Có nhiều vị thiền sư
hiện đại cho rằng: “Giây phút hiện tại là giây phút quan trọng nhất và cần phải
an trú ở nơi giây phút ấy”. Nhưng, ở trong kinh Bhaddekaratta của Pàli, tương
đương với Thích trung thiền thất tôn kinh ở Hán tạng, thì đức Phật không dạy
như thế.
Ở trong các kinh nầy Ngài dạy rằng: “Một vị tu tập giỏi, vị ấy tâm không có mắc kẹt đối với thân năm uẩn trong quá khứ; đối với thân năm uẩn trong tương lai và cũng như không mắc kẹt đối với thân năm uẩn trong hiện tại,…”. Và lời dạy nầy, cũng đã được kinh Kim cang nhấn mạnh lại rằng: “Tâm quá khứ không thể nắm bắt; tâm hiện tại không thể nắm bắt và tâm vị lai không thể nắm bắt”.
Ở trong các kinh nầy Ngài dạy rằng: “Một vị tu tập giỏi, vị ấy tâm không có mắc kẹt đối với thân năm uẩn trong quá khứ; đối với thân năm uẩn trong tương lai và cũng như không mắc kẹt đối với thân năm uẩn trong hiện tại,…”. Và lời dạy nầy, cũng đã được kinh Kim cang nhấn mạnh lại rằng: “Tâm quá khứ không thể nắm bắt; tâm hiện tại không thể nắm bắt và tâm vị lai không thể nắm bắt”.
Điều quan trọng là ta có thấy
rõ, tính chất vô thường ở nơi thân năm uẩn ấy không; ta có thấy rõ thân năm uẩn
đang bị bức hại bởi tính chất vô thường ấy không; thấy rõ tính rỗng không ở nơi
thân năm uẩn ấy không và quan trọng hơn hết là ta có thấy rõ thể tính của thân
năm uẩn vốn tịch lặng, hoàn toàn không có tự ngã không.
Nếu không có cái thấy ấy, thì
mọi cái thấy của ta đều là những cái thấy không có gì chính xác cả. Cái thấy
không chính xác, không có khả năng giúp ta đặt mọi gánh nặng khổ đau trong đời
sống ra khỏi thân tâm ta.
Trong đời sống tu tập, ta cần
có cái thấy vô thường nơi vạn hữu, để buông bỏ mọi hạt giống chấp thủ đối với vạn
hữu ở nơi tâm ta; ta cần có cái thấy vô thường, để thấy rõ mọi sự hiện hữu giữa
thế gian đang bị vô thường bức hại, thanh toán và nuốt chững trong từng khoảnh
khắc, khiến cho ta phải nỗ lực làm những gì cần làm, nói những gì cần nói; và
không làm những gì không cần làm; không cần nói những gì không cần nói; nghĩ những
gì cần nghĩ và không cần nghĩ đến những gì không cần nghĩ.
An tịnh thân, an tịnh ngữ, an
tịnh ý, đó là những điều cần nghĩ và đó là những điều cần làm. Tại sao? Vì nghĩ
và làm những điều ấy, không những giúp cho ta đặt gánh nặng khổ đau sanh tử xuống,
mà còn giúp cho ta thấy rõ được tính duyên khởi, tính chân như, tính vô ngã nơi
ta và cả nơi vạn hữu nữa. Và đó là những điều cần làm, và phải làm ngay không
do dự, vì hành động của thân an tịnh không làm cho môi trường sống bị ô nhiễm;
không làm cho khí hậu của trái đất nóng lên; không làm cho Bắc băng dương hay
Nam băng dương chảy ra thành nước biển và không làm cho Thái bình dương trở
thành những điểm nóng tranh chấp. Và an tịnh ngữ hành cần phải làm, vì tự thân
nó chuyển tải ngôn ngữ của chân thật và tình thương; nó không biến thế giới con
người trở thành thế giới của chiến tranh miệng lưỡi; nó có khả năng tháo gỡ những
quả khẩu lôi ra khỏi miệng lưỡi con người và đưa thế giới con người đi đến với
thế giới âm thanh khoan hòa, từ ái. Và an tịnh tâm hành cần phải làm, vì tâm
không an tịnh, ta khó có được hành động không gây thiệt hại mình và người, ta
không thể nào có được những hành động bảo vệ người, vật và môi sinh một cách hợp
lý; ta khó bỏ qua những gì sai lầm mà người khác đã gây ra cho ta và ta đã từng
lầm lỡ đối với người khác ở trong quá khứ; không những vậy mà ta cũng khó có hạnh
phúc trong hiện tại, để làm nền tảng hạnh phúc cho ta trong tương lai. Không an
tịnh tâm ý, ta không tài nào thiết lập được tịnh độ cho chính ta và cho những
người ta thương yêu. An tịnh tâm ý là gốc rễ của tịnh độ và là nền tảng để thiết
lập một quê hương xinh đẹp, xanh sạch và trang nghiêm nơi thế giới mà ta đang
hiện hữu.
Ta phải thực tập chánh niệm để
duy trì cái thấy vô thường; cái thấy các pháp tương tác duyên khởi ở trong thế
gian, đang bị vô thường bức hại; và cái thấy vô ngã nơi vạn hữu ngay ở nơi tâm
ý an tịnh của ta, và ý thức chánh niệm có đủ năng lực rọi sâu xuống nơi tâm thức
của ta, khiến cho những hạt giống vô minh, chấp ngã nơi tâm ta bị đốt cháy và bị
quét sạch bởi tuệ, bấy giờ ta liền có tâm giải thoát. Tâm ấy đem lại sự an bình
đích thực cho ta. Nên, lúc nào và ở đâu ta cũng có an lạc, chứ không phải chỉ
có “ở đây và bây giờ”.