Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2006

Tứ Động Tâm – Lâm Tỳ Ni, Nơi Đức Phật Đản Sanh

Vào thời vua Tịnh Phạn, vườn Lâm-tỳ-ni là một khu vườn đầy hoa tươi cỏ lạ. Trong vườn có đầy cây xanh và bóng mát. Vẻ đẹp của Lâm-tỳ-ni đã quyến rủ đến độ hoàng hậu Maya trên đường từ Ca-tỳ-la-vệ về lại quê cha mẹ phải ngừng chân nghỉ và thưởng ngoạn.

Lâm-tỳ-ni nằm trên một ngọn đồi thuộc chân dãy Hy-mã-lạp-sơn, ngày nay thuộc vương quốc Nepal và trên đường từ thành Ca-tỳ-la-vệ đi Devadaha. Đây là một khu đất rộng 4km x 4km, trồng rất nhiều cây Simsapà. Đền Mayadevi và cột trụ Asoka, dựng lên vào khoảng năm 250 trước TL. Bên trong đền là cấu trúc nền nhà cổ xưa đã được khai quật, trong đó có một bia đá đánh dấu nơi Đức Phật đản sinh. Cạnh đền thờ là hồ Pushkarini, nơi Bồ Tát được tắm rửa sau khi đản sinh. Theo các sử liệu thì thái tử Siddharttha đản sanh vào ngày Vesak (tức là ngày trăng tròn tháng năm theo lịch Ấn Độ) vào năm 624 hoặc 625 trước Tây lịch.


Tuy Lâm-tỳ-ni là một trong những nơi quan trọng của thánh tích Phật Giáo nhưng nhiều năm tháng đã bị bỏ hoang và được nhà khảo cổ người Đức, ông Fóhrer, phát hiện năm 1895 qua tàn tích trụ đá vua A-dục, nhân một cuộc du ngoạn dưới chân ngọn đồi thuộc rặng núi Churia.

Lâm-tỳ-ni: Vào thời đại đế Asoka đến viếng thì vẫn còn là một thôn thịnh vượng có nhiều cảnh trí nên thơ. Nhà vua đã cho dựng bốn ngọn tháp và một trụ đá bằng sa thạch có tượng một con ngựa trên đầu trụ. Ngày nay trên trụ đá chúng ta vẫn còn thấy hàng chữ: “Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadrasi, người được chư thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và cúng dường cũng như lễ bái nơi đây. Bởi vì Đức Phật, thánh nhân dòng họ Thích, đã được đản sanh ra tại trụ xứ này”.

Không xa trụ đá là một hồ nước, đánh dấu nơi hoàng hậu tắm sau khi sanh thái tử. Đứng xa xa nhìn hồ nước vô cùng nên thơ, bầu trời phản chiếu trong nước một màu xanh ngọc bích, màu xanh da trời đã bị màu xanh rêu của nước biến thể đi, và tàn cây Bồ-đề to lớn với những cành dài vươn trên hồ như muốn tắm mình trong nước thật là nên thơ.

Ngày tháng xoay vần, đổi thay, Thánh tích Phật giáo này cũng không ngoài cuộc thịnh suy. Nơi đây đã đi vào quên lãng hơn sáu thế kỷ, nhưng thông điệp của Đức Phật là bất diệt, lớn dần và trở nên quan trọng qua từng thế kỷ. Nhất là trong thế kỷ này Giáo lý Phật-đà lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Những lời dạy về từ bi, hòa bình, bao dung và con đường giác ngộ đã được tất cả tôn giáo trên thế giới đón nhận.

TRỤ ĐÁ A-DỤC

Ngày nay chúng ta đến Lâm-tỳ-ni thì không còn gì nữa cả, chỉ còn chăng một trụ đá chơ vơ bị bào mòn bởi thời gian, và gãy đổ bởi giông bão. Trụ đá được bao bọc bằng một hàng rào sắt cũ kỹ. Tất cả khách hành hương đều ngậm ngùi dừng bước nơi chân trụ đá để tụng một thời kinh. Trụ đá làm bằng một loại sa thạch, có lẽ ngày xưa cũng bóng láng như đầu sư tử tại viện bảo tàng Sarnath. Nguyên thủy trụ cao bao nhiêu không biết, nhưng ngày nay chúng ta thấy một cây cột trên nhỏ dần, đường kính khoảng nửa thước và cao khoảng 5 thước. Trên trụ còn khắc hàng chữ như trên đã thuật, ngoài ra còn có thêm một hàng nữa là: “Dân làng Lâm-tỳ-ni được giảm thuế và chỉ phải đóng một phần tám thuế lợi tức mà thôi”

Từ dung thoáng hiện bên trời tịnh

Hương hạnh lời thơm giữa cõi trần

(Trích…)

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Hôm nay đoàn chúng ta đến chiêm bái đảnh lễ thánh tích Phật Đản sinh. Xin nhắc thêm về ý nghĩa Phật ra đời.

Theo lịch sử thì Đức Phật từ cung trời Đâu-suất thị hiện đản sinh làm thái tử Tất Đạt Đa và ra đời duới cội cây Vô ưu nơi đây, hiện tại chúng ta đến chứng thực rõ ràng di tích này. Ngài là một con người như bao nhiêu con người. Sinh ra đời lớn lên, cũng có gia đình, cũng thụ hưởng ngũ dục ở cung vua, cũng ăn cũng uống cũng học tập như bao nhiêu người. Tuy sống trong ngũ dục, Thái tử không đắm chìm trong đó mà Ngài có trí tuệ vượt bậc, một sức sống vươn lên khác thường, Ngài vượt ra tìm con đường giải thoát cho chính mình, cho chúng sinh. Những điều này đâu có ai dạy Ngài. Chung quanh từ vua cha, rồi phu nhân Da-du-đà-la cũng cố buộc chân Ngài lại, nhưng Ngài quyết chí vượt ra.

Quí vị đọc sử nhớ khi Ngài đi dạo bốn cửa thành thấy cảnh người già, người bệnh, người chết, rồi hình ảnh vị sa môn khiến tâm Ngài băn khoăn, cuối cùng Ngài quyết chí vượt thành xuất gia. Bao nhiêu người cũng thấy như vậy, song lại cho là chuyện thường ở thế gian. Còn Ngài thì thắc mắc tại sao người ta sinh ra rồi già, bệnh, chết, có cách gì vượt ra hay không? Thế nên Ngài quyết tìm con đường thoát. Ngài không chấp nhận, cúi đầu trước định luật của thế gian như mọi người. Ngài phải tìm cho ra nguyên nhân và phương pháp giải quyết. Kết quả Ngài giác ngộ và đã tìm ra nguyên nhân của sinh già bệnh chết tức là Mười hai nhân duyên. Tìm được nguyên nhân tức là giải quyết được vấn đề ấp ủ trong tâm Ngài bấy lâu.

Đây nhắc về Đức Phật lịch sử, về sự. Đức Phật lịch sử với ba mươi hai tướng tốt hiện nay Ngài nhập Niết-bàn rồi. Nếu chúng ta chỉ bám vào thân Phật với ba mươi hai tướng tốt thì khi Phật nhập Niết-bàn chúng ta lấy cái gì để nương tựa lâu dài?

Ngưng còn về lý, thì Phật ra đời từ đâu? Chính tâm giác ngộ hiện hữu trong mỗi người mới thật sự là nơi nương tựa, nhận được tâm đó là thấy Phật thật. Bởi vì chính nó biết mê, chính nó biết giác. Phật thành Phật là thành trong đó. Ra đời cũng từ trong đó. Như vậy chúng ta thấy rõ Đức Phật ra đời từ tâm giác ngộ mà ai ai cũng đều có. Đây chính là chỗ nương tựa lâu dài. Cho nên khi vua Trần Thái Tông tìm lên núi Yên Tử gặp Quốc sư Trúc Lâm bảo: “Phật không có trong núi, chính cái tâm lặng mà biết đó là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì ngay đây tức khắc thành Phật không phải nhọc nhằn tìm kiếm ở bên ngoài”. Chính cái tâm lặng mà biết đó mới là Phật, nếu nhận và tỏ ngộ được thì ngay đó Phật ra đời. Tức là tâm “biết” nhưng mà “lặng”. Vì lặng nên không theo duyên, tức là lìa duyên. Chính tâm đó là tâm giác ngộ, là nhân để thành Phật. Đó là Phật nhân. Hiểu và nhận được là đầy đủ cái nhân thành Phật, sống được và viên mãn công đức là thành Phật. Đức Phật ra đời cũng ngay trong đó. Cho nên người học Phật, học giác ngộ là học nơi tâm. Đây là căn bản và quan trọng.

Tóm lại, từ ý nghĩa này mỗi người nắm vững được căn bản học Phật, giúp chúng ta tu học vững vàng, bớt thời gian, bớt phí sức rất nhiều, Ngoài tâm học Phật, có khi lệch lạc, bị gạc cũng không hay. Chúng ta lo học cái này cái kia, biết đủ thứ chuyện trong đời, biết tới sao Hỏa, sao Mộc nữa, trong khi tâm mình lại không biết thì có thực tế không? Nếu mỗi người ngồi đây không có tâm thì sao? Không có tâm thì ra nghĩa địa rồi.


Đời này chúng ta cũng có duyên lành gặp được chánh pháp, gặp được thầy lành bạn tốt nhắc nhở, đánh thức chúng ta nhớ lại, không thì sự thiếu sót rất lớn. Mỗi khi quí vị mất chìa khóa tủ sắt, hoặc mất chỉ vàng thì sao? Là quýnh quáng chạy tìm lăng xăng, còn mất tâm thì sao không tìm? Đây là điều quan trọng. Nên nhắc lại để mỗi vị nhớ trở về tìm lại tâm mình. Nhưng tâm mình làm sao tìm? Chỉ cần rớt hết những cái không phải nó, buông hết những cái dư quá. Hiện giờ chúng ta đều dư quá nhiều rồi, quá tải luôn nữa, lại tưởng là thiếu, nên cứ lo chạy tìm. Một người có một tâm thôi thì đủ rồi mà chính đó mới là tâm gốc, nhưng hiện giờ mỗi người có mấy tâm? Tâm tham, tâm sân, tâm si là ba rồi, kể cả ngọn ngành nhỏ nhỏ tính đến hàng tỷ cái nữa. Cho nên dư quá nhiều, phải cho nó rớt bớt đến chỗ không còn gì để rớt nữa, thì đó chính là tâm mình. Đó là sống trở về. Vậy là nói tìm mà không có tìm gì hết! Chỉ buông đi là trở về gốc.

Hôm nay, chúng ta tương đối có chút trở về gốc, do duyên lành đoàn trở về và được ngồi lại nơi thánh tích Phật Đản sinh, xin nhắc lại chút ý nghĩa để mỗi vị nhớ, tỉnh giác, trở về tìm lại cái đáng tìm, cái gốc của mình; còn những cái không đáng tìm lại tìm, thật là đáng tiếc, đáng buồn. Sống tìm lại được bản tâm làm chủ cuộc sống, đó mới là chỗ nương tựa vững chắc lâu dài và cũng chính là mạch sống. Nếu người nhận được, sống được với bản tâm thì bảo đảm Phật pháp còn sống mãi ở thế gian và sẽ có nhiều Đức Phật tiếp nối ra đời. Mong rằng mỗi vị ý thức được nhân duyên hôm nay, nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả đều trở về sống được bản tâm của chính mình, viên mãn con đường học Phật và tiến thẳng trên đường chánh giác.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni.

Thiện Huấn

http://thegioiphatgiao.net/30/03/2012/tu-dong-tam-lam-ty-ni-noi-duc-phat-dan-sanh.html