Hoàng Công Danh
Đó là tiêu đề mà tôi chọn để viết cho một bài tiểu luận nhỏ về sự gặp gỡ giữa vật lý học và Phật giáo. Dĩ nhiên, vấn đề giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và khoa học tự nhiên hẳn đã có ngay từ thuở sơ khai của hai lĩnh vực này và đã được nhiều người nghiên cứu, nên chăng trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu ra một vài cảm nhận của riêng mình như là một sự chia sẻ. Ở đây, tôi không có ý nói rằng vật lý là khoa học của Phật giáo, hay ngược lại, Phật giáo là ngôn chỉ của khoa học vật lý; tôi chỉ muốn bày tỏ một vài quan điểm của mình về sự gặp gỡ (có thể dùng chữ) “dĩ nhiên” mà “kỳ lạ”.
Trước hết, cần phải nói rằng, bấy lâu nay nhiều người đã đồng hóa Phật giáo và đồng nhất các khái niệm Phật học một cách thiển cận. Cứ nhắc đến Phật giáo, chúng ta thường nghĩ đến ông Phật (Buddha), đến việc chắp tay cầu nguyện, đảnh lễ - đó mới chỉ là một phần nhỏ cấu thành nên Phật giáo, còn quan trọng hơn cả là văn hóa Phật giáo đi vào các lĩnh vực đời sống, mà đặc biệt ở hai khía cạnh tâm linh và khoa học.
Ngày còn nhỏ, tôi cứ ao ước mau đến ngày rằm - mùng một để được đi chùa ca hát, nhảy múa, chắp tay niệm Phật. Ánh sáng đạo Phật quả thực đã khai sáng cho tâm thức tuổi thơ tôi. Dưới vầng hào quang của Đức Phật, tự dưng tôi cảm thấy được che chở và anh minh sáng suốt hơn bao giờ hết. Và một kỷ niệm không thể quên, tôi nhớ cái đêm hôm ấy, tôi loay hoay giải một bài toán mà mãi không ra đáp số, bên ngoài lũ bạn đang gióng gọi đi chùa. Tôi mặc đồng phục và đi nghe chuông, niệm kinh; về đến nhà, tự dưng tôi giải ra bài toán một cách dễ dàng. Chính từ lúc ấy, tôi đã ngầm hiểu rằng có một phép mầu nào đó đã ngự trị ở bên trong những lời kinh kia. Và tôi có một niềm tin, từ cái ngày niềm tin ấy còn nho nhỏ trong cái lồng ngực của một cậu bé bảy tuổi, cho đến hôm nay, niềm tin ấy đã lớn trùm lên cả thân thể tuổi hai mươi…
Kinh Bát Nhã - Định luật bảo toàn
Có lẽ bất kỳ người học vật lý nào, hay kể cả những người ở các lĩnh vực khác, hầu như đều biết đến các định luật bảo toàn trong tự nhiên. Đó chính là bài học vật lý sơ cấp mà chúng ta được tiếp thu từ những ngày bước chân vào cấp hai, nhập môn vật lý học.
Định luật bảo toàn tổng quát có thể phát biểu rằng “không có cái gì tự nhiên sinh ra, không có cái gì tự nhiên mất đi mà chúng chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”. Cụ thể thì có các định luật bảo toàn năng lượng, rồi bảo toàn năng - khối lượng (trong các phản ứng cao năng lượng), định luật bảo toàn động lượng… đại để đều có thể phát biểu như trên. Thời gian và thực nghiệm đã chứng minh tính đúng đắn và độ tin cậy tuyệt đối của định luật này.
Đơn cử như định luật bảo toàn năng lượng, khi ta đốt nhiên liệu trong ống xi lanh của động cơ thì năng lượng nhiệt sẽ gây ra áp lực tác dụng lên pittông làm quay khuỷu trục và truyền chuyển động đến bánh xe. Vậy là năng lượng nhiệt không mất mát đâu cả mà đã chuyển thành cơ năng. Hay như định luật bảo toàn lực (tôi xin được gọi cho Định luật III Newton!), nếu A tác dụng lên B một lực F thì cũng đồng thời và tức thời B phản trở lại tác dụng lên A một lực có cùng độ lớn và ngược chiều. Chỉ lấy hai ví dụ để thấy được sức phổ quát của định luật bảo toàn.
Trong kinh Bát Nhã, Đức Phật dạy rằng:
“Xá Lợi Tử nghe đây
Tất cả pháp đều không
Không sinh và không diệt
Không thêm và không bớt”
Đây là lời dạy của Đức Phật với ngài Xá Lợi Phất, nhưng đọc lên chúng ta có thể hiểu được ngụ ý của Ngài. Với những người học Phật, câu thứ hai dường như có ý nghĩa hơn cả: “tất cả pháp đều không”; nhưng với những người học vật lý, hai câu cuối đập ngay vào mắt họ một sự thật hiển nhiên: “không sinh và không diệt, không thêm và không bớt”. Quả đúng với lời phát biểu của định luật bảo toàn tổng quát - chẳng có cái gì tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi, mọi sự không có thêm bớt. Tóm lại, tất cả đều được bảo toàn. Sự bảo toàn ấy dường như đã được mặc định bởi một “đấng tối cao” nào đó và tồn tại như một thực thể khách quan qua hàng đời, không thêm bớt sinh diệt - chính như cái thuyết của Phật đã giảng cách đây hơn hai ngàn năm.
Cách hành lễ ở các chùa Việt Nam ta bao giờ cũng bắt đầu bằng hồi chuông trống Bát nhã đánh chậm rồi nhanh dần và dồn dập như thức tỉnh con người ra khỏi những nguồn mê, và kinh Bát Nhã đã khai sáng cho ta nguồn tri thức tuyệt vời.
Có thể vận dụng định luật bảo toàn để nói về quá trình hình thành vũ trụ. Thuyết Big Bang cho rằng vũ trụ ra đời từ một vụ nổ lớn, ở thời điểm 10-43 giây thì quả đất có bán kính 10-33 cm (đơn vị không - thời gian Plank). Sau đó nó to lớn một cách nhanh chóng và độ giãn nở ấy chậm dần, cho đến hôm nay thì thành một quả đất to lớn. Nếu áp dụng định luật bảo toàn thì ngay lúc mới sơ khai, cái hạt bán kính 10-33 cm hài nhi trái đất kia chắc phải bao hàm một nguồn năng lượng và khối lượng vô cùng vô tận. Điều đó liệu có liên quan gì đến giả thiết của một lỗ đen năng lượng lớn mà từ đó sinh ra trái đất không? Tôi muốn dành câu hỏi này cho các nhà khoa học.
Luân hồi
Trở lại với thí nghiệm ví dụ vừa đưa ra ở trên. Khi ta đốt nhiên liệu trong bình xi lanh thì nhiệt năng gây ra áp lực tác dụng lên khuỷu trục truyền chuyển động đến các bánh xe, chiếc xe chạy. Bây giờ giả sử có một thanh sắt chắn ngang phía trước để chiếc xe va chạm và dừng lại. Ta tự hỏi vậy cơ năng đã đi đâu mất? Lúc này toàn bộ cơ năng chuyển thành nhiệt năng ở thanh sắt và đầu xe. Vậy là đã có một quá trình chuyển biến hai giai đoạn của năng lượng: nhiệt - cơ- nhiệt. Có thể biểu thị dấu mũi tên như sau
Nhiệt - Cơ
hay
Nhiệt - Cơ
| |
Cơ - Nhiệt
Nhìn vào sơ đồ trên, chúng ta dễ dàng thấy được một chu trình khép kín mà điểm đầu và điểm cuối trùng nhau - theo quan niệm nhà Phật thì đó là vòng luân hồi, tức sự lặp lại. Người ta đã tranh cãi nhiều về vấn đề có tiền kiếp hậu kiếp, có đầu thai sau khi chết hay không? Có thể dùng thí nghiệm này để khẳng định vấn đề rằng “có”. Bởi nếu ta công nhận tính đúng đắn của định luật bảo toàn năng lượng trong tự nhiên thì vòng luân hồi là một thực tại không thể chối bỏ.
Bởi lẽ đó là một sự thực hiển nhiên, nên khi chiêm nghiệm chúng thông qua lăng kính của định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, chúng ta không thể không công nhận. Và tôi khuyên bạn nên tin rằng kiếp này chưa phải là bến đỗ cuối cùng, chết chưa hẳn là hết mà chỉ là sự chuyển tiếp cho một biểu hiện mới của cái thân ta mà thôi. Luân hồi không chối bỏ một ai, những điều ta đã tạo ra, ta đều phải mang theo từ tiền kiếp và hậu kiếp như một năng lượng, dù dưới bất kỳ hình thức nào, nhiệt hay cơ đều vậy.
Nhân quả
Khi nhắc đến định luật III Newton (định luật đối xứng tương tác), chúng ta lại dễ dàng nhận ra một nguyên lý khác của nhà Phật cũng không kém phần quan trọng, đó là thuyết nhân - quả. Khi vật A tác dụng lên vật B một lực F thì ngay lập tức vật B phản tác dụng trở lại A một lực cùng độ lớn và ngược chiều, vậy là ta thấy ngay luật nhân - quả có mặt. Nhân (nguyên nhân): vật A tác dụng lên vật B --> quả (kết quả): vật B tác dụng lên vật A. Và nếu xét tiếp từ đây, ta có thể xem nhân: vật B tác dụng lên vật A, và quả: vật A tác dụng lên vật B. Vậy là lại một vòng luẩn quẩn tiếp diễn - cái vòng luẩn quẩn “khó hiểu” ấy chính là thuyết luân hồi mà ta nhắc ở trên.
Nhân quả trong đời sống có khi kéo dài rất lâu, thậm chí qua vài kiếp ta mới nhận ra. Ví như do kiếp trước tham lam nên mẹ của ngài Mục Kiền Liên bị giáng xuống địa ngục; xuống đó rồi mà bản tính tham lam vẫn còn nên khi chén cơm do ngài Mục Kiền Liên dâng vừa đưa đến miệng đã bốc thành than lửa.
Con người ta ngày nay làm việc thiện, bỏ việc ác cũng là cầu mong cho tương lai (có thể ngày mai, một hai năm nữa hay thậm chí là kiếp sau) được quả tốt - vậy là đạo Phật đi vào đời sống nhẹ nhàng mà ý vị, có cơ sở khoa học hẳn hoi chứ không đơn thuần chỉ là một niềm tin tôn giáo thông thường!
Có một nhà báo hỏi một vị sư rằng: “thầy tin rằng ở đời có luật nhân - quả?”. Vị sư thản nhiên đáp: “tôi không tin thì nó cũng đã có!”. Nó có, vì nó là một sự thực hiển nhiên vậy!
Nguyên lý sắc không - cấu tạo nguyên tử
Có một điều rất thú vị mà hẳn chúng ta đã từng được nghe, đó là phép thuật tàng hình; một luồng dư luận trái chiều đã nổi lên sau sự kiện này vào thập niên chín mươi ở thế kỷ trước. Cho đến bây giờ, ta có thể đặt lại câu hỏi là liệu con người có phép thuật trên hay không, liệu họ có thể đi xuyên qua bức tường hay không?
Có một điều thế này:
Ta đã biết nguyên tử là đơn vị cơ sở cấu tạo nên vật chất - thế giới. Sự phát hiện ra nguyên tử thêm một lần nữa chứng tỏ mọi vật đều tương đồng về một điểm chung, đó là cấu tạo cơ bản. Có thể xem nguyên tử là một hình cầu, đường kính cỡ 10-10 m (1A0), trong đó đường kính của hạt nhân cỡ 10-5 nm (10-4 A0). Nghĩa là đường kính nguyên tử gấp 10.000 lần hạt nhân của nó.
Ta hình dung nếu hạt nhân là quả bóng đường kính 10cm (bằng cái bát), thì nguyên tử là quả cầu đường kính 1km. Xung quanh hạt nhân còn có các electron còn nhỏ hơn rất nhiều, đường kính 10-8 nm (10-7 A0). Xin không nhắc đến số liệu về khối lượng cụ thể, chỉ nói thêm rằng hầu hết khối lượng của nguyên tử tập trung vào hạt nhân là chính. Nhìn qua các số liệu về đường kính nguyên tử, hạt nhân và các hạt electron, ta dễ thấy được sự muôn trùng vô hạn của không gian nguyên tử.
Tóm lại, nguyên tử hầu hết đều là khoảng không (chiếm 99,9 % thể tích nguyên tử). Nghĩa là thoáng qua có thể xem nguyên tử chẳng có gì, chẳng có gì vậy mà lại có, thế mới hay! Đó chính là thuyết sắc-không-tức-thị của nhà Phật. Vốn dĩ mọi sự là sắc sắc không không, sắc (có) đó rồi lại không, không rồi lại sắc liền ngay, biến hóa vô thường.
Trở lại điều “ảo tưởng” đặt ra ở trên, ta tưởng như có thể đi qua bức tường dễ dàng, vì bức tường được cấu tạo nên từ nguyên tử, mà nguyên tử thực chất thì rỗng không, tức là bức tường thực chất cũng rỗng không (99,9 %) thì tại sao ta không đi qua được? Xin thưa, cái ngăn cản chúng ta chính là lực (force). Lực liên kết giữa hạt nhân với các electron vòng ngoài khá mạnh, chỉ trường hợp có tác nhân ion hóa thì mới làm thay đổi các lực này mà thôi. Những lực liên kết ấy làm cho khoảng không bỗng nhiên mà thành có - vậy là không thành sắc.
Lực là một đại lượng vật lý nhưng nó có phải là vật chất hay không? Nó là một dạng thù hình của vật chất có chứa năng lượng. Ta không nhìn được lực, không nắm được lực (cái không) nhưng khi có tác dụng thì nó biểu hiện (thành cái sắc). Vậy nếu có một “phép lạ” nào đó thì có thể đi xuyên qua một bức tường dễ dàng vì thực chất bức tường là trống rỗng, ta chỉ cần thắng được lực liên kết giữa electron với hạt nhân và lực giữa các nguyên tử. Chữ “phép lạ” tôi để trong ngoặc kép (“ ”) bởi đó có thể là một tác dụng vật lýnào đó thuần túy khoa học sẽ được phát hiện ra chứ không phải là một ma lực siêu nhiên phi tưởng.
Một số người có khả năng nhìn xuyên qua vật cũng có thể lý giải bằng thuyết sắc không của nhà Phật. Lúc đó mắt ta phát ra một loại tia sáng có thể vượt thoát được lực cản trong bản chất vật.
Tính phi thời trong kinh Tam Di Đề
Năm 1905, nhà Vật lý học Einstein đã đưa ra thuyết tương đối, trong đó đề cập đến một vấn đề quan trọng là thời gian. Khác với trước đây, người ta từng nghĩ rằng thời gian là tuyệt đối, thời gian như dòng nước “một đi không trở lại”. Ngay khi thuyết tương đối ra đời, nó đã bị bác bỏ bởi nhiều thiên kiến khác nhau và mãi nhiều năm sau vẫn là đề tài nóng bỏng chưa được chấp nhận. Làm gì có chuyện co giãn thời gian, làm gì có chuyện đã qua đi mà lại có thể quay về. Phi lý!
Thế nhưng bây giờ nhân loại đã hoàn toàn tin vào sự “tuyệt đối” của thuyết “tương đối”. Mặc dù Einstein là người tìm ra thuyết Tương đối của thời gian, nhưng trước đó mấy ngàn năm, Đức Phật đã phát hiện ra được điều này. Ngài gọi đó là tính phi thời, và những tư tưởng ấy đã được ghi lại trong kinh Tam Di Đề (Samiddha). Có hai thuật ngữ quan trọng làm mấu chốt cho việc hiểu được ngụ ý của Đức Phật đó là kala (tiếng Phạn nghĩa là thời gian), thêm tiền tố a vào thành akalika (nghĩa là phi thời gian).
“Kinh ghi lại lời Bụt đã nói với vua Ba Tư Nặc về vấn đề thời gian. Khi vua đến thăm Bụt lần đầu tiên thì Bụt mới có 38 tuổi. Vua đã hỏi Bụt: ‘Sa môn Gotama, người ta thường ca ngợi Ngài là Bụt, Ngài là người đã đạt tới quả giác ngộ cao nhất. Trẫm băn khoăn tự hỏi: tuổi Ngài còn nhỏ, năm tu của ngài cũng còn ít thế mà tại sao Ngài lại đạt tới thành quả đó được? Trẫm đã nghe nói đến nhiều vị đạo cao đức trọng như Purana Kassapa, như Makkhali Gosala… họ là những vị tu lâu năm tuổi tác đều lớn tại sao họ không tự nhận là Bậc Chính Biến Tri Giác’. Bụt ôn tồn trả lời: ‘Đại vương, vấn đề chứng ngộ không phải là vấn đề tuổi tác, vấn đề chứng ngộ không phải là vấn đề thời gian’” (theo Hạnh phúc mộng và thực - Thiền sư Thích Nhất Hạnh).
Trong cuộc đối thoại trên, Phật chỉ nói có mỗi một câu mà quan trọng là mấy chữ cuối cùng. Nhưng chừng ấy cũng đủ thấy trong tư tưởng Phật đã ngộ ra được tính tương đối của thời gian mà Ngài gọi là phi thời (akalika), điều này cũng dễ hiểu vì trước đó năm 35 tuổi Ngài đã ngộ được pháp và trở thành Bậc Đại trí. Xét theo một tiến trình, người ta thường sắp xếp trước sau và họ tin tưởng điều ấy là xác đáng tuyệt đối; chính vì sự nông cạn ấy mà nhà vua cứ ngỡ cái hành trình đến bờ giác của Đức Giáo chủ Gotama phải là một quá trình tuần lưu thứ tự, không thể nhanh như vậy được, và dĩ nhiên Đức Phật chỉ trả lời “vấn đề chứng ngộ không phải là vấn đề thời gian”. Có nhiều phương thức để chúng ta tiến nhanh, và thậm chí vượt thoát cả thời gian, điều ấy ngày hôm nay đã được chứng minh.
Ta có công thức biến đổi Lorentz
t’=t/g
Trong đó g = (1 - v² / c²)½
Nghĩa là nếu chuyển động với vận tốc quá lớn thì thời gian sẽ co ngắn lại, chính cái sự tu tập quá hanh thông của Tất Đạt Đa đã giúp Ngài trở thành Buddha sớm như vậy.
Về tính phi thời, ngày nay ngành vật lý hiện đại đã sử dụng nhiều và đưa việc giáo dục nó vào với thế hệ trẻ từ rất sớm. Trong các bộ truyện tranh Đôrêmon của Nhật Bản, ta thường thấy có cỗ máy thời gian có thể quay ngược trở lại lịch sử - cỗ máy ấy chính là một động cơ có vận tốc cực lớn đủ sức làm co thời gian và uốn dòng chảy của thời gian ngược trở lại.
Chúng ta đang sống giữa thời đại bùng nổ và giao thoa giữa tất cả các lĩnh vực. Một trong những vấn đề khai mở quan trọng là sự gặp gỡ giữa Phật giáo và khoa học, những điều ấy thêm một lần nữa củng cố tính chất bền vững của Phật giáo, vì đó là tôn giáo có cơ sở khoa học hẳn hoi. Cũng có thể nói khoa học là một lĩnh vực có nhiều yếu tố bí ẩn mà phép mầu của đạo Phật đã chứng minh. Rất nhiều sự gặp gỡ khác đã được nói đến, ở đây tôi không muốn nhắc lại, còn những gì chưa tìm ra thì quả là vô vàn mà hiểu biết của ta thì có hạn, làm sao có thể thâu tóm vào trong một bài viết ngắn cho được.
HCD. Huế 2007
http://hkzanh.vnweblogs.com/post/4184/64490