Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Bài thuyết pháp "Bát Nhã Tâm Kinh"

Date: 29 th 11, 1998

Thưa quý Phật tử,

Dưới đây là bài thuyết pháp "Bát Nhã Tâm Kinh" do sư cô Như Thủy giảng, chép ra từ băng cát xét.
Bài giảng chủ yếu giúp Phật tử ứng dụng Trí Tuệ Bát Nhã vào đời sống, nên không đi vào chi tiết tứ đế, mười hai nhân duyên v.v ... mà quý vị có thể tìm hiểu từ những nguồn khác.

Vì là văn nói, nên xin chư tôn thỉnh ý quên lời.

Xin quý vị tùy hỉ công đức ĐH Nguyễn Minh Huấn đã chép lại từ băng ghi âm, và ĐH Châu Ngọc đã đánh máy lại. Tôi tự ý ngắt câu cho dễ đọc.

Mô Phật,
Minh Quang

Buổi sáng, chúng ta mới học qua tiểu-sử các vị thánh-ni thời Phật. Những bài sớm mai chúng ta học có tính-cách giống như chúng ta học một người bệnh nặng được đưa vào bệnh-viện, sau thời-gian nằm bệnh-viện đã hết bệnh mà còn trở về thành bác-sĩ nữa. Ở đây chúng ta chỉ học tóm-tắt cuộc đời của các ngài thôi mà hoàn toàn chúng ta không biết là các ngài đã trị-liệu bằng cách nào, thì chiều nay chúng ta sẽ học cái cách các vị đó uống thuốc mau hết bệnh, lại còn có thể trở thành bác-sĩ nữa; thì cái cách đó là chúng ta áp-dụng bài kinh Bát-nhã.

Trước hết, tôi xin giới-thiệu vị-trí của Bát-nhã trong văn-học của Phật-giáo.
Bát-nhã là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung-hoa có nghĩa là trí-huệ, tiếng Việt-nam mình cũng giữ chữ đó là trí-huệ.

Tôi có nói hồi sớm mai cái quý nhất trên thế-gian này là trí-huệ; tức là một người dầu đẹp, dầu giàu, dầu trẻ hay khỏe mạnh cách mấy mà nếu trí-huệ người đó không có thì giá-trị của người đó cũng không còn. Sở dĩ con người hơn vạn-vật là nhờ có trí-huệ; để phục-hồi cái trí-huệ đó thì nhà Phật có cách tu là làm sao cho chúng ta càng ngày càng sáng suốt và minh-mẫn; và mọi thành-quả tốt đẹp nhất trên thế-gian này đều là sản-phẩm của trí-huệ, cho nên trí-huệ được coi là "mẹ của chư Phật", tức là chư Phật cũng nhờ đó mà được giác-ngộ. Thành ra cái học tu của nhà Phật là lấy trí-tuệ làm sự-nghiệp.
Bài kinh Bát-nhã này thuộc về hệ đại-thừa; mà hệ đại-thừa và hệ nguyên-thủy khác nhau như thế nào?

Hồi thời Phật còn tại thế, chúng ta không biết chư tăng và chư ni tu ra sao, mà chỉ biết sau đó có một số kinh-điển còn để lại; cái số kinh-điển còn để lại đầu tiên đó gọi là hệ nguyên-thủy. Sau hệ nguyên-thủy có cái hệ gọi là bộ-phái, tức là mỗi địa-phương tùy theo căn-cơ, tùy theo quốc-độ, có những lối tu khác nhau, cho nên có đến hai chục trường-phái.
Sau đó, đến cái thời cách đây khoảng hai ngàn năm - tức là sau Phật chừng năm hoặc sáu trăm năm - thì chúng ta thấy có một phong-trào là làm sao áp-dụng Phật-giáo mở rộng ra cho tất cả mọi người cùng tu chớ không phải chỉ dành cho một thiểu-số không bận bịu gia-duyên. Như hồi sớm mai quý vị đã theo dõi lịch-sử các vị thánh-ni thì thấy các vị này khi đi tu đều không có gia-đình, không có phụ-tùng, chỉ vô rồi nghe tu một mình mình; cũng không nghe nói đến chuyện các ngài đã giáo-hóa độ-sinh ra sao, và hoàn toàn chúng ta không thấy đề-cập đến cái đời sống của người tu-sĩ tại-gia là có thể tu bằng cách nào? Nhưng mà ở đây, thời đại-thừa, ...... cái giải-pháp đó có thể áp-dụng cho mọi tầng lớp mọi người dân-chúng, tức là không kể địa-phương, không kể tuổi tác, không kể nam nữ, không kể tăng hay tục, mà khi áp-dụng đều có kết-quả như nhau hết.
Và cái bài kinh quan-trọng nhất trong hệ bát-nhã, coi như tóm tắt đại-ý, thì thuộc về văn-học của thời đại-thừa.
Kinh dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán thì do ngài Đường Huyền-trang dịch từ năm sáu trăm bốn chín - nghĩa là cách đây hơn một ngàn ba trăm năm - nó gồm tất cả hai trăm sáu mươi chữ, và vị nào hay tụng trong thiền-viện là thuộc lòng hết rồi; mà ngay đến chúng tôi, tôi cũng thuộc. Tôi thuộc bài kinh này vào năm tôi mới có sáu tuổi, và đến khi tôi bắt đầu đọc tụng, tức là khi tôi vô chùa tu - tức là năm mười lăm, mười sáu tuổi - thì tôi đã thuộc nằm lòng thêm những bộ kinh khác; và tôi thấy có một điều là khi chúng tôi vô chùa tu thì cái điều-kiện để tu mà trong chùa bắt buộc là mình phải thuộc hai thời công-phu, chú Lăng-nghiêm, thuộc kinh Di-đà, thuộc kinh Phổ-môn.
Nhưng mà cái thuộc của chúng ta nó không dính líu gì đến cái trị-liệu và áp-dụng hết; cho nên tôi có mấy người bạn rất thông-minh và rất ham tu, khi vô chùa xin tu, thì trong chùa mới đưa ra hai thời công-phu - tức là đưa ra một số kinh phải học thuộc lòng - và các vị đó học một thời-gian, ngán quá, rồi bỏ cuộc hết! Mà trong khi đó, nếu chúng ta áp-dụng, thì chỉ một bản kinh Bát-nhã là áp-dụng cả đời thôi.

Tôi đưa ra thí dụ này để quý vị thấy: chẳng hạn như có người bị đau bụng, có người bày cho mình thế này:
Người đó nói rằng: "Có một bà đó tên là Nguyễn thị Ba, bà Ba đó vì đau bụng cho nên được ông thầy thuốc cho một toa thuốc, toa thuốc đó gồm những vị thuốc như sau:... rồi bà đó về nhà, bà uống thuốc một thời-gian thì hết đau bụng."
Cái toa thuốc sau khi được truyền miệng từ người này qua người khác thì được chép thành văn, và người bệnh-nhân đau bụng đó cầm cái toa thuốc đọc, một ngày đọc ba lần, và sau nữa tăng lên ngày đọc sáu lần, cho đến khi đọc cả trăm lần, nhưng mà bụng vẫn đau, cho nên sau một thời-gian người đó bỏ cuộc!
Tại sao người này đọc cái toa thuốc mà không hết bịnh? Là vì quý vị biết cái bịnh ở đây là phải uống thuốc chứ không phải đọc toa thuốc, nên chúng ta có đọc hàng trăm hàng ngàn lần vẫn không hết đau.

Ở đây cũng vậy, những bản kinh là giới-thiệu chúng ta một cái toa thuốc người xưa đã tu và áp-dụng kiểu nào mà họ được bớt phiền-não; mà chúng ta thì chỉ đọc toa thuốc, do đó mà chúng ta không được thiện-nghiệp, và càng ngày chúng ta càng thấy toa thuốc này ngán quá, hoặc coi như nó không thể kham. Người khác giới-thiệu một cái toa thuốc hay hơn nữa thì chúng ta kiếm nhiều toa thuốc thôi; cái bệnh đó là cái bệnh mà hồi sớm mơi Phật rầy ngài Bá-da là dù nói ngàn hàng, thuộc hàng ngàn bài kệ, mà không chút lợi-ích, không bằng nghe xong một lời mà được tịnh-lạc.
Cái toa thuốc chiều nay thì tôi thấy là thầy đã có bản kinh mà quý vị ghi lại; bài giảng của thầy về bài kinh Bát-nhã thì tôi thấy tôi không có đủ sức để mà giảng hay hơn, hay là rõ hơn; có điều tôi giảng bài kinh là theo kinh-nghiệm tu của tôi, tôi thấy như thế nào, và tôi uống thuốc ra sao thì tôi bày cho quý vị.
Thành ra cái bài kinh này tôi nhấn mạnh về cái phương-diện thực-hiện, nó nằm ở cái căn-cơ khi tôi còn là cư-sĩ, đến khi tôi bắt đầu xuất-gia tôi áp-dụng tu ra sao, và khi theo thầy tôi tu ra sao mà tôi thấy hết bịnh; thành ra bài này là cái bài cũng lấy từ toa thuốc của Đức Phật mà tôi cũng nghiên-cứu uống và thấy nó có giảm đau thì tôi nói theo cái kinh-nghiệm của một người uống thuốc, của một người uống thuốc, chớ không phải kinh-nghiệm của người quảng-cáo toa thuốc.
Quý vị nào muốn tìm hiểu rộng hơn thì đọc bài Bát-nhã Tâm-kinh của thầy giảng, còn ở đây tôi chỉ giảng trong cái phương-diện uống thuốc thôi.

Mở đầu bản kinh chúng ta sẽ thấy có những văn-tự như thế này (bản kinh này tôi chia ra làm ba phần như toa thuốc vậy):
1- Có một vị Bồ-tát tên là Quán-tự-tại; vị này do dùng trí-huệ bát-nhã soi thấy năm uẩn là không cho nên ngài vượt qua tất cả khổ. Giống hệt như là cái toa thuốc nói rằng "có một người tên là Nguyễn-thị-Ba trúng đau bụng, bà này mới dùng cái toa thuốc gồm những vị như sau này... sau thời-gian thì bà được hết bịnh", tức là lời giới-thiệu. 
2- Rồi sau đó Phật phân-tích là cái toa thuốc có những cái gì.
3- Cuối cùng Phật khuyến-khích chư vị Bồ-tát đều nhân nơi cái trí-huệ Bát-nhã này mà được thành Phật; đó là lời khuyến-khích của Ngài.
Tôi phân đoạn như trên đây.


TRƯỚC HẾT MÌNH ĐI THEO LỜI GIỚI-THIỆU CỦA PHẬT.


Đầu tiên, vì sao chúng ta đi chùa, vì sao chúng ta tu?
Quý vị thấy, cái giai-đoạn ấu-thơ, tức là thời con nít, cái thời mà coi như sung sướng nhất của một đời người, là hoàn toàn chúng ta không thắc-mắc mình sinh ra để làm gì, hoặc chết rồi đi về đâu, gì hết! Nhưng khi lớn lên, bắt đầu va chạm với những cảnh khổ của thế-gian, khi đó chúng ta mới có những cái bức-xúc, những cái quằn-quại, những cái khổ mà không ai giải-quyết, và do đó chúng ta mới đi tìm bằng cách gõ cửa tôn-giáo.
Thành ra có lần thầy dạy chúng tôi "Nếu tụi con sống hoài không chết có lẽ là tụi con khỏi tu, mà nếu chết rồi không tái-sinh thì chúng ta cũng khỏi tu."

Chúng ta biết, bây giờ cái thân nhứt của chúng ta là cái thân này mình sẽ bỏ đi, và cái thân thứ hai là thân-quyến cũng sẽ từ-giã ra đi, và lúc lâm-chung mình đi một mình, không tiền không của, không bà con bậu bạn gì hết, giờ phút đó ra sao chúng ta không biết!
Luôn luôn chúng ta phát tâm tu, học đạo là do chúng ta chạm đến cái khổ đầu tiên hết mà trong nhà Phật gọi là "bát khổ" - vị nào theo dõi những bài học trước thì có nhớ - bài học Tứ-đế.

Trong bát khổ có chia ra khổ thứ nhứt là khổ thân, khổ thứ hai là khổ tâm. Thì cái thân của chúng ta có một sự bất kể nam nữ già trẻ, sang hèn giàu nghèo, chúng ta đều bị chi-phối bởi những cái khổ:
1- thứ nhứt là sinh, thì cái khổ mình đã vượt qua rồi.
2- thứ hai là cái già, thì cái già này không phải là người lớn tuổi mới già, mà thật ra cái thân xác của chúng ta già cỗi trong từng hơi thở, phải không? Người năm tuổi già hơn lúc ba tuổi, hai mươi tuổi già hơn lúc mười tuổi, và năm mươi già hơn lúc bốn mươi chẳng hạn, có nghĩa là thay đổi trong từng giây phút, thì đó là cái khổ thứ hai.
3- thứ ba nữa là cái bệnh, cái bệnh này không phải sau khi già rồi mới bệnh mà lúc nào cũng có thể bệnh được.
4- rồi cuối cùng là cái chết.
Đó là cái khổ chi-phối cái thân của mình.

Bây giờ về tâm thì chúng ta có những khổ như sau:
5- thứ nhứt là "ái-biệt-ly", những người mà mình thương mình phải xa lìa, xa vì chết hoặc là xa đời sống sinh-ly.
6- thứ hai là những người mình ghét, là "oán-tắng-hội" là những người mình không ưa mà cứ phải gặp mặt hoài, không thích. Trong kinh Phật có dạy thương phải chia lìa cũng khổ, ghét mà phải gặp cũng rầu; thành ra "oán-tắng-hội" là những người mình không ưa mà cứ phải gặp hoài, cứ phải ở chung, thì đây cũng là cái khổ.
7- thứ ba là "cầu-bất-đắc", có nghĩa là những cái mà chúng ta cầu, chúng ta ước mong, đều cũng không được, cho nên đó là cái khổ thứ ba.
8- còn cái thứ tư là cái khổ theo danh-từ là "ngũ-ấm xí thạnh", thì cái này chúng tôi được nhiều người giảng song không hiểu rõ; nhưng thứ năm vừa rồi thầy có giảng về "ngũ-ấm xí thạnh" rất là hay; "xí" là lẫy lừng, "thạnh" cũng là lẫy lừng, coi như nó hợp và mạnh, chữ Nho nó vậy thôi. Nhưng cái chữ "ngũ-ấm" này là cái thân gồm có xác thân mình - là sắc, thọ, tưởng, hành, thức - mà ta gặp trong bài kinh Bát-nhã này, ở đây thầy chỉ giảng giản-dị là ngay khi có thân tâm nó là khổ rồi; giống như Lão-tử nói là sở dĩ mình có tất cả tai-họa xảy ra là vì mình có thân, chứ nếu mình không có cái thân và tâm này thì tai-họa do đâu mà có! Như vậy thì cái khổ của chúng ta là đã cưu mang một cái xác thân mà không được vừa ý, cho nên ở trong này có chỗ nói "ngũ-ấm xí thạnh" là năm cái ấm này nó chống trái nhau cho nên nó làm chúng ta khổ; mà riêng thầy hôm trước - thứ năm này - giải-thích cho chúng tôi thấy "ngũ-ấm xí thạnh" là mang cái thân này tự bản-chất nó đã là khổ rồi chớ khỏi cần cái khổ thêm gì hết nữa.

Như vậy, chúng ta thấy vì khổ nên chúng ta mới tìm cách học đạo. Nhưng mà khi học sử các vị thánh tăng, thánh ni, thấy là khi các ngài chứng đạo thì các ngài chỉ nói là "sinh đã tận, việc làm đã xong" coi như là dứt khổ và được niết-bàn; vậy thì chúng ta trong khi học đạo, chúng ta làm sao để có thể trừ cái khổ này?
Nhà Phật có đưa ra một cái giải-thích như thế này:

Quý vị nhớ, ngài Xá-lợi-Phất là vị đại đệ-tử trí-huệ nhất của Đức Phật, khi về gặp một người bạn cũ, người bạn hỏi ngài:
"Tu được cái gì?" thì ngài nói là:
"Được Niết-bàn!" rồi hỏi:
"Niết-bàn là cái gì?" Ngài nói:
"Niết-bàn là tâm không còn bị phiền-não, tham, sân, si, chớ không phải Niết-bàn là cái chỗ nó nào đó để chúng ta chạy về." Hỏi:
"Làm sao để được Niết-bàn?" Ngài nói là:
"Bát chánh-đạo, nhưng mà chỉ cần nhớ một chỗ là một câu thôi ..."

Câu gì vậy?
Nhắc lại: chúng ta khổ vì chúng ta mang thân và tâm này, mà "ngũ ấm xí thạnh" là nó gồm hết tám cái khổ này. Khi mà các tăng-sĩ thời Phật xuất-gia, như hồi sớm mai mình thấy, các vị thánh-ni mà động-lực thúc đẩy người ta đến chùa không phải vì thấy Phật đẹp, không phải vì thấy chùa thanh-tịnh, không phải vì nghe Phật thuyết-pháp hay, mà chỉ vì khổ quá nên người ta chạy đến chùa.
Như vậy nguyên-do chúng ta phát-tâm xuất-gia là bị cái khổ bức bách, mà cái khổ là do có thân tâm mà khổ, chớ không phải là vì không có thân tâm; như vậy thì chúng ta có thể còn giữ một chút xíu thôi là "khổ vì mang cái thân này", và cái khổ đó được gọi cái khổ ngũ uẩn.

Hồi nãy có nói, tôi nhắc lại:
Bạn ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài:
"Đi tu theo Phật được cái gì?" Ngài đáp là:
"Niết-bàn!" Niết-bàn dịch ra là sự an-tịnh. Lại hỏi:
"Niết-bàn là gì?"
"Niết-bàn là tâm không còn bị chi-phối bởi phiền-não tham, sân, si." Hỏi:
"Làm sao được Niết-bàn?" Ngài nói:
"Tôi tu Bát chánh-đạo." Lại hỏi:
"Bát chánh-đạo là gì?"
"Tôi nói ra thì hơi dài, ông chỉ cần nhớ một chỗ thôi là chánh-kiến, tức là thấy đúng!"

Như vậy ở đây khuyên các vị tu một cái gọi là "chánh-kiến" tức là thấy đúng; thì ở đây bài kinh Bát-nhã gọi là "chiếu-kiến", tức là thấy đúng. Thấy cho rõ là chiếu-kiến.

Tôi có một người bạn khi đi dạy kinh như thế này, lần đầu tiên lên trước quý Phật-tử, thì phát run lên dữ lắm. Quý sư bà mới đứng phía sau lưng nói:
"Con đừng run, đừng run; nãy giờ con run quá!"
Quý vị đó mới nói thế này:
"Coi như không có ai hết" nhắc người giảng-sư như vậy đó.
Cô giảng-sư này tự trấn-tỉnh coi như không có ai vậy. Cô ta phát la lên:
"Coi như không có ai hết!"
Quý vị thấy lối này thất-bại! Tại sao thất-bại? Trước mặt mình có rất đông người mà coi như không có ai hết thì đâu có được! Thành ra cái thấy này đâu phải là cái thấy đúng, mà thấy sai chớ gì? Trước mặt như thế này mà tôi nói "coi như không có ai hết" tức là thấy sai rồi. Người ta có đông mà! Thành ra lối này thất-bại.
Kỳ sau nữa mới áp dụng một cách khác nữa. Quý sư bà mới bày cho vị đó thế này:
"Coi như là bà con thân-thuộc của mình!"
Và vị đó cứ lẩm bẩm "coi như bà con thân-thuộc của mình", và vị đó phát ra micro là "tôi coi quý vị như là bà con thân-thuộc của tôi."
Nói ra điều này cũng sai, vì giả sử như người đó là mẹ tôi thì khỏi cần nói tôi cũng coi bà như mẹ tôi. Thành ra ở đây, chúng ta nhìn ra sự thật ra sao thì y như vậy là đúng, còn mình phải nhìn khác đi cái nghĩ của mình ngay hiện-tại, cái thấy của mình ngay hiện-tại, thì cái đó là sai.

Chánh-kiến ở đây là thấy đúng: quý vị hiện-diện như thế này, tôi thấy quý vị hiện-diện thì gọi là thấy theo chánh-kiến. Còn giả sử như bây giờ tôi coi như quý vị không có, hoặc là như bà con của tôi, thế này thế khác v.v... thì những cái đó là cố gắng bóp méo sự thật đi. Theo nhà Phật, ở đây chánh-kiến là thấy đúng những sự thật hiện-diện; và cái thấy ở đây có nghĩa là thấy rõ cái làm chúng ta khổ là cái thân và tâm này cấu-tạo bởi cái gì?

Trước hết bài kinh được Đức Phật giới-thiệu nguyên-bản chữ nho:

"Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách"

Tôi dịch ra là: "Có một vị Bồ-tát tên là Quán-tự-tại - tức là Đức Phật giới-thiệu cho mình tên vị Bồ-tát đó - ngài do dùng trí-tuệ soi thấy năm uẩn là không nên diệt được hết tất cả khổ."

Đó là lời giới-thiệu. Bây giờ, theo bài kinh này, muốn giải-quyết cái khổ, chúng ta phải thấy chúng ta khổ là do có cái thân này. Theo sự phân chia tư-tưởng Ấn-độ thời đó, thân này được cấu-tạo bằng năm yếu-tố sau đây, mà danh-từ chuyên-môn gọi là ngũ uẩn. Ngũ uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Phải thấy cho rõ năm yếu-tố đó như thế nào - mà thấy bằng trí-huệ - thì chúng ta sẽ vượt qua để hết khổ.
Bây giờ quý vị theo tôi để thấy lần lần.

1- Sắc: Chúng ta thường dịch là màu thôi. Sắc ở đây là xác thân, xác thân này cấu-tạo bằng cái gì? Trong kinh kể là tứ-đại, bốn thành phần: chất rắn, chất lỏng, chất hơi, và chất nóng, cấu-tạo nên cái thân này. Bây giờ quý vị thấy cái xác thân mình được cấu-tạo như thế đó, nhưng mà nó có thường hay không, hay là nó biến-chuyển? Nó có biến-chuyển từng giây chớ gì! Đứa bé tháng trước thấp, tháng này cao cả tấc; người già tháng trước ít già, bây giờ già nhiều, chớ không ai càng ngày càng trẻ hết. Con nít thì lớn lên. Thấy rõ mọi vật như nó hiện-diện; thấy như vậy gọi là chánh-kiến.
Có ai càng ngày càng trẻ đẹp đâu? Ai cũng càng ngày càng suy tàn đi, phải không? Chúng ta thấy rõ xác thân mình như nó hiện-diện thì gọi là chánh-kiến; chánh-kiến cái xác thân này. Ở đây mình cũng thấy như nó hiện-diện chớ không phải bóp méo đi, có nghĩa là chúng ta càng ngày càng trẻ đẹp mà chúng ta thấy càng già càng xấu là sao? Mà chúng ta nhìn nó như nó hiện-diện gọi là chánh-kiến (thấy đúng), phải không?

Để làm sáng tỏ cái sự thay đổi xác thân thì Phật đưa thí dụ thế này:
Có thằng bé cỡ chừng bảy tuổi, bỏ nhà đi chơi. Đi chơi rồi buồn ngủ quá mới ghé miếu thổ-thần ngủ. Trong khi ngủ như thế thì trời tối lúc nào nó không hay. Cho nên ngủ đến nửa đêm thức dậy, nhưng trời tối quá nó không dám về. Khi đó chợt nó thấy có một con quỷ đen. Con quỷ đen vác thây của một ông già sáu mươi, đi từ ngoài vô; vô trong, nó quăng cái thây xuống đó. Một lát sau con quỷ trắng cũng từ ngoài chạy vô. Hai con quỷ dành thây ông già để ăn thịt. Hai con giành tới giành lui, và con nào cũng nhất-định giành cả cái thây ông già.
Khi đó con quỷ đen này mới hỏi thằng nhỏ:
"Cái thây này ai đem vô trước?" Thằng nhỏ nói:
"Tôi thấy ông vác đem vô trước!"
Lúc đó ông quỷ trắng sùng quá cho nên ông quỷ trắng mới rứt cánh tay thằng nhỏ để ăn thịt; là vì con quỷ nó có phép mà! Con quỷ đen thấy thằng nhỏ bênh mình cho nên nó bị ăn thịt, nên ổng rứt cánh tay xác chết thế vô, tay của ông già cho nên nó dài hơn tay kia của đứa nhỏ. Con quỷ trắng rứt luôn tay này nữa, thì quỷ đen mới thế vô cánh tay một cánh tay nữa. Lần lượt nó được thay đến đầu mình tay chân. Đến khi gà vừa gáy sáng, hai con quỷ biến mất. Cái thây thằng nhỏ đã bị con quỷ trắng ăn thịt lần lần rồi. Nhưng mà xác thân ông già được đền lần lần vô cho nó, mà đều bằng sức quỷ, cho nên sáng hôm sau thằng nhỏ này cũng quên là nó cũng đã đổi thân đi, nó chạy về nhà.
Vừa gõ cửa, kêu: "Má ơi!" thì ba má nó ra chào nó, hỏi:
"Thưa cụ, cụ kiếm ai?"

Phật kể câu chuyện đó để chỉ rằng trong một đêm thôi, thằng bé bảy tuổi đã biến thành ông già sáu mươi. Sự thay đổi quá mau cho nên mình thấy là mình già quá mau. Nhưng ở đây mình thấy con quỷ đen tượng trưng cho đêm, con quỷ trắng tượng trưng cho ngày. Đêm và ngày tới lui riết rồi nó đổi mình thành già lúc nào mà mình không hay.

Quý vị cứ lâu lâu giở an-bum ra thì thấy ngày tháng nào mình nhỏ xíu thế này, bây giờ tại sao mình lớn thế này? Sự thay đổi này dường như mình không thấy, nhưng thiệt ra nó thay đổi từng ngày từng đêm, và đến bây giờ chúng ta già hồi nào mà chúng ta không hay, quý vị có thấy không?
Ở đây ít có gương soi, cho nên tôi cứ tưởng tôi giống như hồi tôi mới vô đây, tức là hồi tôi mới hai mươi mấy tuổi. Nhưng mà lâu lâu về nhà soi kiếng vóc dáng mình, tôi hết hồn. Nhìn vô kiếng, tôi thấy mình là một bà già, trong khi đó mình ngỡ mình hai mươi, hai mốt tuổi thôi. Thành ra sự thay đổi quá chậm cho nên chúng ta không thấy, nhưng thiệt ra nó thay đổi từng ngày. Vị nào có học vạn-vật học lớp mười hai hồi xưa, thì nói chỉ cần bảy ngày đủ để chúng ta đổi hết tất cả tế-bào thành một con người mới rồi. Như vậy thì nhìn cái xác thân này thay đổi theo từng giây phút, không lúc nào là bền bỉ hết, cái đó là chánh-kiến, phải không? Thấy nó thay đổi, sinh-diệt từng giây từng phút, đến bây giờ chúng ta chưa kịp nghĩ gì hết thì mình đã già rồi. Như vậy thì cái xác thân này thay đổi, không bền chắc, quý vị thấy rõ ràng, đó được gọi là chánh-kiến.

2- Qua điểm thứ hai là Thọ, chúng phải chánh-kiến bằng cách nào?
Thọ là cảm-giác. Chúng ta có những cảm-giác vui, buồn, hoặc không vui không buồn. Nhưng mà cảm-giác này không cố-định.
Quý vị để ý điểm này: cảm-thọ nó tùy theo duyên thôi. Chẳng hạn như quý vị ở nhà ao đất mà xếp bằng như vậy chắc là khổ dữ lắm; mà vô đây mình chen được một chỗ, thấy vui, là tại sao? Cũng chỗ ngồi đó mà mình ở nhà mình, mình không thèm giành; mình nằm cả phòng ở nhà mình, mình thấy còn chật. Vô đây ngồi chỉ có một chút mình thấy được hạnh-phúc.
Cái cảm-thọ này không tùy thuộc ngoại-cảnh mà tùy theo quan-niệm của mình. Thử hỏi quý vị, sầu riêng ngon hay dở? Có người cho sầu riêng là thúi, có người khen sầu riêng là thơm. Còn rượu là ngon hay dở? Hôm trước đi ra Hà-nội trong buổi chiêu-đãi, người ta có mời uống la-de, tôi tưởng là ngon lắm, té ra là nó đắng dữ lắm, nó không ngon gì hết! Cà-phê cũng đắng nữa, như vậy mà có những người bỏ tiền ra uống cà-phê, uống la-de chớ gì? Hút thuốc lá nữa! Tôi nghe nói có người mỗi ngày bỏ ra mấy trăm đồng để hút thuốc, mà tôi thấy khói thuốc có ngon gì đâu!
Cũng là một cái sắc đó, cũng là một cái cảnh đó mà có người thấy vui, có người thấy buồn. Có người mình chỉ nghe tiếng chửi thề thôi là mình thấy phát giận rồi, thấy khó chịu; vậy mà có người chửi thề cả ngày cả đêm rồi sao? Tức là có cái gì họ thấy khoái họ mới chửi chớ! Cũng có người nghe niệm Phật thì vui, có kẻ nghe niệm Phật thì buồn. Thành ra cái cảm-thọ này nó tùy-thuộc vào ngoại-cảnh.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ đi học, cỡ mười bốn, mười lăm tuổi, học cùng lớp mấy đứa con trai lấy kẹo chewing gum nó chọi lên đầu tôi, lúc đó tóc dính cả chùm, phải lấy dao lam cắt quăng đi mấy đuôi tóc. Tôi nhớ tôi đã khóc, khóc ôi là khóc, khóc đến nỗi thầy giáo phải bắt mấy tụi con trai quỳ gối hết. Sau đó độ một năm, tôi cạo nguyên cái đầu; khi đó tụi bạn trai mới đến hỏi tui: "Sao bây giờ chị dám cạo nguyên cái đầu, mà trước đó tôi làm chị đứt có mấy cọng tóc mà chị làm cho tôi quỳ cột cờ như vậy?"

Như vậy cái cảm-thọ của chúng ta gồm có vui, buồn, không vui không buồn, những cái này nó tùy-thuộc vào ngoại-vi nữa phải không? Thành ra cái này nó cũng vô-thường, nó không cố-định. Những điều này hôm qua chúng ta thấy là vui, mà bữa nay thấy là buồn rồi. Thành ra cái này mình thấy nó vô-thường.
Tại sao có những người tự-tử? Tại vì họ tưởng cái vui hay buồn này nó cứ như vậy hoài cho nên chịu không nổi. Có những cái buồn mình chịu hoài không nổi cho nên mình trốn đi, bằng cách tự-tử, hoặc là đi uống rượu, hay là say sưa gì đó. Bây giờ thấy rõ cái vui hay là cái buồn này là ở ngoại-cảnh cho nên chúng ta biết mà tìm cách chuyển nó; chuyển được chớ gì? Như vậy con trai ở biển nó bị một viên đá vô trong bụng thì nó đau nhức. Những con yếu sẽ chết vì vết thương, những con mạnh sẽ tiết ra một chất bao bọc chung quanh vết thương đó.
Cũng vậy, nếu chúng ta là một người mê, không biết, gặp một cơn buồn thì chỉ nằm trùm mền mà khóc thôi, hoặc là say sưa trác táng để nó qua cơn buồn; nhưng mà nếu biết, chúng ta chuyển cái buồn đó.
Như vậy thì ngoại-cảnh có đến có đi, có tác-hại đến mình, nhưng mà vui buồn giận ghét hay không là cái quyền của mình chớ. Mình xử-dụng cái quyền đó được không? Cảm-thọ là những cảm-giác vui buồn hay là không vui không buồn, đều tùy-thuộc nơi mình. 
Cũng một vấn-đề đó mà đối với mình khi vui khi buồn; thì bây giờ cái ngoại-cảnh mà vui buồn giận ghét hay không là quyền của mình, mình xử-dụng được hay không?
Vậy, tu ở đây là phục-hồi trở lại cái quyền tự-chủ của mình.

Hôm trước, tôi có kể cho quý vị nghe mấy bà nói liệu đó. Tôi thấy một bà bưng thúng bánh tiêu đi bán ở bến xe Văn-thánh. Mấy đứa nhỏ bán thuốc lá kêu "quăng đi bà, quăng đi" cái bà ta quăng xuống; chỗ sình, nó kêu: "Bà à bà, khiêu-vũ đi bà!" cái bà ta nhảy thôi là nhảy. Lát sau chúng nó bỏ đi, đồ đạc của bà ta hư dơ hết. Thế là bà ta đứng khóc, và chửi.
Như vậy chúng ta thấy, bà này hoàn toàn không tự-chủ. Bưng thúng đồ đi bán mà tụi con nít bảo quăng là bà quăng, chỗ sình lầy mà bảo leo vào đó nhảy, là mất tự-chủ.
Bây giờ chúng thì sao? Buổi sáng có người ta bảo "Bà hai, vui đi bà!" là chúng ta vui. Bảo cười mình cười, bảo khóc mình khóc; nhưng mà họ biểu không trực-tiếp như bà liệu đó, tức là họ tìm cách như kể chuyện nào đó, để chúng ta nghe thôi. Thí dụ như muốn bà này buồn, chỉ cần nói "Bà hai ơi, tôi nói bà điều này nghe, có người chửi lén bà!" Muốn bà vui, họ nói "Bà hai ơi, tôi nói điều này nghe, có người khen bà!" Thiệt ra có ai khen đâu, và thiệt ra có ai chửi đâu! Chỉ nghe miệng của người đó nói thôi mà chúng ta đã liệu rồi, phải không nào?

Như vậy cái cảm-giác này mình thấy rõ nó thay đổi. Tu là làm sao làm chủ cái cảm-thọ này, đừng để cho nó chi-phối mình, vui buồn hay không là tùy quyền của mình. Thành ra cái cảm-thọ này có hai phần, một phần thuộc về thân, một phần thuộc về tâm. Thân mình có nghĩa là ai mà gặp lửa thì cũng thấy nóng, cầm nước đá thấy lạnh, dù là bậc thánh đi nữa cũng có cảm-giác đó. Còn cảm-thọ vui buồn của con người là do tâm, nên chúng ta thấy chúng ta có thể tự-chủ được.

Hôm trước tôi đọc bài kinh cho quý vị nghe đó, kể có một ông già đi đến gặp Phật và than với Phật là ổng khổ quá, tại vì đau bệnh rề rề. Phật mới dạy cho ông bài kinh, ông ta học thuộc lòng và đi ra mừng vui quá, và ông ta đọc tới đọc lui hoài. Ngài Xá-lợi-phất gặp mới hỏi:
"Này ông cụ, khi nẫy đi vô gặp Phật thì thấy buồn, mà bây giờ đi ra thì hớn hở. Có gì mà vui dữ vậy?" Ông ta mới khoe:
"Đức Phật đang giảng kinh cho gần năm trăm người mà gặp tôi vô Phật đặc-cách ngưng thời kinh lại, dạy cho tôi một thời kinh riêng." Hỏi:
"Bài kinh như thế nào?"
"Phật nói như thế này 'Một người Phật-tử chỉ có khổ thân mà không có khổ tâm, chỉ có bệnh về thân mà không bệnh về tâm' thành ra tôi vui quá, và Phật biểu tôi học thuộc lòng bài đó, cho nên tôi đi về!"
Khi đó ngài Xá-lợi-phất hỏi rằng:
"Ông có biết khổ thân ra sao, và bệnh về thân ra sao hay không?" Ông ta nói:
"Biết chớ! Bệnh về thân là nhức đầu, đau bụng, đau răng nè, nóng lạnh v.v..." Quý vị cũng biết vậy, phải không?
"Nhưng mà bệnh về tâm thì ra sao?" Ông ta mới nói:
"Nẫy giờ mừng quá, quên hỏi đi!"
Nhân đó ngài Xá-lợi-phất mới dạy cái khổ về tâm, cái bệnh về tâm, tức là bị cái tham (tức là sự khao khát), sân (là sự bực bội) chi-phối.

Như vậy, chỗ này chúng ta thấy Phật dạy, một người Phật tử dù cái thân mà khổ thì chúng ta vẫn có. Nhưng mà khổ tâm hay không thì chúng ta có thể có trọn quyền không khổ. Như vậy, thì chúng ta thấy "chiếu-kiến ngũ uẩn" đầu tiên phải là sắc thì thấy nó vô thường, thay đổi. Về cảm-giác thì chúng ta thấy tùy duyên. 
Cảm-giác mà của thân khổ thì cái đó ai cũng có hết. Đức Phật cũng trải qua những cơn bệnh như mình chớ gì. Bất cứ thánh phàm gì cũng có bệnh khi có thân. Cái khổ về thân này có rồi. Nhưng mà cái khổ về tâm này thì nên để ý. Chúng ta có quyền tự-chủ. Thường thường cái khổ về tâm này là do sự tưởng-tượng nhiều hơn. Cho nên cái thọ nó không xuất-hiện một mình mà nó phải đi kèm với cái tưởng này.

3- Tưởng là sự tưởng-tượng, suy tưởng; cái Tưởng này thường thường chúng ta hay thoát ra cái cảnh hiện-tại, tưởng-tượng về quá-khứ hay tương-lai. Ở đây tôi đã đưa thí dụ, người bạn tôi kể chuyện là khi về miền tây chung với cô bạn gái. Hai người cùng đi, đi ngang ruộng. Cô bạn gái bị đỉa đeo, cô ta giở ống quần lên hỏi người bạn "Con gì đeo chân của em mà đen đen, nhớt nhớt, mà gỡ không ra?" Người bạn nói "Con đỉa đó!" tức thì cô ta nhào xuống xỉu liền, thành ra người bạn trai phải vác cô ta đi cấp cứu. Ông ta về than thở thế này: "Đàn bà con gái tôi không hiểu sao, con đỉa đeo cả tiếng đồng hồ không sao, tôi chỉ nói tên của nó thì bà ta xỉu. Tôi mà biết bà ta xỉu như vậy tôi đợi về nhà tôi mới nói, tại vì bà ta mập quá, khiến tôi vác gần chết luôn!"
Như vậy, quý vị thấy, cái con đỉa bà này không biết, nhưng nghe người ta nói con đỉa kinh khủng thì cô ta sợ con đỉa vô cùng; khi mà con đỉa đeo thật-sự thì không có gì tổn-hại hết, nó chảy máu thiệt đó nhưng mà nó không đến đổi làm cô ta xỉu; lúc nghe người bạn nhắc rằng đây là con đỉa thì cô ta xỉu. Như vậy cô ta xỉu là do đỉa đeo hay là do sự tưởng của cô ta? Do cô ta nhớ ra chớ gì. Cảm-thọ con đỉa đeo vô thân cô ta không thấy, không xỉu, cô ta còn hỏi con gì đẹp quá, dễ thương, nhưng mà khi nghe tên nó cô ta xỉu; cái xỉu này là do một phần cô ta cộng-tác chớ!
Thành ra cái tưởng này nó hại dữ lắm, mà trong khi cái tưởng thì vô-thường. Giả sử như cô ta không tưởng-tượng về nó, cô ta đâu có khổ! Cũng như quý vị thấy, khi mình bị đứt tay, ngay lúc đứt tay mình thấy đau một chút xíu, mình băng rồi thì thôi; nhưng mà giả sử mình ngồi tưởng-tượng lúc con dao nó cứa ngón tay của mình thì lúc đó kinh khủng thiệt. Người bị đứt võng hay té xe, người đó thấy là kinh khủng, hoặc là bị sét đánh trúng, thì tưởng tượng chắc là sợ lắm. Hôm trước tôi bị té võng, tôi thấy không đáng sợ lắm, là vì chưa kịp hay gì hết trơn là tôi thấy nằm trên đất rồi. Nó xảy ra rất mau. Lát sau nhớ lại tôi thấy ghê thật. Cái võng treo cao mà đứt dây té bịch xuống ghê thật.
Tai-nạn xảy ra cho mình thật ra không làm cho mình sợ lắm. Nhưng mà cái hồi tưởng của mình làm cho mình sợ; thì đó là cái tưởng về quá khứ chớ gì?

Bây giờ thêm cái tưởng về tương-lai. Thí dụ ở trong chung-cư đó, ông già ở tầng dưới, chú thanh-niên ở tầng trên, khi mà chú thanh-niên đi làm về chú lột đôi giày chú quăng rầm rầm xuống sàn nhà, làm ông già ông ta nghe bực quá đi. Cho nên sáng hôm sau, ông lên nói với chú thanh-niên thế này:
"Bữa nào chú đi về, chú nhớ để hai chiếc giày cho nó đàng hoàng, chớ tôi nói cho chú biết tôi bị đau tim! Chú vụt kiểu đó có bữa chú đền nhân-mạng đó!"
Cậu thanh-niên này hứa bữa sau sẽ đi êm ái hơn. Qua hôm sau đi về, cậu ta cởi chiếc giày ra, vừa vụt cái rầm thì chợt nhớ ra rằng mình đã hứa với ông già rồi, thành ra chiếc thứ hai cậu thanh-niên này mới để thiệt nhẹ xuống. Khoảng tiếng đồng hồ sau, thấy ông già ôm ngực lên thở hổn hển nói:
"Cậu ơi, cậu vụt giùm chiếc thứ hai, chớ nẫy giờ tôi đợi mệt quá!"

Như vậy thì quý vị thấy chuyện chiếc giày rớt xuống nó làm cho mình giật mình có một chút à, mà mình ngồi mình đợi đó thì khổ sở vô cùng.
Quý vị nào đi coi bói nói "cuối năm nay chết đó"; ngồi từ đây mà đợi cho tới tháng mười hai, thời-gian đó khổ dữ lắm. Chừng nào chết thì chết đại, chớ chờ đợi khổ sở khôn cùng. Vậy mà có người chẳng hạn họ nói: "Năm nay là năm hạn của bà, từ tháng giêng đến tháng chạp, thứ nhứt là coi chừng xe đụng, thứ hai là người ta chửi, thứ ba là bị giựt hụi, thứ tư là mắc nợ, coi chừng chết v.v ..." Thì người này một năm dài mười hai tháng đứng ôm tim kiểu ông già đó. Thà chừng nào nó vụt cái rầm mình giựt mình một cái thôi, chớ đàng này ngồi đợi chiếc giày nó rớt xuống, biết chừng nào nó rớt!
Cái tưởng tượng này là do chúng ta suy gẫm về quá khứ, về tương lai, và nó cộng với cái cảm-giác cho nên luôn luôn nó làm cho chúng ta khổ. Như vậy quý vị có biết tại sao thầy hay rầy mình là đừng hay vọng-tưởng không? Trong khi cái thật không đáng sợ, cái tưởng nó khủng khiếp vô cùng.
Chuyện con đỉa đã kể, quý vị thấy vô lý chớ gì! Nhưng mà thường thường chúng ta hay như vậy. Con đỉa đeo cả tiếng đồng hồ rồi, khi nghe người ta nói con đỉa đó thì xỉu.
Giả sử như bây giờ, ngày nay quý vị không có ở Bình-dương; lúc năm giờ chiều, quý vị vừa vô tới nhà thì có người bà hàng xóm tới nói:
"Chỗ chị em, tôi nói cho chị nghe, mà chị đừng có giận nghen! Tôi nói chị nghe, để chị biết người mà chị sống, là hồi mai, có bà tới đây nói xấu chị biết là bao nhiêu..."
Bà ta nói hồi bảy giờ, mình nghe xong mình buồn suốt cả tháng trời. Quý vị thấy, bà ta nói xấu mình lúc bảy giờ, mà nếu thực sự cái nói xấu đó nó làm khổ mình thì ngay lúc bảy giờ ở dưới này mình xỉu rồi. Mà không có! Tới năm giờ chiều, bà ta đi đâu mất rồi, đi về mình nghe lại mình xỉu! Cái này cũng y như chuyện con đỉa vậy. Nghe con đỉa mình thấy vô lý, còn chuyện này có lý hàng ngày chớ gì? Rồi mỗi ngày cứ nhắc tới nhắc lui, nhắc qua nhắc lại, và mình luôn luôn hành-hạ cái cảm thọ của mình, làm cho mình khổ. Ngoài cái khổ thân mình còn cái khổ tâm.
Như vậy cái khổ tâm này do mình hay là do ngoại cảnh? Quý vị thấy không? Ở đây chính cái tưởng này là do chúng ta chủ động chớ gì? Cái thân này là do mình điều khiển, cái tâm này do chúng ta chủ-động, vậy mà chúng ta chuyên môn như mấy bà liệu để bên ngoài giựt dây không hà! Người ta giựt giây mình, mình giựt giây người ta, rốt cuộc chúng ta liệu hết trơn! Thành ra Đức Phật tặng mình hai chữ "điên đảo".

Nãy giờ tôi phân tách cho quý vị thấy cái khổ tâm của mình, khổ thân của mình thì có. Còn sanh, già, bệnh, chết thì ai cũng bị chi-phối hết. Nhưng mà cái khổ tâm này có thể thoát được mà; thì thôi trong cảnh khổ thoát được cái nào đỡ cái đó. Sắc vô-thường, cảm thọ cũng vô-thường. Tưởng này cũng tùy duyên chớ đâu phải lúc nào cũng chi-phối mình. Như vậy mà để cho nó chi-phối, để rồi chúng ta đau khổ vì nó. Ít có ai mà ta thấy khổ do bệnh-hoạn, mà bệnh có khổ không nào? Bệnh dĩ nhiên là khổ chớ gì? Giả sử đau bụng thì đau bụng thôi. Tôi nhớ có lần tôi đau bụng, tôi khổ vô cùng, tôi muốn bỏ chùa đi, tôi đổi cái thân khác chẳng hạn. Sau đó tôi mới sực nhớ trở lại, là mình đau bụng, sở dĩ khổ là trong lúc ngồi đau bụng nhớ ngày hôm qua đau rồi, nay đau nữa, mai đau nữa; rồi ngồi tính tới tính lui thành ra khổ. Nhưng mà lúc đó, khi mình đau, mình chỉ đau thôi chớ đừng nghĩ, đừng tưởng nữa; đừng tưởng-tượng vẽ vời thêm nữa thì mình chỉ chịu đựng cơn đau của thân mà tâm không đau. Quý vị thấy không, cái tưởng này nó đóng góp, nó làm hại mình dữ lắm!

http://www.chuahaiduc.org/Thuyet%20Phap/Bat%20Nha%20Tam%20Kinh%20Su%20Co%20Nhu%20Thuy/bat_nha_tam_kinh_-_su_co_nhu_thuy.htm