Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

DƯỠNG SINH THEO BS NGUYỄN KHẮC VIỆN

Phương pháp dưỡng sinh của cố BS. Nguyễn Khắc Viện đã được nhiều người biết đến, chủ yếu là nằm trong cách thở. Để có một sức khỏe tốt, ngoài tập thở theo phương pháp Nguyễn Khắc Viện, cần có thói quen sinh hoạt thế nào để sức khỏe tốt? Bà Nguyễn Thị Nhất, vợ cố BS. Nguyễn Khắc Viện chia sẻ với bạn đọc một vài điều về nếp sống và cách tập thở của ông bà.




Dưỡng sinh theo cố BS. Nguyễn Khắc Viện 

Từ sức khỏe không tốt

Trong quá trình học tập và làm việc tại Paris, BS. Nguyễn Khắc Viện bị lao phổi nặng, phải nằm viện 10 năm, lên bàn mổ 7 lần, dung tích thở rất thấp, chỉ còn 1 lít. Đây là dung tích của một người rất yếu. Nhiều người nghĩ BS. Nguyễn Khắc Viện không còn sức khỏe để làm việc. Thế nhưng sau đó, khi về nước, ông vẫn công tác bình thường, vừa làm việc trong nước, viết sách, viết báo, ông còn đi công tác ra nước ngoài nhiều lần.

Động tác 2. Ảnh: TM

BS. Nguyễn Khắc Viện vượt qua được tình trạng thiếu thở ấy là nhờ phương pháp tập thở từ thuyết khí công của Trung Quốc, Yoga Ấn Độ.

Bà Nguyễn Thị Nhất cho biết, để rèn luyện sức khỏe, cố BS. Nguyễn Khắc Viện cũng như bà thường xuyên tập thở. Trước khi đi ngủ và sáng dậy hai ông bà luôn tập thở và làm những động tác thể dục đơn giản, sau đó bắt đầu làm việc. Nếu lúc nào thấy mệt mỏi (sau một tiếng đồng hồ) là ngưng việc để ngồi thiền và tập thở.

Trong sinh hoạt, cả hai không lạm dụng chất kích thích, không rượu trà thuốc lá, sống hòa nhã, điềm đạm. Bây giờ, ở tuổi 85, bà Nguyễn Thị Nhất vẫn nhanh nhẹn, vui tươi, mạnh khỏe. Bà thường xuyên đọc báo, sử dụng internet, điều hành Trung tâm nghiên cứu tâm lý và Tâm bệnh trẻ em do BS. Nguyễn Khắc Viện sáng lập từ năm 1989.

Phương pháp thở Nguyễn Khắc Viện

Tại sao việc tập thở lại quan trọng như vậy? Bởi vì thở đúng sẽ đưa được lượng ôxy hữu ích vào phổi càng nhiều càng tốt và tống ra được càng nhiều càng tốt khí CO2, giảm bớt được khối không khí độc trong đáy phổi. Làm được điều đó khiến người tập tăng đáng kể việc chuyển hóa máu đen thành máu đỏ và tăng cường ôxy, nguồn sống cho con người.

Cố BS. Nguyễn Khắc Viện và vợ thường áp dụng trình tự tập thở này một cách rất nhẹ nhàng và nhiều người cũng đã áp dụng theo:

- Ngồi trên ghế, tay thả lỏng, không nhúc nhích hai vai. Nghĩ mình đang cầm một bát cháo nóng, thổi nhè nhẹ qua miệng như làm cho cháo nguội dần, thổi rất chậm, thót bụng để thổi ra. Khi bụng thót hết cỡ, ngừng thổi, cho bụng phình lại nhẹ nhàng để thở vào. Bụng phình lên hết, ngưng một tý rồi thở ra, cứ làm 4-5 phút như vậy rồi nghỉ.

- Động tác thót bụng, phình bụng làm quen rồi, không cần cho không khí qua miệng nữa. Sau đó chỉ cho qua mũi, ra vào đều qua mũi. Tập thở như vậy có thể trong các tư thế: nằm ngửa (hai chân gấp), nằm sấp, nằm nghiêng một bên, bò 4 chân, quỳ gấp lưng, đứng thõng tay phía trước... Có thể cả lúc đang đi ngoài đường hoặc ngồi trên xe đạp, xe máy thấy căng thẳng là thở ra hít vào vài lượt.

Động tác thở thực hiện với một hệ thống cơ bắp gồm:

- Chủ yếu là cơ hoành nằm ngang giữa ngực và bụng, thành một cái vòm mặt trên tiếp giáp tim phổi, mặt dưới giáp với gan và khoang bụng, trong đó có các bộ phận tiêu hóa, dạ dày, ruột và các nội tạng khác.

- Lúc cơ hoành hạ xuống, lồng ngực ở dưới nở ra, đồng thời các cơ gắn với các xương sườn kéo sườn lên; lồng ngực nở ra theo hai chiều: Chiều đứng và chiều ngang.

- Phần dưới của lồng ngực, tức là hai chỏm vú trở xuống nở ra nhiều nhất vì đây gồm những bộ phận mềm; cơ hoành là đáy lồng ngực, và hai cánh sườn phía trước là sụn. Phần trên của lồng ngực cũng nở ra, nhưng ít hơn vì đây là phần cứng, gồm các xương sườn kéo từ cột sống đến xương ức.

- Lúc cơ hoành hạ xuống, các nội tạng trong bụng bị dồn xuống, bụng phình lên; lúc ấy không khí bị hút vào vì vậy có động tác phình bụng thở vào. Lúc cơ hoành nâng lên, không khí bị đẩy ra, các nội tạng trong bụng bị kéo theo, bụng thót lại vì vậy có động tác thót bụng thở ra.

Sau đây xin ghi lại bài vè tập thở của BS. Nguyễn Khắc Viện giúp dễ nhớ và dễ tập:
Thót bụng thở ra.
Phình bụng thở vào.
Hai vai bất động.
Chân tay thả lỏng.
Êm, chậm, sâu, đều.
Bình thường qua mũi.
Khi gấp qua mồm.
Tập trung theo dõi.
Luồng ra luồng vào.
Đứng ngồi hay nằm.
Ở đâu cũng được.
Lúc nào cũng được.

Nhớ phải theo thật đúng, không được bỏ sót câu nào.

Minh Thu(ghi)


Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện qua hồi ức của bạn bè và người thân

Sinh năm 1913 mất năm 1997, ông là người có đóng góp lớn đối với ngành tâm lý, với nền văn hóa và giáo dục Việt Nam. Tuy bị bệnh phổi nặng nhưng với nghị lực phi thường, ông đã đẩy lùi giờ hẹn với thần chết tới gần 50 năm. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin giới thiệu với bạn đọc một số kỷ niệm ít được nhắc tới về người thầy thuốc này.

"Nhiều người coi việc ông Viện sống hơn nửa thế kỷ sau khi bị cắt 3/4 lá phổi là một điều kỳ lạ. Với tôi, điều này rất dễ hiểu. Khi bị thiếu hụt một phần cơ thể, người ta sẽ huy động tối đa các phần khác để bù lại. Ở ông Viện, cội nguồn của nghị lực chính là niềm khao khát được sống" - Giáo sư Đặng Phương Kiệt, người từng làm việc với bác sĩ Viện, nói.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
Trong thời gian học và làm việc ở Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mắc bệnh lao, bị phẫu thuật cắt phổi 7 lần, mất 8 xương sườn, dung tích thở chỉ còn hơn 1 lít (ở người bình thường là 4,5 lít). Bác sĩ điều trị cho biết ông chỉ có thể sống thêm khoảng một vài năm. Không muốn chấp nhận kết cục đó, ông đã tìm đọc khí công, Yoga và tìm thấy con đường sống của mình: tập thở bụng để tận dụng tối đa công năng của phần phổi còn lại. Con người gầy gò luôn tiết kiệm từng hơi thở này đã liên tục vượt qua bản thân và những trở ngại của cuộc sống để thực hành một tâm nguyện: làm sao cho mọi người, nhất là trẻ thơ, được khỏe khoắn về tâm thần, nhờ đó mà có cuộc sống hạnh phúc.

Giáo sư Kiệt cho biết, việc xây dựng ngành tâm lý học ở Việt Nam và ứng dụng nó trong phát triển văn hóa - giáo dục đã được bác sĩ Viện ấp ủ từ những ngày du học. Năm 1948, từ Pháp, ông gửi về cho Chính phủ một bản tường trình về cải cách giáo dục, đề nghị dạy trẻ dựa trên đặc điểm của quá trình phát triển tâm lý. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, văn bản này không được quan tâm. Khi về nước, ông lại được giao làm công tác đối ngoại, phụ trách Nhà Xuất bản Ngoại văn. Vì vậy, điều mà bác sĩ Viện hằng ấp ủ chỉ được thực hiện sau đó 40 năm (1989), lúc ông về hưu. Tập hợp một số nhà khoa học, bác sĩ Viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em (NT), có cơ sở ở nhiều địa phương. Với sự ra đời của cơ sở này, lần đầu tiên, các nghiên cứu về tâm lý học được thực hiện trên lâm sàng và cũng lần đầu tiên, một số vấn đề về thể chất ở trẻ như chán ăn, đái dầm… được soi xét dưới góc độ tâm lý. Theo giáo sư Kiệt, chính những nghiên cứu của NT đã đặt nền móng cho tâm lý học trẻ em ở Việt Nam

Một người bạn tri kỷ của Nguyễn Khắc Viện, ông Nguyễn Thanh Huyên, cho rằng bí quyết thành công của vị bác sĩ Viện nằm ở chỗ con người ông mang cốt cách nhà nho trọng đạo lý nhưng lại có đầu óc thực tiễn của phương Tây. Sự kết hợp giữa cái tâm nhiệt thành và cách tổ chức khoa học đã giúp ông thành công trong việc cổ động thanh thiếu niên đá cầu. Ông nhận thấy trò chơi mà mình mê từ thuở học trò này rất thích hợp với hoàn cảnh “con nhà nghèo” của Việt Nam. Nó nhẹ nhàng và linh hoạt, giúp cơ thể vận động toàn diện. Quả cầu dễ làm (chỉ mấy mảnh cao su mỏng khoét lỗ, giữa nhét một túm sợi nylon), chỉ cần một khoảng sân nhỏ là đủ cho cả nhóm người chơi. Để đạt được mục đích, đầu tiên, bác sĩ Viện lập ra đội đá cầu của Nhà xuất bản Ngoại văn, sau đó sang một số cơ quan khác vận động lập đội cầu để thi đấu. Ông cũng đến tận tòa soạn báo Thiếu niên xin làm cộng tác viên môn đá cầu. Vị bác sĩ già còn tự sản xuất hàng bao tải cầu để bán cho thiếu nhi. Trẻ con xung quanh khu tập thể nhà xuất bản không biết gì về học giả Nguyễn Khắc Viện, nhưng rất thân thiết với ông lão bán cầu dễ mến, tuy người ẻo lả như cây sậy nhưng đá cầu rất "nghệ". Ông Huyên kể, trong những lần đi bộ sang chơi nhà ông, bác sĩ Viện thường đeo trước ngực một cái bị đựng cầu với dòng chữ “Bán cầu, 500 đồng/quả” để “tiếp thị” các cháu thiếu nhi dọc đường.

Vợ chồng bác sĩ Viện (ảnh chụp năm 1996)
Với cách tác động nhiều mặt như vậy, một thời gian sau, trò chơi này trở nên phổ biến và được dạy chính thức trong trường phổ thông. Còn ông lão bán cầu thì được nhận bằng khen của Bộ trưởng Văn hóa thông tin thể thao năm 1990 vì công lao khôi phục và phát triển môn đá cầu.

Những người từng tiếp xúc với Nguyễn Khắc Viện cũng khâm phục ông ở khả năng tự tiết chế bản thân. Theo lời kể của ông Nguyễn Khắc Cầm, em con chú của bác sĩ Viện, trong một lần đi công tác Campuchia, bác sĩ bị viêm phế quản nặng, các cơ sở y tế nước bạn không có khả năng cứu chữa. Thế là ông nằm khoanh lại với một tư thế tiêu hao ít năng lượng và ôxy nhất, dặn mọi người cứ để nguyên như vậy mà chuyển ông về Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) vì chỉ cần xê dịch một chút là chết ngay. Và lần đó, ông đã qua khỏi.

Có lần, ông Cầm đến nhà bác sĩ Viện chơi, nói chuyện một lúc, bác sĩ nhìn đồng hồ thốt lên: “Chết, đã 12 giờ rồi sao? Anh phải chợp mắt 15 phút mới được”. Và thế là ông đặt lưng xuống chiếc giường cạnh đó, chỉ một phút sau đã ngáy khò khò, đến đúng giờ thì tự động ngồi dậy.

Ông Nguyễn Thanh Huyên tâm sự: “Sự tự chủ cao của anh Viện thể hiện ở khả năng tri chỉ - biết dừng lại. Chẳng hạn, khi về già, anh tập trung nghiên cứu tâm lý trẻ em. Mặc dù bạn bè ở nước ngoài gửi về nhiều tài liệu rất hấp dẫn nhưng anh chỉ đọc những sách về lĩnh vực này, tự biết rằng nếu tham lam thì sẽ không đủ thời gian và sức lực để nghiên cứu đến nơi đến chốn. Ngay cả với sự sống cũng vậy. Tuy rất quý từng giây phút của mình và kiên trì luyện tập để được sống nhưng đến tuổi 84, khi sức khỏe trở nên kiệt quệ, anh cho rằng mình nên ra đi. Anh đã viết thư cho các đồng nghiệp ngành y, đề nghị không có bất cứ sự can thiệp nào khi mình ngã bệnh, để cho anh được chết nhẹ nhàng. Và mọi sự đã xảy ra đúng như ý anh”.

Trong ký ức của bạn bè và người thân, Nguyễn Khắc Viện để lại dấu ấn khó phai mờ về cách đối nhân xử thế. Tiến sĩ Nguyễn Văn Xiêm, một người bạn của bác sĩ, nhận xét: "Trong ông Viện, cái chất thầy đồ Nghệ vẫn còn đậm lắm. Hai ông bà ở trong căn phòng bé xíu ở đường Nguyễn Chế Nghĩa, nhưng khi được nhà nước phân nhà thì dứt khoát nhường cho người khác. Những tiêu chuẩn ưu tiên, bồi dưỡng của ông cũng được dành cho các chị tạp vụ và một số người có hoàn cảnh khó khăn trong cơ quan. Đối với bạn bè gặp hoạn nạn, ông lặng lẽ giúp đỡ. Cô con gái mà ông bà nuôi dưỡng chính là con của một đồng nghiệp lỡ mắc vòng lao lý".

Sinh thời, Nguyễn Khắc Viện thường nói đùa với bạn bè rằng: "Các ông định điếu văn điếu vẽ gì khi mình mất thì nên đọc ngay bây giờ, để có gì hay thì phát huy, dở thì kịp thời sửa chữa. Chứ khi chết rồi, các ông nói sao, mình nào nghe được". Và quả thật, khi còn sống, ông đã đọc được nhiều bài viết chứa đầy tình thương mến của bạn bè, đồng nghiệp in trên các báo. Đó là hạnh phúc lớn lao dành cho một người có cả tài và tâm, con người mà ngọn lửa nhiệt thành luôn cháy sáng trong từng giây phút của cuộc đời.

Thanh Nhàn

http://khiconghoixuancong.com/Tinchitiet.php?ht=bv&&id=105