tục hiện hữu trong thân xác của sinh linh bardowa hay không, khi mà thân xác đó được cấu tạo một cách tự nhiên không cần đến cha mẹ ?

Rimpoché : Không, bởi vì giọt đỏ đã thoát ra bằng lỗ mũi và giọt trắng qua cơ quan sinh dục.

Một thính giả : Có sự giao tiếp nào giữa người chết và người còn sống trong những ngày đầu sau khi cái chết có xảy ra hay không ? Có thật là người chết đau khổ rất nhiều vì không giao tiếp được với chúng ta ? Khi quây quần bên cạnh người chết có gây bực bội cho họ hay ngược lại có thể mang lại sự trấn an cho họ ?

Rimpoché : Câu hỏi không được chính xác lắm, còn tùy vào giai đoạn nào trong quá trình của cái chết. Chúng ta đang đề cập đến giai đoạn của sinh linh bardowa, có nghĩa là một sinh linh đã chết thật sự và đang ở trong giai đoạn trung gian, không còn trong giai đoạn diễn biến của cái chết của thể xác bên ngoài. Vậy sinh linh bardowa có còn nhận ra thân thuộc của mình trước kia hay không ? Sinh linh bardowa có đau khổ vì không thể giao tiếp với người thân hay không ? Trên nguyên tắc là không, sinh linh bardowa cũng không nhận ra các người thân thuộc trước đây kể cả cha mẹ sinh ra mình. Điểm này đã được nhắc đến khi trình bày về thời điểm sinh linh bardowa rời bỏ thân xác, thân xác là những gì gần gủi nhất với nó trước đây thế nhưng nó vẫn không nhận ra. Sinh linh bardowa có thể nhìn thấy xác chết của mình nhưng không ý thức được "đấy là tôi", hay "đấy là thân xác của tôi". Nó không còn giữ một mối liên hệ nào nữa với thân xác mà nó vừa rời bỏ vĩnh viễn. Đấy là lý do giải thích tại sao sinh linh bardowa không còn nhận biết được cha mẹ mình trước đây. Bạn tưởng tượng ra sinh linh bardowa đang đau khổ, v.v. thế nhưng đấy chỉ là các diễn đạt mang tính cách "đại chúng", dựa vào truyền thuyết dân gian, không xuất phát từ các kinh sách triết học.

Một thính giả : Các sinh linh quá quyến luyến với nơi sinh sống trong kiếp trước của mình có tái sinh trở lại những nơi quen thuộc trước đây hay không ? 

Rimpoché : Một lần nữa tôi phải nói là không thể biết chắc. Có thể thế thôi, không phải là một chuyển đương nhiên.

Một thính giả : Các giọt trắng và đỏ sau khi thoát ra khỏi thân xác sẽ ra sao ?

Rimpoché : Nhất định sẽ bị khô queo... Giọt đỏ và giọt trắng chỉ là hình tướng thuộc loại thô thiển.

Một thính giả : Thế nhưng thể dạng bên ngoài thuộc thành phần của thân xác tinh tế...

Rimpoché : Không nên lầm lẫn giữa các khái niệm với nhau. Thể dạng bên ngoài, sự thăng tiến và gần thu đạt được là nhữngcảm nhận, những ý nghĩ. Quả đúng tôi có nói là khi cảm nhận được thể dạng bên ngoài, cá thể có cảm giác nhìn thấy ánh sáng màu trắng và khi xảy ra sự thăng tiến thì nhìn thấy ánh sáng màu đỏ. Thế nhưng không nên lầm lẫn giữa sự cảm nhận và nguyên nhân mang lại sự quán thấy. Giọt đỏ và giọt trắng là những hình tướng vật chất.

Một thính giả : Ngài có nói đến các "khí" là các phưong tiện chuyển tải tâm thức hay các cơ sở chống đỡ cho tâm thức tinh tế. Vậy giữa vai trò chuyển tải tâm thức hay chống đỡ tâm thức và "khí" sự liên hệ ra sao ? Sự tương liên giữa chúng như thế nào ?

Rimpoché : Đối với "khí" hay các loại "khí", người ta tạm gọi chúng là các cơ sở chống đỡ hay các phương tiện chuyển tải tâm thức hay các sự cảm nhận. Vậy cách phát biểu như thế có ý nghĩa như thế nào ? Khi phát biểu "khí" là cơ sở chống đỡ cho tâm thức không nên quên đấy là cách diễn đạt theo kinh sách Tan-tra. Kinh sách Su-tra không đề cập đến các vấn đề này. Thế nhưng kinh sách Su-tra và cả Tan-tra đều chấp nhận là phải có tâm thức mới có thể sinh ra cảm nhận, phải có sự phối hợp giữa hai phẩm tính là sự minh bạch và tính cách linh động. Nếu tâm thức không hàm chứa tính cách minh bạch, các đối tượng cảm nhận sẽ không thể phản chiếu và hiển hiện lên được ; nếu tâm thức không mang yếu tố linh động sẽ không có khả năng hướng vào các đối tượng.

Muốn hình dung sự tương quan giữa tâm thức và "khí", người ta thường đưa ra thí dụ về hai người khác nhau, một người có đôi mắt thật tinh tường nhưng cụt hai chân không di chuyển được, một người có đôi chân cứng cáp nhưng lại mù. Nếu cả hai hợp tác với nhau sẽ có thể tạo ra hành động. Sự tương quan giữa tâm thức và "khí" cũng tương tợ như thế. Tâm thức có thể xem như người có thị giác tốt thế nhưng không di chuyển được. Trong khi đó "khí" mang yếu tố linh động giống như người có đôi chân khoẻ nhưng lại mù. Nhờ vào "khí" tâm thức có khả năng di chuyển hướng vào các đối tượng. Chính vì thế người ta gọi "khí" là một phương tiện hay cơ sở chuyển tải tâm thức. Tương tợ như lưng ngựa chuyển tải người kỵ mã. Trả lời trên đây có đúng với câu hỏi hay chăng ?

Một thính giả : Rất đúng.

Một thính giả : Các giọt giữ một vai trò quan trong khi xảy ra cái chết, thế nhưng trong cuôc sống thường nhật thì sao ? Trong cuộc sống nếu não bộ bị chấn thương, các giọt có thể bị mất hay không ? Trường hợp đó có thể xảy ra hay không và hậu quả ra sao ?

Rimpoché : Tôi nghĩ rằng nếu não bộ bị chấn thương vì tai nạn, nơi vị trí của giọt trắng trên đỉnh đầu bị thương tích, giọt trắng sẽ chuyển đến một vị tri khác trên thân thể. Tuy nhiên trường hợp này không thấy kinh sách nói đến, [đây chỉ là một cách hỏi và trả lời lạc vào chi tiết đưa đến chỗ bế tắc, phải phân biệt giữa những gì mang tính cách tượng trưng và những gì "sờ mó" được]. Tôi tạm đề nghị cách trả lời trên đây vì nhiều người cho rằng không biết được đích xác vị trí của các giọt, các chất liệu ấy có thể phân tán trong cơ thể. Chúng chỉ hội tụ lại trong các vị trí nhất định nào đó vào các thời điểm nhất định. Người ta có thể hình dung trong cuộc sống thường nhật và trong một số trường hợp nào đó một thứ năng lượng đặc biệt hội tụ trên đỉnh đầu, thế nhưng đấy không phải là chất liệu của giọt trắng.

Một thính giả : Ngài mô tả về sự suy yếu tuần tự và toàn bộ của bốn thành phần khi xảy ra cái chết. Thế nhưng trong cuộc sống cũng có thể xảy ra những sự suy yếu không toàn vẹn [bệnh tật và tuổi tác], có thể sử dụng các sự suy yếu ấy để tu tập hay chăng ?

Rimpoché : Còn tùy theo cách hiểu câu hỏi của bạn. Tôi thấy có hai cách hiểu khác nhau. Nếu muốn nói đấy là quá trình của giấc ngủ hay của sự giao hợp tính dục quá trình tan biến sẽ tương tợ như sự sự suy yếu khả năng của bốn thành phần thân xác khi xảy ra quá trình của cái chết, thế nhưng không thể lợi dụng các quá trình ấy để tu tập vì chúng xảy ra quá nhanh.

Cách hiểu thứ hai là khả năng của các thành phần bị yếu đi vì bệnh tật, trường hợp này chỉ là những thể dạng suy nhược tạm thời phát sinh từ sự mất thăng bằng của các thành phần, vì thế không thể sử dụng vào việc tu tập. Thiết nghĩ cũng nên minh chứng rõ ràng hơn, sự suy yếu của các thành phần vì bệnh tật không thể sử dụng vào việc tu tập theo cách đã được trình bày trong ngày hôm qua, thế nhưng nhất định có thể lợi dụng tình trạng đó để hướng vào các cách tu tập khác. Trong khi ốm đau ta không thể thiền định về sự tan biến tuần tự của các thành phần, thế nhưng có thể lợi dụng tình trạng đó để tập luyện kiên nhẫn, hoặc suy tư về vô thường, luật nhân quả..., đó cũng là cách củng cố thêm sự tin tưởng nơi Đạo Pháp. Ta cũng có thể xem đó như một cơ hội để nghĩ đến các chúng sinh khác cũng đang bị đau yếu như mình để phát động lòng từ bi. Sự đau khổ của mình sẽ giúp mình nghĩ đến sự đau khổ của người khác và khơi động lòng từ tâm hy sinh nhận chịu mọi khó khăn thay cho tất cả chúng sinh. 

Một thính giả : Tôi có đọc thấy trong các sách viết về phép tu tập Powa [còn viết là Phowa hay P'howa, Việt dịch là Chuyển di Thần thức] liên quan đến các lỗ dùng cho tri thức [thần thức] thoát ra khỏi thân xác, dù là tái sinh trong các điều kiện thuận lợi hay không. Một người tu tập Tan-tra hoặc bất cứ một người nào khác đạt được một cấp bậc tâm linh cao có thể chủ động được quá trình của cái chết và hóa giải các nghiệp tiêu cực tích lũy trên dòng tri thức hay không ?

Rimpoché : Còn tùy theo trường hợp. Nếu người ấy đã đạt được sự hiểu biết tánh không nhất định sẽ hóa giải được các nghiệp tiêu cực của mình vào lúc phát hiện ánh sáng trong suốt của cái chết nhờ vào sự hiểu biết tánh không. Hiểu biết tánh không là điều kiện tiên quyết để thực hiện được việc đó. Tại sao lại như thế ? Vào giai đoạn phát hiện của ánh sáng trong suốt, chính tâm thức cực tinh tế sẽ quán thấy được tánh không và tâm thức đó thật cường lực. Nó có thể hóa giải dễ dàng các chướng ngại tức các vết hằn của nghiệp tiêu cực.

Một thính giả : Sự kiện biết rành rọt được toàn bộ quá trình của cái chết có làm thay đổi được nghiệp hay chăng ? Không cần biết đến những gì xảy ra [trong quá trình đó] có thay đổi gì không ? Chỉ đơn thuần ý thức được quá trình đó trong khi chết có làm thay đổi gì hay chăng ?

Rimpoché : Trong khi các giai đoạn của cái chết diễn tiến, nếu chỉ biết tức chỉ đủ khả năng nhận biết sự diễn tiến của các giai đoạn sẽ chẳng giúp ích được gì cả. Nhận biết được các giai đoạn phải được đi kèm với sự suy tư và thiền định. Cần nhất là trong khi các giai đoạn của quá trình của cái chết diễn tiến phải thiền định về tánh không và tâm thức giác ngộ. Khi các cảm nhận thô thiển còn tồn tại nên phát lộ một tâm thức đạo hạnh (chẳng hạn như thiền định về tánh không, tình thương, lòng từ bi). Các cảm nhận đạo hạnh dù sẽ tan biến sau đó thế nhưng chúng sẽ tạo được ảnh hưởng tốt và tích cực đối với các cảm nhận tính tế phát hiện tiếp theo sau.



Sự sinh



Đến đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu thế nào là sự sinh.

Muốn xảy ra sự sinh cần phải hội đủ một số điều kiện cần thiết. Cha mẹ trong tương lai không bị một vài thứ bệnh tật nào đó, họ đang giao hợp và sinh linh bardowa phải di chuyển đến nơi này.

Tiến trình của sự sinh được giải thích bằng hai cách khác nhau. Một số kinh sách cho biết sinh linh trong giai đoạn bardo nhìn thấy cha mẹ đang giao hợp, một số kinh sách khác cho biết các sinh linh chỉ thấy các cơ quan sinh dục của cha mẹ. Dù sao đi nữa điều đáng chú ý là sinh linh bardowa bị thu hút khi nhìn thấy cha mẹ tương lai của mình. Thế nhưng khi sự bám víu thúc đẩy sinh linh bardowa đến gần hơn thì không nhìn thấy gì nữa, liền phát lộ sự giận dữ, dưới tác động của sự giận dữ cái chết xảy ra cho sinh linh bardowa.

Cách giải thích thứ ha i được ghi chép trong các sách do đại sư Asanga [Vô Trước, khoảng thế kỷ thứ VI] trước tác. Theo vị đại sư uyên bác này sinh linh bardowa không nhìn thấy cha mẹ mà chỉ nhìn thấy tinh trùng và noãn cầu. Sinh linh bardowa ngỡ rằng nhìn thấy cha mẹ mình thế nhưng cuối cùng chỉ nhìn thấy các tế bào. Do đó sự giận dữ phát sinh khiến xảy ra cái chết cho mình. Sinh linh bardowa chết và trải qua quá trình thông thường của cái chết kể cả giai đoạn gần thu đạt được và ánh sáng trong suốt. Sau đó tâm thức cực tinh tế rời bỏ thân xác sinh linh bardowa và thâm nhập vào hai tế bào của cha và mẹ đang kết hợp. Cá thể tái sinh bắt đầu giai đoạn thứ nhất trong quá trình đảo ngược, tức là thể dạng gần thu đạt được. Tiếp theo đó xảy ra các giai đoạn khác là sự thăng tiến, thể dạng bên ngoài, tám mươi sự cảm nhận thô thiển, v.v.

Dầu sao trên căn bản cách giải thích của Phật giáo cũng không khác với cách giải thích của khoa học hiện đại. Sau đó năm giai đoạn sẽ xảy ra cho cá thể vừa được sinh [nên hiểu Phật giáo định nghĩa sinh là lúc thụ thai tức là lúc tinh trùng phối hợp với noãn cầu, không phải là lúc lọt lòng mẹ]. Giai đoạn đầu tiên chỉ gồm có hai tế bào của cha và mẹ và cá thể trong giai đoạn này thuộc thể lỏng, dần dần sau đó mới trở nên cứng cáp hơn.

Trong lúc thụ thai và vào đúng thời điểm khi tâm thức thật tinh tế thâm nhập vào hai tế bào của cha và mẹ vừa kết hợp sẽ xảy ra thể dạng gần thu đạt được, đấy cũng là thời điểm cá thể được hình thành. Người ta gọi thân xác vừa được hình thành là "thân xác biểu lộ căn bản" hay "nirmanakaya căn bản" [ứng thân, ứng hóa thân, hay hóa thân căn bản]

Khái niệm về "tam thân căn bản" không quá phức tạp, gồm có : dharmakaya căn bản [pháp thân căn bản] tức là tâm thức thuộc vào giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết, sambhogakaya căn bản [báo thân hay thụ dụng thân căn bản] tức là sinh linh bardowa và nirmanakaya căn bản [hóa thân căn bản] là cá thể vừa được hình thành.

Sau khi "tam thân căn bản" được hình thành sẽ chuyển qua giai đoạn "tam thân trên con đường" [tu tập], khởi sự bằng pháp thân trên con đường. Trong cuộc sống thường nhật ta suy tư và ôn tập các giai đoạn của quá trình cái chết và nhờ đó đến khi cái chết xảy đến ta có thể thiền định dễ dàng để hóa giải các loại "khí" thô thiển, hút chúng vào giữa ngực và làm hiển lộ ánh sáng trong suốt. Vào thời điểm đó tâm thức cực tinh tế bắt đầu sinh hoạt, và khi nó quán nhận được tánh không sẽ trở thành dharmakaya trên con đường [pháp thân trên con đường tu tập].

Trong trường hợp ta đủ khả năng thiền định trong giai đoạn pháp thân trên con đường tất nhiên ta sẽ cầu mong được tiếp tục thiền định thêm trong giai đoạn báo thân trên con đường, trên nguyên tắc thân này thuộc giai đoạn bardo tức giai đoạn trung gian, thế nhưng không có nghĩa là chuyển sang giai đoạn bardo, đấy là cách thiền định giúp báo thân trên con đường hoá thành một thân khác thật tinh tế gọi là sambhogakaya [báo thân]. Tất nhiên muốn thực hiện được sự hiển lộ một thân xác thật tinh tế dưới thể dạng báo thân phải có trình độ tu tập thật cao thâm về Tan-tra.

Muốn thiền định về báo thân trên con đường cần nhớ lại những gì vừa được trình bày sáng nay, có nghĩa là phải phóng hiện ra bên ngoài thân xác thô thiển để từ đó hóa thành một thân xác khác tinh tế hơn gọi là thể dạng sambhogakaya [báo thân].

Sau giai đoạn trên đây, nếu nghĩ rằng hiện hữu dưới thể dạng báo thân chẳng có ích lợi gì nhiều vì không thể giúp ích cho chúng sinh và quyết tâm tự nguyện chọn một thân xác thô thiển, sự tái sinh sẽ xảy ra. Sự hội nhập vào thân xác thô thiển tạo ra dharmakaya trên con đường [pháp thân trên con đường] .

Sự thiền định qua ba giai đoạn tam thân trên con đường giúp hình thành một sự diễn tiến "giả tạo" vì do quyết tâm mà có, sự diễn tiến này bắt đầu từ giai đoạn tạo tác [sinh]. Thế nhưng sự diễn tiến trên đây không mang lại sự thực hiện đích thực [thể dạng của một vị Phật] trong giai đoạn hoàn thiện [viên mãn].

Sau cùng là giai đoạn của "Tam Thân kết quả". Khái niệm về Tam thân kết quả khá dễ hiểu, gồm có : Dharmakaya [Pháp thân], Nirmanakaya [Ứng thân] và Sambhogakaya [Báo thân] của chư Phật. Pháp Thân kết quả là Pháp Thân Phật.Pháp thân kết quả hay PhápThân Phật là gì ? Làm thế nào để nhận biết được Pháp Thân kết quả của chư Phật ? Có quý vị nào giải thích giúp hay chăng ?... Thật ra nếu muốn dịch một cách thật chính xác phải gọi đấy là "Pháp Thân vào lúc thực hiện được kết quả". Vậy có vị nào hiểu được "Pháp Thân vào lúc thực hiện được kết quả" là gì hay không ? Pháp thân ấy được cấu tạo như thế nào ?

Thân ấy được cấu tạo bởi pháp thân trên con đường, nói cách khác đấy là sự tiếp nối không gián đoạn của tâm thức cực tinh tế nắm vững được tánh không. Xin quý vị nhớ lại là sự tiếp nối liên tục của pháp thân vào lúc đang trên con đường [tu tập] là tâm thức cực tinh tế, hiểu biết được tánh không. Lúc tâm thức cực tinh tế hiểu biết tánh không ấy đạt được thể dạng một vị Phật thì gọi đấy là gì ? Những cách gọi nào được sử dụng để chỉ định thể dạng ấy của một vị Phật ?

Câu trả lời thật đơn giản : đấy chính là tâm thức, sự quán thấy toàn năng, hay sự hiểu biết của một vị Phật. Tâm thức ấy của một vị Phật gọi là là Pháp Thân vào lúc đạt được kết quả [viên mãn]. Đối với Báo Thân [Sambhogakaya] và Ứng Thân [Nirmanakaya] có lẽ quý vị cũng hiểu đấy là gì [Báo Thân còn gọi là Thụ dụng thân là Thân Phật hiển hiện trong các cõi Tịnh độ, Ứng Thân còn gọi là Ứng Hóa Thân là Thân Phật hiển hiện trên địa cầu với mục đích cứu độ chúng sinh]. Mục đích là thực hiện được Tam Thân vào lúc đạt được kết quả. Vậy muốn thực hiện mục đích đó cần phải trải qua giai đoạn tam thân trên con đường gồm hai giai đoạn : giai đoạn thứ nhất tượng trưng cho việc thiền định trong giai đoạn tạo tác để thực hiệntam thân trên con đường, sau đó tiếp tục thiền định trong giai đoạn hoàn thiện [viên mãn] để đạt được Tam Thân kết quả.

Trong quá trình diễn tiến trên đây, thật ra ta thiền định về tam thân trên con đường chỉ dưới một thể dạng tương tợ không phải tam thân đích thực trên con đường. Muốn đủ khả năng thiền định như trên đây để làm hiển hiện hình ảnh tương tợ với tam thân trên con đường cần phải tập luyện từ trước, tức trước đây đã từng luyện tập thiền định để quán thấy tam thân, và cũng đã từng luyện tập thiền định về các giai đoạn tạo tác [sinh] và hoàn thiện [viên mãn]. Thế nhưng muốn tu tập về các giai đoạn tạo tác và hoàn thiện phải được thụ pháp Tan-tra trong các cấp bậc cao.

Muốn được thụ pháp Tan-tra có hai cách : nếu có khuynh hướng hay căn cơ thích nghi để tiếp nhận Tan-tra có thể thụ pháp ngay, nếu căn cơ chưa đủ để thích nghi sẽ được ban phép trong khi chờ đợi.

Trở lại nhóm người thứ nhất tức những người có căn cơ thích nghi, trường hợp này cũng được phân chia thành hai cấp bậc khác nhau : một số có căn cơ thật thích nghi, một số khác kém hơn.

Muốn có căn cơ thích nghi cần hội đủ những điều kiện đặc biệt sau đây :

1- phải hiểu biết tánh không, bởi vì đối với Tan-tra phát hiện được tâm thức cực tinh tế chính là để hiểu biết tánh không một cách cực mạnh.

2- phải thực hiện được tâm thức giác ngộ.

Cũng nên hiểu rằng không có một sự khác biệt nào đối với khái niệm tánh không giữa kinh điển Su-tra và Tan-tra. Hai loại kinh điển Su-tra và Tan-tra mô tả tánh không giống như nhau, hoàn toàn không có sự khác biệt nào trên lãnh vực đối tượng tức tánh không, thế nhưng có sự khác biệt trên lãnh vực chủ thể [sự nhận biết tánh không].

Đối với kinh sách Su-tra, có thể sử dụng trí tuệ thông thường để đạt được sự hiểu biết tánh không, và trí tuệ ấy đạt được tánh không sẽ được xem là tinh tế. Thế nhưng kinh sách Tan-tra lại xem thể dạng trí tuệ ấy thuộc loại thô thiển. Bởi vì đối với kinh sách Tan-tra còn có nhiều thể dạng cảm nhận khác tinh tế hơn, chẳng hạn như dạng thể bên ngoài. Đối với kinh sách Tan-tra muốn hiểu được tánh không cần phải có một tâm thức thật cường lực : tâm thức đó gọi là tâm thức cực tinh tế. Tóm lại sự khác biệt giữa Su-tra và Tan-tra thuộc vào lãnh vực chủ thể. Kinh sách Su-tra không quan tâm đến chủ thể, trái lại kinh sách Tan-tra giải thích về chủ thể thật tường tận.

Vậy quý vị nhận thấy mình có hội đủ căn cơ thích nghi để thụ pháp Tan-tra hay chưa ? Trong trường hợp chưa hoàn toàn chắc chắn và nếu nghĩ rằng mình chưa hiểu được tánh không, chưa thực hiện được tâm thức giác ngộ, thế nhưng quý vị vẫn cứ mong muốn được khai tâm và thụ pháp, trong trường hợp đó tối thiểu cũng phải hội đủ các điều kiện sau đây :

1- hiểu được tánh không bằng sự suy luận,

2- cố tình tạo ra cho mình một tâm thức giác ngộ dù chỉ giả tạo, 

3- cố gắng phát huy lòng mong muốn thoát khỏi cõi ta-bà dù quyết tâm còn hời hợt.

Khi đã hội đủ ba điều kiện đó, ta cũng có thể được thụ pháp một cách bình thường. Trước khi xin thụ pháp phải cần chuẩn bị và thực hiện được một số phẩm tính nào đó. Càng chuẩn bị cẩn thận càng có nhiều cơ duyên được thụ pháp. Ngược lại nếu sự chuẩn bị không được nghiêm túc, hoặc không được thực thi đúng đắn, việc thụ pháp sẽ có phẩm chất thấp và không mang lại kết quả như mong muốn.

Ngoài ra còn một tiêu chuẩn bắt buộc khác nữa, điều này thật hiển nhiên, đấy là sự tin tưởng nơi kinh sách Tan-tra, quả quyết tin rằng nhờ kinh sách Tan-tra mình sẽ đạt được một mục đích thật rõ rệt nào đó [thành một vị bồ-tát hay một vị Phật].



Chuẩn bị cho cái chết



Đến đây chúng ta đạt được một tầm nhìn khá bao quát về cái chết, thế nào là thể dạng trung gian và sự sinh. Vậy đến lúc cái chết xảy đến cho mình thì phải làm gì ? Hoặc nếu có người thân thuộc hấp hối ta phải phản ứng như ra sao ?

Khi cái chết xảy đến ta phải phản ứng ra sao ? Đối với một người tu tập Tan-tra sẽ không có chuyện gì khó khăn, đương nhiên người này sẽ hiểu phải xử trí ra sao. Thế nhưng đối với trường hợp một người chưa bao giờ tu tập Tan-tra, họ phải biết tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức đạo hạnh và lợi ích. Khi chết phải có một tâm thức giác ngộ. Nếu không đủ sức thực hiện được như vừa kể, ít nhất cũng nên cầu khẩn Tam Bảo, hoặc nghĩ đến vị Thầy mình, phát lộ lòng tin tưởng, đặt trọn lòng tin vào Tam Bảo, sự giúp sức của Thầy mình, hoặc phát lộ lòng từ bi, lòng thương yêu tất cả chúng sinh... Cốt là lúc chết phải có những suy nghĩ tích cực hiển hiện trong tâm thức.

Tất nhiên không phải chờ đến phút cuối cùng mới cố gắng tìm cách phát lộ những suy tư trên đây. Muốn thực hiện được những suy tư đó vào lúc hấp hối, ta phải tập cho quen từ trước. Muốn được chết với một thể dạng tâm thức đạo hạnh cần phải tập luyện lâu dài. Có nhiều phép tập luyện : chẳng hạn như phát lộ tâm thức giác ngộ, lòng từ bi, tình thương, lòng tin tưởng,v.v. Phải chọn một trong các phẩm tính ấy để thường xuyên thiền định và suy tư tập hằng ngày để quen dần với nó.

Chết với tâm thức tràn đầy ý nghĩ tốt đẹp và đạo hạnh là một điều kiện tiên quyết. Ngoài ra cũng cần chú ý trong cuộc sống của mình có những người thân thuộc mà mình quyến luyến, những đồ vật mà mình yêu quý, những thứ ấy có thể tạo ra cho mình sự bám víu và tiếc nuối, tốt hơn hết khi hấp hối các người ấy nên lánh xa, và các đồ vật ấy nên cho mang đi chỗ khác.

Thật vậy, suốt hai ngày tôi chỉ nói toàn những chuyện không được vui. Quả thật đáng tiếc, thế nhưng đấy lại là đề tài đã được thông báo từ trước, chúng ta không thể tránh né được. Tuy thế đấy cũng chỉ là những gì thật tự nhiên, vì một ngày nào đó chúng ta đều phải chết. Nếu cái chết là một sự bắt buộc thì đấy cũng đúng là một sự thực, vậy tốt nhất chúng ta cứ nhìn nó trước mặt để chuẩn bị chờ đợi nó.

Có thể chúng ta có một gian nhà, của cải, những đồ vật yêu quý. Vậy tốt hơn hết nên thanh toán những thứ ấy trước khi chết. Hãy chia cho cha mẹ, con cái, người thân. Tự tay mình phân chia cho họ hay ít ra mình cũng nên để lại di chúc.

Cố gắng tránh lo buồn vì của cải vào phút lâm chung. Không nên chết mà còn thắc mắc tài sản sẽ về tay ai, ai thay ta để hưởng, hoặc hối tiếc không nghĩ đến việc thanh toán từ trước. Phải loại bỏ những mối lo lắng ấy khi ta còn khoẻ mạnh. Nếu bị sự hối tiếc dày vò trong phút lâm chung ta sẽ tái sinh trong những hoàn cảnh thật bất lợi.

Tóm lại trước hết phải thanh toán của cải và những gì thuộc sở hữu của ta có thể tạo ra cho ta sự bám víu. Đối với những người thân yêu mà ta quyến luyến, nên khuyên họ không nên ở bên cạnh trong lúc ta sắp chết.

Thật vậy, những người mà ta yêu mến không nên quây quần bên cạnh khi ta ra đi. Tôi có thể đưa ra một thí dụ điển hình, khi mẹ của Đức Đạt-lai Lạt-ma mất ở Dharamsala. Lúc ấy đúng ra là lúc Đức Đạt-lai Lạt-ma thường lưu ngụ tại Dharamsala, thế nhưng vào năm đó Ngài rời khỏi Dharamsala trước khi mẹ mất. Ngài đến viếng Bồ-đề Đạo-tràng (Bodhgaya). Trước khi lên đường Ngài biết rõ mẹ sắp mất và đã chuẩn bị tất cả cho mẹ. Ngài dặn dò và khuyên những người chung quanh phải làm gì khi mẹ qua đời. Không những Ngài ra đi mà còn dắt theo người em út. Tại sao Ngài lại làm như thế ? Bởi vì Ngài biết mẹ rất yêu quý người con út trong gia đình.

Trước nhất nếu biết người hấp hối quyến luyến những ai nên khuyên họ lánh xa. Sau đó nếu biết người hấp hối trước đây từng tu tập Đạo Pháp nên tìm một người giỏi về Đạo Pháp nhắc nhở giáo lý cho người hấp hối. Khi nào người hấp hối vẫn còn nghe được cứ tiếp tục nhắc nhở họ chớ nên bám víu và hướng sự suy nghĩ của họ vào những điều đạo hạnh nào đó.

Tuy nhiên còn tùy vào tánh tình của người chết, nếu người này không thích người chung quanh lo toan cho họ tốt hơn nên giữ yên lặng. Trong trường hợp này tốt nhất đừng nói một lời nào, hoặc nếu tin chắc là những lời khuyên nhủ của mình về một chủ đề nào đó sẽ mang lại lợi ích cho người hấp hối cũng nên nói thật ngắn và rõ ràng, chỉ chọn những gì cốt yếu.

Theo truyền thống tại nhiều nước Phật giáo, người ta thường dùng đến "ảnh tượng phù trợ", nước thiêng hay một viên thuốc..., gọi chung là tchine tène. Người ta thường đặt một viên thuốc vào miệng, cho người hấp hối uống nước, hoặc đặt ảnh tượng của Phật trong tầm mắt họ...

Không bao giờ nên quên là người hấp hối cần sự yên tĩnh tuyệt đối. Người chung quanh phải giữ bình tĩnh không bị giao động. Phải tránh không được làm bất cứ gì phật ý khiến người hấp hối khó chịu hoặc tạo ra những xúc cảm bấn loạn cho họ. Người hấp hối cần được ra đi thanh thản. Tóm lại nên cố gắng giúp người hấp hối không hối tiếc bất cứ một điều gì hay một đồ vật nào.

Nếu người hấp hối theo một tôn giáo khác không phải là Phật giáo, nên tạo ra một khung cảnh thích hợp với tôn giáo của họ. Chẳng hạn như đối với một người Thiên chúa giáo nên nhắc lại cho họ một vài điều trong giáo lý Thiên chúa giáo và cho họ nhìn thấy chiếc thánh giá, v.v.

Đối với một người không theo một tôn giáo nào cả, cũng nên tạo ra một khung cảnh an bình và êm ả, giúp họ không bị giao động để họ tìm thấy một cái chết an bình và toại nguyện. Đấy là tất cả những gì mà chúng ta có thể làm.

Đối với một người tu tập Phật giáo, đương nhiên trước cái chết phản ứng tự nhiên của người này là tạo ra cho mình một tâm thức đạo hạnh, biết suy tư về giác ngộ, phát động lòng từ bi..., và nhất là họ sẽ hiểu không nên chần chờ. Dù là một người Phật giáo nhưng nếu không quen chuẩn bị cho mình như vừa trình bày, quả thật là một điều đáng tiếc, khi cái chết gần kề họ sẽ không còn đủ trầm tĩnh để tu tập được nữa.

Một thính giả : Tôi xin được nêu lên nhiều câu hỏi khác nhau. Thứ nhất : trong giai đoạn trung gian bardo, sinh linh bardowa chết vì nguyên nhân nào ? Không lẽ lại chết chỉ vì giận dữ ? Vậy cái chết thật sự có xảy ra cho sinh linh bardowa hay không ? Theo tôi hiểu cái chết chỉ xảy ra trên lãnh vực tâm thần, bệnh tật có xảy ra cho người bardowa hay không ?

Rimpoché : Khi người ta nói đến cái chết của một sinh linh bardowa đấy chỉ là một cách phát biểu bằng các ngôn từ dễ hiểu mà thôi. Đúng ra phải nói là thân xác của sinh linh bardowa bị phân tán. Tương tợ như ta thổi vào một tấm gương, hơi nước đọng lại trên mặt kính và tan biến dần. Sự phân tán của thân xác sinh linh bardowa cũng tương tợ như thế. Nguyên nhân gây ra sự tan biến thân xác của sinh linh bardowa là sự giận dữ.

Một thính giả : Có phải luôn luôn xảy ra đúng như thế hay chăng ?

Rimpoché : Đúng như thế đối với những người không tu tập, và đấy cũng là trường hợp mà chúng ta đề cập trong phần trình bày trên đây.

Một thính giả : Tôi không hiểu rõ khi ngài nói là quá trình của cái chết đối với sinh linh bardowa cũng giống như quá trình của cái chết đối với con người. Vì theo như tôi hiểu trong cơ thể con người có hai giọt và hai giọt đó như ngài nói không còn nữa đối với sinh linh bardowa.

Rimpoché : Những gì tương tợ trong quá trình cái chết của sinh linh bardowa và quá trình cái chết của con người là sự tan biến tuần tự của bốn thành phần, tức là thành phần này tan biến vào thành phần kia, ngoài ra bốn giai đoạn sau đây cũng xảy ra trong quá trình cái chết của sinh linh bardowa : sự tan biến của tám mươi cảm nhận thô thiển, của thể dạng bên ngoài,sự thăng tiến, gần thu đạt được và sau đó xảy ra thể dạng ánh sáng trong suốt của cái chết. Bốn thành phần đều hiện hữu đối sinh linh bardowa, thế nhưng các thành phần này không thô thiển trái lại thật vô cùng tinh tế, khác hẳn đối với trường hợp thân xác con người.

Một thính giả : Hình hài của sinh linh bardowa có giống với hình hài thân xác trước đây của cá thể hay giống với với bất cứ hình hài thuộc bất cứ một kiếp nào trước đó ?

Rimpoché : Sinh linh bardowa không mang hình hài thân xác kiếp trước mà mang hình hài của cá thể mà nó sẽ đầu thai.

Một thính giả : Có gì khác biệt trong trường hợp chết vì tại nạn, tức một cái chết xảy ra đột ngột ?

Rimpoché : Sự khác biệt là cái chết do tai nạn quá trình diễn tiến thật nhanh, các giai đoạn tan biết xảy ra chớp nhoáng. Thay vì trải qua một quá trình tuần tự, cá thể tức khắc chuyển sang giai đoạn bardo. Đấy là những gì khác biệt.

Một thính giả : Sự giận dữ của sinh linh bardowa xảy ra như thế nào ?

Rimpoché : Cách giải thích sau đây có thể áp dụng cho con người cũng như súc vật và tất cả những sinh linh được sinh ra từ cha mẹ. Nếu thể dạng tái sinh tương lai mang nữ tính, sự bám víu hướng vào người cha, nếu sự tái sinh là nam tính sự bám víu hướng vào người mẹ. Sinh linh bardowa bị thu hút bởi giới tính của cha hay của mẹ, thế nhưng khi đến gần thì không nhìn thấy [cha hay mẹ hay các cơ quan sinh dục của họ] khiến cho sinh linh bardowa nổi giận, [có thể Dagpo Rimpoché cố ý không muốn trình bày điểm này trong phần thuyết giảng, thế nhưng vì bị hỏi dồn nên ngài đành phải giảng. Sự nổi giận của sinh linh bardowa liên quan đến bản năng tính dục có nghĩa là bị thu hút bởi người khác phái, sự thất vọng do bản năng tác động rất mạnh gây ra cái "chết" cho sinh linh bardowa].

Người thông dịch : Xin nhắc lại câu hỏi trước đây của một thính giả là trong giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết, tâm thức thật tinh tế bị khóa chặt bởi hai giọt, ánh sáng trong suốt của cái chết phát sinh và tồn tại cho đến khi nào tâm thức cực tinh tế vẫn còn bị ép chặt bởi hai giọt. Trong trường hợp của sinh linh bardowa, hai giọt không còn nữa, vậy những gì xảy ra ?

Rimpoché : Khi tôi trình bày về các giọt là có ý nói đến trường hợp của những cá thể thô thiển như chúng ta, tức cấu tạo bằng thịt, xương và máu, v.v... Đối với sinh linh bardowa, mọi sự đều khác vì thân xác sinh linh này thật tinh tế, được cấu tạo bằng khí tinh tế để giữ vai trò chuyển tải tâm thức. Dưới thể dạng thân xác ấy sinh linh bardowa có tám mươi cảm nhận thô thiển và có thể di chuyển trong không gian, do dó khi "chết" sinh linh này trải qua các giai đoạn như sau : trước hết các thành phần tan biến, sau đó là tám mươi cảm nhận hiểu biết thô thiển tan biến, thể dạng bên ngoài tan biến, v.v... Lúc quá trình này chấm dứt tất cả các cấp bậc thô thiển của sinh linh bardowa đều được hóa giải, chỉ còn lại tâm thức thật tinh tế. Đấy là giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết của sinh linh bardowa, trong giai đoạn này chỉ còn lại duy nhất tâm thức cực tinh tế.

Trước đây tôi có trình bày về sự kiện hai giọt khép chặt tâm thức cực tinh tế đối với những người bình thường. Ngoài ra chúng ta cũng có nói thêm là khi nào tâm thức còn bị hai giọt giam giữ, cá thể vẫn còn lưu lại trong ánh sáng trong suốt, thời gian này có thể kéo dài ba ngày hoặc hơn nữa, hoặc cũng có thể ngắn hơn. Thế nhưng đối với sinh linh bardowa giai đoạn này xảy ra thật ngắn.

Một thính giả : Xin ngài giảng thêm cho chúng tôi về trường hợp tự tử ? 

Rimpoché : Câu hỏi quá bao quát, bạn muốn biết thêm về các điểm nào ? Nếu muốn biết thêm về tính cách đột ngột của cái chết tức một cái chết bất tử, quá trình cũng giống như trường hợp cái chết xảy ra vì tai nạn, chẳng hạn như tai nạn xe cộ. Tuy nhiên cũng có trường hợp tự tử nhưng không chết ngay. Nếu cái chết xảy ra tuần tự, toàn thể quá trình như đã được mô tả sẽ có thể diễn tiến trọn vẹn. Tuy nhiên nếu muốn biết chính xác hơn về một chi tiết nào đó cứ xin cho biết ?

Một thính giả : Tôi muốn biết rõ hơn về các vết hằn của nghiệp trong các trường hợp đó [tự tử].

Rimpoché : Có nghĩa là bạn muốn biết thêm về hậu quả của hành động tự tử có đúng không ? Thông thường người ta cho rằng hành động tự tử là một hành động sai lầm và đáng tiếc. Kinh sách cho biết là hậu quả của hành động tự tử sẽ phát sinh sau năm trăm kiếp, trước khi xảy ra hành động tự tử khác. Ngoài ra không thấy kinh sách đề cập rõ ràng hơn đến những tác động khác của hành động tự tử [tự tử là một cách tránh né hậu quả của nghiệp mà mình phải gánh chịu, không "trả" hết trong kiếp này sẽ "trả" tiếp trong kiếp sau, tương tợ như một sự khất nợ, hoặc hành động tự tử cũng có thể là nợ đã hết hay một hình thức chấm dứt của nghiệp (?)]. Có thể kinh sách có giải thích về các trường hợp tự tử, thế nhưng tôi không được biết. Dầu sao đấy cũng là những trường hợp ngoại lệ và đặc biệt liên quan đến cá nhân của mỗi người. Đối với một người tu tập Tan-tra tự tử là một sai lầm rất lớn, có thể tệ hại hơn cả việc giết một vị thần linh.



Thiền định



Đến đây chúng ta cùng nhau thiền định một vài phút về các giai đoạn của cái chết.

Chúng ta thiền định giống như hôm qua. Ta tưởng tượng từ ngực ta các luồng ánh sáng xanh thật đậm tỏa rộng ra khắp hướng, tràn ngập không gian, vũ trụ, bao trùm tất cả chúng sinh. Tất cả vũ trụ và mọi sinh linh tan biến và hội nhập với ánh sáng xanh đậm, sau đó ta tưởng tượng ánh sáng thu trở về và tan biến vào ngực mình, chỉ còn lại trơ trọi một mình ta. Chung quanh hoàn toàn là cõi trống không. Ta hấp thụ vào ngực mình tất cả vũ trụ.

Đến đây ta tưởng tượng phần bên trên và phần bên dưới của thân xác ta cũng trở thành ánh sáng xanh. Ánh sáng này thu nhỏ và tập trung vào giữa ngực, sau cùng chỉ còn lại một bầu hình cầu ánh sáng xanh nằm ở vị trí trung tâm của lồng ngực.

Bầu ánh sáng thu nhỏ thêm. Thể dạng "đất" tan biến vào thể dạng "nước", ta nhận ra dấu hiệu bên trong là một ảo ảnh. Giai đoạn tiếp theo là sự tan biến của thành phần "nước" vào thành phần "lửa", một dấu hiệu bên trong khác sắp hiển hiện, ta cố gắng nhớ lại dấu hiệu này là gì.

Khi thành phần "nước" tan vào thành phần "lửa", ta sẽ nhận thấy dấu hiệu bên trong là một làn khỏi mỏng màu xanh nhạt. Tiếp theo, thành phần "lửa" tan biến vào thành phần "khí" và dấu hiệu bên trong sắp hiển hiện, ta cố nhớ lại dấu hiệu này sẽ như thế nào.

Thành phần "lửa" tan biến trong thành phần "khí", ta nhận thấy dấu hiệu bên trong là những tia lửa bắn toé ra, tương tợ như một đàn đom đóm bay loạn trong tối. Ta lại tưởng tượng đến bầu ánh sáng xanh càng lúc càng teo nhỏ thêm.

Thành phần "khí" tan biến vào tri thức. Dấu hiệu bên trong là ngọn lửa của một ngọn đèn dầu.

Đến đây ta tưởng tượng ra tám mươi cảm nhận thô thiển tan biến vào thể dạng bên ngoài. Dấu hiệu bên trong khi xảy ra sự tan biến của tám mươi cảm nhận là sự quán thấy ánh sáng trắng thật rạng rỡ như ánh trăng. Bầu ánh sáng xanh thu nhỏ lại bằng kích thước một hạt đậu.

"Khí" giữ vai trò chuyển tải thể dạng bên ngoài bị hóa giải. Thể dạng bên ngoài tan biến vào sự thăng tiến. Dấu hiệu bên trong khi sự thăng tiến phát hiện là cảm giác nhìn thấy màu đỏ hay màu cam, tương tợ như ánh sáng buổi bình minh khi mặt trời chưa kịp ló dạng.

Sau đó, "khí" đi kèm với sự thăng tiến cũng bị hóa giải và giai đoạn gần thu đạt được phát hiện. Đến đây đốm sáng màu xanh thu nhỏ thêm và trở thành một chấm sáng thật nhỏ cỡ bằng đầu sợi tóc. Dấu hiệu bên trong là cảm giác chìm vào bóng tối thật sâu.

Sau đó ta tưởng tượng chấm sáng biến mất, hoàn toàn tan biến, không còn gì nữa. Sau đó ta ra thoát khỏi màn đen thật đậm và thật sâu và nhận thấy chung quanh chỉ có sự trống không, một sự trống không thật trong trẻo, hoàn toàn tinh khiết. Ta liên tưởng đến tất cả mọi hiện tượng không hề hàm chứa bất cứ sự hiện hữu tuyệt đối và nội tại nào.



* * * *



Hôm nay ta tập luyện gần giống như hôm qua. Thế nhưng sau khi đã được thụ pháp, quý vị vẫn cứ tiếp cứ tục thiền định theo phương pháp đó. Tuy nhiên đối với người đã được thụ pháp việc thiền định đòi hỏi phải theo đúng các quy tắc rõ rệt hơn. Trong lúc này quý vị chỉ cần ghi nhớ những gì tôi trình bày và cứ theo đó tập cho quen dần cũng tạm đủ.

Tóm lại, nên nhớ là giáo huấn của Đức Phật được phân chia thành hai nhánh là Su-tra và Tan-tra. Sự khác biệt không thuộc vào lãnh vực đối tượng [giáo lý] mà chỉ thuộc vào chủ thể tức là người tu tập [thực hành].

Đối với những người có khả năng thật cao Đức Phật giảng cho họ Tan-tra, đối với những người khác Ngài giảng Su-tra. Tuy nhiên người ta cũng có thể nêu lên vấn đề trên đây dưới một hình thức khác : đối với các sinh linh chưa đủ khả năng hoán chuyển sự bám víu trở thành con đường tu tập Đức Phật thuyết giảng Su-tra cho họ.

Vậy "đủ khả năng hoán chuyển sự bám víu trở thành con đường tu tập" có nghĩa là gì ? Khi sự bám víu phát hiện, thay vì cứ để cho sự bám víu tác động và khống chế mình ta quyết tâm chủ động, điều khiển và sử dụng nó để chuyển sức mạnh của nó hướng vào việc tu tập. Đấy là ý nghĩa của câu trên đây.

Sự hoán chuyển cá thể dạng bám víu trở thành con đường tu tập gồm có bốn cấp bậc. Một số người chỉ đủ khả năng hoán chuyển các xúc cảm bám víu thứ yếu và thường bị các sự bám víu mạnh hơn chi phối, một số khác chủ động được các sự bám víu mạnh hơn thế nhưng vẫn bị khống chế bởi những sự bám víu cực mạnh, v.v... Căn cứ vào sự thăng tiến đó người ta phân chia các người tu tập thành bốn nhóm hay bốn cấp bậc. 

Vì thế các phép tu tập Tan-tra cũng được phân chia thành bốn cấp bậc để thích nghi với với từng trình độ. Trước hết là Tan-tra sử dụng cho người có khả năng chủ động được các xúc cảm bám víu ở cấp bậc thứ yếu, chưa đủ sức khống chế các bám víu quá mạnh. Trong cấp bậc này Đức Phật giảng dạy phương pháp chuyển hoá các sự bám víu thấp có nghĩa là tương đối yếu trở thành con đường tu tập. Tan-tra trong cấp bậc này gọi là "Tan-tra hành động".

Sự khác biệt giữa Su-tra và Tan-tra còn có thể hình dung trên một khía cạnh khác nữa. Mục đích tu tập của Phật giáo Đại thừa nói chung là đạt được thể dạng của Phật gồm các phẩm tính như : Phật địa [cõi Phật], các phẩm tính sở hữu của Phật , tập thể [tăng đoàn ?] và sự sinh hoạt của Phật. Riêng đối với Tan-tra việc tu tập là thực hiện thể dạng của Phật bằng cáchthiền định về các thể dạng tương tợ với Phật địa, với các phẩm tính sở hữu của Phật và sự sinh hoạt của Phật, đấy là những gì đặc thù trong phép tu tập Tan-tra. Tất cả các phương pháp tu tập nào không sử dụng đến phép thiền định trên đây có thể gọi là tu tập Su-tra.

Ngay cả đối với Tan-tra người ta cũng phân biệt thành hai con đường khác nhau : con đường chung và con đường chuyên biệt. Con đường chung căn cứ trên các phẩm tính như lòng quyết tâm từ bỏ cõi ta-bà, tâm thức giác ngộ vá các quan điểm triết học về tánh không. Tại sao lại gọi đấy là con đường chung ? Bởi vì đấy là con đường chung với Su-tra. Muốn tu tập Tan-tra cũng phải đạt được một căn bản chung với Su-tra, căn bản đó thật thiết yếu.

Con đường thứ hai là con đường chuyên biệt. Trước hết phải vượt qua ngưỡng cửa mở vào con đường Tan-tra, đấy là sự thụ pháp. Khi nói đến thụ pháp phải thật thận trọng vì chữ này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có nhiều cấp bậc thụ pháp khác nhau như Đại thụ pháp, thụ pháp tuần tự và thụ pháp suốt đời. "Cửa vào" giúp tu tập Tan-tra gọi là "Đại thụ pháp". Thụ pháp tuần tự chưa được phép tu tập Tan-tra.

Đại thụ pháp là gì ? Trước hết đấy là một hình thức nghi lễ ban phép giúp tẩy uế ba cửa ngõ là thân xác, ngôn từ và tâm thức, sau đó là truyền ban sức mạnh tức tiềm năng giúp đạt được Tam Thân Phật vào một ngày nào đó. Đại thụ Pháp gồm nhiều giai đoạn, tuy nhiên trong lúc này chưa cần biết chi tiết. Dầu sao ý nghĩa chính yếu của Đại thụ pháp là sự ban phép cho người đệ tử trong mục đích tinh khiết hóa thân xác, ngôn từ và tâm thức, truyền sang cho người đệ tử tiềm năng và sức mạnh đạt được Thân, Khẩu và Ý của một vị Tối Thắng, tức là một vị Phật. Hơn nữa sau khi được thụ pháp mới có quyền và có đủ khả năng tu tập và thiền định về giai đoạn tạo tác và giai đoạn hoàn thiện. Giai đoạn hoàn thiện tức giai đoạn cuối cùng thuộc phép tu tập của Anouttarayogatantra [Tối thượng du-già Tan-tra], tức Tan-tra trong cấp bậc cao nhất. Cấp bậc "Tan-tra hành động" chưa giảng dạy các phép tu tập về các giai đoạn tạo tác và hoàn thiện [kết thúc hay viên mãn, tức thể dạng của một vị Phật].

Hãy lấy một thí dụ trong Đại thụ pháp, chẳng hạn như thụ pháp nước. Phép thụ pháp này tượng trưng bằng một cái bình, đấy là nghi lễ trao nước cho đệ tử, mỗi đệ tử uống một ngụm. Khi uống người đệ tử phải cảm thấy một sự êm đềm và hạnh phúc. Khi người đệ tử cảm thấy hạnh phúc phải hiểu đấy là nhờ vào tánh không. Vào lúc đó nếu đủ khả năng hiểu được tánh không là gì người đệ tử sẽ đạt được trí tuệ tối thượng của Đại thụ pháp. Thế nhưng nếu không đủ sức quán nhận được tánh không, trong khi thực thi nghi lễ như trao nước, uống nước, v.v... cũng cần tự nhắc nhở mình phải thiền định về một số chủ đề nào đó, chẳng hạn như tánh không, v.v... Tuy nhiên hiệu quả thụ pháp không hoàn toàn như ý muốn.

Kể từ lúc được thụ pháp, người đệ tử phải thực hiện một số quyết tâm nào đó. Nếu nghĩ rằng không đủ sức thực hiên các quyết tâm đó không nên thụ pháp, vì nếu không tuân thủ việc thụ pháp sẽ không mang lại kết quả nào cả.

Khi tiếp nhận sự thụ pháp cũng không nên lấy đó làm thỏa mãn hay cho là đã đủ. Phải hiểu rõ ý nghĩa của lòng quyết tâm và các điều cam kết khi thụ pháp. Nếu không nắm vững ý nghĩa các lời cam kết sẽ khó thực hiện. Dù hiểu rõ các lời cam kết thế nhưng ta cũng có thể tự hỏi thụ pháp sẽ mang lại cho ta những gì thiết thực ? Thụ pháp giúp ta thiền định về giai đoạn tạo tác, giai đoạn hoàn thiện, đạt được tam thân trên con đường và sau cùng là Tam Thân kết quả.

Trong hai ngày liên tiếp tôi trình bày với quý vị những gì cần thiết để chuẩn bị quý vị tiếp nhận lễ thụ pháp Kalachakra [Thời luận (bánh xe thời gian) tên của một bộ kinh Tan-tra quan trọng] sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay do chính Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ lễ. Trước đây hai khóa thuyết giảng khác với hai chủ đề "Tâm thức Giác ngộ" và "Tánh không" cũng đã được tổ chức nhằm mục đích này. Tóm lại chúng ta có tất cả sáu ngày chuẩn bị, thế nhưng đừng quên là sau này còn phải tu tập rất nhiều.

Muốn thụ pháp Kalachakra cần phải có một động cơ thúc đẩy thật mạnh. Không nên tham dự vì tò mò hoặc vì muốn tìm hiểu và xem nghi lễ là những thứ bày vẽ mang tính cách lạ thường và kỳ quặc. Cần phải có lòng quyết tâm. Động cơ thúc đẩy quý vị là gì ? Đấy là lòng quyết tâm đạt được thể dạng của một vị Phật. Quý vị nên nhắc nhở mình với bất cứ giá nào phải nhất quyết thành Phật trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi này. Đạt được thể dạng của một vị Phật trong một thời gian ngắn ngủi chỉ có thể thực hiện được bằng con đường Kim cương thừa tức là con đường Tan-tra. Thế nhưng muốn tu tập Tan-tra cần phải được thụ pháp. Quý vị nên nghĩ đến các điều vừa trình bày trước khi lên đường sang Thụy sĩ tham dự lễ thụ pháp. Đấy là một dịp giúp quý vị phát huy lòng đại từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Tóm lại động cơ thúc đẩy quý vị là tâm thức giác ngộ, lòng mong muốn đạt được thể dạng của một vị Phật vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Nếu thực hiện được như thế thật không gì bằng. Nếu không đủ khả năng cũng cố gắng luôn nhắc nhở trong tâm mình những điều ấy.

Được thụ pháp trực tiếp với Đức Đạt-lai Lạt-ma là một điều vô cùng may mắn. Thật vậy trong thời đại chúng ta và trên địa cầu này không dễ gì tìm được một vị Thầy Tan-tra với tầm cỡ của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Nếu được Ngài đích thân thụ pháp cho mình thì còn gì bằng. Dù chưa hoàn toàn đủ khả năng để tiếp nhận toàn bộ hiệu quả của sự thụ pháp thì đấy cũng là một dịp may mắn vô cùng, vì sau này khó tìm được một vị Thầy tốt hơn ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.

Cũng xin minh chứng khi tôi nói rằng được Đức Đạt-lai Lạt-ma thụ pháp là một dịp tốt

không hẳn chỉ có nghĩa là Đức Đạt-lai Lạt-ma mang tước vị lớn, nổi tiếng và là một vị Đạt-lai Lạt-ma, Ngài còn là một vị Đại sư vô cùng uyên bác, giữ giới thật nghiêm túc, thấu triệt thật sâu xa cả Su-tra lẫn Tan-tra. Đức Đạt-lai Lạt-ma hội đủ những phẩm tính vô cùng quý giá của một vị Thầy, được thụ pháp với Ngài không còn gì hơn.

Chúng ta sắp chấm dứt, thế nhưng vẫn còn một điểm cần phải nêu lên. Chúng ta vẫn thường nói trên đầu môi các từ "hạnh phúc", "an bình trong thế gian này". Nói lên những điều ấy thật tốt, thế nhưng trước hết phải hiểu rằng khi nào ta chưa tạo được sự an bình và hạnh phúc trong lòng mình, khi đó ta không thể hy vọng hạnh phúc và an bình tự nhiên có thể trải rộng trong thế giới này. Trước hết phải đạt được sự an bình và hạnh phúc nội tâm, đừng chờ đợi những thứ ấy từ bên ngoài đến một cách ngẫu nhiên, không phát xuất từ một nguyên nhân hay một lý do nào rõ rệt.

Hơn nữa ngày nay tình trạng chung trên thế giới ngày càng trở nên tệ hại và trầm trọng thêm, luôn xảy ra biến động. Đấy là dịp thúc đẩy chúng ta cố gắng và quyết tâm mang lại an bình và hạnh phúc nội tâm trong lòng mỗi người chúng ta.

Khi thực hiện được sự an bình và hạnh phúc nội tâm ta mới đủ sức mang lại những gì tốt đẹp cho bối cảnh bên ngoài. Đấy là cách duy nhất giúp mỗi người trong chúng ta góp phần trong việc trải rộng sự bình an và hạnh phúc trong thế gian này.

Chúng ta có nói đến con đường trải rộng và con đường sâu xa, vậy hai con đường ấy là gì ? Con đường trải rộng là con đường của bodhicitta (bồ tát hạnh) tức tâm thức giác ngộ, con đường sâu xa chính là con đường của tánh không. Vậy chúng ta hãy tụng niệm bài Kinh về Trí tuệ [tức Bát nhã Tâm kinh] và cầu mong con đường trải rộng và con đường sâu xa được nhanh chóng viên mãn. Trước mặt chúng ta có một pho tượng Phật, thế nhưng đừng xem đấy là một pho tượng, đấy chính là Đức Phật đang hiện hữu trước mặt chúng ta, đang lắng nghe chúng ta tụng niệm bài kinh Su-tra.

(Tất cả những người tham dự tụng niệm Tâm Kinh)

(Và sau đó tụng niệm kinh Tán thán 21 vị Tara [dịch âm là Đa-la, tức các thần linh nữ tính, hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm mang sứ mạng hỗ trợ và cứu độ chúng sinh])

Suốt trong hai ngày học hỏi vả tu tập, chúng ta tạo được một số phẩm hạnh xứng đáng. Chúng ta nếu là người Phật giáo hãy hồi hướng những công đức đó cũng như tất cả những gì đạo hạnh mà chúng ta gom góp được trong hai ngày hôm nay và cả trong ba thời gian [quá khứ, hiện tại và tương lai] để cầu mong thực hiện được thể dạng của một vị Phật trong mục đích giúp đỡ chúng sinh tìm thấy an lạc. Nếu những ai không phải là người Phật giáo cũng nên hồi hướng những công đức của mình để cầu mong chúng sinh thoát khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc.

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-81_4-9228_5-50_6-1_17-353_14-1_15-1/