Đoàn kết chính là sức mạnh! Nhưng liệu sức mạnh đó có thể thắng hết tất cả các đối phương trong thế gian này?
Hay chỉ một phần nào đó? Ta có sức mạnh người khác cũng có sức mạnh, ta có tình đoàn kết thì người khác cũng có tình đoàn kết. Biết đâu chừng có những kẻ lại đoàn kết và sức mạnh hơn ta. Cho nên ở đời chúng ta phải “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”.
Không ai có thể tự xưng mình là mạnh hơn tất cả, chắc hẳn ai cũng nhớ Tần Thủy Hoàng xưa kia mạnh đến cỡ nào nhưng rút cuộc cũng phải thất bại. Rồi biết bao thế lực tranh quyền đoạt lợi trong lịch sử loài người có mấy ai mỹ mãn chứ! Lực lượng Họ nhà Kiến trong đoạn phim rất có tinh thần đoàn kết với nhau. Nhưng với bản năng của Nó là loài bò sát nên chỉ có sức mạnh ở dưới đất. Dòng họ nhà Ruồi cũng không vượt ra ngoài tinh thần đoàn kết, họ đã kéo đồng minh đến để tranh giành chiến lợi phẩm với lợi thế trên không. Nhưng ở đây họ nhà Kiến là người phát hiện cây kẹo trước các Bác Ruồi, và họ chỉ biết giữ gìn cái tạm gọi là của họ. Cho nên tâm của Nhà Kiến là tâm bảo vệ, Nhà Phật gọi là Tâm Chấp Thủ cái của ta. Còn các Bác Ruồi thì sao? Họ chỉ là người đến sau nhưng họ vẫn cố giành về bằng được cây kẹo. Đây chính là tâm Tham lam mà giành dựt. Cả hai trạng thái tâm Tham Lam và Chấp Thủ Nhà Phật khuyên cần phải đoạn trừ, vì chính nó làm chướng ngăn Thánh đạo. Nhà Phật đề cao tinh thần Nhẫn Nhục và khởi xướng tinh thần bất bạo động. Nếu ai cũng biết Nhẫn Nhục và sống trong tinh thần bất bạo động thì chắc chắn rằng sẽ không có cảnh chiến tranh đau thương, thế giới ắt hẳn hòa bình và người người sẽ an lạc.
Hai thế lực Nhà Kiến và Nhà Ruồi tuy tranh giành nhau cây kẹo quyết liệt nhưng sau cùng họ đã thỏa thuận nhau bằng tinh thần chia sẻ. Cây kẹo được chia hai và đường ai nấy đi, phần ai người đó thọ dụng. Đây cũng là cách thỏa thuận theo thế gian để tạm thời giải quyết lòng tham và chấp thủ, nhưng không phải là đoạn trừ. Cách giải quyết này gọi là “biết mình biết người…”. Nhưng ở đây có một nhân vật đặc biệt, đó là Ông Nhện. Ông là người ngoài cuộc an nhiên tự tại sống thảnh thơi với đời. Ông không tranh giành với ai, một cách sống tùy duyên theo đạo Phật. Ông Nhện chỉ nhận cái phần mà người đời không giành giựt tranh đua. Có thể họ cho là cái bỏ đi không không xài được, nhưng Ông Nhện lại sử dụng nó trong trạng thái an lạc của kẻ an bần. Thật đúng là tùy duyên mà an lạc, an bần mà thủ đạo. Ông đã sống trong tinh thần vô ngã giải thoát khỏi phiền muộn khổ đau.
Câu chuyện là cơ hội cho chúng ta quán xét về cuộc đời, soi rọi lại bản thân để xây dựng một thế giới an lành hạnh phúc. Và chúng ta ý thức rằng thế giới an lành hạnh phúc phải được xây dựng chính ngay tâm ta. Tâm ta không chứa đựng phiền não khổ đau, không tham lam chấp thủ. Tâm ta sống với tinh thần chia sẻ, ít ham muốn và biết đủ, biết thỏa mãn với những gì mình đang có, biết sống tùy duyên thì lo gì không an lạc, ngại gì thế giới không hòa bình. Khà khà khà…! Chắc hẳn Là tiếng cười tràn đầy an lạc của Ông Nhện trong câu chuyện!..
<