Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Phương pháp đọc sách có hiệu quả

77.3
(ĐHVH)- "Phương pháp đọc sách có hiệu quả" là bài viết của PGS.TS Trần Đức Ngôn, nguyên Hiệu trưởng nhà trường. Đây là những kinh nghiệm được trải nghiệm, tổng kết từ chính quá trình học tập và nghiên cứu khoa học của Thày. BQT xin  trân trọng giới thiệu bài viết của Thày với các bạn sinh viên.

1. Học tập ở đại học: Nhân tố quyết định thành công là tự học
   Quá trình học tập nói chung bao gồm hai khâu: nghe giảng trên lớp và tự học ở nhà. Tuỳ từng cấp học, tỷ lệ tầm quan trọng của hai khâu này có khác nhau. Tầm quan trọng của nghe giảng trên lớp tỷ lệ nghịch với chiều tăng của cấp học. Cấp học càng thấp, việc nghe giảng trên lớp càng quan trọng; cấp học càng cao, việc nghe giảng trên lớp càng ít quan trọng hơn. Theo chiều hướng như vậy, tầm quan trọng của việc tự học tỷ lệ thuận với chiều tăng của cấp học.

   Đại học là cấp học cao trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tầm quan trọng của việc tự học cũng cần được xác định ở mức độ cao hơn hẳn so với trung học phổ thông. Vì vậy, nếu học ở đại học theo tinh thần học phổ thông thì không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà trường.
   Tự học bao gồm hai phương diện: tự nghiên cứu lý thuyết và tự thực hành. Đọc sách thuộc phương diện tự nghiên cứu lý thuyết.

2. Đọc sách như thế nào cho có hiệu quả ?

2.1. Nguyên tắc đọc sách:
    Đọc kỹ, hiểu sâu, nhớ lâu còn hơn là đọc nhiều, hiểu nông, nhớ ít.
   Cần coi đây như là một câu châm ngôn cho việc đọc sách.
   Không sốt ruột khi thấy người khác đọc nhiều, biết nhiều hơn ta. Hãy đặt câu hỏi: Liệu người đó có hiểu sâu bằng ta không? Hãy tự hào khi có đủ căn cứ để xác định là không.

2.2. Công việc đầu tiên là chọn sách để đọc
   Thầy có thể chọn sách cho ta. Chỉ cần chọn số lượng tối thiểu theo yêu cầu của thầy.
   Phải chăng số sách tối đa cần đọc, ta không quan tâm đến? Ta có thể  nắm nội dung những cuốn này thông qua người khác bằng những cuộc trao đổi, tọa đàm. Nếu không có người để trao đổi thì phải đọc qua, đọc lướt, cốt nắm được nội dung tổng thể, không cần hiểu sâu. Đối với những cuốn sách viết chuẩn về thể thức trình bày, chỉ cần đọc các phần cuối chương và đọc kỹ phần kết luận là đủ. Nếu có thời gian, hãy đọc kỹ hơn.
2.3. Đọc kỹ những cuốn sách đã chọn như thế nào?

2.3.1. Đọc phải đi đôi với ghi chép
   Ghi chép vào đâu? Không nên ghi vào vở, vào sổ tay hoặc vào một tập giấy trắng đã đóng thành quyển. Nên ghi vào những tờ giấy rời có khổ rộng bằng 1/2 tờ giấy A4. Đây là cách làm tiết kiệm nhất, khoa học nhất. Một tài liệu cần đọc có thể phải ghi hết 1 tờ, 2 tờ, thậm chí hàng chục tờ. Sau khi đọc và ghi chép xong, cần ghim các tờ giấy rời này lại thành tập để sử dụng trước mắt và lâu dài. Nếu đọc kỹ, ghi kỹ, những tập giấy này sẽ là tài sản vô giá cho chúng ta. Trong suốt cuộc đời về sau, khi cần, chỉ đọc nó là đủ, không phải đọc lại toàn bộ cuốn sách trước đây nữa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho công việc.

2.3.2. Ghi chép như thế nào đối với sách nghiên cứu, lý luận?
   Đây là điều khó nhất, cần sự kiên trì và say mê đọc sách.
   + Trang đầu tiên, phải ghi tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, xuất bản lần thứ mấy, cuốn sách có bao nhiêu trang. Nếu là bài báo trong tạp chí hoặc trong tuyển tập thì phải ghi thêm từ trang nào đến trang nào.
   + Lần lượt đọc từ trang đầu đến trang cuối cuốn sách. Đọc đến đâu, ghi lại các đề mục đến đấy. Không nên bỏ qua các đề mục vì sau này, khi xem lại các đề mục, ta có thể hình dung ra toàn bộ cuốn sách. Trong mỗi đề mục, cần ghi tóm tắt nội dung từ một đến hai hoặc ba dòng. Không cần tóm tắt kỹ, sẽ mất thời gian làm việc khác.
   + Quá trình đọc là quá trình đi tìm các luận điểm trong sách. Trong mỗi đề mục có những nhận xét, nhận định, đánh giá, lý giải của tác giả cuốn sách. đó là các luận điểm. Cần ghi lại những luận điểm này.
   Có hai cách ghi: Ghi tóm tắt và ghi nguyên văn (trích đoạn). Trường hợp nhận định của tác giả quá dài thì phải ghi tóm tắt, còn những nhận định tương đối ngắn, gọn, có thể ghi nguyên văn, để trong ngoặc kép. Trong cả hai cách, nhất thiết phải ghi số trang ở cuối đoạn trích hay tóm tắt. Việc này rất quan trọng cho việc trích dẫn sau này (không mất công tìm lại cuốn sách đã đọc).
   + Ngoài những luận điểm trong sách là các lời phân tích, các dẫn chứng minh hoạ. Những nội dung này, chỉ cần đọc để hiểu các luận điểm, không cần phải ghi lại. Trừ một vài dẫn chứng hay, ngưòi đọc cảm thấy thú vị thì có thể ghi lại.
   + Có cần ghi lại những nhận xét, suy nghĩ của chính người đọc sách không?
   Rất cần. Điều này thể hiện chiều sâu của việc đọc sách. Đọc sách không phải  là một quá trình nhận thức thụ động. Người đọc cần có chủ kiến, cần thể hiện năng lực phê phán của mình đối với những luận điểm của tác giả cuốn sách. Vì thế, nếu thấy cần thiết, người đọc có thể ghi chú (trong ngoặc đơn) những nhận xét khác với tác giả. Dĩ nhiên, những chỗ người đọc đồng tình với tác giả thì không cần ghi chú.
   + Sau khi đọc xong cuốn sách, cần đọc lại toàn bộ phần ghi chép để một lần nữa khắc sâu vào trí nhớ, biến nội dung này thành kiến thức của người đọc.

KẾT LUẬN
   Đọc sách phải hiểu sách, hiểu vẫn chưa đủ, cần nhớ sách. Việc ghi chép giúp ta nhớ sách lâu dài, giúp ta nhớ lại nhanh khi quên sách. Tài liệu ghi chép là những viên gạch xây nên tầm cao trí tuệ của chúng ta.

PGS.TS. Trần Đức Ngôn
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2008

http://huc.edu.vn/chi-tiet/570/Phuong-phap-doc-sach-co-hi-eu-qua.html