1.2
Thích Bảo Lạc
Phật
giáo chỉ thật sự thành hình sau khi đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni ra đời, hành đạo
và chứng quả. Phật giáo, do chữ Phật (Buddha) ghép chung với chữ Pháp (Dharma)
tức là giáo pháp của Ngài mà thành một tôn giáo hay một triết thuyết.
Sự xuất
thế của đức Phật Thích-Ca trải qua các giao đoạn thực hành phương pháp tu tập,
giác ngộ chân lý và thuyết pháp giáo hóa chúng sanh suốt trong 49 năm tại thế
là một bài học sống động, hùng hồn nhất trong lịch sử xã hội loài người. Phật
vì một đại sự nhân duyên là "khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến"
(chỉ bày cho chúng-sanh giác-ngộ được trí-tuệ sáng-suốt Phật tánh) mà hiện thân
ra cỏi đời. Ngài không đến với loài người bằng uy quyền, thế lực mà đến với một
tâm đại từ-bi, đại hùng-lực để dẫn dắt con người tu-tập pháp lành và cầu đạt được
chân-lý giải-thoát mọi sự khổ ở đời.
Lịch-sử
chứng-minh rõ-ràng, sau khi Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài được các chúng đệ
tử kiết tập lại thành giáo điển qua bốn lần diễn ra tại những địa điểm và thời
gian khác nhau. Điều nầy còn chứng tỏ rằng Phật giáo đã thành hình ngay từ khi
đức Phật còn tại thế và suốt trong 25 thế kỷ trôi qua với biết bao nhiều triều
đại đã sụp đỗ mà giáo pháp của Phật và sự hiện diện của Phật giáo trong xã hội
loài người khắp nơi trên mặt trái đất vẫn còn tồn tại mãi mãi với thời gian...
Đạo Phật
là đạo như thật, lấy từ bi, trí giác soi sáng lương tâm nhân loại qua mọi thời
đại để cải tạo con người và xã hội được công bằng, hợp lý trong tinh thần lợi
tha, vô ngã. Vì thế các dân tộc Tây-phương ngày nay đang tìm về với triết học
Đông-phương mà Phật giáo là đề tài hấp dẫn qua môn Thiền-học hay Tư-duy
(meditation) để định tỉnh tâm tư mà họ đang quay cuồng trong xã hội văn minh vật
chất nên không tìm ra được một lối thoát thoải mái cho đời sống nội tâm.
Sự có mặt
của Phật giáo trong cuộc đời cũng có nghĩa là còn ánh sáng của chân lý soi thấu
tận cùng trong tâm thức tối tăm của loài người đang tới hồi kiệt lực vì sự cạnh
tranh sanh tồn của cuộc sống phức tạp, đa diện hiện nay.
Thích Bảo Lạc